Lá thư bỏ vợ


Trong nhà chẳng biết từ bao giờ đã có thêm hai người. Người phụ nữ đeo khăn tang đứng trước, tập tễnh ôm bàn thờ mẹ khóc nức nở, đôi mắt ráo hoảnh giấu sau chiếc khăn mùi xoa. Người đứng sau mặt nhăn nhó lại, nhưng không ép nổi nửa giọt nước mắt. 

Người phụ nữ quay sang, dang tay với Mận:

- Mận ơi, lại đây với chú thím nào con.

Không ai khác, hai người này chính là chú Bình, chú ruột của bố nó và vợ - thím Xoan. 

- Hai người đến đây làm gì? - Mận tức giận nói. - Không cần hai người đến viếng mẹ cháu.

Chị Nam giữ tay con bé lại, đôi mắt ra hiệu cho nó không được hỗn. Còn chú thím thì được nước lấn tới:

- Ai tiêm nhiễm vào đầu con cái gì để con dám láo với chú thím vậy hả? Chú thím là ruột thịt của con, là người thân duy nhất còn lại của con. Những người khác đều là khác máu tanh lòng, con không được nghe họ, có biết không?

Thím Xoan nói xong, hất hàm lên với chị Nam:

- Đừng tưởng chúng tôi không biết cô có âm mưu gì. Chúng tôi biết cô sắp tái giá rồi, thằng Định đi chiến trường xấu số tuyệt phận, cô đàn bà không chờ được chúng tôi cũng không trách. Nhưng đừng có mà chia cắt ruột thịt nhà chúng tôi để tranh giành tài sản. Cô không có cái cửa đó.

Thím Xoan càng nói càng quá đáng, Mận nép trong lòng chị, đôi vai nhỏ cứ run rẩy. Ký ức hồi còn nhỏ lại ùa về. Ai chẳng biết người trước mặt này là chú của nó, thím của nó. Nhưng trong trí nhớ, Mận chưa bao giờ cảm nhận được tình cảm gia đình của họ. Chú đam mê cá cược, mỗi khi cần đến tiền mới đến tìm bố nó vay mượn. Thím là người đàn bà có cái miệng cười giả lả, nhưng lúc nào cũng tìm cách nói xấu mẹ nó. Đến nỗi có lần trong ngày giỗ của ông nội, bố Mận chẳng biết nghe thím Xoan nói gì đó mà tức giận quẳng bát cơm đi ngay, kế đến kéo mẹ vào trong buồng đánh một trận. Mận ở bên ngoài xin cho mẹ thì bị thím giữ lại, thím lấy tay che nửa miệng:

- Con còn bé xen vào chuyện của người lớn làm gì? Mẹ con sẽ ra ngay ấy mà.

Cũng may lúc ấy có chị Nam xuất hiện. Chị bưng đĩa xôi lên để trên bàn, cố ý nói lớn:

- Ôi cái áo này của thím đẹp thật đấy.

- Vậy hả? Cháu thấy có tôn da không? Thím Xoan cười tít mắt.

- Có ạ, nhưng không bằng cái áo lụa màu xanh hôm nọ thím mặc khi ở ngoài ruộng với chú Năm thôn Đặng đâu. Hôm ấy cháu với mẹ cứ tấm tắc bảo nhau, ôi sao thím Xoan tươi thế, xinh thế, cứ như cô gái mới lớn gặp người thương ý.

Những người xung quanh đều đổ dồn ánh mắt vào người thím Xoan, bố cũng ngừng tay lại. Mọi người đều ngầm hiểu chắc chắn con dâu út nhà này đã có một cuộc vụng trộm kích thích, không may bị chị dâu cả với cháu dâu bắt được đây mà. Cho nên giờ mới lồng lộn lên cố ý kiếm cớ để chị dâu bị đánh. Chú Mận cũng giận lắm, nhưng vẫn phải vui cười mời rượu mọi người.

Kể từ đó, thím Xoan với chị Nam gần như đã kết thù mất rồi. Hôm nay, thím Xoan vẫn giữ nụ cười giả lả như thế, nhưng ý đồ đằng sau chẳng cần che giấu:

- Hôm nay chú thím đến đây là muốn kiểm kê cho rõ, nhà thì cô có thể ở đến lúc lấy chồng, nhưng cái Mận phải ở lại. Chúng tôi nói thế thôi, chứ xóm làng nào cho cô mang dòng giống nhà tôi đi được. Đồ đạc trong nhà, cô cũng đừng mong động vào một hào một cắc.

Mận ngay lập tức khóc òa lên:

- Em không muốn, em không muốn ở với chú thím đâu. Chị ơi…

Chị Nam nó vẫn đứng yên, chỉ nhè nhẹ xoa đầu Mận. Sự im lặng của chị khiến Mận hoang mang, như một đứa trẻ bị vứt bỏ giữa chợ, giữa những ồn ào huyên náo đang lấn át tiếng khóc của nó.

***

Chú thím đã về rồi, Mận vẫn co mình trốn trong phòng, thi thoảng len lén nhìn ra người góa phụ đang quen tước sân vườn. Dáng chị rất thẳng, trong cái lạnh ù ù của cơn gió bấc, chị vẫn không lay chuyển chút nào.

Mận biết chị Nam là kiểu người tự trọng đến mức cứng nhắc. Chị không thích ai nhắc đến tên mình với vẻ dè bỉu và đề phòng như cái cách thím Xoan đã làm. Thím Xoan lo ngại chị bám víu ở lại hòng chiếm lấy gia sản của bố mẹ, thì chị sẽ làm ngược lại, sẽ dứt áo ra đi một cách quyết liệt, để không ai nói gì được mình. Nhưng đó chính là điều mà nó sợ. Nó không muốn ở lại trong căn nhà này, với những người ruột thịt nanh nọc lúc nào cũng muốn ăn tươi nuốt sống nó…

Song giờ Mận có thể làm gì? Mận gác đầu lên trên chiếc gối cũ thơm mùi bạc hà mà chị Nam chuẩn bị. Ngay cả mẹ cũng bảo, “Nhà mình không có quyền giữ chị dâu con lại.” Mận lại miên man nhớ về câu chuyện của mẹ. Khi ấy, anh Định và chị Nam cùng lớn lên trong nhà. Ban đầu anh chị còn ghét bỏ nhau, nhưng dần dà, con người sống chung cũng phải có ít nhiều tình cảm. Hai đứa trẻ bắt đầu trở thành bạn, anh Định còn nói dối bố để chị có thể đi chơi đánh quay trên bãi đất trống đầu làng, chia cho vợ từng nửa củ khoai. 

Năm anh Định mười tám, bố vừa mất, anh đi lính, chị mới mười lăm, Mận lên hai. Mẹ khóc đứt ruột tiễn con trai đi lính, rồi bắt đầu ốm đau liên miên, một mình chị gồng gánh đi làm cho hợp tác xã lấy công nhật, về lại chăm lo rau ráng, gà qué trong vườn, chăm mẹ ốm. Trong cái thời mà người ta bài xích và lên án tư hữu, chị vẫn tính rất xa, vẫn tích góp được vốn liếng riêng. Trong nhà chẳng bao giờ thiếu thóc gạo hay thức ăn. Mận cũng bình an mà lớn lên trong những năm Mỹ rải thảm khốc liệt nhất.

Nhưng anh Định thì mất tăm tin tức sau hai năm đi lính. Thư từ cứ vắng dần rồi cắt đứt hẳn. Mẹ lại khóc, chị Nam nhìn về cánh chim đang bay về phương Nam mà rầu rĩ. Mận khi ấy đã lớn rồi, nó rúc vào lòng chị đòi nghe kể chuyện cổ tích. Nhưng chị chỉ lặng im, rồi đôi vai run lên, nước mắt vỡ òa trong cái nấc nghẹn ngào. “Chị… thương anh Định lắm. Em chưa gặp anh Định đúng không? Anh có mũi rất cao, cái mắt biết cười.” Đó là lần đầu tiên Mận hình dung được về anh trai của mình qua lời kể của chị dâu. 

Chiến tranh chấm dứt, anh Định cũng về, nhưng chỉ là một chiếc ba lô đựng đồ đạc sinh hoạt cá nhân. Đồng đội nói anh bị địch bắn, bao nhiêu năm rồi, họ mới tìm được địa chỉ của anh để gửi lại đồ đạc, mong gia đình có một chút mà tưởng niệm. Chị Nam và mẹ sững sờ đón lấy chiếc ba lô. Mặc dù bao lâu nay đã chuẩn bị tinh thần rằng anh đã gặp bất trắc, nhưng sự thật đau đớn đến bất ngờ quá, không ai chịu đựng nổi.

Kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, vợ tiễn chồng… Chị Nam mở ba lô ra, bên trong chỉ có một chiếc đèn pin, một cái bút và mấy lá thư nhà đang viết dở. Trong đó có một lá thư ngày tháng mới nhất, mà nội dung…

Mẹ tựa lưng vào tường khi kể đến đây…

- Thư bỏ vợ đấy con.

Giờ chị Nam vẫn giữ lá thư đó, Mận đã nhìn thấy, còn nhớ rất rõ.

“Thân gửi Nam,

Nam với tôi lấy nhau suốt bao nhiêu năm trời, nhưng tuổi trẻ không biết yêu đương là gì, lớn lên lại chia cắt mỗi người mỗi ngả. Tôi biết cậu bị ép cưới, tôi cũng bị ép cưới. Tình cảm giữa vợ với chồng, làm sao gượng ép cho chín được. Giờ tôi ở chiến trường, không biết có trở về được không, lòng lại vương vấn người khác. Tôi không muốn làm lỡ dở Nam. Viết tin này để báo Nam đừng chờ, chúc Nam sớm tìm được tình yêu đích thực của mình.”

Vậy là chị Nam đã góa chồng, nhưng nói đúng hơn, chị chỉ là một nàng dâu bị chồng bỏ. Mỗi tội, lá thư bỏ vợ này đến hơi muộn mà thôi.


​​​​​​​

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}