X


X

Sau hôm sư thầy nói chuyện với Kim Quy đến đêm, nhà chùa bước vào một cuộc dọn dẹp lớn. Tất cả chuông, khánh, giá nến trong chùa đều được mang vào lò rèn của Kim Quy, quan trên điều thêm ba người lính đến để hỗ trợ.

Đứng ở sân ban Tam Bảo mà ta vẫn nghe rõ tiếng ồn ào vọng tới từ lò rèn. Thật ầm ỹ. Nhưng ta có việc quan trọng hơn phải làm ở đây. Kim Quy dặn ta mấy ngày này đừng mải chơi mà phải để ý sư thầy, chăm nói chuyện với sư thầy một chút. Vì thế, từ khi sao mai còn chưa tỏ, ta đã lẽo đẽo theo sư thầy. Lịch trình dọn dẹp buổi sáng của thầy hôm nay kết thúc sớm hơn mọi hôm do đám chuông khánh kia đã chuyển chỗ.

Sư thầy cầm khăn lau đứng ngẩn người trên gác chuông. Gác chuông vắng chuông giống như một cái lồng chim thiếu tiếng véo von hoặc như con người mất đi hơi thở vậy. Hừng đông dần rạng xua đám trăng sao trở về dưới chân trời, ánh nắng sớm làm thầy khẽ nheo mắt, thầy không ngẩng đầu nhìn mãi cái xà có vết treo chuông nữa, thầy cúi đầu, thở dài. Ta cảm thấy lúc này cần nói điều gì đó vui vẻ để xua đi cái ám khí của tiếng thở dài kia, nhưng ta chẳng thể nghĩ ra được.

Theo thầy đến trước ban Tam Bảo, nhìn thầy lên hương rồi xem thầy quỳ xuống trước tượng Phật. Cả Phật đường hiện giờ trống hoác, trơ ra mỗi bức tượng Phật và chiếc lư hương. Ta mon men lại gần thầy, cố tìm lời an ủi. Dù đã sống với con người vài năm nhưng ta hoàn toàn không có kinh nghiệm xoa dịu tinh thần cho ai cả. Việc ta làm hàng ngày khi tương tác với con người đầu tiên ta nói chuyện được – Kim Quy – là tìm cách hạ thấp hắn, cười nhạo hắn. Còn với con người thứ hai ta nói chuyện được – là sư thầy – thì đối thoại của chúng ta chỉ mới dừng ở việc hỏi đáp về đủ thứ trên đời.

Ta cố nhớ lại những lời mà các nạn dân trong chùa động viên nhau. Có gì nhỉ? “Thôi chị ạ, giờ cứ nhìn vào con mà cố sống thôi” Gì nữa nhỉ? “Bây giờ âu cũng tính là đủ đầu đủ đuôi, mất tay phải thì còn tay trái, vẫn còn tốt”… Tức là, khi một người trải qua mất mát, người an ủi sẽ giúp người đau thương kia nhìn thấy cái mà họ còn giữ trong thực tại này. Ta cân nhắc mấy lần, chọn từ lọc nghĩa một hồi rồi nhìn quanh, xác định rõ những thứ sư thầy còn, e hèm để chỉnh tông giọng rồi nhẹ nhàng tiến sát sư thầy an ủi:

-       Thôi thầy ạ, giờ cũng coi như đủ đầu đủ đuôi, dù thầy mất đi chuông, khánh, giá nến… ừm… thì thầy vẫn còn tượng Phật mà…

Sư thầy nhìn ta cười, ngài ngước lên nhìn tượng Phật, nhẹ nhàng đáp lời ta:

-       Tượng Phật này cũng là đồng, ngày mai sẽ đem qua cho Kim Quy.

Ta sửng sốt. Dù đây là ngôi chùa đầu tiên ta đến. Nhưng ta đủ thông minh để nhận ra tượng Phật là linh hồn của một ngôi chùa. Dù là khách vãng lai đến thăm chùa, hay người trong vùng, hay dân chạy nạn đến đây, việc đầu tiên họ làm khi đến chùa sẽ là đến quỳ lạy trước bức tượng này. Sư thầy hàng ngày cũng dành thời gian ở nơi đây nhiều nhất. Vậy mà, ngày mai người ta sẽ mang tượng đi? Ngày mai bệ đá kia sẽ trống? Như thế thì còn hơn cả một cái gác chuông rỗng không. Thế thì khác nào một cái xác bị rút hồn đi? Thế thì khác nào… khác nào chân thân của ta ở đó nhưng không có ta?

Nhận thức sự nghiêm trọng của vấn đề khiến ta hoảng hốt. Ta tiến lại gần tượng Phật, áng chừng, đoạn hướng về sư thầy đề xuất giải pháp:

-       Hay là con mang tượng Phật ra sau núi giấu đi nhé? Nặng chừng này con mang được.

Sư thầy nhìn ta loay hoay muốn bê tượng Phật đi luôn, ngài bật cười gọi:

-       Thôi nào, Cẩm Liên. Hà cớ gì mà phải giấu tượng đi?

-       Nếu không thì mai người ta sẽ mang qua chỗ Kim Quy…

-       Ta chủ động đề nghị người ta mang qua đó nung chảy, để rèn thành đầu mũi tên mà.

Đầu ta như cái chuông vừa bị gõ mạnh một cái, thậm chí ta còn nghe thấy tiếng ong ong sau lời tuyên bố của sư thầy. Buổi nói chuyện hôm qua của sư thầy và Kim Quy ta không được tham gia nhưng nhìn dáng vẻ mặt ủ mày chau của thầy thì ta đoán ta đang tham gia câu chuyện “nhà nghèo bán con”, thế quái nào mà chỉ không chú ý một chốc mà lại thành câu chuyện “vì nghĩa diệt thân” rồi?

Ta lắp bắp hỏi lại sư thầy:

-       Thầy tự nguyện giao nộp?

-       Ta không sở hữu bất kỳ thứ gì ở đây cả.

Trong mớ bòng bong hỏi và tự hỏi, đầu ta lại bật ra một vấn đề khác:

-       Nhưng mà, đồ nhà chùa mang qua chỗ Kim Quy là để rèn thành vũ khí đó thầy.

Đáp lại ta là cái gật đầu xác nhận của sư thầy:

-       Ừm… đồ trong chùa sẽ được đúc thành đầu mũi tên mang ra tiền tuyến.

-       Nhưng mà… Nhưng mà không phải là…

Ta bối rối đến độ không thể sắp xếp từ ngữ sao cho mạch lạc. Sư thầy nhìn ta quắn quéo cũng chỉ cười hiền, bằng một phép thần kỳ nào đó, thầy hiểu những điều mà ta chưa thể diễn đạt thành lời, thầy chậm rãi gỡ rối, chải phẳng những khúc mắc cho ta:

-       Phật không phải là bức tượng đồng, không nằm trong chuông khánh. Dù có đem nung, Phật không vì thế mà biến mất được. Ta chỉ nương theo ký thác của Ngài, đáp ứng những lời khấn nguyện của con dân nơi đây. Ta mong rằng những mũi tên đó sẽ bảo vệ bờ cõi này khỏi khói lửa ngoại xâm.

Ngập ngừng mấy nhịp, ta khẽ hỏi thầy:

-       Thế còn lời răn không sát sinh thì sao ạ? Như thế này… chả phải là…

Lần này, thầy lặng yên thật lâu. Ta nhìn thầy, thầy ngước mắt lên nhìn tượng Phật. Dường như sư thầy cũng đang cố tìm kiếm một chỉ điểm huyền diệu nào đó từ bậc Bề trên. Nhưng tượng Phật chỉ khép hờ mắt dịu dàng nhìn xuống hai chúng sinh bé mọn dưới chân Ngài. Sự bình yên nơi đây làm ta tạm quên đi những khốn khổ tang thương của nạn dân đang trú ngụ phía bên hông Phật đường, những nỉ non chấp niệm của đám ma cỏ ở ngoài cổng chùa.

Một tiếng thở dài vang lên. Thầy không nhìn tượng Phật nữa mà cúi đầu lần tràng hạt. Chuỗi hạt này có lẽ thầy đã dùng lâu, những hạt gỗ mộc thuở đầu giờ đã được xoa đen nhánh. Ta được dạy rằng một trăm linh tám hạt gỗ tượng trưng cho một trăm linh tám phiền não, lặng đếm từng hạt gỗ trượt qua đầu ngón tay sư thầy rồi theo sợi chỉ xâu trôi sang mặt bên kia của ngón tay, từng hạt từng hạt cho đến viên cái, thầy đảo tay rồi lặp lại.

Một phiền não, hai phiền não, ba phiền não... Ta tự hỏi mình, một trăm lẻ tám hạt gỗ nối tròn đang lần lượt rơi đều trên tràng hạt kia biểu trưng cho phiền não đã buông hay là phiền não đang quẩn quanh người cầm giữ? Ta cứ ngẩn ngơ nghĩ mãi mà chẳng gỡ ra được cái khúc mắc đó, cho đến khi thầy bất ngờ lên tiếng:

-       Đó mới là điều khiến ta rầu rĩ bấy lâu nay. Rốt cục, ta vẫn chỉ là một kẻ phàm tục khoác áo tu. Trí tuệ của ta chẳng thể nào nghĩ ra được kế sách vẹn toàn mà không phạm vào sinh mạng chúng sinh. Ta cứ nghĩ mãi… rồi những mũi tên được làm ra từ đây sẽ ra chiến trận, sẽ nhuốm máu của con, của cha, của anh em trong gia đình nào đó, sẽ có những giọt nước mắt rơi vì những mũi tên này… Nhưng nếu không có những mũi tên này, sẽ càng nhiều tiếng khóc than… Khi ngoại bang tràn vào, sẽ không chỉ còn là máu của đàn ông rơi ngoài trận tiền nữa, mà sẽ là máu của cả dân tộc, là vinh nhục của một đất nước…

Ta và sư thầy đều bị viễn cảnh tưởng tượng đó làm cho não ruột. Mà đó cũng chẳng thể nói là “viễn cảnh”, khi ta và sư thầy ngồi đây, đâu đó ngoài sa trường, những con người xa lạ từ hai đất nước láng giềng đang tranh cướp cơ hội sống sót của nhau.

-       Tại sao con người cứ ép nhau phải khóc hả thầy?

Thầy lắc đầu nhìn ta, tay vẫn vuốt từng hạt gỗ:

-       Ta cũng không biết… Đáng buồn, Cẩm Liên nhỉ?




Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}