Con không mẹ liếm lá ngoài chợ


Năm ấy mẹ mất, Mận mới chín tuổi. Nắm đất người ta đắp lên mộ mẹ mang theo người thân ruột thịt duy nhất của nó. Người ta bảo, “Con không cha ăn cơm với cá, con không mẹ liếm lá ngoài chợ”. Nó thì chẳng còn ai. Ngay cả người anh trai duy nhất cũng hi sinh trên chiến trường miền Nam. Căn nhà từng ồn ào huyên náo như thế... Tiếng đằng hắng của bố, tiếng máy khâu mini của mẹ, và cả tiếng anh Định đòi cơm mỗi khi đi đá bóng về muộn... Giờ đây yên ắng đến nỗi nghe được cả tiếng hạt bụi trở mình.

Chị Nam vén rèm từ trong buồng bước ra, chiếc khăn tang hơi lỏng càng làm đôi mắt thâm quầng thêm phần mệt mỏi. Suốt mấy hôm rày, một tay chị lo toan việc ma chay, nghi lễ, cho đến tiễn mẹ ra đồng. Mấy đêm liền giật mình khóc gọi mẹ, Mận vẫn thấy chị Nam gục đầu bên chiếc chõng nhỏ nó nằm. Thấy động, chị nhíu mày, bàn tay đặt lên lưng nó vỗ về, “ngoan, ngoan”, rồi khẽ hát cho nó một khúc dân ca Kinh Bắc. Nó rúc vào lòng chị, rúc mãi mà chẳng biết tự bao giờ đã khóc ướt cả hai má. Từ nay nó không còn có mẹ nữa rồi, chỉ còn chị dâu thôi. Đêm tỉnh lị buồn tẻ, trong cái rét đặc lại và cứa vào da thịt, hơi ấm từ chị Nam làm Mận tủi thân quá thể. 

Thế nhưng, chị sắp đi lấy chồng mới. Mận rưng rưng khi nghĩ về điều ấy. Mẹ đã nói với nó từ tháng trước, khi bà vẫn còn khỏe mạnh. Mẹ còn hào hứng lựa một ít đồ trang sức còn nguyên vẹn, may 2 chiếc áo dài, cất thật kỹ để tặng cho con dâu vào ngày cưới. “Cái này cho con sau này lấy chồng. Mà thôi, mày còn bé tí, biết khi nào mới có người theo. Để dành cho chị Nam. Con bé thích màu đỏ lắm.” Mận vẫn nhớ những hôm chống tay ngồi nhìn mẹ lựa đồ. Số phận trêu đùa thay. Đồ chưa đến tay chị Nam thì mẹ đã mất, để lại đứa con gái mới chín tuổi và một nàng dâu góa sắp đi lấy chồng. Đám cưới kia phải tạm gác lại, song Mận biết ngày chị Nam lên xe hoa sẽ đến sớm thôi. Mới sáng nay, nhà thông gia đã đến gặp riêng chị Nam, mắng xa xả cả buổi:

- Tại sao mày ngu thế hả? Thầy u đã bảo về nhà rồi mà mày không chịu, nằng nặc muốn ở lại chăm sóc mẹ chồng. Giờ thì hay rồi, chết lúc nào không chết, lại chết lúc này. Giờ thì mày tái giá kiểu gì hả con? Sính lễ của người ta đã mang đến hết rồi.

Chị Nam tựa đầu vào cột nhà, nhắm mắt đầy mệt mỏi, bà mẹ kế vẫn cứ nói liên hồi.

- May mà xóm làng đều biết nhà chồng đồng ý cho mày tái giá rồi. Còn con bé Mận kia, mày gọi chú thím nó đến đón về đi, sau đấy về nhà. Về nhà thì mày không phải tang chở, không phải chờ gì hết, cứ thế lấy chồng thôi. 

Suốt cả một buổi sáng nghe lén, Mận chỉ nghe thấy tiếng của một mình bà Lành. Chị Nam chẳng mở lời, song Mận hiểu chị đã lung lay. Chị năm nay mới hai mươi tư, còn trẻ, còn son rỗi. Làm dâu ở nhà nó từ năm mười một, đếm trên đầu ngón tay cũng được hơn mười mùa lạc, nhưng suốt mấy năm đằng đẵng đó, chị với nhà chồng, suy cho cùng cũng chỉ là những kỉ niệm buồn tủi và mệt mỏi. 

Anh Định với chị không đến với nhau bởi tình yêu, mà do hai nhà mai mối áp đặt. Đằng gái là con của một ông đồ có tiếng trong làng. Ông đồ trong thời kỳ đám trẻ ở lớp vỡ lòng bắt đầu học chữ quốc ngữ đã chẳng còn được trọng dụng. Bố chị chỉ biết viết chữ nho, chứ chuyện đồng áng cày cấy thì gần như không có sức động đến. Cái thuở cơm còn không có mà ăn, nào ai nghĩ đến chuyện học chữ Nho, mua chữ Nho làm gì. Thành thử, gia cảnh của nhà chị Nam rất khó khăn.

Mẹ Mận kể, lần đầu tiên gặp chị Nam, bà bắt gặp một đôi mắt rất sáng trong bộ quần áo nâu bợt màu. Không như những đứa trẻ khác trong làng, chị lam lũ mà sạch sẽ. Bố Mận cũng ưng, ngay lập tức gật đầu để lấy chị cho anh trai khi ấy mới mười bốn tuổi. 

Hồi đó nhà nó còn có của ăn của để, ăn cơm trong mâm đồng, có bốn chiếc chum đựng nước, một khu vườn rộng nuôi gà. Chỉ kể qua loa như vậy đã thấy ăn đứt những người khác. Còn bên kia… Mẹ chị Nam mất sớm, bố không làm ra của nải, việc trong nhà hết thảy nghe theo mẹ kế. Bà ấy chỉ hỏi một câu sính lễ là bao nhiêu, nghe được đàng trai trả lời thì sáng mắt lên. Chẳng ai đứng lên bảo vệ cho đứa trẻ năm ấy cả, hơn nữa, thời đó lấy chồng tuổi mười hai mười ba không phải chuyện hiếm, người ta chỉ thấy đó là chuyện thường tình.

Cứ như thế, chị Nam đi lấy chồng, đổi lại một cái mâm đồng, mấy đồng bạc và hai tạ gạo. Mẹ kể với ánh mắt nặng trịch nỗi hối hận. Anh Định chồng chị cũng chẳng lớn gì cho kham. Mười một với mười bốn, biết gì mà yêu đương chồng vợ. Anh đang học cấp 2 trên huyện, cứ đến lớp là bị đám bạn hát nghêu ngao trêu chọc.

“Chồng gì mà bé

Tí tẹo tèo teo

Chân đi cà kheo

lúc đi phải cõng

lúc khóc phải bồng”

Tuổi mới lớn còn nhiều sĩ diện, bị trêu tức như thế không dám đánh lại lũ bạn, anh Định chọn cách trở về nhà để trút giận. Tự nhiên có một người vợ, vốn chẳng quen, nay anh lại càng ngứa mắt. Chẳng ít lần anh bày những trò tai quái để bắt nạt chị Nam. Nhưng chị vốn là cô gái chẳng chịu thua thiệt ai, nếu mà có đánh nhau thì chắc chắn anh là người thua. Anh Định tức lắm, mới rình cô vợ nhỏ hàng ngày, thấy chị sai điều gì liền mách ngay với bố. Thậm chí, anh còn lừa chị đi chơi đu quay trong ngày giỗ ông nội rồi nói dối với người lớn:

- Bố ơi con Nam không chịu nhặt rau. Nó ra bãi bóng chơi đu quay rồi. Con ngăn mà chẳng được.

Bố Mận là người còn rơi rớt cái tính cách của thời đại trước, cổ hủ và gia trưởng, không cần biết ai đúng ai sai, đã cầm roi quất con dâu lê lết, rồi ném chị vào trong nhà kho bỏ đói cả ngày trời.

Anh Định mang theo một đĩa thịt nướng, ngồi chồm hổm trước cửa nhà kho, trêu chọc:

- Này con Nam, mày muốn ăn không? Muốn ăn thì gọi tao là bố đi.

Chị chẳng quan tâm đến đĩa thịt nướng kia, nhặt viên sỏi nhỏ ném thẳng vào giữa trán của anh Định. Gã trai mới lớn ngã ra giữa sân ăn vạ, chị lại bị bố chồng đánh thêm một chặp nữa. 

Tuổi thơ của chị Nam gắn liền với xóm bếp mờ bụi, co mình lắng nghe tiếng sáo réo lên từ bãi đu quay đầu làng. Con quay đu tít đu tít, tiếng cười trẻ nhỏ cũng giòn tan. Nhưng chiếc đu quay đó chỉ là ước mơ xa vời mà cô gái nhỏ không thể với tới được.

Mẹ chấm nước mắt khi hồi tưởng về những ngày ấy: “Nhà mình nợ con bé, nợ nhiều lắm. Không biết bao giờ mới trả hết được.”

- Sao em lại ngồi đây? Không thấy lạnh sao?

Chị Nam cúi xuống sờ trán của Mận, con bé vẫn ngồi bệt ôm cột nhà ngước lên. Con bé nhảy òa vào lòng chị khóc rấm rứt, người quả phụ trẻ tuổi càng thêm lóng cóng.

- Chị ơi, chị đừng bỏ em đi có được không?

Chị Nam cứng người lại, Mận có thể cảm nhận rất rõ. Nó cũng cứng người, gồng lên để chống lại cảm giác đau đớn của một đứa trẻ sắp bị vứt bỏ.

Chị Nam dịu dàng xoa đầu nó:

- Ngoan nào, sao em lại nói những lời như thế. Không có chuyện gì đâu. Ngoan, đứng dậy vào trong nhà rửa mặt đi, nhà hôm nay có khách.

Mận thấy đôi mắt kiên định của chị Nam, dường như được trấn an thêm rất nhiều. Nó gật đầu ngoan ngoãn vào trong nhà. Đến lúc trở ra, Mận giật mình vì những tiếng khóc hờ não nề:

- Ôi chị ơi, sao chị hồng nhan bạc mệnh thế? Sao chị bỏ tụi em đi rồi? Từ giờ cái Mận biết làm thế nào đây?


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}