“Sự ám ảnh sẽ theo ta cho đến lúc trưởng thành…”


Tôi lẩm nhẩm đọc lại dòng chữ in trên tấm poster trong rạp chiếu phim rồi thầm lặng người.


Sự ám ảnh ư? Nghe mới đau khổ làm sao!


Tôi bất tri bất giác chìm vào luồng suy nghĩ về sự ám ảnh. Thử tìm ra cho mình một nỗi ám ảnh không mấy tốt đẹp, ngắm nhìn cành đào khẳng khiu đang trơ những nụ héo hon, miệng buột ra tiếng thở dài.


Tôi không biết quá khứ của tôi có từng tồn tại nỗi ám ảnh nào không tốt đẹp không. Tôi chỉ biết, một người trẻ tuổi mắc bệnh Alzheimer như tôi, cái gì cũng có thể quên, vậy mà lại tạc vào lòng một chuyện.


Tôi tự gọi đó là sự tốt đẹp khắc cốt ghi tâm.


Cái Tết năm ấy, với tôi là những ký ức không thể nào quên. Tôi có thể quên cái tên của mình, quên những người xung quanh mình, nhưng lúc mùa xuân về, tôi cảm giác người mình bồi hồi và những cảm xúc quằn quại trong tim như luôn thúc giục tôi rằng dù như thế nào, tôi cũng phải nhớ về cái Tết vào năm 2005.


Khi ấy, tôi chỉ là một đứa nhóc còm nhom, trông dáng không có khác gì mấy con cò hương. Tôi có một người chị gái thương yêu tôi lắm, chị thì lại khác hẳn tôi, trắng trẻo, mũm mĩm, đáng yêu. Tết nào chị cũng rủ tôi đi sắm Tết. Với những đứa trẻ, đó không chỉ là niềm vui, sự háo hức mà còn là phần thưởng cho một năm lớn lên của chúng. Lớn lên bình an, khoẻ mạnh, xứng đáng được thưởng lắm chứ!


Trẻ con thì thích gì? Như bao đứa trẻ khác, chúng tôi thích được mua quần áo mới, thích được ngồi đầu chợ ăn chè thập cẩm, cũng thích theo mẹ đi chợ chọn kẹo, bánh Tết, mua mía, mua bưởi về nhà thắp hương. Lỉnh kỉnh những đồ, nhưng chúng tôi nào có biết mệt là gì. Có cho đi chợ cả ngày cũng đi nữa là! Vui lắm!


Cách Tết vài ngày, cứ tầm 28, 29 là ngày nào tôi và chị cũng đi bộ theo mẹ ra chợ. Chợ đông nhộn nhịp nhưng không cản bước được chúng tôi. Ánh mặt trời lên cao, chiếu vào má tôi, bỏng rát, vậy mà tôi vẫn đứng tần ngần trước hàng kẹo Tết. Mẹ thấy tôi đứng nhìn mãi bèn cười, mẹ xoa nước dãi chảy ra bên khoé môi tôi rồi nhặt lấy vài cái kẹo bên trong sọt.


“Ly thèm à?”


Tôi gật đầu lia lịa, mắt vẫn dán chặt. Nghĩ đến hương vị ngọt ngọt, dẻo dai ấy, tôi liền nũng nịu với mẹ.


“Mẹ mua cho em nha mẹ!”


“Ly không được ngầy, nhà mình có kẹo rồi mà.”


Chị tôi nói.


Tôi mếu môi, nhìn chị rồi nhìn mẹ, sau đó đưa bàn tay bé xíu của mình luồn vào tay mẹ, “cướp” lấy một cái kẹo ngô vàng óng, đoạn nắm chặt.


“Mẹ mua cho em một vốc thôi cũng được, hết Tết, đi học, em hứa mang phiếu bé ngoan về cho mẹ ạ!”


Mẹ tôi bật cười trước cái giọng năn nỉ điệu đà của tôi, mẹ vốc hai vốc to kẹo thả vào túi bóng. Mua kẹo xong, mẹ bảo hai chị em tôi ngồi trước quán chờ mẹ, không được chạy linh tinh.


Tôi kéo chị My ngồi xuống cái bệ, hai đứa bé thu lu một góc chia nhau mấy cái kẹo nhỏ. Thấy tôi ôm khư khư bọc kẹo như đang ôm vàng, chị My ghé vào tai tôi thì thầm.


“Từ giờ đến lúc về Ly không được đòi thêm cái gì đâu đấy, như thế là hư biết chưa!”


Tôi gật gù, thực chất chẳng để tâm lắm. Hai chị em tôi vừa gặm nhấm vị đường ngọt lịm tim trong kẹo vừa ngoan ngoãn chờ mẹ về.


Người qua người lại trước mắt. Dù đã muộn nhưng người đi chợ hẵng còn đông. Trai, gái, già, trẻ không phân biệt tuổi tác, nô nức sắm quất, sắm đào về nhà trưng Tết. Những cây quất sai trĩu, những gốc đào hồng thắm bày la liệt bên rìa đường. Tiếng gọi mùa xuân í ới nơi đầu chợ, cuối chợ, tiếng trao đổi buôn bán, hỏi thăm cùng với âm nhạc “mùa khởi đầu”, lời bài hát “Xuân đã về” thấp thoáng vọng ra từ căn nhà của ai đó. Sự ấm áp đã về đến mỗi ngôi nhà, nằm trên mái nhà đỏ nắng; nằm trên bàn thờ đủ đầy những hoa, quả, kẹo, bánh; nằm trên cây nêu “tống cựu nghinh tân”; trên đôi câu đối đỏ may mắn; trên bộ bàn ghế chạm khắc hình long hình phụng đã được lau chùi sáng bóng. Ngay cả cơn gió cũng chợt trở nên dịu dàng, và không khí luôn mang theo mùi nhang khói,…


Vào mỗi dịp Tết, trông người ta thường xúng xính hẳn ra. Đến cả bà nội cũng lấy chiếc áo khoác bằng bông mà bà trân quý ra mặc suốt hết ba ngày Tết dài. Tôi nghe đâu chiếc áo ấy là ông tặng bà từ ngày ông đi lính đánh Mỹ, do ông tự tay may, trên áo có thêu tên của ông và bà, màu tím thẫm. Bông không dày nhưng vẫn ấm, tôi đã lén bà chui vào chiếc áo nằm ngủ mấy lần, sau bị bà phát hiện, liền bị mắng cho một trận. Bà sợ tôi làm hỏng áo – kỷ vật ông nội để lại, chứ không phải tiếc gì tôi. Ông mất đã lâu, thế mà bà vẫn giữ gìn chiếc áo lắm, dù đã ròng rã mấy chục năm chứ ít gì. Bà là một người cần kiệm, giản dị, quanh năm mặc tấm áo vá chằng vá chịt đến mức cũ mèm, bảo bỏ mà bà vẫn tiếc. Ấy vậy mà Tết, bà chưng diện, xúng xính, mái tóc bạc thơm mùi bồ kết được bà búi bằng cặp trắng, khác hẳn so với hình ảnh lam lũ, ống áo lấm bùn thường ngày. Rồi còn dì tôi, Tết năm nào dì cũng đều đặn đi làm đẹp cho mái tóc của mình. Tóc dì đang đen, xoăn xoăn, từ quán tóc huyện về cái là đã thẳng, mượt, được phủ một màu nâu đồng óng ánh. Lúc đó nhìn dì đỏng đảnh như cô tiểu thư phố thị, tôi hay bắt chước dáng dì, thả tóc, vừa đi vừa hất học theo cái điệu kiêu kì, khiến dì chỉ biết bất lực bật cười. Chỉ có mẹ tôi là ít ăn diện, mẹ không đi làm tóc, cũng không mua quần áo mới. Tôi hỏi mẹ, mẹ bảo làm vậy là để tiết kiệm.


“Người ta cố gắng cả năm là để có một cái Tết no đủ” – Mẹ tôi hay nói thế. Điều đó làm tôi không khỏi nghĩ, vậy là người ta mong đến Tết là vì Tết đem lại hy vọng cho con người ta, hay con người ta coi Tết là một trạm dừng ngang và đo lường thành tích của một năm?


Ý nghĩ đó cũng chỉ thoáng vụt qua trong đầu một đứa trẻ 5 tuổi, rồi lại trôi vụt đi như hoa trôi theo nước. Tôi chỉ biết Tết thì cả nhà đều vui.


Tôi thích Tết còn bởi vì một lý do nữa, chính hai chị em tôi đã tận tai nghe mẹ nói chuyện với dì, rằng mỗi Tết bố sẽ về.


Như mọi năm, cứ vào 30 Tết, người đàn ông cao gầy, da ngăm đen sẽ luôn xuất hiện ở cổng, trên tay ông chắc chắn sẽ xách theo một giỏ quà thật to, bên trong nào mứt, nào cà phê, nào bánh quy. Với đôi mắt thật to thật sáng, tôi chưa bao giờ nhận nhầm ông cả.


Bố làm ở Trung tâm Cảnh báo thời tiết, làm công việc mà người ta hay gọi là “đo gió, đếm mây”. Tôi chẳng rõ bố làm gì nhưng cả năm bố về có mỗi một lần nên tôi giận lắm, cái cảm giác vừa giận dỗi vừa thương nhớ ấy khiến tôi háo hức từ sáng 30 Tết cho đến tối. Tôi rủ chị canh sẵn trước cổng, chỉ chực chờ người xuất hiện là sẽ lao ra ôm chặt.


“Ly nhớ bố lắm, không biết năm nay bố có nhớ mua đôi hài cho em không nữa… Chị My có nhớ bố không?”


“Đương nhiên là nhớ rồi.”


Hai chị em tôi rình rình ở cổng, gần đến lúc giao thừa vẫn không thấy bóng hình bố, bị muỗi đốt sưng vù chân tay. Chị My gãi má, huých eo tôi: “Hay mình vào hiên nhà xem pháo hoa rồi ra đón bố sau.”


Tôi không chịu, vẫn một mực bám vào cánh cổng sơn xanh, đầu vẹo sang một bên vì buồn ngủ nhưng vẫn ra sức mà lắc.


“Em phải đợi ở đây cơ.”


Lúc này bắt đầu có tiếng mọi người í éo gọi nhau ra đốt pháo. Chỉ độ một lúc, trên bầu trời đen tuyền đã rực rỡ pháo hoa. Âm thanh pháo hoa nổ vang lên liên tục từ bốn phương, tám hướng, từng mảng màu sắc sặc sỡ nổ tung, đan xen vào nhau rồi từ từ biến mất. Chúng như Mị nương, nghiêng nước nghiêng thành, khiến cho người người đều phải ngước nhìn. Tuy nhiên, khoảnh khắc giao thừa với tiếng hò reo của mọi người lại là khoảnh khắc tôi thất vọng nhất, nước mắt đột nhiên chảy tràn trên khoé mi tôi. Tôi ôm lấy chị My, hai tai không còn nghe tiếng pháo nữa. Nỗi ấm ức trong lòng tôi như thể bị kích thích, tự nhiên tuôn ra thật êm.


Tôi khóc nấc: “Có phải là bố quên rồi không chị? Bố quên bà… quên mẹ… quên… chị em mình rồi không?”


“Bố không quên đâu… bố không quên đâu…”


Chị My an ủi tôi nhưng giọng đã nghèn nghẹn, tôi khóc rất to nhưng dường như đã bị tiếng pháo lấn át. Phải đến một lúc sau, khi đã im ắng tiếng pháo thì lại nghe tiếng chó nhà hàng xóm sủa inh ỏi, mẹ với dì mới lật đật chạy ra.


Thấy hai chị em như thế, mẹ tưởng có chuyện gì, mặt mẹ xám xịt lại, vội đỡ hai chị em dậy.


“Sao thế hai con yêu? Làm sao lại khóc thế này? Hay là bị đau ở đâu?”


“Mẹ ơi, sao bố chưa về ạ? Bố không về thì có phải sẽ rất lâu sau tụi con mới được gặp bố không?”


Chị My hỏi mẹ, tôi cũng nhao nhao hỏi theo, mắt ướt đẫm.


Mẹ thảng thốt, tôi thấy bờ môi mẹ run rất khẽ: “Bố về muộn thôi mà, không phải là không về.”


Dì cũng bảo: “Bố hai đứa về muộn một chút thôi…”


Chợt dì sững lại, mày nhíu chặt.


“Sao mà hai đứa..”


Tôi thấy ánh mắt dì có vẻ khó xử, cũng hơi hiểu ra bèn thút thít đáp: “Con nghe mẹ với dì nói…”


“Thôi vào nhà đi ngủ, hết pháo hoa rồi.”


Mẹ không mắng tôi như tôi tưởng tượng vì đã nghe mẹ nói chuyện với dì, mẹ chỉ nhanh chóng phủi bụi trên quần áo chúng tôi, dắt hai chị em vào nhà.


Tôi hẵng còn ấm ức trong lòng, đang định phản kháng thì một bóng dáng mà tôi mong chờ đột nhiên xuất hiện trước mắt. Tôi cười toe, kêu “bố” rồi vụt chạy ra khỏi vòng tay mẹ mà lao về phía vòng tay của người đàn ông mỗi năm tôi chỉ được gặp có một lần này. Tất cả đều thay thế bằng niềm vui không gì diễn tả.


“Mẹ ơi, bố này!”


Chị My ngay lập tức chạy ra ôm lấy bố, mỗi đứa một bên.


“Vợ, em vợ...”


Nói rồi, bố đặt giỏ quà xuống, ngồi xổm, nụ cười hiền hoà hiện rõ trên khuôn mặt vốn đã ngăm nay còn thấy rám nắng thêm. Tôi xoa má bố, da bố sao mà khô mà sần, khẽ cọ vào bàn tay tôi, ran rát. Tôi xoè tay ra, hai lòng bàn tay không hiểu sao lại dính vết bùn, nhưng tôi mặc kệ, chỉ chùi qua loa vào ống quần.


Chị My cười khúc khích: “Con chào bố ạ!”


“Con chào bố!” Tôi ôm chặt cổ bố.


“Bố chào hai con! Hai con chưa ngủ à? Đợi bố à?”


Bố ôm hai chúng tôi, mỗi đứa một bên cùng với giỏ quà đi vào.


Mẹ tôi hình như hơi giật mình, sau đó là nét mặt nhẹ nhõm.


Một mình bố có thể bế hai chúng tôi dễ dàng như “nhấc bổng” vào tận trong nhà, ánh đèn điện sáng trưng soi sáng khuôn mặt bố. Một năm không gặp, mặt bố trông nhọn hoắt, râu thì không cạo, tóc bạc cũng nhiều hơn. Có lẽ điều không thay đổi ở bố chính là nụ cười hiền như bụt kia.


Nhận thấy trên tóc bố dính lá cây, tôi giơ tay lên phủi đi. Tóc bố bị dính cái gì ướt ướt, sợi tóc trên đỉnh đầu bết vào nhau. Đương lúc tôi định sờ vào chỗ đó thì bố lại nhắc.


“Ly, không nghịch con!”


Tôi thấy mắt bố hơi đỏ, nghe lời rụt tay xuống.


“Về rồi à, vào đây nói chuyện với u.”


Bà nội xuất hiện ở lối ra vào, mỉm cười với bố. Bố đưa cho hai chị em chúng tôi hai hộp nhỏ, nói đó là quà mà bố đã hứa. Tôi với chị My vui ra mặt.


“Dạ, chúng con xin bố ạ!”


“Chị My, đôi hài màu đỏ luôn nè! Đẹp quá!”


Tôi xăm xắn xỏ đôi hài vào chân, dù hơi kích nhưng tôi vẫn thoải mái bỏ qua vì nó rất đúng ý tôi. Chiếc nơ bằng nhung gắn trên mũi đôi hài còn biết đong đưa theo mỗi điệu nhấc chân lên xuống của tôi, như thể chúng đang cùng tôi hưởng ứng niềm vui này vậy.


Hộp quà của chị My thì là một chú chó bằng nhựa màu xanh, trắng, bật công tắc lên là có thể di chuyển, sủa như thật.


Khi chúng tôi đang hết mực thích thú với món quà của bố thì tôi nghe thấy bố hơi to tiếng trong nhà.


“Con đã nói là không sao rồi mà, hết năm nay rồi thôi!”


“Thế đã có xác nhận của viện chưa?”


“Chưa ạ, nhưng sẽ có thôi u. Khuya rồi, u nghỉ sớm, con cũng đi nghỉ đây.”


“Ly, My, đi ngủ con.”


Tôi đang chăm chú nghe thì bị mẹ giục đi ngủ. Tôi nói với mẹ là muốn đợi bố nhưng mẹ vẫn bắt chúng tôi lên giường nằm ngay.


“Chị My, em háo hức quá!”


Nằm trên giường, tôi mong sao trời mau sáng để tôi có thể diện hài mới đi chơi Tết.


Bố ở nhà với chúng tôi hết ba ngày Tết. Rảnh là bố làm đồ chơi cho chúng tôi, nào diều giấy, nào con cù, nào súng bằng bẹ chuối,… Bố còn cùng hai chị em tôi hát vè. Giọng bố ấm mà hay.


Bài mà tôi thường được nghe nhất chính là bài “Vè lá lốt”. Trẻ con nông thôn chúng tôi hay truyền tai rồi học theo nhau, nên lời lẽ có thể khác đi đôi phần.


“Nghe vẻ nghe ve

Nghe vè lá lốt

…”


Cứ nghe thấy hai câu đầu là chúng tôi tự động đọc vanh vách những câu sau, có khi đọc cả ngày không biết chán.


Bố tôi có một sở trường nữa mà tôi đánh giá rất cao, đó là bố nấu ăn ngon. Mâm cơm ngày Tết đầy đủ, nhiều màu sắc, trong đó tôi thích nhất là món thịt đông do chính tay bố nấu, ăn mát lạnh, mộc nhĩ giòn sần sật, ăn kèm với dưa hành muối chua không ngán chút nào.


Tôi có tật xấu là ăn bánh chưng bỏ đỗ, song bố mẹ không mắng tôi, bố tôi chỉ bảo: “Bố thích nhất là ăn đỗ trong bánh chưng. No ba ngày Tết, ấm ba tháng hè, cứ ăn gì các con thích.”


“Anh lại dạy hư con anh bây giờ! Các cụ nói no ba ngày Tết, đói ba tháng hè, ai đời lại nói như anh.”


Bà nội lườm nguýt bố tôi, tôi cười gian, đẩy cái bát toàn nhân đỗ cho bố.


Tôi đã lớn lên với sự chiều chuộng như thế, trong mắt tôi, bố luôn là người yêu chiều tôi vô điều kiện.


Cái Tết năm ấy là cái Tết vui vẻ của gia đình tôi, cũng là cái Tết mà tôi nhớ rõ ràng nhất. Bởi những ngày tháng ấy, tôi đã có những kỷ niệm thật đẹp với bố.


Tuy nhiên, một chuyện khó hiểu đã xảy ra, vào tối mùng 3 Tết, cả gia đình phải sốt sắng đi tìm bố, bởi vì bố bị lạc đường. Lúc đó tôi mới biết, vào đêm 30 Tết năm ấy bố cũng đã bị lạc đường, đó là lý do bố về muộn hơn mọi năm. Lo cho bố nên tôi với chị My khóc sướt mướt, thế mà lúc về bố còn cười trêu chúng tôi.


“Bố quên tí ấy mà!”


Ngay sáng hôm sau, bố liền bảo mẹ đưa chúng tôi sang bà ngoại chơi. Bên nhà bà ngoại có lễ hội, người ta hát quan họ trên ao đình vui lắm. Tôi với chị My ham vui, không theo mẹ về mà ở bên ngoại suốt hết tháng Giêng. Đến khi chúng tôi được đón trở về thì hay tin bố đã mất…


Bây giờ, tôi đã không còn nhớ chi tiết về từng sự việc xảy ra vào bận ấy nữa, tâm trí tôi chỉ thấy bập bùng một niềm tiếc thương dai dẳng, xen với đó là chút hoài niệm quá khứ đẹp đẽ. Để tránh mình quên, tôi thường hay cố nhớ lại những khoảnh khắc sum vầy của cả gia đình, lặp đi lặp lại mỗi ngày, có lẽ vì thế mà ký ức này lại in sâu trong não tôi như vậy, mặc cho trí nhớ, khả năng ngôn ngữ cùng với năng lực tư duy của tôi đang bị phá huỷ từng ngày…


***


Tôi cảm nhận được làn gió mang theo mưa phùn đang thổi qua cửa sổ vào mặt mình, cộng với mùi cà phê đăng đắng. Tôi choàng tỉnh, nhận ra mình đã ngủ quên trong tiệm cà phê sách sau khi vừa từ rạp chiếu phim đi ra và mải suy ngẫm về “sự ám ảnh” mà phim mang lại.


Tôi là người mắc bệnh, nhưng tôi không ngừng muốn đi ra ngoài. Tôi còn được tự do như bây giờ là nhờ vào sự bao dung của chị và mẹ. Cũng may, tôi chưa bị tống vào trong bệnh viện.


Sau khi xem xong bộ phim kia, tôi không tiếc lời chê bai mà viết một bài dài ngoẵng định đăng lên facebook, rồi chợt nhận ra là dù nhập bao nhiêu lần mật khẩu đi chăng nữa thì vẫn không đăng nhập được. Vậy là tôi đành từ bỏ, trong lúc suy nghĩ miên man về cảnh kết phim kia thì ngủ mất.


Kết phim, nhân vật chính bỗng nhận ra sự ám ảnh của cô ấy bắt nguồn từ thứ tốt đẹp nhất, thứ mà cô ấy trân trọng nhất chứ chẳng phải là thứ “không mấy tốt đẹp” như phim vẫn làm quảng cáo. Tôi đã hụt hẫng vì nghĩ rằng mình bị lừa. Thứ tốt đẹp thì phải để lại ấn tượng sâu đậm, làm người ta khắc cốt ghi tâm, chứ sao lại là ám ảnh?


Tôi thật sự không thích cách lý giải của bộ phim này. Từ “ám ảnh” rõ ràng là để chỉ những điều không hay.


Một bộ phim không hề khiến tôi hài lòng, thế mà xem xong, tôi lại quanh quẩn nhớ về mấy chuyện Tết xưa, nhớ đến nỗi nằm mơ, từng cảnh tượng tái hiện lại chân thực, như thể tôi thật sự thấy được, sờ được.


Tôi nhìn đồng hồ trong tiệm, thấy rằng đã sáu giờ chiều. Bên ngoài, trời sập tối. Tôi băng qua con phố, mặc cho đèn xanh, đèn đỏ nhấp nháy trước mắt, bắt một chiếc taxi.


Tôi sợ chứng bệnh của mình bạo phát giữa chừng.


“Vẫn còn kịp.”


Tôi thở phào rồi mang hồ sơ bệnh án của mình bước vào phòng khám. Làm một loạt các xét nghiệm, cuối cùng bác sĩ kết luận bệnh của tôi đã trở nặng, bước vào giai đoạn cần chú ý. Bác sĩ đề nghị tôi tập trung điều trị, phải có người thân bên cạnh và sẵn sàng tinh thần nhập viện bất kỳ lúc nào.


Lúc trước chỉ là quên một vài chuyện lặt vặt, bây giờ, có lúc tôi còn không thể nói được một câu hoàn chỉnh, có những chuyện làm xong rồi lại quên ngay. Nhớ nhớ quên quên như vậy, vô cùng mệt mỏi.


Thời điểm mới phát hiện bệnh, tôi đã lập tức nghỉ việc, bởi vì tôi nhận thức được bản thân đang gặp phải nhiều phiền toái, nếu vẫn đi làm thì sớm muộn gì cũng bị đuổi việc. Tôi cũng khá giật mình vì bản thân lại có thể bình thản như vậy. Tuy nhiên, ở nhà một thời gian, tôi bắt đầu thấy chán, vậy là thử tìm cách ra ngoài. Chính việc đó đã liên luỵ đến người thân của tôi không ít…


Tôi cầm theo túi thuốc vừa được kê, nhét hồ sơ bệnh án vào trong rồi bước đi với một tâm trạng khá rối bời. Bệnh của tôi nặng hơn rồi. Chẳng mấy chốc nữa, ngay cả đến bản thân mình tôi cũng sẽ không thể nhận ra. Ôi, thật đáng buồn!


Điện thoại trong túi của tôi rung lên, tôi nhẹ nhàng nhấc máy, chị My gọi tôi, giọng chị có vẻ sốt sắng.


“Em vẫn ổn chứ? Em đang ở đâu đó?”


“Em ổn. Em đang ở Circle K.”


Tôi nhìn túi thuốc rồi nói dối không chớp mắt.


“Được, ở yên đợi chị, chị đến đón em ngay.”


“Vâng.”


Khi tôi đang định đi ra điểm Circle K mà tôi vẫn ngồi thì bất chợt nghe tiếng ai gọi tên mình.


“Ơ, Ly… Phải cái Ly cò hương không?”


Tôi quay lại theo phản xạ rồi lại quay đi thì người đó đã bước đến vỗ vai tôi.


“Đúng cái Ly cò hương mà. Không nhận ra tao hả Ly? Tao là Trang lì, bạn hồi bé hay vào nhà mày chơi đây.”


“À…”


Tôi há hốc, không nhớ nổi những người bạn hồi bé của mình.


“Nhìn tao khác hồi ấy lắm hả?” Trang cười xoà: “Tao quên mất, đã mấy chục năm trôi qua, mày không nhận ra tao cũng đúng thôi.”


Có lẽ cô gái này là người quen của tôi thật, nhìn vẻ mặt vui mừng khôn xiết cùng với thái độ thân thiện của cô ấy khiến tôi có phần dễ chịu.


Tôi mỉm cười, tỏ vẻ là mình đã nhận ra cô bạn tên Trang lì này.


“Trang hả? Mày vẫn giống hệt ngày xưa. Hiện tại mày thế nào rồi?”


“Tao khoẻ mày ạ. Nay tao vào viện lấy thuốc cho mẹ chồng, bà ấy bị bệnh Alzheimer! Ôi, bệnh này quái ác thật chứ, tao sốt ruột mấy hôm nay rồi. Mày thì sao?”


“Tao vẫn khoẻ.”


“Hồi ấy nhà mày cháy, sau thì chuyển đi đâu vậy?”


Trang tiếp tục hỏi thăm tôi, nhưng trí nhớ của tôi không đọng lại chút gì về việc đó.


Tôi thoáng bối rối, hỏi lại: “Nhà tao bị cháy sao?”


“Ừ, cháy đúng hôm mùng 4 Tết…” Trang khựng lại, nhìn túi thuốc trong tay tôi, có vẻ là nhìn thấy loại thuốc mà cô ấy đã quen thuộc. Trang ngạc nhiên đến lắp bắp: “Mày… mày không nhớ ư? Có phải là mày cũng…”


Trang đã nhận ra, ánh mắt cô ấy buồn đi hẳn.


Lời nói dối của tôi lộ tẩy, song tôi chẳng để tâm lắm.


“Xin lỗi, tôi thật sự không nhớ ra cậu. Cậu… có thể nào kể tôi nghe chuyện nhà tôi bị cháy là như thế nào không?”


Trang thở dài, có lẽ là thương xót tôi.


“Nếu đã mắc căn bệnh này, tao sợ nói ra rồi mày lại quên… Nhưng mày đã muốn nghe thì tao sẽ kể lại.”


Trang kéo tôi ngồi xuống ghế. Cái lạnh từ chiếc ghế bằng inox trong bệnh viện chạm vào da khiến tôi thấy hơi bủn rủn dù đang là tiết trời xuân.


“Tao không biết vì sao nhà mày bị cháy, nhưng đêm mùng 4, lửa từ nhà mày bắt đầu lan ra, khói to lắm. Người làng đến giúp dập lửa nhưng không dập được, nhà cửa cháy hết không còn lại gì, may là không có thiệt hại lớn về người…”


Kể đến đây, Trang đắn đo.


Tôi vẫn tha thiết nhìn cô ấy.


“Nhưng mà bố mày thì bị bỏng, sau đó, tao nghe mẹ tao nói… không bao lâu sau bố mày qua đời.”


Nhìn ánh mắt của cô ấy, tôi đoán chắc hẳn Trang đang hối hận vì đã nhắc đến chuyện này với tôi.


Tôi lặng người đến mất hồn bởi vì không ngờ trong quá khứ đã từng xảy ra chuyện kinh hoàng như vậy. Lúc cháy, tôi với chị My đều đang ở nhà bà ngoại. Vậy tại sao sau khi sự việc xảy ra, không một ai nói với tôi những chuyện đó? Là do căn bệnh Alzheimer khiến tôi không còn nhớ nữa hay là lý do gì khác?


Thẫn thờ đi trên đường hồi lâu, tôi nhanh chóng lấy giấy bút ra ghi lại trước khi mình lại quên mất tất cả. Mới ghi được ba chữ “Trang lì”, “cháy”, “bố mất” thì căn bệnh quái ác đột nhiên đến không báo trước. Vừa mới giây trước, giây sau, tôi đã không biết mình đang làm gì. Lúc đó, tôi sợ hãi, nói không thành lời, chỉ biết khóc. Tôi cứ đứng đó khóc như trời trồng mà không nói nổi một câu cầu cứu nào. Ánh đèn xung quanh rạng rỡ nhưng chói mắt, thế giới xô bồ thật sự trở nên đáng sợ với một người bệnh đã bị nuốt chửng nhận thức.


Sau tối hôm đó, tôi hỏi chị My: “Nọ em bị lạc à chị? Em chẳng nhớ gì cả, chị tìm thấy em ở đâu vậy?”


“Trước cổng bệnh viện, em đi khám bệnh về.”


Chị My ôm tôi, chị vẫn dịu dàng với tôi như mọi khi.


“Bệnh của em nặng hơn à?”


Chị không trả lời tôi, điều ấy khiến tôi đủ hiểu.

“Hôm nay em muốn đi xem phim, em thấy có một bộ phim đang chiếu hay lắm.”


Tiếng chị My khóc rấm rứt, đôi mắt chị đẫm nước, tay chị nắm chặt tay tôi.


“Nọ em xem phim đó rồi… Ly ơi! Em không nhớ nữa sao?”


***


Mẹ và chị My bàn bạc với nhau sẽ thay phiên nhau chăm sóc tôi. Tôi cảm thấy mình đã trở thành một gánh nặng đúng nghĩa.


Chị My nói: “Chị hỏi bác sĩ rồi, những chuyện xa về trước có chuyện em sẽ quên, có chuyện em sẽ nhớ, nhưng hiện tại em sẽ thường xuyên quên những chuyện vừa mới xảy ra.”


Mẹ tôi giúp tôi chải tóc, khuôn mặt đượm buồn: “Ba mẹ con ta sẽ nương nhau mà sống, phải chống lại căn bệnh đó. Ly, My, mẹ biết là rất khổ, nhưng cố lên các con!”


Tôi không muốn bàn tiếp về chuyện này, nó khiến tôi buồn rười rượi, khiến tôi luôn tự dằn vặt chính mình. Tôi nhìn gương mặt gầy gò qua gương, làn da vàng vọt không mấy sức sống, bàn tay mẹ đang vuốt ve gò má tôi. Tôi nhìn ra cửa sổ của căn phòng trọ nhỏ, thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Dưới đường, có người đang chở một chậu hoa mai to lắm.


“Nhà ai mua hoa mai vậy mẹ? Chậu to thế kia ít cũng phải mấy chục triệu.”


Tôi nhoài người ra nhìn. Sắc trời đẹp hơn tôi tưởng, rõ ràng mấy phút trước còn có mây mù.


“Nhà ông giám đốc gì đó cạnh xóm trọ ta đấy, mẹ nghe nhà họ rôm rả mấy hôm rồi. Nay đã là 28, mẹ con ta cũng đi sắm Tết nhỉ?”


“Nhớ Tết xưa quá! Bây giờ em Ly vẫn còn thích ăn kẹo ngô như vậy.”


Tôi nằm bẹp ra cửa sổ: “Em chỉ thèm loại kẹo màu vàng óng, ăn dính răng của ngày trước thôi. Kẹo ngô bây giờ có nhân phô mai, ăn lạ lắm, không ngon.”


“Con bé này kén chọn.”


Chị My cười.


“Ngày mai con định gói lấy vài cái bánh chưng, lá dong con dặn chị Ngà để cho một ít rồi. Mình ăn không bao nhiêu, nhưng bánh chưng nhất thiết phải có. Thiếu bánh chưng thì Tết ta không ra Tết ta.”


“Mẹ cũng nghĩ vậy.”


Trong lúc mẹ với chị My bàn chuyện Tết, tôi lại lục lọi túi thuốc trên tủ đồ, tìm hồ sơ bệnh án để xác nhận tình trạng bệnh tình của mình.


Tôi có một quyển sổ nữa chuyên để ghi chép những điều cần nhớ.


“Mẹ, chị My, quyển sổ của con đâu rồi ạ?”


“Chị để ở đầu giường, em xem xem.”


Tôi tìm thấy quyển sổ ở dưới chiếc gối của mình. Bên trong chi chít chữ của tôi, những trang đầu là nhắc nhở về lịch trình nhỏ, những trang sau là ghi nhớ những chuyện to tát hơn, như là “ngày mai đi gội đầu”, “sở thích của mẹ và chị My”, “bảng chữ cái”,…


“Trang lì, cháy, bố mất?”


Ba dòng chữ to như là viết vội đột nhiên đập vào mắt tôi. Tôi tò mò không biết dòng chữ nguệch ngoạc mà mình viết là có ý gì. Bố tôi mất đã mấy chục năm, theo trí nhớ của tôi thì là mất vì bệnh.


Tôi mang theo quyển sổ xuống bếp.


“Sao con lại viết cái này vào đây nhỉ? Mẹ và chị xem giúp con với.”


Tôi đưa cho mẹ, mẹ sững lại, nhìn chị My.


Chị My giải thích: “Nọ đi đón Ly, con thấy nó cầm quyển này, lúc đó lo lắng nên quên chưa kiểm tra. Con đoán hôm đó Ly đã gặp Trang và được nghe kể một số chuyện.”


“Trang lì là ai vậy ạ? Con có quen không mẹ?”


“Bạn hồi bé của con đó. Thôi vào đây mẹ nói cho nghe, cũng không phải lần một, lần hai.”


Ý của mẹ tức là đây không phải lần đầu mẹ nói với tôi về chuyện này sao?


Như tôi vẫn nghĩ, mẹ nói rằng bố tôi mất vì bị bệnh. Mà căn bệnh bố mắc phải chính là bệnh Alzheimer.


“Thật như vậy sao? Nhưng con ghi ở đây là cháy.”


Tôi thắc mắc.


“Ly à, em sẽ không nhớ, vậy nên…”


“Hai người có thể đối xử với con như người bình thường được không? Con biết là rất có thể nghe xong con sẽ quên, nhưng biết đâu con sẽ nhớ được đôi chút. Ngay cả những chuyện xưa con vẫn nhớ mà.”


Giọng chị My đầy bất lực: “Lần trước em cũng nói vậy…”


Không khí giữa chúng tôi trở nên căng thẳng, nhìn ánh mắt lảng tránh của hai con người luôn yêu thương, chăm nom tôi, tôi bỗng chốc không thể làm chủ cảm xúc của mình.


Tôi hung dữ hét lên: “Con chỉ bị sa sút về trí nhớ chứ có bị làm sao? Ngay cả chuyện gia đình mình con cũng không có quyền được biết sao? Con ghét hai người! Đi ra! Đi ra!”


Cơn tức giận lên đến đỉnh điểm khiến con người tôi trở nên sỗ sàng và thô lỗ, tôi có thể nghe rõ giọng của mình the thé đến mức nào. Nhận thấy cách hành xử bất thường của tôi, hai người họ liền sợ tái mặt mày.


“Bình tĩnh, Ly ơi! Em phải bình tĩnh!”


Chị My ôm chầm lấy tôi mặc cho tôi liên tục đẩy chị ra rồi làm chị đau. Nhưng lúc đó tâm thần của tôi bị ảnh hưởng bởi căn bệnh nên khó lòng kiểm soát được. Khi đã được vỗ về, dần tỉnh táo lại, tôi vô cùng hối hận về hành vi của mình.


Mu bàn tay của chị My bị tôi cào rách, tướp máu. Tôi thấy mình đúng là một kẻ tội đồ.

“Em xin lỗi… xin lỗi chị…”


Tất cả chúng tôi đều đang đau khổ. Căn phòng trọ nhỏ vốn đã ngột ngạt, nay ngột ngạt hơn gấp bội. Cơn mưa xuân đã rơi xuống bên cửa sổ, niềm đau gieo rắc trong lòng, trong chính âm thanh nỉ non tê dại đến không thở nổi.


Mấy ngày sau, tôi không còn nhớ nhiều về chuyện đó. Sau khi mẹ đi chùa làm lễ mùng 1 về, ba mẹ con tôi ngồi lại với nhau.


Mẹ vén tóc tôi, khoé mắt mẹ hằn những vết chân chim, mẹ nhìn tôi đau đáu. Đôi mắt mẹ nhiều tâm sự, nhưng cũng tràn đầy ý chí.


“Ly, con… Con còn nhớ bố mất khi nào không?”


“Bố á? Con không nhớ rõ nữa… chỉ biết là rất lâu rồi.”


Tôi ngồi khoanh tròn trên giường ăn bánh chưng. Bấy giờ, trong bát chỉ còn sót lại miếng thịt mỡ cùng với một chút nhân đỗ.


“Ly không ăn đỗ thì đưa đây lát chị ăn.”


“Dạ.”


Tôi mỉm cười với chị như một đứa trẻ được chiều hư.


“Mẹ cho Ly cái này nhé!” Mẹ chợt nhiên nhét vào tay tôi những tờ giấy cũ kĩ và còn có mảnh cháy xém.


“Thế giới của bố đều ở trong này.”


Sau phút ngạc nhiên, tôi nhận lấy nó, mang theo sự tò mò về bố, tôi cẩn thận dò từng chữ trên những tờ giấy đã ố vàng. Nhờ chăm chỉ đọc, viết mỗi ngày cho nên hiện tại, khả năng đọc viết của tôi vẫn còn, mặc dù không được như trước. Có những chỗ không đọc được, tôi lập tức nhờ mẹ giúp.


‘Cuộc đời trôi qua chỉ bằng cái chớp mắt. Mẹ già, vợ trẻ, con nhỏ đang chờ, nhưng tôi lại chỉ có thể quanh quẩn trong bốn xó của cái bệnh viện tối tăm này. Từ ngày bị cắt chức ở Trung tâm Cảnh báo thời tiết, tôi không còn hay về nhà nữa. Mỗi dịp Tết là dịp duy nhất để tôi sum họp với gia đình thân thương. Khi sức khoẻ tinh thần của tôi ngày một sa sút, tôi không còn dám gặp người khác. Tuy nhiên, trước mặt gia đình tôi vẫn vờ như là mình ổn. Tôi định bỏ bẵng tất cả, song vì nhớ quá, tôi vẫn cố gắng xin bác sĩ cho phép bản thân được xuất viện.’


‘Khi trí nhớ dần trở nên hạn hẹp, khi sự trống rỗng dần chiếm lĩnh toàn bộ khối óc, thế giới của tôi dường như chỉ còn lại gia đình.’


‘Tết này liệu có phải là Tết cuối không?’


Trong số những tờ giấy mà mẹ đưa cho tôi chỉ có một số ít là lành lặn, đọc được nội dung, còn lại đa số đều có dấu vết bị đốt cháy. Màu mực Hồng Hà đã hơi nhoè đi, nhưng nét chữ của người viết thì còn rõ.


“Con biết căn bệnh của con di truyền từ bố. Có phải một ngày, con cũng sẽ như bố không?”


Tôi thật sự sợ lắm. Những dòng nhật ký của bố đang cho tôi thấy tương lai của mình, đầy tối tăm, tuyệt vọng. Tôi có nhiều điều muốn hỏi, lại không biết phải hỏi cái gì, bởi không chắc là mình nhớ có đúng không.


“Mẹ sẽ giải thích tất cả.”


Mẹ cười dịu hiền, chủ động xoa tóc tôi, trong mắt mẹ ánh lên sự thấu hiểu.


“Cả bố lẫn mẹ đều không biết về căn bệnh này, mãi cho đến khi bố con có biểu hiện bất thường, lúc đó bố mới đi khám. Thời điểm phát hiện căn bệnh cũng là lúc Ly vừa tròn 2 tuổi. Cả nhà biết chuyện thì rất sốc, bố con quyết định giấu họ hàng, làng xóm. Vì không muốn ảnh hưởng đến gia đình nên bố con đã tự đi chữa bệnh một mình, mặc cho mẹ với bà nội khuyên nhủ, ngăn cản, bố con vẫn quyết một mình đối diện với nó. Cả năm bố con chỉ về mỗi dịp Tết thôi. Mẹ đã nghĩ, nếu không có Tết, phải chăng mẹ cũng sẽ chẳng còn được gặp ông ấy nữa mà chỉ có thể nghe qua điện thoại… Phải nói là bố con mạnh mẽ lắm! Cái năm con được 5 tuổi, My 7 tuổi ấy, bố con gọi điện nói sẽ không về. Lúc đó, mẹ không dám nói cho hai đứa biết. Nhưng cuối cùng, bố con lại về, chỉ là lần này lại bị lạc đường, bị ngã đến mức rách cả da đầu, thương lắm. Sau đó, bố con lại tiếp tục lạc, ảnh hưởng của căn bệnh đã khiến ông ấy không nhận ra chính người hàng xóm thân thiết của mình. Cũng may, họ gọi mẹ đến đón bố thì mới không có chuyện lớn. Bố con thì lo hai đứa sẽ chứng kiến cảnh bố phát bệnh nên bảo mẹ đưa hai đứa sang nhà bà ngoại ở tạm đến lúc bố đi.”


Mẹ kể đến đây thì nghẹn ngào, giọng của mẹ run run: “Thật không ngờ vào đúng đêm hôm đó nhà lại bị cháy…”


Tôi ôm lấy mẹ, rất sốc khi nghe đến. Mẹ xúc động đến không nói tiếp được nữa, chị My liền mở lời thay.


“Bố bị căn bệnh giày vò, nửa đêm thức giấc, bố sẽ hút thuốc như một thói quen. Kể từ khi bị bệnh, bố liền nghiện thuốc lá. Chỉ là trong lúc hút thuốc, bố… đã vô tình gây ra lửa lớn. Bà nội là người phát hiện ra đầu tiên, nhưng khi đó đám cháy đã khó kiểm soát, bố ngồi giữa đống lửa, mẹ và dì muốn đưa bố ra ngoài nhưng bất thành. Lúc ấy, bố bị kích động, có dấu hiệu của rối loạn hành vi.”


Dường như tôi có thể tưởng tượng ra tình cảnh lúc đó, ai nấy đều lo lắng, hoảng sợ, mái nhà ấm êm bỗng chốc trở thành “mồi ngon” cho lửa. Và ngọn lửa nuốt chửng tất cả, đe doạ đến tính mạng con người. Đớn đau thay, vào lúc ngàn cân treo sợi tóc ấy, chuyện bi kịch nhất lại đổ xuống.


Tôi thấy trái tim mình đau nhói, không còn sức lực ngồi thẳng mà phải gục đầu vào bờ vai gầy của mẹ.


“Vậy là bố… mất vì cháy sao ạ?”


“Không, chính căn bệnh mới là kẻ đầu xỏ!” Chắc chắn mẹ phải căm hận căn bệnh đến tận xương tuỷ, tôi nghe thấy hơi thở của mẹ nặng nề theo từng lời nói: “Nó khiến bố con như thiêu thân lao đầu vào lửa, lúc cứu ra… bố con đã bị bỏng nặng.”


“Sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần của bố đều không thể điều trị được, theo thời gian, không chống chọi nổi nên cuối cùng…” Chị My buồn bã.


Cuối cùng thì hai chị em tôi mất cha, mẹ tôi mất chồng, bà nội tôi người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, dì tôi mất một người anh rể tốt…


Cảm xúc mong manh của tôi bị xé rách, lúc này đây, tôi đau lòng tột cùng. Vậy là tôi đã sống những tháng ngày qua mà không hề hay biết sự việc xảy ra đằng sau ư? Tôi biết là bố mất vì bệnh, nhưng đâu ngờ đằng sau lại bi kịch đến thế.


“Mẹ đã từng kể chuyện này cho con chưa?”


Mẹ tôi gật đầu, cho thấy không phải là bà cố ý giấu tôi mà là do tôi không nhớ.


“Bố con lo cho các con, cho đến giây phút lâm chung cũng muốn giấu giếm đến cùng, chỉ vì sợ các con nhìn thấy bộ dạng của bố thì sẽ ám ảnh cả đời. Cái My cũng mãi sau đó mới biết.” Mẹ nắm tay hai chúng tôi, nắm thật chặt: “Ly, My, đừng trách ông ấy… Một người bị bệnh Alzheimer như ông ấy đã luôn cố gắng ghi nhớ khuôn mặt của chúng ta, nhớ lời hứa mua quà cho hai con, nhớ rằng mỗi Tết phải về…”


“Chúng con không trách bố. Sao chúng con có thể trách bố… Bố là một người bố tốt, nhưng bố chưa được tận hưởng những ngày tốt đẹp.”


Những lời của chị My như cũng đang nói thay tôi. Tâm trí tôi bấy giờ khá rối loạn nên không thể thốt ra lời nào nữa. Tôi im lặng mặc cho vệt nước chảy dài trên gò má mà không buồn lau. Vào những giây phút cuối đời, bố tôi đã phải gồng mình trước căn bệnh Alzheimer, cùng với ngọn lửa khiến ông bị bỏng thê thảm, và khi mang trên mình đủ thứ bi kịch như vậy, ông đã không dám gặp mặt hai đứa con ruột trước khi nhắm mắt. Chỉ một căn bệnh mang tên Alzheimer đã khiến không chỉ bố tôi mà còn cả gia đình tôi phải lâm vào cảnh khốn đốn...


Sau hôm nay, liệu tôi có nhớ những gì chúng tôi đã nói không? Hay tôi sẽ lại quên như đã mặc định, rồi một ngày nào đó lại bất chợt thắc mắc, rồi nghe mẹ giải thích tiếp? Chắc họ đã phải kiên nhẫn với tôi nhiều lắm. Chắc họ đã nói đến mỏi mòn cái vấn đề này. Trong khi tôi có thể thoải mái quên đi thì họ lại phải gặm nhấm từng ngày, đến khi tôi hỏi, họ bất đắc dĩ phải khơi vào vết thương ấy thêm một lần nữa.


Rốt cuộc… căn bệnh đối với tôi là hoạ hay là phúc?


Tôi quên đi rất nhiều chuyện tốt, nhưng cũng đồng thời không phải buồn đau vì những chuyện xấu nữa.


Hiện tại, những ký ức trong đầu tôi dường như cũng chỉ toàn là những ký ức tốt đẹp.


Tôi mỉm cười, vậy thì chắc hẳn là trong phúc có hoạ, hoạ ẩn trong phúc.


“Nếu số phận đã an bài con phải như vậy thì sao? Có phải là con đã quên đi rất nhiều chuyện không?”


Tôi tựa đầu vào vai mẹ, hỏi một cách nhẹ nhàng.


“Con đã quên đi rất nhiều chuyện. Nhưng đừng lo, mẹ và chị sẽ giúp con ghi nhớ những chuyện tốt. Mẹ cũng xin lỗi Ly nhiều nhé! Không phải là mẹ cảm thấy phiền hay là không muốn nói cho Ly biết đâu. Nếu số phận đã an bài thì ta vẫn cứ sống, dù ngắn dù dài, còn sống là còn quý.”


Chị My: “Phải, còn sống là còn quý.”

 

Thì ra, tôi cũng chưa đến nỗi bất hạnh lắm. Bên cạnh tôi còn hai người yêu thương tôi thế này cơ mà. Dẫu biết rằng căn bệnh đang huỷ hoại mọi thứ của tôi, nhưng lúc này, tôi có một niềm tin đủ lớn để yên tâm rằng sẽ có gia đình sẵn sàng vì tôi, bảo vệ tôi, chăm sóc tôi… như cách họ vẫn đang làm. Bố tôi bảo vệ tuổi thơ của hai chị em tôi, giờ thì mẹ tôi, chị tôi đang bảo vệ phần đời còn lại của tôi. Tôi không phải người duy nhất trải qua nỗi đau, người mẹ, người chị của tôi cũng đau, nhưng chính họ thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả tôi.


Tôi rũ mắt, lặng lẽ ngửi mùi hương đang lan ra. Trên bàn thờ treo ba tấm ảnh của ông bà nội và của bố. Họ vẫn luôn dõi theo chúng tôi từ trên đó, với nụ cười hiền trên môi.


Tôi thấy ngực mình nhẹ đi. Trước nay, tôi vẫn luôn bị sự tiêu cực che mắt mà không nhận ra những thứ tốt đẹp cận kề, ngay bây giờ đây, chính những khoảnh khắc này là sự tốt đẹp mà tôi mong muốn ghi nhớ.


“Mẹ, chị, con yêu hai người nhiều lắm!”


Mâm cúng đã nguội từ lâu, cành lộc trong lọ tươi xanh, đoá hoa cúc vàng nở rộ. Tết ấm áp đã về trong căn nhà nhỏ. Có tiếng bước chân vang lên, một đoàn người bỗng dưng bước vào trong nhà, tay bắt mặt mừng nói những lời chúc đầu năm. Đó là dì tôi cùng với gia đình nhà chồng dì.


Bầu không khí phút chốc trở nên rộn ràng niềm vui.


“Năm mới, chúc ba mẹ con luôn luôn khoẻ mạnh, làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn. Năm mới, nhiều điều mới, làm việc gì cũng suôn sẻ như cá gặp nước!”



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}