Dù trong lòng đầy nỗi thắc mắc lẫn hoài nghi nhưng cuối cùng Linh vẫn ngủ thiếp đi chứ không thức trắng đêm như cô nghĩ. Bởi Huyên phải nằm viện, không đi làm được nên mấy người ở quán phải làm nhiều việc hơn, cả buổi đều bận rộn hơn và đến lúc tan ca thì ai cũng mệt mỏi hơn. Đã thế, đêm nay Linh còn xuất hồn đi khắp nẻo đường nên có thể nói là cả thể xác lẫn linh hồn đều đã mệt mỏi rã rời, đều cần được nghỉ ngơi để khôi phục trạng thái khoẻ mạnh.
Hai hôm sau Linh có việc bận nên không tranh thủ đến thăm Huyên vào buổi trưa ở trạng thái “sống” được mà chỉ tranh thủ lúc đi làm “nhiệm vụ đêm” mới ghé đến một lát lúc ở trạng thái linh hồn. Lần nào cô cũng bối rối và chạnh lòng khi phát hiện Huyên nghẹn ngào khóc, nghẹn ngào nói những tiếng xin lỗi đứt quãng giữa những cơn mơ nức nở.
Đến hôm sau nữa, khi không có lịch học vào buổi sáng, Linh mới tranh thủ đến thăm Huyên được. Lúc cô xách túi hoa quả đến nơi, Huyên lại đang ngồi bần thần nhìn về phía ô cửa sổ con con đóng kín. Mẹ Huyên không có ở đó, mấy người bệnh và người nhà bệnh nhân khác đều ai làm việc nấy, hoặc xem điện thoại, hoặc gấp lại áo quần, hoặc nhỏ giọng nói chuyện với nhau. Chỉ có một mình Huyên ngồi im lìm, bất động như pho tượng.
“Hay tớ với cậu xuống dưới sân đi dạo loanh quanh, hít thở không khí chút đi?” Linh nói với Huyên. “Tớ hỏi chị y tá rồi, xuống bên dưới một lúc cũng được. Ở trong phòng mãi cũng chồn chân.”
Huyên chỉ nhìn Linh, không nói gì. Linh cảm thấy rõ là tâm trạng Huyên rất tệ, trong lòng cô ấy hẳn đang chất chứa không biết bao nhiêu nỗi niềm. Cô hơi lúng túng vì chưa nghĩ ra điều mình nên nói nếu Huyên từ chối và cũng hơi nặng lòng vì chưa nghĩ ra được cách nào giúp đỡ cô ấy. Đúng lúc Linh định bảo Huyên không muốn đi thì thôi, ở trong phòng cũng được thì Huyên lại nhẹ nhàng thò chân xuống, xỏ vào đôi dép lê bỏ dưới gầm giường rồi chậm rãi đứng lên, cùng Linh đi ra khỏi phòng.
Đến tận lúc ngồi trên băng ghế đá mát lạnh dưới gốc cây xà cừ to bằng hai ba người ôm, Huyên vẫn cứ im lặng. Có chiếc lá còn xanh ngắt mà không hiểu sao lại bị gió vặt xuống, rơi trúng đùi Huyên. Cô ấy cứ lặng lẽ cầm chiếc lá vân vê mãi.
“Huyên ơi… Sau khi vào viện, tớ thấy tâm trạng của cậu không được tốt lắm. Nếu cậu có tâm sự gì thì có thể chia sẻ với tớ.” Linh ngập ngừng nói với Huyên bằng giọng chân thành. “Có thể tớ cũng chẳng giúp được gì cho cậu đâu nhưng ít ra, nếu nói ra được thì có lẽ cậu cũng sẽ thấy nhẹ lòng hơn chút. Đương nhiên nếu cậu không muốn nói thì cũng không sao cả. Tớ chỉ hy vọng có thể làm gì đó cho cậu thôi.”
Vốn dĩ Linh cũng không mong Huyên có thể chia sẻ chuyện riêng của cô ấy với mình ngay lúc đó nhưng rồi cô lại bất ngờ đến sững người khi cô ấy nhìn Linh một lát sau đó chậm rãi nói từng câu trong khi ngoảnh mặt nhìn đất nhìn trời.
“Cảm ơn cậu!” Huyên nói. “Tớ vốn định giữ bí mật này cho riêng mình tớ, vốn định sống để dạ, chết mang theo. Nhưng có những thứ dày vò đến nỗi tớ không thể nào che dấu nổi. Ít nhất là tớ không muốn phải một mình chịu đựng, không muốn một mình gặm nhấm sự dằn vặt ấy nữa.”
Linh chỉ nhìn Huyên ý bảo cô vẫn đang nghe, Huyên có thể chia sẻ bất cứ chuyện gì mà cô ấy sẵn lòng kể ra.
“Cậu hẳn đã biết việc trong dạ dày của tớ có cả búi tóc nhưng không phải là vì tớ ăn đồ ăn không đảm bảo như anh Việt nói với mẹ tớ mà là do tớ tự nuốt chỗ tóc ấy vào bụng đúng không?” Huyên hỏi. Giọng cô ấy vô cùng não nề.
“Ừ, lúc cậu phải làm phẫu thuật, tớ nghe bác sĩ nói rồi.” Linh nhỏ giọng nói.
“Bác sĩ nói rồi, vậy thì hẳn là cũng có nói nguyên nhân tớ thích ăn tóc nhỉ?” Huyên cười rất nhạt. “Chắc là do tớ bị thần kinh đấy.”
“Huyên, cậu đừng nói thế.” Linh vội ngắt lời Huyên bởi cô bỗng có cảm giác Huyên sắp nói ra những lời mạt sát khó nghe hơn đối với chính bản thân mình. “Đây là một hội chứng, cũng có nhiều người mắc phải lắm! Nguyên nhân thì không phải như cậu nghĩ đâu mà có thể là do quá căng thẳng thôi.”
Huyên lại nhìn Linh, nở một nụ cười rất nhạt rồi lại ngẩng lên nhìn bầu trời xanh thẳm, cao vời vợi trên đầu. Trong một khoảnh khắc ấy, Linh thấy Huyên thật lạ lẫm. Cô chợt có cảm giác cô gái luôn cười vui vẻ, có thể líu lo tám chuyện cả ngày không mệt mỏi mà mình quen biết ở quán cà phê và cô gái u uất, buồn bã đang ngồi bên cạnh mình là hai người hoàn toàn khác nhau. Cô cực kỳ tò mò muốn biết rằng rốt cuộc thứ kích thích nào, thứ biến cố nào đã biến Huyên thành một người khác trong vòng mấy ngày ngắn ngủi như thế.
“Tớ đã từng bị một kẻ khốn nạn cưỡng hiếp.” Nói xong một câu, Huyên có vẻ hơi sững lại. Có lẽ vì cô ấy không ngờ rằng mình có thể nói ra điều khiến mình luôn day dứt, khắc khoải một cách dễ dàng như thế. Huyên lại quay sang nhìn Linh sau đó ung dung nói tiếp, mặc kệ đôi mắt đang mở trừng trừng với nét bàng hoàng như thể được chạm nổi trong đôi con ngươi đen láy của cô. “Vào năm tớ vừa học hết lớp chín, đang chờ kết quả thi vào cấp ba. Thậm chí hồi ấy… Tớ còn từng có thai, còn từng phá thai nữa.”
Mấy câu trước thì còn bình thản, ung dung như thể chỉ đang kể một câu chuyện bình thường của một người xa lạ nào đó, không liên quan gì đến mình nhưng chỉ nói thêm mấy câu nữa, giọng Huyên đã nghèn nghẹn, đứt quãng. Cô ấy không khóc nhưng khoảng lặng giữa các câu nói mỗi lúc lại dường như kéo dài hơn một chút, khoảng thời gian cô ấy ngước mắt nhìn trời mỗi lúc lại lâu thêm một chút và số lần chớp mắt của cô ấy cũng mỗi lúc lại như thể nhiều thêm một chút. Huyên cứ chầm chậm kể từng câu, từng câu như thể đang cố xé toạc miệng vết sẹo cũ, cố móc hết những mảnh vụn còn mắc kẹt bên trong vết sẹo ấy ra để khi vết thương một lần nữa trở thành vết sẹo, nó sẽ bớt đau đớn đi một chút, ít nhất thì cũng là chỉ nhức nhối khi trái gió trở trời chứ không giày vò cô ấy từng giây từng phút như bây giờ.
Mấy năm trước, sau khi kết thúc kỳ thi vào cấp ba, cô bé Huyên ngoan ngoãn, hiền lành ở nhà giúp bố mẹ trông em, quán xuyến đủ mọi việc từ cơm nước, dọn dẹp, tắm gội cho các em, giặt giũ cho cả nhà đến lội ruộng gặt lúa, gánh nước tưới rau. Nhà Huyên đông con, cô ấy lại là con gái lớn nên bao nhiêu việc nhà đều dồn lên đôi vai gầy gò của Huyên cả. Huyên trưởng thành, hiểu chuyện sớm hơn so với nhiều bạn bè cùng trang lứa. Trong khi đám trẻ nhầng nhầng còn cả ngày tụ tập than thở với nhau rằng nhà mình khó khăn thế này, bố mẹ mình khó tính thế kia, rằng muốn thứ này mà không được, xin thứ kia mà bố mẹ không cho thì Huyên đã lặng lẽ chấp nhận cuộc sống mình đang có, lặng lẽ giúp bố mẹ làm những việc có thể làm, lặng lẽ giấu đi những tủi thân đôi lần dâng lên trong trái tim của một cô bé mới lớn.
Năm ấy, xã rót vốn làm đường nhựa cho từng thôn để xoá bỏ hết những đường đắp đất cũ kỹ, gạch đá lởm chởm, ngày nắng thì bụi bặm, ngày mưa thì đọng bùn trơn trượt như dẫm lên cháo nát. Nhà Huyên ở ngay đầu làng nên đội thợ làm đường hay ghé vào nghỉ nhờ, xin nước uống. Trong số những người thợ có một anh thanh niên lái xe lu luôn ăn mặc bảnh bao hơn người khác, ăn nói cũng không cục mịch như người khác. Anh thanh niên đó hay nhìn Huyên, hay nhỏ giọng trò chuyện với Huyên, thỉnh thoảng còn mang cho Huyên mấy thứ bánh trái hay đồ chơi nho nhỏ khiến mấy người thợ lớn hơn cứ gán ghép, trêu đùa làm Huyên thấy xấu hổ đến đỏ mặt. Cô bé ngây ngô, non nớt vừa tấp tểnh bước vào đời, chưa có chút xíu kinh nghiệm nào dễ dàng bị những câu hứa hẹn êm tai cùng vài món quà chẳng đáng mấy đồng của một anh chàng dẻo miệng làm cho xiêu lòng. Huyên ngốc nghếch nghĩ như thế là yêu, ngốc nghếch để mình đắm chìm trong những lời mật ngọt, ngốc nghếch mơ mộng đến một tương lai xa xôi nào đó.
Một buổi tối nọ, sau khi đi liên hoan lớp về, Huyên bỗng muốn đến thăm anh chàng mật ngọt kia một lát bởi buổi sáng cô bé nghe lỏm được mấy bác thợ nói buổi chiều cả đội đều sẽ về sớm để hôm sau đi đám cưới con một ai đó, có mỗi anh chàng kia là người mới, không quen biết, không được mời nên ở lại nhà trọ. Huyên không về nhà ngay mà ngoặt vào con đường nhỏ dẫn tới căn nhà nơi những người thợ làm đường ở trọ trong suốt thời gian làm đường cho các thôn trong cả xã. Chiếc xe đạp cũ lọc cà lọc cọc như thể nhảy nhót, reo hò trên đoạn đường xóc nảy. Lúc gần đến căn nhà kia, Huyên bỗng có suy nghĩ muốn làm người ấy bất ngờ nên không đạp xe nữa mà xuống dắt bộ để khỏi phát ra tiếng kêu sau đó còn cẩn thận giấu xe vào cái khe nhỏ xíu giữa đống rơm thấp lè tè và bụi chuối rậm rạp rồi rón rén đến gần cửa sổ định ngó vào xem thử xem mật ngọt của cô bé đang làm gì.
Đúng lúc đi đến bên cửa sổ, Huyên nghe thấy tiếng “mật ngọt” của mình đang nói những câu chuyện tục tĩu sau đó cất giọng cười khả ố cùng mấy người nào đó mà có vẻ cô bé chưa gặp bao giờ. Cô bé không thấy giọng ai quen tai cả.
“Thằng này nó còn định đi mỗi nơi cắm một cái cọc cơ mà.”
“Đúng cái thằng chó đực, đi đâu cũng đạp mái được.”
“Kệ bố, chúng mày không được như bố thì chúng mày ghen tị à?”
“Bố thèm vào ghen tị với mày nhá. Bố cho mày cứ đạp bậy đạp bạ rồi có ngày dính si đa thì ăn loèn đấy con ạ.”
“Si đa thì chắc không dính đâu nhưng khả năng cao là sẽ phải chạy thận. Thằng chó này nó dẻo mồm, toàn bẫy được gái tơ thôi.”
“Nghe cánh ông Tứ bảo mày đang mồi con bé mới mười bốn mười lăm tuổi ở làng bên hả? Non tơ mềm mọng thì cũng sướng thật đấy cơ mà không cẩn thận khéo có ngày vào nhà đá bóc lịch đấy con ạ.”
“Câm cái mõm độc địa nhà mày lại. Bố chưa sơ múi được tí gì đâu nhá.”
“Gớm, thấy bảo cũng ngon đòn ngọt nước lắm, sớm muộn gì mày chả húp. Bố mày nhắc trước cũng không thừa.”
“Cứ đợi bố húp được đã. Nào nào, húp rượu của chúng mày đi.”
Huyên ngỡ ngàng và sợ hãi đến quên cả thở. Mãi đến khi lồng ngực phát buốt, sống mũi cay xè, cô bé mới khôi phục tri giác. Cô bé run rẩy ngồi thụp xuống, dựa lưng vào chân tường, nước mắt rơi lã chã. Chút tình cảm ngây thơ, vụng dại của cô gái mới lớn vừa he hé nở đã bị trận mưa lời nói tục tĩu, sỗ sàng dập vùi tơi tả.
“Còn may… Còn may…” Huyên lẩm bẩm tự nhắc mình nhưng mãi cũng không nói được là còn may cái gì. Cô bé cũng không đứng dậy nổi nên cứ dựa vào tường dấm dứt khóc như thể muốn để những tủi hờn, ấm ức trong lòng theo nước mắt chảy hết ra ngoài.
Mãi đến khi sương đêm đã buông ướt đẫm, Huyên mới run rẩy vịn tường đứng dậy định đi về. Cô bé mải khóc, mải nghĩ ngợi linh tinh nên chẳng biết đám người thô thiển, tục tằn trong nhà đã hết từ bao giờ. Lúc này, không gian đã yên tĩnh trở lại nên lòng Huyên cũng đỡ nhộn nhạo hơn một chút dù cô bé vẫn chưa biết ngày mai nên làm như thế nào, nên nói như thế nào.
Lúc thất thểu đi ra đến chỗ đống rơm định lôi xe đạp ra, Huyên chợt giật mình đứng sững lại khi thấy gã đàn ông vốn là mật ngọt kia đang cởi trần trùng trục, ngật ngưỡng bước mấy bước xiêu vẹo sau đó vạch quần đứng xả nước ngay bên cạnh bụi chuối. Nghe thấy có tiếng bước chân, gã quay ngoắt lại. Lúc thấy là Huyên, ánh mắt thèm thuồng, bẩn thỉu của gã sáng loé lên trong bóng đêm.
Huyên hậm hực lườm gã rồi đi nhanh đến chỗ xe đạp định lôi ra đạp về ngay nhưng vừa chạm được vào tay xe thì bàn tay ướt rượt của gã đàn ông kia cũng đã tóm được vào tay cô bé. Mấy lời nói suồng sã khiến người ta buồn nôn trong lời mấy gã đàn ông ban nãy bỗng như cuộn băng cát xét, phát lại rõ mồn một từng câu trong đầu Huyên khiến cô bé hoảng hốt.
“Anh thả em ra!” Huyên vùng vằng, giật mạnh tay nhưng không làm sao thoát ra khỏi cánh tay rắn chắc của gã.
“Anh còn tưởng là ai. Nửa đêm nửa hôm rồi còn đến tìm anh, em muốn làm gì, hả?” Gã đàn ông vừa lè nhè hỏi vừa cố gắng ghé sát vào cổ Huyên, hơi thở nóng rực lại nồng nặc mùi rượu làm cô bé sợ phát khóc. “Nhớ anh hả?”
“Buông em ra!” Giọng Huyên run rẩy. Cô bé vừa giãy giụa vừa cố dùng hai bàn tay nhỏ bé đập rơi bàn tay nhớp nháp đang cố gắng luồn vào trong áo mình. “Anh buông em ra! Nếu không em kêu lên đấy.”
“Đừng mà! Em xin anh! Anh tha cho em!”
“Cút ra! Thằng khốn nạn! Thả tao ra! Cút ra!”
Những tiếng kêu gào thảm thiết cùng sự phản kháng dữ dội của Huyên chẳng khác gì thứ chất kích thích đối với gã đàn ông đang say rượu lại chứa đầy ý tưởng đồi truỵ trong đầu. Căn nhà mà đội công nhân làm đường ở trọ là nhà cũ bỏ không của một gia đình đã chuyển lên thị trấn, nhà ở gần phía bờ sông nên vô cùng vắng vẻ, đến nửa đêm chỉ còn lại tiếng ếch nhái râm ran. Đêm nay, công nhân làm đường đã về nhà họ hết nên dù Huyên đã gào thét đến rát họng thì cũng chẳng có một ai xuất hiện. Tiếng khóc của cô bé chìm nghỉm vào màn đêm dày đặc.
Bình luận
Chưa có bình luận