Điều có thể khiến cho một Sài Gòn đột ngột vắng lặng trong một ngày hẳn phải kể đến Tết Nguyên Đán.
Trời trong quang đãng, mây cũng lười biếng thả mình lững lờ theo đường gió thổi. Đường Sài Gòn chợt yên ắng lạ, mất đi vẻ ồn ào tấp nập cũng không khiến nó trở nên buồn bã. Vẫn có những dòng người đi chợ chuẩn bị nốt những vật sắm Tết, những tòa nhà cao tầng cũng bớt đi ánh điện.
Thanh Phong đã về nhà từ hôm qua, hôm nay cô cũng phải về nhà ngoại. Vốn dĩ Nhã Uyên cũng định sẽ lên Hà Nội thăm bà nội vài ngày, nhưng nghĩ đến cảnh vừa trở về thì bố sẽ vội hỏi tình hình của mẹ, hoặc là nhớ lại ánh nhìn của bố, cô cũng sẽ cảm thấy không thoải mái.
Có lẽ từ một lúc nào đó, bố cũng không biết phải nhìn cô như thế nào. Ông không biết phải nhìn cô bằng ánh mắt của một người cha mong chờ con gái, hay là dùng ánh mắt của một người đau khổ mất đi người yêu chỉ vì sự xuất hiện của cô.
Nhưng cho dù có thế nào, cô cũng phải lên đó một chuyến. Ít nhất trên đó vẫn còn có người thật lòng quan tâm cô.
Việc về nhà ngoại mẹ đã sắp xếp hết, vốn dĩ Nhã Uyên cũng chẳng cần bận tâm. Nhưng quan hệ của cô và mẹ dạo này không ổn lắm, đi cùng với mẹ trên một chiếc xe cũng khiến cô cảm thấy không tự nhiên. Mẹ có những công việc của mình trên chuyến xe trở về, cô cũng không muốn thành người cản trở.
Vậy nên cô đã chủ động về trước, cô về trước bao nhiêu thì thời gian cô nói chuyện với ngoại nhiều bấy nhiêu thôi, không phải chuyện gì xấu.
– Năm nay thế nào? Có gặp chuyện gì không con? – Bà ngoại nắm tay cô, sau đó ngắm cô một lượt, có lẽ là lo lắng cô xảy ra chuyện.
Đây là một trong hai người hiếm hoi để ý cô nhiều đến thế. Nhớ lại ngày xưa kể từ lúc cô chập chững bước vào lớp 1, bà ngoại luôn là người lo cho cô nhất, đến bây giờ cũng vậy, người chăm sóc cô từ ngày cô chuyển về Sài Gòn vì chuyện của bố mẹ cũng là bà. Tận cho đến khi cô ra Hà Nội học Đại học, rồi lại trở về Sài Gòn làm việc, từng có suốt ba tháng bà đều gọi điện cho cô để hỏi thăm, sợ cô lạ người lạ chỗ, sau lại sợ cô gặp chuyện không may.
– Không có chuyện gì hết á ngoại, con vẫn ổn, mọi việc vẫn bình thường. – Như sợ bà vẫn lo lắng, cô lại nói thêm. – Tháng trước con có quen thêm mấy đồng nghiệp á, họ đáng yêu lắm, hôm nào dẫn họ về chơi nha. Mấy bữa trước vừa được phát lương nữa, con còn mua quà cho ngoại nữa nè.
– Được rồi được rồi, không sao thì tốt, ngoại sợ mầy có gì giấu ngoại thôi. – Bà đánh nhẹ vào mu bàn tay cô một cái, thở dài. – Mà mẹ con đâu?
Nhã Uyên cười, cô mở túi đồ mình mang về, ngoài mấy gói bánh còn có thêm chút thuốc mới mua mấy hôm trước:
– Chắc mai mẹ mới về. Ngoại biết mẹ bận mà.
– Bận mấy mà lại về muộn hơn cả mầy.
Cô cũng chẳng biết nói gì. Chắc không có ai hiểu mẹ bằng ngoại đâu.
Cũng không ngoài dự đoán, tối 29, tức là một ngày sau mẹ mới về. Ngoại thấy mẹ đến cổng thì an tâm hơn hẳn. Bây giờ, điều ngoại lo chắc chỉ có quan hệ của cô và mẹ thôi.
Mà điều này ngoại lại lo thừa quá, với tính cách của mẹ, và tính cách bây giờ của cô, sao lại không thể xảy ra chuyện gì, quan trọng là cô có muốn tránh hay không thôi.
Suốt ngày mùng một, cô đã rất chủ động tránh mặt mẹ. Bà ở nhà tiếp khách thì cô sẽ ra ngoài đi thăm họ hàng khác, cô biết, nếu để cô ở cùng bà, cô sẽ không tránh được nói vài lời không vui. Ngoại sẽ buồn.
Nhưng có nhiều điều cũng không lo được nhiều đến thế, đó còn là lúc trong bữa cơm gia đình.
Nay bạn thân của cậu lên chơi, ở lại ăn một bữa cơm cũng là điều thường tình. Cậu là em trai ruột của mẹ, tính cách lại chẳng giống mẹ chút nào. Nếu mẹ là kiểu người không từ thủ đoạn để đạt được những gì mình muốn, vậy cậu sẽ là người dùng cách ôn hòa mềm mỏng nhất. Chính vì điều đó nên mẹ hay coi thường cậu, nhưng nể mặt đồng nghiệp thì cũng phải có.
Hôm nay trong bữa ăn mẹ hỏi tình hình công việc của bạn cậu thế nào, đó vốn dĩ cũng chỉ là câu hỏi xã giao bình thường, bạn cậu cũng quen tính mẹ, trả lời cho qua. Nhưng lúc ấy, mẹ lại nhìn Nhã Uyên, nói rằng cô chẳng biết phấn đấu, là cậu hay bạn cậu thì cũng cố lên chức trưởng bộ phận nào đó, cô thì vẫn cứ mải làm nhân viên văn phòng, freelance thì chẳng có tương lai.
Nếu như là ngày thường, có lẽ cô cũng sẽ nói mấy câu, nhưng cô biết, đầu năm có xích mích cả năm không tốt đẹp. Cô nhịn.
Nhưng cô đã nhịn rồi, có thể đừng lôi cô vào câu chuyện này mãi được không?
Bữa cơm hôm đó, Nhã Uyên đã xin phép đứng dậy trước, buổi chiều cô thu dọn đồ đạc rồi đi.
Bà ngoại thấy cô đeo balo chuẩn bị ra khỏi nhà thì vội vàng ngăn lại, Nhã Uyên nhẹ nhàng nói cô còn phải lên Hà Nội thăm nhà nội nữa, lúc ấy bà mới buông tay. Trước khi đi, bà dặn dò cô những điều đã là muôn thuở, Nhã Uyên cũng gật đầu, nói rằng mình đã nhớ rồi, chỉ có duy nhất một câu bà nói khiến cô chỉ biết cười.
– Uyên à, tính mẹ mầy thế đấy, nhưng mẹ mầy thương mầy lắm.
Vậy cô chỉ mong mẹ đừng thương cô nữa.
Tình thương của mẹ thật cao cả biết bao.
Cao cả đến mức khiến cô thấy khó chịu và thừa thãi.
Nhã Uyên vỗ nhẹ vào bàn tay đang giữ tay cô, bước ra khỏi cửa.
– Đi đâu đấy?
Bước chân vừa nhấc lên, lại là giọng nói ấy.
– Con về.
– Về đâu?
– Đâu cũng được ạ.
Lý Như Vân đặt điện thoại xuống, trên màn hình vẫn là báo cáo thống kê, bà đứng trước mặt cô, gằn giọng:
– Đã ở đây rồi, con còn muốn đi đâu? Về cái trọ chẳng có gì của con à? Hay là đến chỗ của thằng nào đấy? Sống cùng mẹ mày muốn đi, được, không sao. Vậy đang Tết nhất muốn đi đâu? Ở đấy có cái gì mà mày cứ muốn đi hả Uyên!
– Ở đấy không có mẹ.
Nhã Uyên nhìn vào khuôn mặt đang sững sờ của mẹ cô, bà ngoại đứng bên cạnh có vẻ cũng lo lắng, nhưng cô thật sự không muốn ở lại nữa.
– Ở đâu cũng được, không có mẹ là được.
Nhã Uyên không nhớ mình đã đến Hà Nội lúc mấy giờ, hay là mình đã lang thang những đâu trước khi về nhà của bố. Cô chỉ biết, ngay khoảnh khắc mình vừa đặt chân xuống thủ đô, người kia đã gọi đến, vẫn là chất giọng trầm ấm không đổi, hỏi rằng cô đang ở đâu.
Nhã Uyên im lặng một lúc, cô nhìn khung cảnh đã trở nên xa lạ xung quanh, cuối cùng cười nhạt:
– Ở nhà.
[Ồ.] – m thanh truyền qua điện thoại, hình như là một câu nói đùa. – [Thế là không đưa anh về “ra mắt” thật à?]
Nhã Uyên ngồi trên ghế đá, cô lấy nước trong balo ra uống một ngụm, rất thản nhiên trả lời:
– Thế bao giờ anh đưa em về nhà anh?
[Em đoán xem?] – Cũng là câu trả lời không ngoài dự đoán.
Có những thứ vốn dĩ chưa từng là thật, nên đừng vội vàng tin là thật. Điều này Nhã Uyên luôn nhớ.
[Ở nhà ngoan, vài ngày nữa anh đến đón em.]
– Được.
Em sẽ đợi.
Bình luận
Chưa có bình luận