Tôi chưa bao giờ nhìn thấy mặt Takeru. Không đúng, chắc chắn trong sáu năm học chung, đã có vài lần tôi thoáng nhìn thấy gương mặt của cậu. Nhưng tôi chẳng sao nhớ nổi.
Cậu nuôi tóc dài, để nó lòa xòa phủ xuống gương mặt. Tôi nhớ khi cậu ngồi sát bên cửa sổ, ánh nắng chiều lọt qua những tán lá, rơi trên tóc cậu. Những sợi tóc ánh lên như được bọc trong kim loại nhưng lại đủ mềm mại để bung ra khỏi nếp, che lấp đi cả gương mặt. Có đôi khi tôi nghe thấy cậu cười. Nhưng tiếng cười ấy cũng chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc, như một cái chớp sáng, nhanh đến nỗi tôi không nhìn rõ đó là thứ ánh sáng màu gì, nóng hay lạnh.
Đã rất nhiều năm sau, khi tưởng tượng lại gương mặt của Takeru, tôi chỉ thấy một khoảng tối đen được lắp bên dưới mái tóc dài, đặt ngay ngắn trên cơ thể nhỏ gầy. Bộ đồng phục được cài nút chỉn chu, ống tay áo mùa hè để lộ cánh tay khẳng khiu và những cơ thịt nhão của người ít vận động. Bên dưới lớp áo mỏng, tôi tưởng tượng ra khuôn ngực của cậu lặng lẽ phập phồng, cố gắng hít thở, đẩy căng không khí vào buồng phổi bé tí. Mạch máu lặn sâu dưới thịt, để mặc nước da luôn xanh xao. Những vết chai ở lòng bàn tay hơi cứng lại thành những mảng da nhạt màu. Ngón tay trỏ dài với đầu móng tay hơi nham nhở nhẹ nhàng lách qua những trang sách, lật chúng sang bên và lặng lẽ tạo thành những nhịp đều đặn. Cậu hay đọc một cuốn thơ haiku. Có đôi lần tôi ngó trộm cuốn sách đó qua vai cậu, đọc được những câu thơ như thế này:
Trên cành khô
Quạ đậu
Chiều thu.
Đối với tôi, đó là những ngôn từ trống rỗng. Những con chữ được sắp đặt cạnh nhau theo những quy luật bí mật. Cô giáo dạy Văn học cổ điển từng nói phải dùng trí tưởng tượng và sự liên tưởng rộng lớn để hiểu hết vẻ đẹp được cô đọng trong một dòng thơ ngắn gọn. Tôi thì lại thấy người đầu tiên sáng tác haiku chỉ là đang chép lại những hình ảnh đẹp bất chợt nhìn thấy vào một cuốn sổ để chuẩn bị nhét vào một tác phẩm văn học để đời nào đó của mình. Nhưng cái kẻ xem lén cuốn sổ đó rồi đem nó tung hê lên như thể nhìn thấy Edison phát minh ra bóng đèn có lẽ mới là người đã thực sự tạo ra haiku. Còn việc của lũ người đọc khốn khổ như chúng tôi là phải ngồi suy tư về chân lý cuộc đời vốn dĩ không tồn tại nhưng được thầm kín gửi gắm đâu đó trong mớ bản nháp này.
Một con quạ đậu trên cành khô thì có gì đau đớn xót xa đâu cơ chứ. Chiều vẫn là chiều, thu vẫn là thu. Những hình ảnh đẹp đẽ được tạo ra rồi gượng ép đứng cạnh nhau. Mỹ lệ nhưng hoàn toàn vô nghĩa.
Giống như Takeru.
Lần đầu tiên tôi thực sự nói chuyện với cậu là khoảng sắp đến kỳ nghỉ hè. Sức nóng khủng khiếp của mặt trời giống như cái chảo gang của đấng siêu nhiên liên tiếp quật mạnh xuống đầu tôi. Ngày hôm đó tôi trốn tiết học thứ ba của cô giáo dạy Văn học cổ điển, để ngăn cô trở thành đấng siêu nhiên thứ hai. Tôi tìm đến khoảng trống râm mát cạnh bể nước trên sân thượng. Và ở đó, tôi gặp Takeru.
Cậu giấu vội thứ trong tay ra sau lưng và dường như đang thầm mong cho tôi đừng nhìn thấy nó. Tôi ngáp dài. Cậu ngẩng lên nhìn tôi, bóng của bể nước che đi khuôn mặt đó, tôi không rõ cậu có cảm thấy lo lắng không. Tôi khẽ quay mặt để tránh hít vào vị tanh đang nhạt nhòa tan vào làn gió hâm hấp nóng. Những phân tử khí lãng du dưới nắng hè cũng đang chậm rãi bị hun chín. Vị tanh dần đổi thành mùi thơm. Takeru nói gì đó. Tôi nhìn xuống mái tóc dài của cậu rồi lơ đãng nhìn qua đỉnh đầu. Cậu lại đang nói gì đó. Tôi không thể tập trung nổi.
Một cơn gió mạnh ào tới, những chiếc lá bạch đàn bị bứt tung khỏi cành. Mùi nhựa thơm nhẹ nhàng dậy lên bạt đi thứ hương thơm tội lỗi kia.
"Đang là giờ học đấy. Cậu ra đây làm gì?" Takeru khẽ gắt lên.
Cuối cùng tôi cũng nghe thấy tiếng của cậu.
Thật là một câu hỏi ngớ ngẩn. Vậy còn cậu ta đang ngồi đây bận học Văn học cổ điển từ xa chắc. Tôi ngồi thụp xuống, ngắn gọn trả lời:
"Đói."
Takeru hình như đang nhìn tôi. Tôi cố gắng nhìn lại cậu ta nhưng không được. Mùi máu lại đậm hơn một chút.
"Hả."
Tôi không rõ từ mà Takeru vừa thốt ra có ý nghĩa gì. Một câu nghi vấn hay một kiểu xác nhận ngắn gọn. Tôi xoa xoa đầu, cố vò tung mái tóc ngắn lên nhưng không thể. Những sợi tóc lao xao rồi lại chỉnh tề quay lại theo một trật tự cố định. Không như mái tóc rối của Takeru. Cậu ta hỏi lại:
"Là sao?"
"Là đói không học được. Vậy được chưa."
"Vậy à."
Im lặng. Cậu ta không tin tôi. Còn tôi là kẻ dễ bực mình nếu có ai chẳng thèm tin vào lời nói dối của mình.
"Thế còn cậu. Con chim đó là sao?"
Takeru cười. Một tia sáng ảm đạm vụt qua rồi biến mất. Tiếng cười đó giống như tiếng cành cây khô giòn đang vụn vỡ dưới ánh mặt trời. Cậu ta quờ tay ra sau lưng, lôi một nắm lông nhỏ rồi chìa ra trước mặt tôi.
"Cậu thấy rồi hả. Bingo."
Lẽ ra cậu ta nên kêu “Bingo” trước nhất.
Những chiếc lông xanh xác xơ như lá mục. Đôi mắt đục lấm cát bẩn. Tôi chạm vào con chim đã chết. Thịt vẫn mềm nhưng da đã hơi lạnh. Máu bắt đầu kết vảy. Tôi định cầm lấy nắm lông xanh ấy nhưng Takeru đã vội rụt tay lại. Không chỉ trong tay, cả trên miệng của Takeru cũng phảng phất mùi máu. Tôi vờ hỏi:
"Cậu định đem nó đi chôn à?"
"Không. Con chim này đang tập bay. Tớ bắt được nó gần những cây táo dại." Cậu ta hơi nghiêng đầu nhìn con chim, như thể nó là một phát hiện mới lạ. "Lúc ấy nó vẫn còn sống."
Và giờ thì nó đã chết…
"Và rồi tớ đã giết nó."
Cậu nói câu cuối, cố gắng bày ra sự hả hê nhưng chẳng hiểu sao tôi lại thấy cậu đang xót xa, nuối tiếc, thậm chí là sợ hãi. Khi không thể nhìn thẳng vào mặt ai đó, việc đọc nội tâm của họ lại trở nên dễ dàng hơn một chút. Ngón tay út của Takeru khe khẽ run lên. Giết một sinh vật nào đó luôn là một gánh nặng. Phải không?
"Nó có ngon không?"
Tôi nheo mắt cười, cố nhìn vào bóng tối. Takeru hình như vẫn đang sững sờ trước câu hỏi ấy.
"À quên, mà cậu đã kịp nếm thử nó đâu mà nhỉ." Tôi cười.
Takeru không nói gì cả. Một giọt nước mắt rơi xuống nền xi măng rồi vỡ tung thành một tiếng đổ vỡ, dù đã cố ẩn mình vào tiếng gió nhưng vẫn đặc biệt rõ ràng. Cậu ta úp mặt lên cái xác chim đang dần cứng lại và nhỏ giọng khóc.
Ôi loài người. Họ thật là bí ẩn.
_ _ _ _ _o0o_ _ _ _ _
Takeru là con người. Điều đó là sự thật. Nhưng sẽ là nói dối nếu tôi nhận mình là con người. Darwin hãy còn phân vân chưa biết nên xếp giống loài của tôi ở nhánh nào trên cây tiến hóa. Ông ta đã phải suy nghĩ quá lâu, vậy nên loài người đành phải tự mình quyết định. Họ xếp chúng tôi dưới rễ cây, thấp hơn cả những sinh vật đơn bào đơn giản nhất.
Khi tôi sinh ra, thứ đầu tiên tôi nhìn thấy là bầu trời tối đen. Những vì sao lấp loáng tan ra rồi hợp lại. Mẹ kể rằng đó là ánh lửa của cuộc đi săn. Loài người khi ấy đang vội vã săn đuổi bố tôi.
Bố đã chết, để mẹ có thể bình yên sinh ra tôi. Đống tro tàn của ông được tưới bằng rượu nho và tiếng cười nói hân hoan của loài người. Họ đã diệt được loài quỷ dữ. Rượu vang rịn ra từ chòm ria mép của trưởng làng, chảy xuống thành từng giọt đỏ sẫm. Ngọn đuốc thiêu sống bố tôi cháy liền trong bảy giờ. Những đốm lửa lập lòe bị thu lại trong đôi mắt của mẹ, nhóm lên trong đó nỗi uất hận và tuyệt vọng mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhìn thấy.
Có lẽ bởi đã sống liền ba trăm năm thiếu vòng tay của bố, tôi dường như chẳng hề ngạc nhiên hay đau xót khi được nghe kể lại những chuyện đó. Nhưng bởi mẹ đã luôn rất buồn, vậy nên tôi phải giả vờ đau khổ. Thực ra cũng không khó lắm. Chỉ cần ôm lấy mẹ và xoa nhẹ bả vai bà, mặc cho những giọt nước mắt ướt đầy vai áo rồi khe khẽ thở dài. Mẹ sẽ cảm thấy được an ủi.
Chiếc khăn rửa mặt của mẹ dậy lên mùi như lá mục. Tôi lau cổ tay hãy còn đang rỉ máu của mình vào đó. Lớp bông vải xơ cứng cọ lên vết thương như muốn tuột theo cả lớp da. Tôi nhăn mặt rồi quăng cái khăn vào thùng rác. Cơn khát chầm chậm nổi lên. Tôi sơ sài băng lại cổ tay rồi mặc áo đồng phục. Đã hàng trăm lần tôi nhắc mình nên lia dao vào một vị trí kín đáo hơn nhưng mỗi lần mẹ mất kiểm soát tôi cũng chẳng còn đủ kiên nhẫn để nhớ đến chuyện đó. Đồng phục mùa đông luôn biến tôi thành một kẻ lập dị. Những lời xì xào sau lưng đâm sâu vào từng thớ vải, ngột ngạt hơn cả cái nóng của lớp áo khoác dày.
Bất chợt tôi nghĩ đến Takeru. Cậu có bao giờ nhìn theo lưng chiếc áo khoác của tôi không nhỉ? Tôi chẳng thể nào biết được.
Chúng tôi hay gặp nhau bên bể nước trên sân thượng.
Takeru luôn mang theo bento cho bữa trưa. Hộp bento màu nâu gụ cổ điển có in những lá phong đỏ và xanh cùng những đường kim tuyến mảnh màu vàng. Đó là một cái hộp bento rất lớn. Đủ để nhét vừa cả một con vẹt.
Ngày hôm nay, tôi chọc đầu ngón tay trỏ vào cái cổ đứt lìa của con chim bồ câu, để chút máu lầy nhầy đang vón cục dính lên móng tay và bình thản hỏi Takeru:
"Cậu tóm được chú này trong công viên hả?"
"Ừ."
Đáp lại bằng một tiếng ngắn gọn chẳng thể nhận ra vui buồn, Takeru cũng không thèm ngẩng lên nhìn tôi. Cái cách cậu hoàn toàn trống rỗng khi đối diện với những bữa trưa luôn làm tôi cảm thấy tò mò. Cậu ta có hối hận khi bẻ cổ lũ chim, vặn cái đầu cho đến khi đứt hẳn, để máu vấy đầy lên tay không.
Tôi chống tay nhìn xuống mái tóc của Takeru. Soi dưới ánh mặt trời, những sợi tóc đen của cậu lại như hơi nhuốm sang màu nâu hạt dẻ. Có lẽ là bởi cháy nắng. Tôi vươn tay ra định chạm vào tóc cậu. Takeru giật mình quay lại. Tôi vội vàng luồn tay vào mái tóc ấy rồi dợm kéo cậu lại gần nhưng Takeru đã kịp chững lại, gần như muốn thoát khỏi tay tôi. Cậu làu bàu:
"Tớ chưa ăn."
"Không đợi được nữa rồi." Giọng tôi gần như lạc đi.
Takeru thở hắt ra như buông xuôi. Những thớ cơ ở cổ được thả lỏng, mặc tôi kéo đầu cậu lại gần, mặc hơi thở của tôi xôn xao rót lên mái tóc thoáng cháy nắng. Tôi ngửi mùi tóc của cậu. Mùi nhựa lá bạch đàn thoang thoảng lẫn với nắng hạ. Tôi kéo vai áo Takeru. Ẩn mình bên dưới hàm răng giống như loài người, chiếc nanh hút máu chậm rãi dài ra, đâm lên làn da xanh xao lạnh ngắt. Cậu khẽ rùng mình. Tôi vội nhả ra, lùi lại và ngắm nhìn một chút. Một giọt màu đỏ trồi lên qua miệng vết thương, bị thổi căng ra, ngào ngạt tỏa hương dưới nắng hạ. Tôi lặng ngắm viên hồng ngọc tinh khiết nhất dần thành hình, mỏng manh đến độ sắp tan chảy thành một vệt tiếc nuối. Vị đắng nhẹ nhàng lan trên môi ngay khi tôi vừa chạm tới, cuốn vào lưỡi và để lại dư vị ngọt ngào vấn vít mãi trong vòm họng.
Đối với tôi, máu cũng giống như socola đắng, là thứ dễ dàng gây nghiện. Vết thương trên cổ tay đã liền lại nhưng cơn khát đã chầm chậm nổi lên, quấy đảo đánh thức những khát khao vốn luôn bị kiềm hãm. Chiếc răng nanh của tôi ấn sâu hơn một chút. Một bàn tay luồn vào tóc tôi và đẩy nhẹ. Takeru cằn nhằn:
"Cậu hút cạn máu tớ mất."
Xương cổ tay gầy của cậu đập nhẹ vào thái dương khiến tôi tỉnh lại. Tôi tiếc rẻ buông ra. Một chấm nhỏ màu đỏ nhìn lại giống như một nốt ruồi son, ngạo nghễ xuất hiện trên làn da xanh xao. Từ chấm đỏ ấy, máu vẫn lặng lẽ rỉ ra. Tôi liếm nhẹ lên đó. Takeru rùng mình. Lần này cậu đẩy thật mạnh:
"Cậu định ăn sạch tớ đấy à."
Tôi nhún vai:
"Đừng phóng đại thế. Cậu cứ thử một mình ăn hết một con gà to ngang ngửa chính mình đi. Đừng nói là cái dạ dày chịu không nổi thì dù cậu có thích đến đâu cũng sẽ nhanh ngấy thôi."
"Vậy à."
Trống rỗng. Takeru lại trở về cái trạng thái lửng lơ thường thấy. Tôi nhìn xuống bữa trưa mà cậu vẫn chưa hề đụng đến, bâng quơ hỏi:
"Làm thế nào mà cậu tóm được mấy con bồ câu đó?"
"Cho chúng ăn."
"Kể cả thế thì chúng cũng khá cảnh giác."
Takeru lắc đầu:
"Không đâu. Chỉ cần giả vờ yêu thương chúng, cho chúng ăn mỗi ngày, chúng sẽ lơ là, để cậu túm lấy chúng bất kỳ lúc nào."
Con chim bồ câu hoàn toàn im lặng nhưng tôi lại nghe thấy tiếng gù đồng tình của nó vẫn còn vang vọng ở đâu đó.
Tôi ngồi cạnh Takeru, tựa đầu vào bể nước. Mắt cá chân của chúng tôi chạm nhẹ vào nhau. Takeru bắt lấy cổ tay tôi còn tôi để mặc cho cậu xem xét vết thương đã hoàn toàn liền da và tan biến như chưa từng tồn tại. Cậu dùng ngón trỏ di di lên tay tôi, vẽ lên những đường vòng cung, những đường xoắn ốc vô tận. Da của chúng tôi trượt lên nhau, như mơn trớn lại như mải miết đau lòng, tưởng như mọi điều cậu muốn nói với tôi đều ẩn trong những nét vẽ dịu dàng hỗn loạn ấy. Mái tóc dài che đi gần hết khuôn mặt cậu. Tôi chỉ biết cậu chạm vào tôi, nhưng lại chẳng thể nhìn ra cậu đang nghĩ gì.
Những vòng xoắn ốc vô tận. Cho đến khi cậu buông tay tôi ra, những vòng xoay ấy vẫn cứ mải miết mở rộng, tỏa ra mọi hướng. Tôi nhẹ thở dài.
Takeru bắt đầu bữa trưa của mình. Tôi yên lặng ngồi nhìn cậu bứt những chiếc lông, xếp chúng lên nền đất khuất gió rồi dùng con dao rọc giấy mổ phần còn lại ra như để nghiên cứu. Thịt và cơ xoắn xuýt lại với nhau, máu vón thành từng cục. Nội tạng và xương lộn xộn thành một đám hổ lốn. Đôi khi Takeru cắn lấy vài miếng thịt sống rồi trệu trạo nhai. Cậu moi lấy phần nội tạng, giựt ra khỏi sự níu kéo hời hợt của gân và cơ, bày chúng đặt lên lòng bàn tay. Mùi tanh bị xông lên ngột ngạt. Takeru khoe đoạn ruột trắng lầy nhầy và hơi xoắn lại, miếng gan vỡ hòa cùng dịch mật chảy đầy tay, quay sang nói với tôi:
"Này, nó vẫn còn ấm đấy."
Ngay cả khi cậu nhìn thẳng vào tôi như thế, tôi vẫn không thể nhìn rõ được khuôn mặt của cậu. Mùi hăng gắt như rơm khô của đám chim chóc trộn cùng mùi tanh của lòng mề và máu thịt xộc lên, ám lấy từng ngọn gió ngang qua. Tôi quay đầu, tay chạm nhẹ lên cuốn thơ haiku của Takeru. Giấy xốp nhẹ trông như hơi úa vàng cũ kỹ. Bìa chỉ độc màu xanh dương, yên ả đến lạ thường.
Takeru thu nhặt lại những chiếc lông chim trên đất rồi ném phần còn lại của bữa trưa xuống hồ nước gần đó. Nghe đồn đã từng có một nữ sinh xảy chân ngã xuống hồ vài năm trước. Đến giờ người ta vẫn chưa tìm thấy xác của cô ta. Tôi nhìn những mẩu thịt vụn tạo thành những vòng tròn đồng tâm, lặng lẽ lan ra đến tận mép hồ mà bất giác mỉm cười. Cô nữ sinh ấy hẳn cũng đã bớt cô đơn. Cứ nhìn cái cách Takeru ném những mẩu thịt xương nhớp nháp khỏi tay, tôi tưởng như cậu ta đã ném theo từng mẩu linh hồn của chính mình xuống đáy hồ, để chúng chìm xuống mãi mãi như một vong hồn đã chết.
Những vòng tròn lan ra mãi rồi lặng lẽ biến mất như chưa từng tồn tại.
_ _ _ _ _o0o_ _ _ _ _
Mẹ tôi đang gào khóc.
Nhà hàng xóm sập cửa sổ và làu bàu, có khi là chửi rủa. Họ luôn muốn hỏi tôi vì sao không chịu đưa mẹ vào nhà thương điên nhưng lại e ngại khi tôi tỏ ra buồn. Thật khó lòng trách cứ một đứa trẻ đang cố gắng chăm sóc cho bà mẹ bất thường, vậy nên họ đem nỗi bực dọc trút lên đầu lũ trẻ trong nhà. Chúng bị quát phải yên lặng khi đang chơi ở phòng khách dù tiếng rì rầm còn nhỏ hơn cả tiếng kênh truyền hình chiếu bóng đá. Đứa trẻ khóc ré lên và tôi bật cười. Thật kỳ lạ là con người luôn để mình bị ảnh hưởng bởi tâm trạng của người khác quá nhiều.
Bó hoa oải hương trên bàn đã bị gạt đổ. Nước trong lọ lênh láng chảy ra sàn, thấm xuống gỗ, in lên những vết sậm màu. Mùi oải hương hăng hắc khiến tôi chớm đau đầu. Thật khó tin mùi hoa ấy lại có tác dụng an thần.
Những cành oải hương sẫm màu nằm trong bóng tối của căn phòng trông chẳng khác gì một bó cỏ khô. Tôi bật điện. Mẹ tôi co rúm lại trước ánh sáng. Tôi đặt khay đựng trà chiều lên bàn. Những chiếc bánh quy giòn rắc đường khẽ xô vào nhau, chớm trượt ra khỏi vành đĩa. Đóa hoa cúc màu đỏ trong ấm đã nở bung, nhẹ nhàng đung đưa trong nước nóng.
Tôi rót trà vào tách, nhẹ nhàng truyền nó sang cho mẹ. Có tiếng thút thít nho nhỏ, mẹ tôi che mặt, khe khẽ khóc, những âm thanh nghẹn ngào trào qua những kẽ tay:
"Thả mẹ ra đi."
Trà hoa cúc sẫm đỏ sóng sánh trong tách. Bà tiếp tục rên rỉ:
"Mẹ phát điên mất. Thả mẹ ra đi."
Tôi lại gần mẹ, đưa tách trà lại gần hơn, nhỏ giọng dỗ dành:
"Chỉ cần mẹ uống hết là mọi chuyện sẽ lại ổn cả thôi."
Những lời an ủi máy móc ấy dù đã nói cả ngàn lần, tôi vẫn chẳng thể diễn sao cho thật tự nhiên. Từng tiếng thốt ra cứng lại như sỏi đá, lục cục rơi đầy trên nền đất. Mẹ hít hít mũi, thở dài rồi ngước lên nhìn tôi. Những giọt nước mắt dường như đã bay biến đi đâu hết, để lại trên gương mặt bà sự trống rỗng đến lạnh người. Làn khói mỏng từ tách trà nhẹ nhàng bay lên, làm mờ nét môi của mẹ. Bà rướn người lại gần tôi và hít nhẹ. Tôi hơi ngạc nhiên lùi lại một chút. Mẹ cầm lấy tách trà và uống một ngụm lớn. Nước trà đỏ dấp dính trên đôi môi nhợt nhạt. Mẹ khẽ thở dài, nhỏ giọng lẩm bẩm:
"Trên người con có mùi lạ."
Tôi liếm môi, nhận ra mùi vị của cô gái tôi mới hôn lúc chiều hãy còn chưa phai đi hết. Cô ta lẽ ra không nên dùng lưỡi. Quá nồng nhiệt cho một nụ hôn đối với kẻ bị cô ta miệt thị là “gã lập dị điển trai”.
Mẹ đẩy tách trà vào tay tôi, nhỏ giọng làu bàu:
"Nhạt quá."
Bàn tay gầy của bà lần xuống cổ tay tôi, gỡ miếng băng dán ra. Mùi máu dậy lên như một tín hiệu. Mẹ tôi cúi xuống hôn lên vết thương ấy, mải miết không ngừng. Tôi nhìn lên trần nhà. Bông hoa cúc và vài giọt máu loãng, giờ cũng sẫm lại như vừa mang về từ địa ngục.
Máu hơi rít lên khi bị hút mạnh qua kẽ răng. Tôi nhìn xuống, thấy cánh tay mình hơi rám nắng, so với nước da bợt bạt của mẹ đã nhanh chóng trở thành hai màu đối lập. Tóc mẹ hơi rối, nhẹ nhàng cọ lên tay tôi nghe nhồn nhột.
Yên lặng.
Tôi nghe thấy cả tiếng kim đồng hồ đang mải miết quay vòng trong phòng khách. Cơn váng đầu nhẹ nhàng tìm tới. Tôi nhẩm một bài hát trong đầu và chờ đợi. Đến khi tôi hát được một nửa đoạn điệp khúc thì bữa tối của mẹ vừa kết thúc. Những chiếc răng bất ngờ rút ra còn đau hơn cả khi được nhẹ nhàng cắm vào. Mẹ thở dài rồi chậm chạp muốn tìm về giường của mình, đôi mắt lim dim như đang tận hưởng bữa ăn. Tôi đỡ mẹ, lau vết máu vương trên cằm rồi đưa lên miệng mình. Đắng và chát.
Vết thương ở cổ tay toác ra đủ rộng để tôi nhìn thấy một mạch máu còn nguyên của mình đang phập phồng đập theo nhịp tim. Trong căn phòng ẩm mùi nước mắt, mùi máu cũng vội vã úa đi như thứ rỉ ra từ xác chết. Tôi bước ra khỏi phòng, quấn chặt cổ tay rồi khóa trái cửa.
"Con chẳng bao giờ hiểu được đâu."
Chìa khóa lách cách xoay hai vòng trong ổ, tôi im lặng bỏ đi.
Tôi có quyền chẳng cần hiểu gì cả.
Bình luận
Chưa có bình luận