Trang viên rộng hơn nhiều so với tôi hình dung vào tối hôm qua. Deborah chỉ dẫn tôi đi tham quan khu vực vườn và phía sau biệt thự, nơi thả gia súc. Con bé nói rằng ba tháng trước có dịch nên gia súc chết hàng loạt, sau đó ba của nó, ông Aiden chỉ cho nuôi vài con cừu còn sống sót, không tăng giống. Người coi gia súc là Edmund, anh ta sống ở nhà biệt lập trong rừng, gia súc cũng được thả ở trong đó, còn rào chắn mà tôi nhìn thấy từ phòng tối hôm qua chỉ là khu vực cũ chưa được dỡ bỏ.
Ngôi nhà khá đồ sộ, mái ngói xám xỉn màu, những ô cửa sổ cũ kĩ, nhiều tấm kính có vết nứt, phần gạch ở nhiều nơi cũng loang lổ vết chân chim. Có thể ví von ngôi nhà như một người đàn bà trung niên đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, vẫn giữ được vẻ quý phái lộng lẫy của thời vàng son nhưng cũng không thể che giấu nét trải đời thành thục của người già dặn, thế đấy.
Deborah nói thời tiết ở đây rất ẩm thấp. “Có sương giá, mưa phùn, tuyết, không quá khắc nghiệt nhưng cũng chẳng dễ chịu”.
So với thời tiết ở nơi tôi ở trước đây thì quả thực nơi này có vẻ lạnh hơn. Nhưng điều đó không gây ảnh hưởng gì. Ở đâu cũng như nhau, chỉ là thời tiết thôi.
Con bé dẫn tôi đi tham quan ngoài sân, sau đó là bên trong biệt thự. Nơi này được gọi là biệt thự Tingrow, nằm trong trang viên Tingrow, một trong những trang viên lâu đời nhất khu vực phía Bắc, theo lời Deborah. Con bé có vẻ rất tự hào khi kể về nơi này. “Nó thuộc về cụ của em, đã bị bỏ phế khá lâu trước khi gia đình em dọn đến. Chủ trước là bà cô của em, quý bà Phansicca Ioannou, chị có thể nhìn thấy bức chân dung của bà ấy được treo ở lầu hai, chỗ hành lang ấy”.
Chúng tôi lại leo cầu thang, những bậc cầu thang vô tận. Deborah chỉ qua cánh bên trái: “Đấy là chỗ phòng ngủ của chị và em, với một phòng bỏ trống,” rồi lại chỉ qua cánh phải, “bên đó là Phòng Sách của mẹ, phòng ngủ của ba mẹ và phòng cho khách”.
Rồi lại tiếp tục leo cầu thang.
“Ở trên là các phòng chức năng. Có phòng học của em, phòng Khiêu vũ, phòng Nhạc, phòng Đồ chơi của em nốt”. Deborah lại tiếp tục nói.
Lầu hai khác với lầu một, nơi này có vẻ u ám hơn, các rèm cửa được kéo kín, mùi gỗ lâu ngày bị ẩm mục, có vẻ nơi này hiếm được ai đến thăm. Quả thế, Deborah giải thích thêm: “Chỉ có Dilan và Dora thỉnh thoảng lên đây quét dọn. Từ khi cô gia sư trước nghỉ việc, em cũng không lên đây học hay chơi. Tầng hai buồn hơn tầng một”.
Con bé dẫn tôi đi dọc hành lang, nơi các bức chân dung sơn dầu được treo liền trên tường. Quý bà Phansicca mặc trang phục dạ hội viền ren màu hồng sáng, tóc lọn màu nâu. Quý ông Cristiano, chồng của quý bà Phansicca, theo lời Deborah thì ông ấy qua đời khi còn trẻ, nên chỉ có bức chân dung được vẽ sau đám cưới của họ. Có cả hình của nhiều nhân vật khác, những người đã từng sống ở trang viên Tingrow. Trông họ đều giống như những nhân vật lịch sử sống ở thế kỉ mười bảy, mười tám, dù Deborah nói bà cô chỉ vừa qua đời mười mấy năm trước, theo lời ba nó.
“Không có hình của gia đình em sao?”. Tôi hỏi con bé.
“Có chứ ạ,” Deborah đáp, “nhưng ba mẹ em đã cho người gỡ xuống hết từ ba năm trước”.
“Tại sao?”, tôi hỏi.
Deborah có vẻ lưỡng lự không muốn, hoặc như là không dám nói. Con bé cau mày nhìn tôi, bặm môi, rồi nó nói lảng qua chuyện khác: “Em dẫn chị đến phòng Nhạc nhé, nơi đó có đủ các loại nhạc cụ”.
Quả đúng như lời Deborah, có vẻ gia đình Ioannou có truyền thống âm nhạc lâu đời. Phòng Nhạc có đàn dương cầm, vĩ cầm, cello, kèn trumpet, saxophone, bộ trống, thiếu đàn guitar.
“Mẹ em từng là nhạc công cello,” Deborah nói.
“Thật à?”. Tôi ngạc nhiên. Cuộc đời tôi chưa từng tiếp xúc với một nghệ sĩ nào, không nhạc công, không họa sĩ, không nhà văn... Gia đình tôi chủ yếu làm công chức, ngay cả công chức trong cơ quan văn hóa nghệ thuật cũng không.
“Chị tò mò muốn gặp mẹ em”. Tôi nói với Deborah. “Bà ấy là người như thế nào?”. Tôi hỏi con bé.
Deborah ngồi xuống chiếc ghế nệm không tựa ở cạnh cửa sổ phòng Nhạc. Ánh sáng hắt vào từ khe hở của tấm rèm in lên phần tóc mai khiến nó trông như được rắc kim tuyến phát sáng, con bé lung linh như một thiên thần nhỏ.
“Mẹ rất đẹp”. Deborah nói chậm rãi. “Mẹ từng dạy em chơi đàn. Bà rất thích đọc sách nên cũng dạy em đọc nữa. Em rất thích đọc những lời phê bình được mẹ viết ở lề các quyển sách bà từng đọc, dù em chẳng hiểu mấy. Nhưng mấy năm nay mẹ không khỏe lắm”. Con bé cúi đầu, vân vê tà váy của mình. “Ba nói rằng em không nên làm phiền mẹ, mẹ cần nghỉ ngơi”.
Được rồi, chính thức thì tôi bắt đầu vô cùng tò mò về người phụ nữ này, người đàn bà tên Shannon. Chính xác thì bà ta như thế nào đây?
“Deborah, quan hệ giữa ba mẹ em có tốt không? Họ có thường cãi nhau, hay to tiếng với nhau?”. Tôi thừa nhận mình có hơi thời cơ khi dò chuyện một cô bé thế này. Nhưng như Aiden nói, ưu tiên hàng đầu, định mệnh của tôi là Deborah. Nếu tôi muốn trở thành một người bạn thân thiết, một người hướng dẫn con bé đương đầu với “quỷ dữ” ngoài kia, ít nhất tôi cũng phải biết cuộc sống của con bé thế nào nhỉ? Điều này hợp lí mà.
Deborah lại lưỡng lự, như thể có người luôn ở cạnh giám sát con bé.
“Được rồi, chúng ta chơi một trò chơi nhé?”. Tôi nói với nó. “Trò chơi này tên là ‘Nói thật’. Luật rất đơn giản: chị sẽ hỏi em một câu, em phải trả lời thật lòng những gì em biết, ngược lại, em cũng hỏi chị bất cứ câu nào, chị sẽ trả lời cho em với lòng trung thực tuyệt đối. Cứ tiếp tục như thế đến khi nào chúng ta hoàn toàn biết hết mọi điều về nhau”.
Deborah nhìn tôi, ôi cái ánh mắt long lanh ngây ngô đó. Nhưng tôi chắc chắn sẽ trung thực, đây rõ ràng là một trò chơi vô hại. Chỉ là những bí mật nhỏ, vô hại, tôi nghĩ vậy. Bạn biết đấy, liệu một gia đình ba người có thể giấu những bí mật kinh động cấp quốc gia sao?
Deborah nhanh chóng bị cuốn vào trò chơi. Để tránh bất cứ ai khác phát hiện ra mánh khóe của mình, tôi dặn con bé: “Không được nói việc chúng ta đang chơi trò này với bất cứ ai, ngay cả ba mẹ em nhé”.
Đó là lí do tôi rất yêu trẻ con. Như lời ông Aiden, chúng là những sinh vật ngây thơ, thuần khiết nhất, những con thú nhỏ nhìn thế giới với ánh mắt tò mò, vô hại, những thiên thần nhỏ.
Bình luận
Chưa có bình luận