Đó là một bức tranh cô độc được treo ngay chính giữa gian phòng. Không người ngắm nhìn, không có sự bầu bạn, tôi cũng không tìm thấy tên tác giả ở trong bức tranh hay dưới tấm bảng giới thiệu màu đỏ gạch. Nơi đó trống hoác khiến tôi có cảm giác mình nghe được tiếng gió đục thủng một lỗ sâu hoắm xuyên qua bức tranh vô đề, vô chủ. Tranh được vẽ với gam màu vàng cam và xanh lá chủ đạo, dưới tán cây xanh là ráng chiều phủ nhuộm vàng hai bóng lưng đang ngồi nơi ghế đá. Đó hẳn là một buổi chiều của những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất, nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy buồn quá đỗi, như thể chúng ta sẽ bất cẩn đánh mất một thứ gì đó khi lơ đãng ngắm nhìn bức tranh này. Và phải chăng người vẽ nên bức tranh, hai nhân vật mờ nhòe trong khung cảnh chiều hè yên ả kia cũng đã đánh rơi một chút gì ngay trong thanh xuân xa xôi ấy.

Tôi đứng lặng trước bức tranh gần một tiếng đồng hồ, chỉ đứng im như thế. Trong đầu đang chạy lại những đoạn phim ngắn năm tôi 17 tuổi. Quả thực cái thứ gọi là kỉ niệm luôn khiến con người ta day dứt, khó lòng buông tay dù những gì ở năm tháng xưa cũ kia đã lùi dần về phía sau của quên lãng. Tôi đặt cho nỗi nhớ một cái tên, và không chỉ riêng nỗi nhớ mà cả bóng hình của chàng trai đã bước vào cuộc đời tôi trong quãng thanh xuân ấy cũng có một cái tên, như một biệt danh, một tên gọi được tôi ưu ái dành riêng cho người đó. Chỉ mình cậu ta thôi, đặc biệt và duy nhất trên đời.

Đó là một ngày hè đã xa, trời xanh và gió thoảng. Khi bất chợt tỉnh dậy trong giờ văn của cô chủ nhiệm, tôi thấy cậu vẫn ở ngay đó, trong tầm mắt tôi. Dường như kí ức dù trôi xa đến bao nhiêu vẫn được sợi dây tâm trí kéo về vào một ngày mà bản thân chúng ta không ngờ tới nhất. Hôm nay là ngày đó.

Tôi là một kẻ không mấy nổi bật, luôn cố gắng làm mình mờ nhòe hết sức có thể trong đáy mắt của mọi người. Nhưng cậu đã cố gạt đi đám mây vẩn đục ấy để nhìn thấy tôi, một cách rõ ràng nhất. Qua đôi ba cuộc trò chuyện không ngắn không dài, tôi biết cậu và tôi có chung sở thích, đều thích vẽ, thích ngắm mưa rơi, thích bài hát “Hẹn ước bồ công anh” được ngân lên mỗi chiều tan học. Tôi muốn cùng cậu thi chung một trường đại học, cùng cậu đến trường, trở thành bạn cùng bạn của cậu như năm tôi 17 tuổi. Lúc đó cậu chỉ cười hiền và xoa nhẹ đầu tôi: “Hứa nhé!”.

Khi đó tôi tin vào những lời ước hẹn, và vô tình tôi bị chính nó làm cho cõi lòng đau điếng. Tôi quên mất rằng vận mệnh, thời gian, hiện thực luôn dang những cánh tay dài ngoằng túm lấy chân mỗi người, níu họ lại với sự thật là có đôi khi ước mong sẽ không được thực thi ngoài thực tiễn. Như cái câu “Tớ thích cậu” mà tôi viết trên tờ giấy nhớ kẹp trong cuốn sách giáo khoa cũ trên bàn, nó chỉ ở đó thôi, mãi mãi sẽ không được tôi cất lên thành tiếng trước mặt cậu.

Cứ mỗi chiều, vào khoảng 5 giờ 30 phút, tôi lại vác ống vẽ và xách túi màu nước đi đến phòng mỹ thuật của trường. Một chiều tháng 6, khi lũ bạn đang miệt mài với bài vở và đề thi, tôi cũng gấp rút chuẩn bị cho cuộc thi lên đại học mỹ thuật tại một trường có tiếng ở thành phố K. Nói không lo lắng là giả, nhưng tôi biết mình không cô độc khi có cậu cùng đồng hành.

Mở cửa phòng vẽ, mùi gỗ, mùi màu, mùi giấy phả lên mặt âm ấm. Tôi bất ngờ vì cậu còn đến sớm hơn cả mình. Vì tôi là người cầm chìa khóa phòng vẽ mà! Lúc đó tôi đã ngạc nhiên lắm.

“Hôm nay cậu muộn 5 phút nhé!” – Cậu cười mỉm rồi khoác vai tôi.

Đặt bảng vẽ lên giá, tôi cười khì đáp lại: “Tớ để quên giấy nên phải qua quán tạp hóa mua. Mà sao cậu vào được phòng vậy?”

“Tớ trèo cửa sổ, haha.” – Lần này cậu cười thành tiếng giòn tan như đám lá sấu vàng dưới nắng hè ngoài kia.

Tôi đứng ngắm cậu cười rồi vội vã thu hồi lại ánh mắt. Tôi biết nó luôn hướng về cậu, mọi lúc. Tôi sợ cậu sẽ phát hiện ra bóng hình mình trong đáy mắt của tôi.

“Hôm nay cậu không vẽ tượng hả?” – Tôi hỏi cậu.

“Không. Tớ định vẽ màu nước, cảnh dưới sân trường ấy!” – Cậu đáp rồi nhướn một bên mày.

Tôi nhìn theo, dưới cửa sổ tầng hai phòng vẽ là sân trường được phủ lên màu cam đỏ của hoàng hôn. Tôi ngắm nhìn khung cảnh quá đỗi quen thuộc ấy, đẹp lạ lùng, tôi mở to mắt và cố thu vào tất thảy, từ ánh nắng, vài cái lá rơi trong cơn gió nhẹ, màu áo đồng phục của từng tốp học sinh lướt qua, ghế đá, đài phun nước, cây đèn đường đứng cô đơn cạnh gốc sà cừ cổ thụ. Thì ra cậu định vẽ lại khung cảnh này. Vốn dĩ là những điều bình thường hằng ngày, nhưng qua lời nói của cậu liền trở nên đẹp đẽ.

“Đợi khi nào vẽ xong bức tranh này tớ sẽ cho cậu xem.” – Cậu quay qua tôi, tay vẫn cầm cây bút chì được gọt nhọn hoắt. Cho đến giờ tôi vẫn không thể gọt một cây bút chì được “điêu luyện” như thế kia. Dù đã là một sinh viên tốt nghiệp đại học mỹ thuật ra trường được ba năm.

“Người đầu tiên mở hàng cho cậu luôn hả?” – Tôi cười hỏi.

“Tất nhiên rồi! Vui không?” – Cậu cười lộ cái răng nanh nhọn hoắt.

Tôi đỏ mặt, rôi quay ngoắt qua nhìn chằm chằm bức tranh vẽ tượng bán thân đang dở dang của mình: “Vinh dự quá đi mất.”- Tôi chỉ kịp hét lên như thế.

Hôm ấy cậu vẫn chưa vẽ xong bức tranh mà cậu đã hứa sẽ để cho tôi là vị khách ngắm nhìn nó đầu tiên. Cũng kể từ hôm ấy, tôi không còn gặp lại cậu nữa. Vì nhiều nguyên do, và dù tôi kiếm tìm cậu khắp nơi cũng chưa một lần tình cờ bắt gặp. Tôi nghe một bạn cùng lớp cấp ba kể rằng cậu không còn theo đuổi con đường liên quan đến nghệ thuật nữa. Ban đầu tôi có chút bất ngờ, nhưng như hiểu được phần nào; một họa sĩ bỏ vẽ sẽ rất đau khổ, và tôi biết cậu đang đau khổ. Như tôi. Ít ra thì, cậu và tôi có chung một nỗi đau sau những niềm vui nhỏ bé ngắn hạn đã chết chìm trong biển cát của quá khứ.

Vào tháng 10, tôi có nhận được một cuộc điện thoại từ số lạ. Là cậu phải không? Tôi bắt máy nhưng đầu dây bên kia là sự im lặng kéo dài. Là cậu phải không? Tôi không dám cất lời vì sợ, nếu nghe thấy tiếng gọi của tôi, cậu sẽ vội vàng gác máy.

Hai ngày sau, dưới hòm thư trước nhà là tấm thiệp mời đến tham dự triển lãm nhưng tôi tìm hoài không thấy tên người gửi, chỉ có tên của người nhận “Gửi Kình!”. Lần này tôi chắc chắn là cậu gửi, chỉ có cậu mới biết biệt danh này của tôi, cũng chỉ có cậu mới gọi tôi bằng cái tên như vậy. Chúng ta năm 17 tuổi đã gọi nhau bằng hai cái tên thân thuộc nhất, và giờ cậu gọi tôi bằng một trong hai cái tên ấy, trên giấy, bằng bút mực, không cất thành lời.

Chợt muốn thấy gương mặt cậu, bóng lưng cậu, muốn chạm lên mái tóc cậu, muốn ôm lấy cậu, muốn gọi tên cậu, muốn kể cho cậu nghe hết tất thảy những gì tôi đã trải qua khi không có cậu ở bên. Chúng ta chia xa năm 18 tuổi, giờ gặp lại nhau đã là 25. Một năm, hai năm, ba năm … cách xa ngần ấy năm trời. Tôi chỉ mong cậu vẫn là cậu, vẫn là chàng trai tôi biết năm 17 tuổi. Ích kỉ quá phải không? Khi mà tôi đã thay đổi mất rồi, tôi không còn là tôi của những năm tháng thanh xuân xanh ngát đó nữa.

Nhưng khi đến triển lãm tranh, giữa những hàng người đông đúc ấy, tôi không tìm thấy cậu. Có lẽ cậu vẫn luôn dõi mắt theo tôi ở phương trời xa xôi nào đó. Khi đi qua những bức tranh treo kín trên tường, tôi ngắm nhìn bằng tất cả sự say mê và đắm chìm khi thả trôi hồn mình mải miết. Chúng đều đẹp, mỗi bức tranh là một câu chuyện, nó khác với ảnh chụp, dù cũng tương tự như nhau khi cả hai đều giúp con người lưu lại một khoảnh khắc ngắn ngủi trong đời. Tranh có cuộc đời và kể những câu chuyện của riêng nó, bằng màu sắc và quá trình, bằng đôi mắt, bằng đôi tay và bằng trí nhớ. Mỗi một nét là một câu văn, mỗi một lớp màu là một đường lằn cảm xúc của người họa sĩ.

Ấy vậy mà bức tranh thu hút sự chú ý của tôi lại là bức tranh ít người quan sát và thưởng thức nhất. Vì “Nó bình thường quá!” như lời của một chị gái khi đi lướt qua nó và lướt qua vai tôi. Đó là bức tranh tôi đã kể ở đầu câu chuyện nhỏ này, một bức tranh vẽ về buổi chiều dưới sân trường ngập nắng vàng và buồn mang mác.

“Xin lỗi vì không để cậu thấy nó trước tiên.” – Một giọng nói quen thuộc vang lên phía sau lưng tôi, tôi vẫn không đủ can đảm để quay lại nhìn cái con người “thất hứa” ấy.

“Cậu đã ở đâu suốt ngần ấy năm?” – Tôi hỏi bằng giọng mũi.

“Tớ đã đi khắp nơi sau khi gia đình tớ gặp một chút khó khăn và cần tiền gấp để giải quyết. Xin lỗi vì không nói với cậu, không tìm cậu để chào tạm biệt.” – cậu đứng sóng vai với tôi rồi cùng nhìn vào bức tranh cô độc ấy.

“Cậu lỗi hẹn mất rồi.” – Tôi khóc rồi nhìn cậu qua sự mờ nhòe của hai hàng nước mắt. Bỗng cậu năm 17 tuổi và cậu năm 25 tuổi chồng chéo lên nhau, vẫn là cậu thôi mà cứ ngỡ tôi đã đánh rơi mất cậu vào đâu đó ở sân trường kia trong một chiều tháng 6.

Bức tranh vẫn được treo ngay đó dù các bức còn lại đã được gỡ xuống sau khi hoàn thành xong triển lãm. Tôi nhớ một mùa hè những năm về trước có cậu trai tay lấm lem màu xanh xanh đỏ đỏ, mắt vẫn rực sáng nói về ước mơ của mình: “Tớ cũng muốn sau này được học chung trường với cậu.” Đó là cậu trai năm 17 tuổi, bức tranh năm 17 tuổi dang dở đã được cậu hoàn thành năm 25 tuổi xa xôi. Nhưng bỏ lỡ là bỏ lỡ, dù kí ức đẹp đẽ nhường nào thì con người nào có thể quay ngược lại thời gian mà sống trong nó một lần nữa.

Sau khi ra về, tôi có hỏi cậu tên của bức tranh: “Bức tranh này có tên không?”

“Không có.” – Cậu đáp.

“Cậu không đặt tên cho nó hả?”

“Không. Sẽ đẹp nếu không gắn nó với cái tên nào cả, dù tớ muốn.”

Tôi và cậu cho đến bây giờ vẫn giữ liên lạc nhưng cậu không gọi tôi bằng cái tên “Kình” năm xưa nữa.

Chợt nhớ ra ngày mai là ngày đầu tiên của tháng 6. Chợt nhớ ra tôi cũng lâu lắm rồi chưa gọi cậu bằng biệt danh hai đứa tự đặt cho nhau. “Lạc”. Đúng, tôi gọi cậu trai năm 17 tuổi của tôi là “Lạc” dù cậu ta luôn lèo nhèo bên tai rằng cái tên này “Nghe sao mà giống tên con gái quá trời!”.

Tên hai chúng tôi ghép lại với nhau là “Kình Lạc” – sự kết thúc cũng có lúc đẹp, không phải sao?


Bình luận

  • avatar
    Duong

    Quả thực là một câu chuyện đẹp. Cá nhân mình thở phào khi họ gặp lại nhau, mà không phải tách biệt nhau. Hơn hết, mình ấn tượng cách bạn viết văn lắm mà mình nghĩ là mình sẽ nhai lại câu chuyện thêm vài ba lần nữa để hiểu rõ hơn.

Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}