“Bọn trẻ đáng yêu quá”. Sau khi đám nhóc lên lầu, Diana nói với Mary như thế khi cả hai cùng dọn bàn ăn. Đây là lần đầu kể từ khi đến Bavaltique cô được ở riêng cùng cô ấy.
Mary làm luôn tay và hơi nhoẻn miệng cười khi nghe Diana nói.
“Ngày thường là thế, nhưng thỉnh thoảng có lúc chúng cũng phá phách. Dan và Rosa thích chọc ghẹo các anh em khác, Dimian thích ở một mình thì luôn bị Theo đi theo gợi chuyện, Pheo lại quá trầm lắng và có vẻ xa cách với các anh chị. Nhiều vấn đề lắm”.
“Một mình cô phải chăm năm đứa trẻ như vậy có hơi quá sức nhỉ?”. Diana cảm thán sau khi nghe Mary nói sơ tình hình.
“Nhiều lúc tôi cũng thấy như thế. Nhưng cũng đâu phải chỉ có mình tôi chăm sóc, còn những người phụ việc khác. Chỉ là tôi dạy chúng học và quản lí mọi việc khác nữa nên chúng có vẻ gần gũi tôi hơn. Tôi thì lại thích ôm đồm mọi thứ vào mình, nên nhiều lúc không kiểm soát được, rồi lại tự oán than thân mình,” Mary trả lời.
Hai người cùng những người phụ việc khác dọn dẹp chén bát xuống bếp, sau khi rửa xong thì đem ra ngoài hiên cho mau khô. Dù chỉ là một bữa ăn nhưng có nhiều người nên chén đĩa cũng chất đống. Diana nhìn qua cũng phải cảm khái, thảo nào Trại thiếu tiền, tiền nước rửa chén thôi không chừng cũng đã ngốn một phần lớn.
Trước khi Mary lên phòng nghỉ trưa, Diana nói với cô ấy về kế hoạch của mình cho bài báo: “Hôm nay tôi sẽ đi loanh quanh tìm tư liệu để viết về tình hình chung của Trại. Ngày mai tôi sẽ phỏng vấn cô và những nhân viên, người làm ở đây. Ngày mốt sẽ phỏng vấn bọn trẻ”. Cô giải thích thêm: “Lẽ ra không có chuyện phỏng vấn bọn trẻ đâu. Ở những Trại khác chúng tôi không làm vậy. Nhưng Trại Bavaltique có quy mô nhỏ và ít người, tôi nghĩ thêm vào mục này sẽ khiến bài thú vị hơn”.
Mary không có ý kiến gì về kế hoạch của cô.
“Nếu cô cần gì cứ nói với một trong những người làm, hoặc gọi tôi cũng được”. Cô ấy dặn như thế trước khi lên phòng.
Diana về phòng mình và lại chỉnh sửa bản thảo trên máy tính. Xong xuôi, cô tắm rửa và dự định sẽ nghỉ trưa một lát trước khi tham gia giờ ngoại khóa buổi chiều với đám trẻ. Nhưng cô không chợp mắt được chút nào. Hai giờ kém, cô rời khỏi phòng, định bụng đi loanh quanh trong nhà khám phá một chút.
Các phòng chức năng đều đã được cô ghé qua, chỉ còn phòng đọc sách. Diana nghĩ rằng mình có thể tìm được chút ít thông tin về Trại thông qua vài quyển sách hữu ích ở nơi này. Suy nghĩ của cô đã đúng, có một quyển danh bạ thông tin đã cũ nát, mất bìa và có lẽ vài trang cuối đã thành bữa ăn của vài con chuột đã chết cỡ chục năm trước được cô tìm thấy. Diana lôi nó ra từ ngăn cuối cùng của kệ, có vẻ như nó đã bị bỏ xó từ lâu và cô là người đầu tiên giở ra sau vài thế kỉ.
Đây là danh bạ thông tin về những người đã sống ở thị trấn vào khoảng thế kỉ mười chín và những năm đầu hai mươi. Diana giở trang cuối cùng ra để kiểm tra, có khoảng hai trăm người, hơn năm trăm trang sách, đã bị chuột gặm chục trang cuối, còn thấy rõ dấu vết, cũng có thể là vết mọt ăn, Diana chẳng rõ.
Cô giở đến chữ B. Bamunern, Bannington, Barun, và Bavaltique.
Người đầu tiên lấy họ này, Vanru Bavaltique, thế kỉ mười tám, không được nhắc nhiều. Sau đó là một loạt thông tin về con cái của ông ấy. Robin Bavaltique, người đã xây dựng trang viên này, đồng thời là ba ruột của Jane, người chủ Trại đầu tiên.
Các dòng chữ đã bạc phết vì thời gian, Diana phải căng mắt ra đọc để đảm bảo mình không bỏ sót bất cứ cái tên hay thông tin quan trọng nào.
“Bất cứ thứ gì cũng có thể là tư liệu cho bài báo”. Cô có ý thức về trách nhiệm công việc hơn bao giờ hết.
Jane Bavltique, kết hôn với một thương nhân ngoại quốc vào năm hai mươi tuổi, có một cặp sinh đôi vào hai năm sau. Những năm sau đó là những đứa trẻ khác liên tục ra đời. Cặp vợ chồng có với nhau sáu người con. Với Diana, đây quả là một con số ấn tượng. Người có nhiều con nhất mà cô quen là chị gái, chị ấy có ba đứa con, một nửa so với Jane. Cũng không lạ gì, cô nghĩ, vào thế kỉ mười chín, gia đình đông con có lẽ là chuyện bình thường.
Diana lại dò đọc tiếp. Một điều bất ngờ: 1826, sáu đứa con của Jane được ghi nhận đã qua đời. Diana ngỡ ngàng trước thông tin mình vừa tìm thấy. Cả sáu đứa con qua đời trong cùng một năm. Cô lên mạng và tra cứu thông tin ngay lập tức, có thể là một dịch bệnh nào đó, hoặc một vụ tai nạn. Nhưng Diana không tìm thấy gì. Có lẽ đây chỉ là một sự kiện nhỏ so với những vấn đề lớn hơn của xã hội bấy giờ nên ngoài thông tin trong quyển danh bạ này, nó không được lưu trữ trong một bài báo hay cơ sở dữ liệu nào khác.
Sáu đứa trẻ qua đời vào năm 1826, và Trại được Jane thành lập vào năm 1827, đây có lẽ là một điều gì đó to lớn hơn sự trùng hợp ngẫu nhiên. Diana suy đoán, có lẽ vì quá nhớ thương các con nên Jane đã thành lập Trại, cưu mang, săn sóc những đứa trẻ để khuây khỏa nỗi đau.
“Một thông tin quan trọng”. Diana vừa lẩm nhẩm vừa giở sổ ghi chép của mình.
Nhưng cũng chỉ có thế. Những ghi chép sau không có liên quan gì đến bài báo. Sau Jane, không có người nhà Bavaltique nào liên quan đến Trại trẻ nữa. Jane không có con gái ruột sau cái chết của sáu đứa con kia nên Trại được trao cho Sophie, một trong những đứa trẻ được cô cưu mang. Sophie thừa kế Trại và sinh con gái – Anne, vào năm 1858. Diana không tìm được ghi chép nào về chồng của Sophie, và con gái của cô ấy lấy họ mẹ là Bavaltique. Anne thừa kế Trại từ mẹ khi Sophie qua đời vào năm 1892.
“Vậy là từ Sophie, Trại đã không được người mang dòng máu Bavaltique thừa kế, chỉ là những người lấy họ Bavaltique”. Diana kết luận.
Diana có thể tự thêm thắt đôi dòng cảm nghĩ của mình vào bài báo như sau:
Có thể thấy rằng, Trại Bavaltique không đơn thuần là một món tài sản thừa kế. Nó được tiếp quản và phát triển bởi những con người không cùng huyết thống nhưng đều có điểm chung là sự yêu thương. Họ đã lớn lên nhờ vào sự săn sóc, quan tâm của những nhân viên làm việc tại đây – những con người không cùng dòng máu nhưng có trái tim đong đầy tình yêu. Có lẽ chính vì điều đó, những người phụ nữ từng tiếp quản Trại đã vô cùng hân hoan và hạnh phúc khi kế thừa giá trị cao cả mà những người đi trước đã để lại. Họ đã lan tỏa tình thương mến và giúp đỡ, cưu mang những đứa trẻ không nơi nương tựa, cho chúng một mái ấm, một nơi để thuộc về, giống như mình đã có.
“Có vài chỗ cần phải chỉnh lại”. Diana nghĩ vậy sau khi đọc lại. “Một số chỗ bị viết quá lên”. Cô vừa nói vừa dùng bút đánh dấu.
Đầu giờ chiều, Diana đi theo Mary dẫn bọn trẻ ra sân hoạt động. Nói là hoạt động ngoài trời nhưng thực chất chẳng phải đứa nào cũng chịu “hoạt động”, Diana âm thầm quan sát. Dimian tìm một chỗ yên tĩnh, khuất người ở trong vườn và ngủ gà ngủ gật. Có thể thằng bé đã không tuân thủ giờ ngủ trưa một cách nghiêm túc. Theophile và Rosaline, chạy nhảy liên tục, không thấy bóng dáng. Daniel đang chọn gậy chơi bóng vồ. Pheodra thì bám theo Mary không rời một khắc.
Diana đi theo Mary, hai người ngồi quanh một bàn trà được đặt trong chòi có nền cao để tiện bề quan sát đám trẻ. Pheodra ôm Miracle trong lòng, nheo mắt nhìn anh chị em của mình bên ngoài. Lúc này, Daniel đã chọn được một cây gậy màu xanh nước biển, tay cầm được quấn ruy bằng màu trắng đã sạm màu. Thằng bé đang đi đặt các cửa sắt ở xung quanh sân để chuẩn bị cho trò chơi. Dưới ánh nắng chiều, mái tóc màu vàng hoe của Daniel khiến cái đầu nhỏ của thằng bé như một quả cầu phát sáng.
“Tôi tưởng Daniel và Rosaline sẽ quấn với nhau”. Diana nói với Mary. “Sao thằng bé lại chơi một mình như thế?”.
“Dan chơi bóng vồ giỏi nhất ở đây”. Mary nhấp một ngụm trà trước khi phì cười và trả lời. “Trước đây chúng nó chơi với nhau, có Rosa và Theo nữa, nhưng chẳng ai thắng được Dan. Cô biết bọn trẻ có tính hiếu thắng, nhưng cũng dễ bỏ cuộc. Chơi mãi không ăn được thì chúng chẳng chịu chơi với nhau luôn, nên Dan chơi một mình”.
“Còn Dimian?”. Diana chỉ về cái chỗ “khuất người” mà Dimian đang say giấc.
Mary nhìn theo hướng Diana chỉ, cả Pheodra cũng ngó về phía anh cả trong nhà.
“Thằng bé ghét các hoạt động ngoài trời”. Mary chầm chậm lên tiếng. “Trước đây nó còn không chịu ra khỏi cửa. Sau này tôi thuyết phục được nó: không cần phải chạy nhảy như các anh em khác nhưng ít ra cũng ra ngoài hít thở khí trời. Nên,” Mary nghiêng đầu liếc mắt với Diana, “giờ nó ngủ ngoài sân như thế”.
“Còn Pheodra bé nhỏ thì sao?”. Diana khoanh tay trên bàn, khom lưng, thấp người để đôi mắt nhìn gần gương mặt tròn trĩnh của cô bé bên kia bàn.
Mary vuốt tóc Pheodra, trả lời với giọng dịu dàng: “Pheo thích trồng cây cối, hoa cỏ. Con bé có một vườn nhỏ ở gần khu vực nhà kính. Cô muốn đi xem thử không?”.
“Tôi không thể từ chối”. Diana nhún vai.
“Vậy Pheo dẫn cô Diana đi nhé”. Mary nói với Pheodra đang ngẩng đầu. Rồi cô quay sang nói với Diana: “Tôi phải ở lại trông chừng đám nhóc, không thể rời mắt khỏi chúng phút giây nào”.
Bình luận
Chưa có bình luận