VIII IX


VIII

Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt.

Những ngày đầu ta mới tới chùa, “chiến tranh” chỉ là một danh từ mà khách đến chùa nhắc tới trong những lời khấn nguyện, họ thắp nhang cầu bình an, cầu cho thời loạn lạc này sớm chấm dứt. Dần dần, “chiến tranh” đã bước qua bậc thềm nhà chùa. Nó kẹt sâu nơi nếp nhăn đầu mày, quẩn lẫn cùng tiếng thở dài, ngưng tụ thành những giọt nước mắt.

Kim Quy lập một lò rèn phía sau chùa, ban đầu là sửa chữa nông cụ để rốt ráo thu hoạch lúa chạy giặc. Sau theo lệnh của quan trên, hắn bắt đầu rèn binh khí. Dân trong làng và những vùng lân cận đều gom hết kim khí kiếm được đến lò rèn của Kim Quy. Thanh niên trai tráng các nơi rậm rịch từ giã gia đình để tòng quân. Khắp nơi là không khí sẵn sàng đón giặc.

Là một miếng thép, thậm chí là một miếng thép chất lượng cực tốt như ta, nhìn lũ dao cùn, chậu thủng lần lượt được đổi đời thành những thanh kiếm, lưỡi giáo oai phong, đương nhiên ta sẽ sốt ruột. Thỉnh thoảng ta sẽ lượn quanh Kim Quy, ướm lời hỏi xem khi nào thì hắn sẽ biến ta trở thành một thần binh uy vũ, đáp trả ta chỉ là cái cười khẩy:

-       Đứa nào hồi trước bảo không muốn làm dao cắt thịt? Chê thịt tanh hôi?

Là ta. Hồi mới vào chùa, ta đòi làm chuông khánh để treo cao đón gió. Để nhấn mạnh mong muốn của mình, ta đã mạt sát các dụng cụ khác thậm tệ. Không ngờ, à mà không có gì bất ngờ, tên nhỏ nhen thù lâu nhớ dai này còn nhớ toàn bộ lời ta nói. Ta cố vớt vát:

-       Nhưng giờ ta muốn trở thành binh khí để bảo vệ mọi người.

Đương nhiên, lập luận này của ta quá yếu trước Kim Quy:

-       Ngươi có hiểu nhiệm vụ “bảo vệ” của binh khí là gì không? Ngữ ngươi chắc nghĩ người ta đánh nhau chỉ là đem đao kiếm ra khoe như đàn bà con gái so váy áo đẹp ở hội phỏng?

Hắn ngừng lại một nhịp để tiến sát vào ta hơn, nở một nụ cười, ta đã từng thấy hắn cười khẩy, cười nửa miệng, cười giả lả, cười hô hố… Nhưng lần đầu tiên ta bắt gặp kiểu cười này của hắn, hắn cười mà mắt lóe lên sự hằn học ác ý, cùng đó là tiếng thì thầm khiến ta rợn gáy (nếu ta có gáy thật):

-       Binh khí là công cụ giết người. Nếu ngươi là một binh khí, ngươi sẽ nhiều lần được cắm sâu vào thịt con người, về cơ bản thì máu thịt con người tanh hôi hơn hẳn lợn gà đấy. Ban đầu là lớp da, rồi mỡ, rồi gân cơ, tùy sức của kẻ dùng ngươi, ngươi có thể diện kiến được xương, đôi khi ngươi sẽ được ngắm nội tạng. Ừm… Nội tạng con người dễ chịu nhất là tim, nó nhiều máu nên hơi nhớp nháp chút thôi, ta không khuyến nghị ngươi thử ở vùng dạ dày và ruột, đặc biệt là ruột già… Có thể ngươi không biết nhưng…

-       NGƯƠI IM ĐI!!!

Ta gào lên rồi ù té chạy về phòng của sư thầy. Phải nói một chút về sự tăng tiến tu tập của ta, sau một thời gian chăm chỉ học tập, lúc này ta có thể tự do hoạt động linh thức mà không còn phụ thuộc vào vị trí của chân thân. Chân thân của ta có thể ở trong phòng sư thầy trong khi ta có thể chạy chơi tận đỉnh núi sau chùa. Ta cũng có thể điều khiển được đồ vật bay tới bay lui. Nhưng để tránh dọa khiếp vía những người không thấy được ta, sư thầy khuyên ta hạn chế sử dụng kỹ thuật này.

Ta ôm cơn hoảng loạn chạy về phòng thầy tìm an ủi, nhưng không thấy sư thầy. Ta chạy ra ban Tam Bảo. Như dự đoán, ngài đang ngồi bên trong.

Trời đã về khuya, nến trong ban Tam Bảo đã được tắt từ lâu, trăng già mười bảy tuy đã kém tươi nhưng bạc của trăng thừa đủ đổ tràn lênh láng ngập khoảng sân con. Cái mâm đựng bạc lấp lánh ấy sau khi vung tràn khắp bên ngoài rồi vẫn còn dư nên trăng mang nốt qua cửa sổ đang mở toang của phòng thờ, hất bạc vào trong, vảy bạc loang lên bóng lưng thầy, rơi rải rác trên vai tượng Phật. Đó là một đêm đầu đông, tiếng ếch nhái cãi nhau cùng đám dế của đêm hè đã bặt từ lâu, trả lại cho Phật đường cái tĩnh lặng ủ ê.

Từ dạo các nạn dân chạy về chùa nhiều, ta bắt gặp cảnh này khá thường xuyên và ta biết không nên làm phiền thầy thiền quán.

IX

Không rõ từ khi nào, những vật liệu trong lò rèn của Kim Quy từ nồi niêu xoong chảo dần trở thành giáo gẫy, kiếm mẻ. Kim Quy nói chúng được người ta gom về từ chiến trận. Người dùng chúng trước đó không cần chúng nữa, giờ chúng sẽ được qua tay Kim Quy để đến với chủ nhân mới.

Nhìn đám “thương binh” từ trận tiền ấy, ta không khỏi sinh cảm giác “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Dù gì cũng đều từ mẹ đất mà ra. Dù gì đây cũng có thể là tương lai của ta phải đối diện khi trở thành binh khí xông pha sa trường. Lục lọi một hồi hòng tìm hiểu bệnh trạng của đồng loại, ta nhấc một thanh kiếm gẫy lên đánh giá:

-       Mấy thứ này chất lượng không tốt tí nào, tạp quá, bảo sao hư hại liểng xiểng.

Kim Quy lúc này đang ngồi nghỉ tay nhai trầu, hút thuốc trên cái chõng tre ngoài sân, thấy ta dẫm vào lãnh địa chuyên môn của hắn thì không thể không lên tiếng cười nhạo ta mấy câu:

-       Miếng thép như ngươi mà cũng học đòi khinh khi phán xét đồng loại ư?

Tự nhiên bị gán cho thói kiêu mạn – một trong những thói xấu mà sư thầy đã khuyên phải tránh – ta đương nhiên giãy nảy:

-       Ta không coi thường chúng. Ta chỉ đang đánh giá… à… đang tìm nguyên nhân vì sao chúng bị gẫy thôi.

-       Ngươi muốn biết vì sao chúng gẫy à?

Kim Quy cười. Kiểu cười báo hiệu rằng ta sắp phải nghe mấy thứ khắc nghiệt giống như cái tối ta đòi hắn rèn ta thành thần binh. Dự cảm này khiến ta bồn chồn, nhưng ta vẫn ở yên chờ hắn nói. Giống như hàng tối, ta hay quanh quẩn bên những nhóm nạn dân trong chùa nghe người ta kể chuyện ma. Mấy con ma trong lời kể của họ khác hẳn mấy con ma lèo nhèo ngoài cửa chùa. Ma trong các câu chuyện đó hung dữ, xảo quyệt, độc ác, chúng làm ta sợ, nhưng chúng dẫn ta đến một cánh cửa mở ra một thế giới khác với thế giới ta đang sống, nên ta vẫn háo hức gặp chúng hàng tối qua những buổi tán chuyện.

-       Kẻ dùng cây kiếm này, không phải là dân chuyên – Kim Quy vừa nói vừa giơ thanh kiếm lên ngang tầm mắt để quan sát – chả có dân chuyên nào dùng lưỡi kiếm để đỡ đòn cả. Có thể, hắn là một tên mọt sách, hăng hái muốn được phong công hầu.

Nương theo đánh giá của Kim Quy, ta tưởng tượng ra một chàng thư sinh con nhà khá giả, bởi phải khá giả thì mới rảnh rang mà đọc sách cả ngày được, rồi nước nhà lâm nguy, chàng ôm chí tang bồng, từ biệt cha mẹ già để gia nhập quân ngũ. Mang cả xuân xanh để bảo vệ đất nước làm sao có thể chỉ do “muốn được phong công hầu” như tên xấu tính kia nói được.

-       Hắn không phải là kẻ chết vì bả vinh hoa. Hắn chết vì trái tim trung nghĩa với nước nhà.

Kim Quy nhìn ta xì một tiếng:

-       Thế thì trái tim trung nghĩa của hắn cũng nhiều máu đấy. Chỗ máu bám trên đây không biết là của bao mạng. Chỉ tổ vất vả cho mấy ông thợ phụ làm sạch thôi.

Là những mạng người, vậy mà qua miệng Kim Quy những trái tim đang nóng trở thành miếng thịt ôi. Qua thời gian được tiếp thu giáo dục của sư thầy, ta cảm thấy cần chấn chỉnh lại thái độ của hắn với sinh mạng:

-       Đấy là mạng người mà… Sao ngươi lại ăn nói như thế?

Hắn ngừng một lát ra chiều suy nghĩ, rồi nhìn ta cười:

-       Ồ… chắc bởi ngươi đang đòi ta giúp ngươi thành cái thứ đi lấy mạng người, nên ta cảm thấy… ngươi sẽ thích?

Ta nghẹn họng. Từ ngày ta nói với hắn mong muốn của bản thân, hễ có dịp là hắn sẽ lôi ra để dè bỉu. Ta rất ấm ức. Hồi hắn mới mua được ta, nhìn mớ dao hắn làm, ta đã từng hỏi ta sẽ thành giống chúng sao? Hắn đáp không, vì ta là miếng thép tốt, làm dao hơi phí. Sau vào chùa, ta thấy chuông khánh đẹp mắt, ta hỏi hắn ta có thể làm chuông khánh không? Hắn đáp không, vì ta là miếng thép chứ không phải là đồng. Rồi đến hiện giờ, khi lũ sắt tạp cũng có thể trở thành binh khí xông pha lập công nơi chiến trận, ta nói muốn góp chút công lao, hắn cũng lại cười cợt ta không xứng. Chả nhẽ ta sẽ mãi là cục thép vô dụng trong giỏ của hắn hay sao? Thép tốt làm gì? Phẩm chất tốt làm gì? Sinh linh tính làm gì? Có ích lợi gì khi mà chẳng thể giúp ích được ai? Còn vô dụng hơn một con dao cùn.

Ta tức giận gào lên:

-       Ngươi đừng tưởng có mình ngươi là biết rèn binh khí. Chốc nữa ta sẽ lên kinh thành kiếm thợ rèn giỏi nhất nhờ hắn biến ta thành thần binh.

Trước sự đe dọa gay gắt của ta, Kim Quy chỉ ung dung lấy cái ống nhổ bằng tre, nhả bã trầu vào đấy, quệt miệng rồi cười:

-       Bỏ qua việc ngươi có biết đường đến kinh thành hay không, riêng việc một miếng thép không gió lốc gì mà tự bay vè vè trên đường cái quan cũng đủ để cho mấy ông đạo sĩ thầy tu trói ngươi vào rồi chôn xuống ba tấc đất rồi.

Ta chột dạ. Ngậm miệng. Khi nói chuyện với tên này không thể bốc đồng nếu không mỗi lời ngươi nói ra sẽ là một cái roi để quất ngược vào ngươi. Những tưởng hắn nói câu đó, ta im lặng là chuyện sẽ dừng, nhưng không, sau khi uống một ngụm trà, Kim Quy lại nói tiếp:

-       Mà cứ cho là ngươi thành công đến được kinh thành, tìm được thợ rèn giỏi nhất ở đấy đi. Ngươi có chắc là hắn sẽ thấy được cái bản mặt của ngươi không? Nghe được ngươi muốn cái gì không? Hiện giờ, binh khí cần số lượng chứ không cần chất lượng, thợ rèn đội lệnh quan trên đều được yêu cầu pha thêm tạp chất vào sắt thép để rèn ra nhiều đao kiếm nhất có thể – Đoạn, hắn trỏ tay về mấy cái rổ binh khí gẫy hỏng - Ngươi ở đây ấm êm nên rửng mỡ mè nheo, chứ ngoài kia, có những miếng thép còn tinh quý hơn ngươi cũng bị pha ra để thành cái mớ kia đó.

Ta theo tay hắn chỉ nhìn về đám “thương binh”. Cơn ớn lạnh như thể chân thân bị rơi vào khe suối khiến ta rùng mình. Ta sợ. Là một Linh sinh ra từ miếng thép, ta sẽ có ý thức mạnh mẽ về tính toàn vẹn của chân thân. Và cái ý thức mình là một miếng thép tốt như một lăng kính phóng đại nỗi sợ chân thân bị hoen ố bởi tạp chất. Ta sợ có ngày ta biến thành những thứ mà hiện giờ ta xếp chúng đứng dưới ta.

-       Ta… không muốn bị trộn với mấy thứ khác đâu…

Kim Quy phẩy tay ra vẻ không quan tâm:

-       Chiến tranh mà, vàng thau trộn lẫn, miếng thép như ngươi nếu có lòng xông pha thì không thể kén chọn được.

Lúc này ta hoàn toàn quên mất rằng ta vẫn đang trong chùa, trong tay Kim Quy, tâm trí ta lúc này đang đặt mình vào một lò rèn xa lạ nơi kinh thành, đứng trước nguy cơ bị nấu chảy rồi pha thêm gang chì sắt vụn. Ta mếu máo:

-       Không thích đâu…

Kim Quy mở miệng định châm dầu cho cơn hoảng hốt của ta thêm đượm thì một giọng nói từ xa cắt ngang:

-       Kim Quy lại trêu gì Cẩm Liên đấy?

Giọng nói sư thầy vang lên như mặt trời phá mây, kéo ta ra khỏi viễn cảnh tang thương. Ta reo lên tiến tới chào đón “mặt trời” lúc này đang bước vào từ cổng lò rèn:

-       Thầy tiếp khách xong rồi đó sao?

Sư thầy gật đầu với ta coi như đáp lời, đoạn hướng về Kim Quy vẫy tay:

-       Chúng ta nói chuyện một chút.

Một lần nói chuyện đến tận thâu đêm.



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}