Bán em


Cơn bệnh của Mận lần này kéo dài rất lâu, suốt nửa tháng mùa đông. Khi nó khỏe lại, đám cưới của chị Nam đã ấn định xong ngày tháng rước dâu. Do hai nhà cách nhau quá xa, nên xem mắt, ăn hỏi, cưới xin dồn hết vào một dịp. Đất nước mới qua chiến tranh, có người trẻ nên duyên đã là chuyện vui của láng giềng chòm xóm, người ta chúc phúc còn chẳng hết nên không cười chê chuyện lễ nghi làm gì. Mẹ kế của chị Nam mấy lần đến ngỏ ý giúp việc đám cưới, nhưng chị không để tâm mấy. Mận thấy đáng đời lắm, trước kia bà ấy bán chị Nam cho nhà nó lấy mấy đồng bạc, sau khi mẹ nó mất thì giục vội chin cưới đám khác để lấy tiền sính lễ. Nào ngờ đâu, chị dứt khoát ở lại nhà chồng cũ, cũng dập tắt hi vọng của mẹ kế.  

Mận vui mừng giúp chị dọn dẹp đồ đạc, đi chợ sắm sửa, rồi đến quét dọn mộ của mẹ. Trên bia mộ không có di ảnh, cái tên mẹ khắc lên đá, nhưng Mận có thể hình dung thấy gương mặt mẹ khi cười.

- Chị em mình sẽ quay lại thăm mẹ mà. - Chị Nam vuốt tóc Mận.

Hai chị em lại quay về nhà. Những tưởng mấy ngày này có thể yên ổn sống, nào ngờ thím Mận lại tìm đến. Mấy tháng nay, bà đã cho người nói xấu chị Nam ở muôn nơi, nào là chị bỏ đói em chồng, giả vờ giả vịt để chiếm trọn ngôi nhà của bố mẹ chồng. Nào là trước khi chồng chết chị Nam đã đánh mắt đưa tình với mấy tay thợ hồ, rồi ngủ ở bụi chuối với thằng Đông. 

- Tụi nó chính là cái lũ mèo mả gà đồng không biết xấu hổ, ông bà không đắp chăn làm sao biết chăn có rận. Chị dâu tôi phải nín giận lắm, nhưng sợ mất mặt, mới phải đồng ý cho nó đi lấy chồng. 

Bao nhiêu lời xấu xa đê tiện, thím Xoan đã nói cả, giờ tìm đến nhà Mận chắc chắn chẳng mang ý đồ tốt đẹp gì. Quả nhiên, thím Xoan chống nạnh tựa lưng vào cột nhà, nhìn thấy chị Nam lại mắng xa xả. 

- Ai cho cô cái lá gan mang dòng giống nhà chúng tôi đi tái giá? Cô không biết thân phận mình chỉ là con dâu trong nhà hả?

Chị Nam gượng cười:

- Thím bình tĩnh đã. Sao thím không hỏi ý của Mận, con bé muốn theo ai. Cháu cũng là chị dâu, là người thân của con bé, trước khi mất mẹ chồng cũng đã gửi gắm con bé cho cháu, có nghĩa là mẹ tin tưởng cháu. Có mẹ nào hại con bao giờ, thím vẫn nên nghe di nguyện của mẹ cháu chứ.

Thím Xoan sượng ngang, nhưng vẫn còn cãi cố:

- Hỏi nó thì được cái gì? Nó còn bé, mày ngọt nhạt dụ dỗ nó. Trên đời này sao lại có thứ rắn rết như mày. Để tao chống mắt lên coi mày đối xử với cháu tao như thế nào.

Bà thở hồng hộc, thấy chị Nam vẫn không biến sắc thì càng tức giận:

- Nhưng mày phải để tiền bạc, của cải lại đến để làm tin. Nếu sau này mày đối xử với cháu tao không tốt thì tao còn đón nó về, lấy tiền làm dấn làm vốn cho nó.

Chị Nam đẩy Mận vào trong nhà, khi con bé đi khuất mới cười khẩy với thím Xoan:

- Ý thím vẫn là muốn chiếm ngôi nhà này, muốn chiếm tiền của mẹ cháu chứ gì?

- Con điên này. Mày đừng có mà đổ vạ cho tao! - Thím Xoan giơ tay lên muốn tát chị Nam một cái, nhưng lại bị giữ tay lại.

- Bản thân bà làm những việc xấu gì đừng tưởng xóm làng không biết. Muốn kiếm chác đồng tiền xương máu của mẹ tôi chứ gì? Một ngày tôi còn sống, bà đừng có hòng động vào một đồng một cắc. Nếu bà muốn có thể kiện lên ông trưởng thôn, để xem ai là người giám hộ của cái Mận, ai là người có quyền đối với tài sản trong nhà.

Thím Xoan bị nói một hồi đến cứng họng, chỉ biết trợn trừng mắt: 

- Con này láo… con này láo.

Còn chị Nam thì bình chân như vại: 

- Muốn động vào tiền của cái Mận, muốn dọa nạt tôi? Bao năm qua bị tôi dạy dỗ, mẹ tôi mới mất mấy ngày thím đã quên rồi hả? Thím nên sống cho tốt vào, kẻo cả đời này không có người thắp hương chống gậy đâu.

Câu nói này động thẳng vào nỗi đau sâu thẳm trong lòng người đàn bà không con. Thím Xoan ghim chị Nam với ánh mắt đỏ lừ độc địa:

- Mày cứ chờ đấy! Tụi mày không được sống tử tế đâu..

Có những người luôn tham lam đến mức mờ mắt như vậy, có những người lúc nào cũng muốn đem lại sự xui rủi và bất hạnh cho người khác, như thím Xoan.

Dù cho thím Xoan có cảnh cáo như thế nào thì đám cưới của chị Nam vẫn diễn ra thuận lợi. Nhà trai đến vào cuối tháng mười hai âm lịch, khi ấy, hoa cải cúc chín rực rỡ ngoài ruộng. Đồng quê thơm một mùi đất ngai ngái. Chị Nam mặc cái áo dài tân thời màu đỏ, trông duyên dáng khó tả. Bố chị và mẹ kế đến từ sáng sớm chỉ đạo y hệt như họ là chủ ngôi nhà vậy. Gia đình nhà anh Đông chỉ đến tầm năm sáu người, có lẽ do lớn lên trên thành phố, nên mẹ chồng mới của chị Nam trông rất lịch thiệp và quý phái. Bà có một khuôn mặt nghiêm khắc nhưng hiền lành, Mận thầm đánh giá. Có lẽ cuộc sống của chị Nam sau này sẽ tốt thôi, như thế nó yên tâm hơn rất nhiều.

So với những người làng quê khác, đám cưới của chị Nam vừa to, vừa hiện đại, đến nỗi những người đón dâu từ trên thành phố đến cũng phải ngạc nhiên. Có câu đối đỏ, có thảm cỏ, có kẹo hỉ, có phong bao lì xì, cả pháo đỏ vui tai, mâm cỗ to và ngon, rương của hồi môn xếp ngay ngắn chỉnh tề. Mẹ chồng chị bốc lấy một nắm kẹo, cứ tấm tắc khen con dâu chọn được kẹo lạc khéo quá, vừa bùi vừa mềm, rồi khen cả cách trang trí trong nhà rất đẹp.

Chị cúi đầu thẹn thùng cảm ơn mẹ chồng, rồi xúc động cảm ơn bà đã bao dung mình, bao dung cả Mận. Bà hơi ngẩn ra, nhưng vẫn xua tay bảo: 

- Chỉ là chuyện nhỏ thôi. Hạnh phúc của hai đứa mới quan trọng. Thằng Đông thương con lắm đó, sau này hai đứa phải cố gắng tu chí làm ăn, đồng lòng đồng dạ, có biết hay chưa?

Bên này, người làng bàn tán xì xào, nghi ngờ chị Nam làm gì mà có nhiều tiền thế, hay là lấy tiền nhà mẹ chồng để có cái sĩ diện đấy? Có người lại phản bác, “Nó cũng là đứa kiếm tiền ác ấy chứ.” Chỉ có Mận biết, chị Nam cố tổ chức cho kỳ được một đám cưới to chỉ vì nó. Chị phải cho nhà trai thấy mình cũng là người có tiền, khi ấy, cái Mận mới không phải nhìn mặt người khác trong nhà chồng mà sống, không bị dị nghị dèm pha như một đứa ăn bám. Chị đã chuẩn bị hết có cuộc đời sau này của nó, nhưng Mận… Nó cúi đầu nén đi những giọt nước mắt. Nó lại là người bỏ chị mà đi.

Dù gì cũng còn bố đẻ, lại ghép chung đám cưới với dạm ngõ, thủ tục các thứ cũng không đơn giản, phải qua bao nhiêu lễ nghi. Đến lúc có thể đón dâu cũng đã là 2 giờ chiều. Mận vừa mới đi phát kẹo hỉ cho đám nhóc trong làng xong, vừa mới về đến cổng thì chị Nam đã vẫy ngay nó.

- Chị ơi chị phải đi rồi sao ạ?

Chị cốc đầu nó:

- Chờ em mãi. Em đi đâu thế hả? Lên xe với chị.

Mận lưỡng lự nhìn sang chú rể đang đứng bên cạnh. Anh Đông vội đỡ lời cho nó.

- Mận có muốn lên xe chú rể cô dâu không hay ngồi với ông với bà?

Ông bà ở đây chính là bố và mẹ kế của chị Nam. Mận ngay lập tức hiểu ý, nó lắc đầu cười hì hì.

- Dạ thui, em không làm phiền chị với anh rể. Em lên với ông nha chị.

Chị Nam dí lên trán nó: 

- Cái con bé lanh chanh này. -  rồi đưa nó lên tận xe, nhờ vả bố - Bố để ý giúp con. Con bé lần đầu đi xe, sợ say. Có gì bố lấy miếng quýt cho nó ngửi.

Thấy Mận yên vị rồi, chị mới yên tâm trở lại xe của mình. Xe cô dâu từ từ lăn bánh, Nam nhìn ra ngoài cửa xe, ruộng đồng vàng hoa cải trôi về phía sau. Một phần ba quãng đời người con gái đã gắn bó với nơi này. Khói bếp nhà nào đi làm đồng về muộn bốc lên, bốc lên mãi. Cô nhắm mắt lại, để không quá lưu luyến trong lúc đi xa.

Thế nhưng, xe đi đến đầu làng thì chết máy. Người lái xe thử mọi cách vẫn không thể nào cho xe chạy được. Bác tài xuống xe, Đông và Nam nghển ra ngoài.

- Xe chết máy rồi, cô cậu chờ tí tôi sửa nhé.

Đông nhìn đồng hồ sốt ruột:

- Thế này là trễ giờ rồi, một tí thôi. Thôi em ở đây để anh xuống xe đằng sau trấn an mọi người nhé.

Nghĩ đến cái Mận, Nam cũng muốn xuống xe, nhưng lại bị anh cản. 

- Thôi em ở trên này đi. Đi đường đã xa rồi, váy vóc em như thế không tiện đâu, lát bẩn hết.

Nam thấy cũng phải, ngồi yên trên xe chờ người ta xem xét. Khoảng mười lăm phút sau, xe đã có thể nổ máy, bác tài hô lên “Ai dô đi thôi.” Thế nhưng, xe chưa kịp lăn bánh trở lại, đã có người hùng hổ đến chặn đường.

Thím Xoan lại chống nạnh, chỉ chỏ vào trong xe. Chú Bình của Mận đứng sau yểm trợ cho vợ.

- Cái con kia! Mày xuống ngay đây cho tao!

Nam bán tin bán nghi, nhưng không muốn to chuyện nên cũng nhẫn nại xuống xe. Thím Xoan ngay lập tức ngã sõng soài ra đất ăn vạ.

- Ối giời ơi chị Liễu, ối giời ơi chị Liễu. Chị xuống đây mà xem chị nuôi ong tay áo, nuôi rắn trong nhà. Chị giao tiền bạc của cải, giao con gái cho cái con rắn này. Nó đi lấy chồng, cuỗm hết tiền của chị làm đám cưới to như thế. Nó còn bán con chị cho người ta làm con nuôi, để cao chạy xa bay.

Thấy càng ngày thím Xoan càng nói quá, Nam sa sầm mặt lại:

- Thím nói cái gì thế hả? Tôi lấy đồng nào của mẹ? Ai bảo tôi bán cái Mận?

Đông cũng hốt hoảng kéo người đàn bà đứng dậy.

Thím Xoan càng sửng cồ lên:

- Tao thèm vào mà nói điêu. Mày bán cái Mận rồi. Bán cho nhà Hai Hào, cái lão bủn xỉn nhất cái thôn Bắc ấy để lấy tiền. Lương tâm mày để đâu hả? Hay bị chó tha rồi.

Chị Nam hít sâu một hơi, nhẫn nhịn người ta mãi, người ta trèo lên đầu lên cổ. 

- Thím không để yên cho người ta sống nữa sao? Cái Mận đang ở trên xe…

- Đâu đâu… Cái Mận đâu, mày chỉ cho tao xem nào?

- Thôi được rồi để cho thím sáng mắt ra. -  Nam tức giận vén váy phăm phăm tiến về phía chiếc xe đằng sau, Đông cuồng cuồng ngăn lại mà không được. Mở xe ra, hàng ghế đầu chỉ có bố mẹ hai bên nội ngoại, vị trí ban nãy mà Mận ngồi, giờ lại chằng có ai. Không tin vào mắt mình, Nam còn nhìn quanh xe một lượt.

- Nam… Con… - Bố Nam đứng lên vội giải thích. Nhưng chị Nam chỉ hỏi một câu ráo hoảnh: 

- Cái Mận đâu thầy?

Mẹ kế của chị đứng lên đỡ lời: 

- Giờ muộn giờ lành rồi. Cứ khởi hành đã con. Đưa dâu mà muộn là xui rủi dữ lắm.

Thím Xoan đứng bên cạnh vẫn la làng: - Đó ông bà xem, nó bán em chồng nó rồi. Bây giờ nó còn ở đây giả vờ như không biết nữa đấy!

Tim Nam quặn thắt khi nghe được ba chữ “bán em chồng”. Ánh mắt buồn thăm thẳm của Mận hiện về trong tâm trí chị. Trong những đêm thủ thỉ cùng nhau, có mấy lần Mận ngập ngừng muốn nói gì đó mà không thốt lên lời.


“Em sẽ nhớ chị lắm đó…”



​​​​​​​

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}