V VI VII


V

Kim Quy mang ta lang bạt kỳ hồ được vài năm yên ổn.

Rồi, vùng biên thùy báo tin giặc tới. Tin đó như đá ném vào đám chim trên cành. Tất thảy đều chẳng thể yên ổn nổi nữa. Trước kia, Kim Quy vào làng hay ra chợ, chủ yếu chỉ được thuê mài và sửa chữa cuốc mẻ liềm cùn, hiếm lắm mới bán được một hai con dao nhép. Tình cảnh ế ẩm đấy đã khiến hắn nhiều lần than muốn bỏ nghề, vứt quách đống sắt vụn đi cho nhẹ nợ. Vậy mà từ khi có tin giặc giã, mớ dao rựa “sắt vụn” trong giỏ của Kim Quy bỗng như được hóa phép trở mình thành thứ đồ để tranh mua.

Không hề có cuộc bàn bạc chính thức nào, vậy mà tất thảy những lò rèn chúng ta gặp trên đường, đều nhất tề chuyển sang rèn binh khí. Tiếng búa gõ lên đe vang lên chan chát từ sáng sớm đến tối khuya. Đi đâu cũng nghe thấy mọi người bàn chuyện chiến sự, dân di tản mới đầu chỉ thưa thớt, về sau đàn lũ bồng bế nhau chạy về phía kinh thành như kiến cỏ trước ngày lũ lớn .

Kim Quy không đi theo đoàn người lánh nạn, hắn mang ta dừng chân trước một kiến trúc khác hẳn những nơi ta từng thấy qua. Đó là một nơi tỏa ra mùi nhang trầm sạch sẽ, ở cổng có kha khá người qua kẻ lại, thế nhưng lại thiếu phong vị ồn ã náo nhiệt như nơi phố chợ mà nghiêng về nét yên ả trầm tư. Ta hỏi Kim Quy đây là chốn nào? Nhưng dường như hắn đang mang trong lòng mối bận tâm nào đó mà chẳng thí cho ta được một câu đáp lời. Hắn cứ đứng đực ra đó, hết nhìn ta rồi lại nhìn kiến trúc đó hồi lâu. Ngày đó, tu luyện của ta hãy còn non nớt nên hoàn toàn bị dính chặt vào chân thân, Kim Quy đứng ỳ ra ở ngưỡng cửa, ta cũng chẳng thể di chuyển được một ly. Điều này khiến cho cả ta và hắn thu về cơ man là lời này ý nọ của cả người qua đường lẫn những kẻ khuất mặt xung quanh.

-       Ôi dào… Sao thế? Đã đến cửa Phật rồi mà còn đứng ngẫn ra ở đây làm gì?

-       Ông anh này, không vào thì cảm phiền đứng né sang bên giúp cho.

-       Ôi này này… nhìn tình cảnh cậu chàng kia, chắc là vào chùa đi cắt duyên âm nhỉ?

-       Cái ánh mắt nhìn nhau đượm thế kia, cắt làm sao được, có cắt cũng phí công nhà chùa thôi.

Qua mấy lời xung quanh, ta hiểu nơi mà Kim Quy đang loanh quanh này được gọi là “chùa”. Ta không rõ vì sao hắn không vào thẳng bên trong như những người khác mà chần chừ mãi thế này. Dường như có một việc hệ trọng nào đó khiến hắn phải suy nghĩ rất lung và có lẽ vì hắn mải nghĩ quá nên không để ý đến mấy lời đàm tiếu bên ngoài. Đấy là hắn, còn ta không phải nghĩ gì hết, nên mấy câu bình phẩm trêu ghẹo ngày càng lớn mật cứ làm phiền ta mãi, quá quắt nhất là lúc ta nghe thấy mấy con vong đứng chụm lại hát:

Chàng ơi buông áo em ra

Để em đi chợ kẻo hoa em tàn

Hoa tàn thì mặc hoa tàn

Mấy thuở gặp nàng nàng biểu buông ra.

-       Ây chà… lần đầu thấy người đi cắt duyên âm mà trông quyến luyến đến vậy.

-       Này cậu gì ơi… vào trong đấy nhanh đi để duyên âm của cậu sớm được siêu sinh rồi cậu còn kịp thời mà lấy vợ.

Mấy con vong hôi rình chết tiệt! Chúng nó dám lầm ta thành đồng bạn với chúng. Không thể nhịn nổi nữa, ta quắc mắt gào lên với lũ chúng nó:

-       RỬA CHO SẠCH GHÈN ĐI RỒI CHỐNG MẮT LÊN MÀ COI TA ĐÂY LÀ CÁI GÌ? TA ĐÂY LÀ LINH DO TRỜI ĐẤT TẠO TÁC CHỨ KHÔNG PHẢI CÙNG MỘT NGỮ VỚI BỌN HỒN MA BÓNG QUẾ CHÚNG MÀY!!!

Đoạn quay ra quắc mắt quát Kim Quy:

-       NGƯƠI THỌT HAY QUÈ? NGƯƠI CÓ BƯỚC QUA ĐƯỢC CÁI CỬA NÀY KHÔNG?

Kim Quy như bị gọi giật dậy trong cơn mê ngủ. Hắn hoảng hốt nhìn ta. Rồi… Hắn rón rén bước lên trước một bước, rồi quay ra nhìn ta. Ta cáu kỉnh nhìn trả lại hắn. Rồi hắn lại bước thêm một bước, rồi lại quay ra nhìn, cứ thế, qua cổng tam quan của chùa rồi lại nhìn ta khắp lượt, hắn ngập ngừng dò hỏi :

-       Ngươi không làm sao à?

-       Làm sao? – Ta gắt lên.

-       Ở đây là địa phận chùa rồi đấy, ngươi không thấy đau đớn vật vã lăn lộn à?

Ta đưa mắt ra nhìn khách viếng chùa đi lại thư thái trong sân, rồi quay ra nhìn Kim Quy dở hơi:

-       Người ta đi đứng bình thường được, sao ta phải lăn lộn?

Mặt hắn lúc này như bị mắc xương cá, hắn quay đi, ho nhẹ, rồi bước phăm phăm vào chùa vừa đi vừa lẩm bẩm:

-       Sao trong sách truyện ghi khác… Thế mà ta cứ tưởng… Uổng mấy năm nay ta cứ phải tránh cho ngươi…

Ta theo gặng hỏi, hắn tưởng cái gì? Tránh cho ta làm sao? Ta phải tránh cái gì? Nhưng hỏi mãi hắn nhất quyết không trả lời. Dù sao ta cũng đã quen cái tính khí dẩm dớ của hắn, hắn không nói thì ta cũng vứt thắc mắc sang bên mà lo việc của mình.

VI

Bước qua cổng chùa, ta bước vào một thánh địa mới. Bao năm qua, ta cứ nghĩ kim khí như ta chỉ có thể chờ ngày rèn thành dao hoặc mấy thứ cuốc thuổng. Không ngày ngày chặt thịt cắt rau thì cũng cắm mặt vào đất đến tàn đời mãn kiếp. Hóa ra không phải, ta còn có thể thành chuông, thành khánh, thành chân nến, thậm chí là tượng để người ta bái lạy. Ta đem kiến thức mới phát hiện đó khoe với Kim Quy, nhưng ta chỉ nhận được một cái cười khẩy:

-       Đồ thờ cúng chủ yếu là đồng, chuông khánh còn pha cả vàng, là thứ kim loại quý giá hơn ngươi gấp bao lần. Mơ mộng hão huyền!

Lời nói phũ phàng thổi tắt hy vọng được treo lên cao của ta. Ta không phục, tóm lấy hắn lý luận:

-       Đều là kim loại đào từ đất ra cả mà, sao đồng làm được còn ta thì không?

-       Ồ… Ta cũng muốn biết vì sao ta và tên phú hộ kia cũng cùng là người nhưng hắn được ăn ngon mặc đẹp ta thì ăn đói mặc rách đây.

Dẫn chứng quá thuyết phục, mong ước của ta lung lay trên bờ sụp đổ.

-       Vậy là… ta không có cơ hội được nâng niu như thế à?

-       Chuyển kiếp thành cục vàng đi.

-       Làm thế nào để chuyển kiếp?

Đó là một năm đặc biệt. Rất nhiều thứ “lần đầu tiên” ta trải nghiệm. Đây cũng là lần đầu tiên Kim Quy không trả lời được câu hỏi của ta. Ta nhận ra, không phải cái gì hắn cũng biết, và có thể, không phải cái gì hắn nói cũng đúng. Nhận thức mới này khiến mong ước đang lung lay của ta như được kê cho một hòn đá tảng. Giấc mộng được trở thành một thứ gì khác với mấy con dao tầm thường dường như thật sự có cơ hội hữu hình.

Và rồi ta được gặp sư thầy trụ trì. Một ông lão hiền từ khả kính. Từ ngày gặp sư thầy, ta chuyển qua ở hẳn với ngài và được ngài dạy cho nhiều thứ. Dù chưa bao giờ có một lễ bái sư theo đúng lệ, nhưng giờ ngẫm lại, ngài chính là người thầy đầu tiên đúng nghĩa của ta. Ngày đầu thấy gặp mặt, sư thầy còn rầy la Kim Quy một trận vì tội dạy hư ta. Lần đầu tiên, đúng, lại thêm một lần đầu tiên nữa, ta thấy Kim Quy bị người khác mắng mà ngậm miệng ngồi im. Đúng là, sống thêm một năm, nhìn thêm được nhiều thứ.

VII

Ta được sư thầy đặt tên là Cẩm Liên. Vì ta rất thích ngài nên ta cũng thích cái tên này. Từ ngày theo sư thầy, ta học được nhiều thứ khác ngoài cãi lộn. Từng ngày từng ngày ta dần nhặt nhạnh lại được những mảnh vỡ tự tin từng bị tên khốn Kim Quy kia đạp vỡ.

Hóa ra ta cũng không phải là kẻ kém cỏi. Ta chỉ không giỏi ở khoản cãi nhau thôi. Ngoài cãi nhau ra, ta còn có thể làm được nhiều thứ khác. Thậm chí sư thầy khen ta có tư chất tu tập, có tiềm năng rất lớn. Ngày đầu gặp mặt, thầy đã gật đầu trầm trồ:

-       Linh này đặc biệt thật đấy. Thông thường phải được tạo tác thành hình dạng, rồi qua tay sử dụng của nhiều người lắm mới có thể sinh ra nhận thức. Thế mà mới chỉ là miếng thép thôi đã mở được linh trí rồi, so ra cũng có thể coi là bậc thần đồng trong giới tinh linh – Đoạn sư thầy lật qua lật lại chân thân ta, vuốt chòm râu bạc, lại gật đầu ra chiều tán thưởng – Có lẽ vì thế mà Linh này khá sạch sẽ.

Kim Quy ngồi đó bĩu môi:

-       Nhưng nó ngốc lắm.

Sư thầy cười hiền nhìn Kim Quy:

-       Nó có quyền “ngốc” trong mắt phàm phu mà. Đó là ưu ái trời ban cho nó.

Sư thầy nhấp một hớp trà, tay vừa lật cơi trầu ra vừa đủng đỉnh giảng giải cho Kim Quy sự ưu việt của ta – ta cho là thế:

-       Ví thử như con và nó cùng phải leo lên đỉnh núi trên kia. Con sẽ mang dao để đề phòng thú dữ, mang nước uống cơm lam để cho khi đói khát, nếu cẩn thận hơn con còn mang theo thuốc bệnh ngừa lúc ốm đau. Đối với con, đó là cơ trí. Và rồi con sẽ phải gánh cái gánh “cơ trí” đấy leo lên chừng đó cao, chừng đó xa. À không… từ trước lúc leo núi, cái “cơ trí” đó đã đè lên con khi con xoay sở chuẩn bị hành trang rồi. Trong khi đứa ngốc kia nó không phải lo đến thú dữ, đói khát, ốm đau, nó cứ nhẹ tênh mà đi thôi. Đối với nó, cái “cơ trí” của loài người là gánh nặng vô dụng.

Lần đầu tiên trong đời, ta cảm thấy từ “ngốc” nghe cũng êm tai, “ngốc” cũng là một cái thể diện để ta vênh váo. Dù chưa tường tận lắm về kế hoạch leo núi kia, ta vẫn dựa vào đấy để ném cho Kim Quy một cái nhìn đắc thắng, ta nhanh chóng chuyển chỗ sang sát thầy, dựa vào hào quang của mười phương chư Phật trên đỉnh đầu thầy để cười vào mặt Kim Quy ba cái. Nếu ta làm thế mấy ngày trước, chắc chắn hắn sẽ móc mỉa ta cả tuần không ngẩng đầu lên được, nhưng lần này, phản ứng của hắn chỉ duy nhất là một cái trừng mắt.

Lúc này ta nhận ra thêm một điều nữa, dường như từ lúc bước vào ngôi chùa này, Kim Quy như bị trấn áp. Nếu ví von thì hồi trước hắn là một con thủy quái gặp người cắn người gặp chó cắn chó, đi đến đâu gây phong ba bão táp tới đó, còn hiện giờ, ngồi trước sư thầy, hắn biến thành một con rùa cạn hiền lành rụt rè.

Về sau ta mới tỏ, thứ trấn áp hắn không phải là hào quang của mười phương chư Phật mà là tình nghĩa nhà chùa đã cưu mang hắn thuở thiếu thời. Khi nghe tin giặc giã, hắn vội vã trở về nhà chùa hòng giúp sư thầy chèo chống qua cơn hoạn nạn.



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}