Tôi và Diệp quen nhau từ lúc cả hai vừa mới bập bẹ biết nói. Nhà tôi ở đầu xóm, còn nhà Diệp ở gần cuối ngõ, nhưng cũng chỉ cách nhau vỏn vẹn mấy căn. Cái xóm nghèo ven chợ Đông ấy cũng chẳng có gì nổi bật. Hồi đó, bọn tôi hay chơi đồ hàng bằng nắp chai, sỏi đá, vỏ ốc nhặt được từ bãi bồi ven sông, và cả những bông hoa, ngọn cỏ ở mấy bụi rậm ven đường. Hôm nào được cho cái bánh, củ khoai nướng hay trái ổi non là lại tíu ta tíu tít chia nhau. Đôi lúc cũng sẽ cãi nhau chí chóe, nhưng rồi lại cười toe chỉ trong tích tắc.
Tôi vẫn còn nhớ như in cái lần nghe người lớn kể chuyện Diệp là đứa con bị bỏ rơi ở dưới chân cầu chợ Đông khi chỉ mới vừa mới khoảng hai tháng tuổi. Cũng may lúc đó bà Năm đi chợ sớm bán rau rồi vô tình gặp được, sau đó ôm nó về nhà. Mọi người ai cũng thương, cũng xót, nhưng cũng lo cho bà. Bởi vì bà lớn tuổi rồi, lại sống một mình, lấy gì mà nuôi nổi đứa nhỏ?
Vậy mà bà nuôi thật.
Diệp sống với bà Năm từ lúc đó. Nhà bà Năm không giàu, thậm chí còn thuộc diện nghèo của xã. Căn nhà mái tôn xiêu vẹo, vách ván cũ kỹ được bà vá tạm bằng mấy tấm bìa carton. Mái tôn cũng đã gỉ sét loang lổ, cứ hễ trời mưa là lại phải lấy thau, xoong nồi ra hứng. Đồ đạc cũng chẳng có gì đáng giá, chỉ toàn những thứ được mua từ cái thời nào đó mà đến giờ bà chẳng thể nhớ nổi, nhưng lúc nào cũng được lau chùi kỹ càng. Giường tre hai bà cháu nằm chung được đặt ở gian nhà phía sau, bên trên được trải bằng tấm chiếu cói đã sờn mép, còn đầu giường là hai cái gối được độn bằng mấy tấm áo cũ.
Mỗi ngày bà đều dậy từ sáng sớm tinh mơ để hái rau rồi gánh ra chợ bán, tối đến thì đi rửa chén thuê cho mấy quán ăn ở trong thôn. Hôm nào may mắn hơn thì có người thuê dọn nhà, hoặc lột vỏ hành, vỏ tỏi vào buổi chiều nữa. Cực khổ là vậy, nhưng bà chưa từng than thở tiếng nào. Bà luôn dành những thứ tốt nhất cho Diệp, muốn con bé đủ đầy nhất có thể. Mỗi khi nói về Diệp, bà chỉ cười, bảo: “Nó là lộc trời ban. Có nó, bà mới thấy mình sống có ý nghĩa.”
Diệp lớn lên hiền lắm, cái kiểu hiền lành mà ai gặp cũng quý, cũng thương. Nó ăn nói nhỏ nhẹ, chẳng cãi ai nửa câu. Mỗi khi bị người ta chọc ghẹo, nó chỉ im lặng, mỉm cười rồi bỏ qua. Thế nhưng, bên trong cái vẻ trầm lặng đó, tôi biết nó là đứa rất kiên cường, sống có nguyên tắc, biết trước biết sau.
Từ lúc hiểu chuyện, Diệp đã biết làm việc nhà phụ bà Năm. Lúc còn học Tiểu học, nó hay dậy sớm phụ bà lựa rau muống, xếp thành từng bó để bà buộc rồi bỏ vào trong rổ. Sau giờ học, khi lũ trẻ trong xóm chạy đi đá banh, chơi bắn thun, nhảy dây hay tụ tập quanh mấy quán chè, thì nó lại chạy về để quét nhà, nấu cơm, giặt quần áo. Lên cấp hai, số tiền cần dùng cho mỗi tháng lại nhiều hơn một chút, nên Diệp đã xin phép bà cho nó đi làm thêm. Ban đầu, bà Năm xót cháu, nhất quyết không cho, bảo nó lo học hành đi, bà lo được. Nhưng vì cứ liên tục làm nhiều việc, không có thời gian để nghỉ ngơi, nên cái lưng già của bà không còn chịu nổi nữa, cuối cùng đành phải gật đầu đồng ý. Nó xin được chân rửa chén ở một quán cơm. Cái quán ấy tuy nhỏ, nhưng lúc nào cũng đông nghịt khách vào mỗi trưa. Đoạn thời gian đó nó toàn học buổi sáng, nên mỗi ngày sau khi tan học, nó đều tranh thủ ăn vội mấy miếng cơm rồi chạy qua quán làm đến gần chiều tối mới về. Mấy hôm trời lạnh, tay nó ngâm lâu trong nước tê buốt đến đỏ ửng, đôi chỗ còn tróc hết cả da, vậy mà tôi vẫn không nghe nó than nửa lời. Lên cấp ba, bài vở nhiều hơn, thời gian học cũng kín nên nó chỉ xin làm phục vụ cho quán trà sữa gần trường. Đi học suốt cả ngày, đến tối thì đi làm ca từ sáu giờ đến mười giờ. Hôm nào cũng đứng với chạy bàn liên tục, rồi lau dọn, có khi còn phải quét dọn cả bãi giữ xe.
Hôm nọ tôi đến đón nó về, thấy nó thở dài một tiếng, tôi mới hỏi:
– Mệt à?
Nó không trả lời ngay, nhưng mắt lại cụp xuống. Rồi nó cười, nụ cười nhẹ tênh nhưng lại khiến người ta cảm thấy nhói lòng:
– Mệt chứ. Nhưng bà vẫn cực hơn.
Câu nói ấy nhẹ tênh, nhưng lại nặng như tảng đá. Một đứa con gái mười lăm, mười sáu tuổi, lẽ ra chỉ cần chăm lo chuyện học hành lại chọn gánh lấy vất vả để bà không phải lo nghĩ nhiều. Nó chưa từng đòi hỏi gì cho riêng mình, cũng không mơ mộng gì nhiều ngoài việc làm thế nào để đỡ đần cho bà được phần nào. Cái nghèo ép người ta phải trưởng thành sớm, nhưng sự trưởng thành của Diệp lại không hằn lên nét oán thán, mà chứa đầy trách nhiệm và tình thương vô bờ của bà Năm.
Rồi Diệp đậu Đại học, ngành Sư phạm Văn. Cả xóm ai cũng mừng, đám người quen đều khen nức nở. Ngày lên thành phố học, ba lô sau lưng nó to gần gấp đôi người, bên hông đeo thêm cái túi xách mẹ tôi tặng. Tôi phụ nó chất đồ ra xe buýt, trong lòng tự nhiên cũng thấy nghèn nghẹn. Khi quay lại, tôi thấy bà Năm đứng ở phía sau. Mắt bà đỏ hoe, nhưng lại không rơi một giọt nước mắt nào. Bà không nói gì, chỉ đứng im mỉm cười, ánh mắt cứ mãi dõi theo bóng lưng nhỏ bé của Diệp đang dần rời đi.
Từ ngày Diệp khăn gói lên thành phố nhập học, chúng tôi vẫn thường xuyên nhắn tin, gọi điện cho nhau. Thỉnh thoảng tôi còn gửi ít đồ ăn vặt ở quê lên cho nó. Dù xa nhà, nhưng Diệp vẫn là Diệp – vẫn giản dị, hiền lành, vẫn không than thở điều gì ngoài chuyện nhớ bà Năm. Lâu lâu về thăm nhà, nó lại lăng xăng quét sân, nấu cơm, rửa dọn phụ giúp bà như hồi còn nhỏ.
Hôm đó trời mưa lất phất, chúng tôi hẹn gặp nhau ở quán cà phê trên phố. Diệp cứ ngồi lặng im một lúc lâu, khuấy đi khuấy lại ly nước đã gần tan hết đá, rồi bất ngờ lên tiếng:
– Tao gặp mẹ ruột của tao rồi.
Lúc ấy tôi có hơi chếnh choáng, cứ tưởng mình nghe lầm.
– Gì cơ?
– Mẹ ruột tao. Chính là mẹ của con bé cùng phòng ký túc với tao.
Không gian lúc ấy lặng đi như bị bóp nghẹt. Tôi không thể tưởng tượng nổi, một cuộc hội ngộ sao lại có thể nghiệt ngã đến như thế? Giữa phố xá mênh mông, trong hàng nghìn sinh viên, Diệp lại ở cùng phòng với đứa con của người đã từng sinh ra nó – người mà cả đời này nó không nghĩ là sẽ gặp lại.
Nó kể, giọng chậm rãi, nhưng ánh mắt thì đã dời sang chỗ khác, như thể đang cố sắp xếp lại những mảnh ký ức còn chưa kịp tiêu hóa.
– Bữa đó, con bé dẫn mẹ nó lên tham quan trường, nhân tiện ghé qua ký túc một lúc cho biết chỗ nó ở. Đoạn mới vào bình thường lắm, hai mẹ con nó cười nói rất vui vẻ. Nhưng lúc tao vừa ra chào, bà ấy đột nhiên khựng lại, mặt trắng bệch như gặp quỷ vậy. Lúc đó, tao còn tưởng mặt tao dính gì nữa chứ. Mấy hôm sau thì bà ấy nhắn tin cho tao, xin gặp riêng. Lúc đó không hiểu sao tao lại đồng ý nữa. Mày biết không, vừa mới nhìn thấy mặt tao là bà ấy đã khóc như mưa...
Tôi nuốt nghẹn. Diệp cúi đầu, hai bàn tay nắm chặt vào nhau như đang giữ lấy chút bình tĩnh cuối cùng.
– Rồi bà ấy nói… tao là con của bả. Vì tao giống bố nên lúc mới gặp là bà ấy đã nhận ra ngay. Bà ấy nói… năm đó còn trẻ, chưa có chồng mà đã mang thai. Gia đình lại nhất quyết không chấp nhận nên bà ấy sợ hãi, không đủ can đảm giữ lại tao. Sáng sớm hôm đó bà ấy đặt tao dưới chân cầu chợ Đông, hy vọng có ai đó tốt bụng nhặt được rồi nuôi lớn. Về sau, bà ấy lấy chồng, sinh con, rồi sống một cuộc đời bình thường, nhưng bà ấy bảo chưa ngày nào được yên giấc. Rồi... bây giờ gặp lại tao, ngẫu nhiên như thế… Rồi bà ấy nói... đây là cơ hội chuộc lỗi, là phép màu... gì đó…
Tôi chẳng biết phải nói gì. Cảm giác lạ lẫm, mông lung cứ cuộn lên trong lòng. Trước mặt tôi, Diệp vẫn là Diệp, vẫn là nhỏ bạn thân cùng lớn lên từ nhỏ. Thế nhưng giờ đây, đằng sau Diệp còn có một câu chuyện tưởng chừng như chỉ có ở trong tiểu thuyết.
Tôi hỏi, giọng khẽ khàng:
– Mày có hận bà ấy không?
Mắt Diệp giờ đã đỏ hoe. Nó im lặng một lúc rất lâu, rồi lắc đầu:
– Tao cũng không biết nữa. Có lúc tao thấy buồn. Có lúc lại thấy tức giận. Có lúc lại cảm thấy thất vọng tột cùng. Nhưng rồi tao nghĩ... nhờ bà ấy bỏ tao nên tao mới gặp được bà Năm, rồi được bà yêu thương nhiều như thế. Tao không oán. Nhưng... tao cũng không thể gọi người đó là mẹ được.
Rồi nó quay sang nhìn tôi, cười khẽ, nước mắt lăn xuống má:
– Mày biết mà, tao chỉ có một người mẹ là bà Năm thôi.
Tôi không nói gì, chỉ lặng lẽ nắm lấy tay nó. Mưa bên ngoài đã nặng hạt hơn, từng giọt khẽ vỡ dưới mặt đất, lạnh buốt… như thể quá khứ đang khẽ chạm vào hiện tại. Diệp là con của bà Năm. Họ là mẹ-con theo cái nghĩa thuần khiết và đẹp đẽ nhất trên thế gian này.
Chiều hôm đó, Diệp cùng tôi về nhà. Nó không nói trước với bà, cũng chẳng mang gì nhiều ngoài chiếc balo bạc màu và một túi quà nhỏ. Bước chân nó chậm lại khi nhìn thấy bà Năm đang lom khom tưới mấy luống rau ở phía sau hè. Mái tóc của bà đã bạc nhiều hơn trước, lưng cũng đã còng thêm một chút. Diệp đứng lặng một lúc thật lâu, mắt cay xè.
– Bà ơi…
Giọng nó bật ra, nhỏ và run như ngày đầu biết gọi tiếng “bà”.
Bà Năm quay lại. Ánh mắt bà chỉ ngỡ ngàng một thoáng, rồi rạng rỡ hẳn lên. Bà buông gáo nước, vội vã lau tay vào vạt áo cũ kỹ, rồi bước lại ôm Diệp vào lòng, đưa tay vuốt mái tóc dài của Diệp như ngày còn nhỏ.
– Ốm quá rồi. Học hành bận rộn quá nên không ăn uống đầy đủ à?
Diệp cười khẽ, nhưng giọng lại nghèn nghẹn:
– Tại con nhớ bà quá…
Căn bếp chiều hôm đó đỏ lửa, thơm mùi cơm mới và mùi của những món ăn quen thuộc. Ngoài sân, ánh nắng cuối ngày trải vàng lên mái tôn cũ. Diệp vừa ăn vừa kể bà nghe chuyện trường lớp, chuyện ký túc xá, chuyện bạn bè – chỉ duy nhất không kể về người phụ nữ kia. Bởi vì giữa những điều nên kể và điều nên giữ lại, Diệp đã chọn điều thứ hai.
Người phụ nữ kia là mẹ ruột, nhưng không phải là người đã ở bên Diệp trong những năm tháng chênh vênh nhất. Không phải là người từng ngồi quạt cho nó ngủ vào những trưa hè oi bức, hay từng ôm lấy nó vào những đêm giật mình vì ác mộng. Không phải là người dạy nó phân biệt đúng sai, hay lặng lẽ khóc khi nó đủ lớn để xa nhà.
Chiều hôm đó, sau bữa cơm, Diệp lặng lẽ ngồi trước hiên nhà. Gió nhẹ thổi qua, cuốn theo mấy hoa bông giấy rơi lả tả trên mặt đất. Diệp ngẩng đầu nhìn lên mái hiên cũ. Một vạt nắng xuyên qua kẽ lá, rơi nghiêng trên gò má của nó, ấm áp và dịu dàng như lòng bàn tay bà Năm vậy.
Lòng Diệp nhẹ tênh.
Bởi vì Diệp biết, rốt cuộc, nó đã trở về.
Về đúng nơi được gọi là nhà.
Bình luận
Chưa có bình luận