Gió Bấc thổi giữa trưa thét ra lửa, mang hơi muối mặn chát đi qua đám bần xanh ngắt của đất cù lao. Mỗi ngày hai bận nước lớn ròng đi qua cù lao như để nhìn ngắm xem cái cù lao này có thay đổi gì không, nó cũng mang phù xa màu mở ở nơi nào đó bồi đắp cho cù lao căng tràn nhựa sống. Trên cù lao những cây bần già lao xao đung đưa trong gió, những chùm trái căng tròn, bóng bẩy nặng trĩu oằn nhánh bần muốn sát đất. Không biết tại sao mà xứ này cây bần nó tốt tươi đến vậy, toàn bộ bần là bần, cây nào cây nấy mới hai ba mùa to mà cao đứng sừng sững hiên ngang giữa vùng cù lao, mấy mùa trái rụng xuống cây con mọc lên nối vòng tuần hoàn bất tận, và dần dần người ta lấy tên của loài cây sống mãnh liệt này đặt tên cho cù lao này là Cù lao Bần. Đến mùa thì bông bần rụng trắng sân nhà, đầy mặt nước, cả dãy cù lao như có lớp tuyết trắng tinh bao phủ, đẹp đến nao lòng những xuồng ghe nào đi ngang qua. Thỉnh thoảng nghe loáng thoáng mấy vị khách thương hồ khen, mà tiếng ghe máy nổ cứ “cà tạch, cà tạch” nghe tiếng được tiếng không chứ có nghe rõ đâu, nhưng mà hình như là “Chèn ơi! Bông gì mà nở dữ dằn vậy ta, hồi xưa có Đào Hoa Đảo giờ ở đây cũng có Bần Hoa Đảo chứ bộ.” Rồi có những tiếng cười khúc khích hòa vào tiếng máy nổ giúp cái cù lao này bớt cô đơn.
Một cái cù lao vậy đó mà được có đâu hai chục nhà, họ dành đất với bần mà cất nhà, đào ao nuôi tôm, nuôi cá. Họ sống chen giữa dày đặt một rừng bần, đốn bần cất nhà, be mặt đập, làm củi,... mà hể đốn cây mẹ thì những cây con vươn mình lớn dậy để nối đời cha đời mẹ nó, mấy bác hay nói vui “Hình như bần ở đây nó mọc cho đúng cái tên mà ông bà mình đặt hay gì á mà, nó sợ mọc ít người ta đi ngang người ta cười.” Sông lớn vẫn cuộn chảy hằng ngày nuốt đất cù lao đem đi bồi ở khác, rễ bần bám chặt đất, dành đất với sông để nuôi cây nuôi người. Nhà của Thương nằm giữa cái cù lao này, hồi đó thì Thương sống với má mà hai năm nay má mất rồi nên chỉ còn có một mình Thương sống trong cái nhà cấp bốn rộng thênh thang. Hồi còn má thì còn vui chứ bây giờ má mất rồi thì căn nhà càng trống vắng và hiu quạnh, ở cái cù lao này mỗi nhà cách nhau xa lắc xa lơ mà còn bị bần che cản đường nên dường như mỗi nhà là mỗi một cuộc sống riêng. Thương năm nay đã ba mươi mà vẫn cứ lủi thủi một mình, cuốc đất trồng rau trước nhà, nuôi tôm thả cá, một mình đảm đương tất cả những công việc nặng nhọc mà sức lực của một người đàn ông còn ngán. Mấy bác gặp Thương thường hay khen “Sao mà giỏi dữ vậy bây, nữa thằng nào mà cưới bây chắc nó sướng lắm.” Thương cười, tươi rói cái miệng có duyên bảo “Dạ, tại hổng có ai là thì con phải làm thôi, chứ giờ hổng làm lấy gì mà con sống.”
Cái hôm đám dỗ của má, bác Chín qua đốt nhang cho má, uống mấy ngụm trà, bác nói “Sao bây hổng kím tấm chồng về nương tựa tấm thân, chứ tính ở vầy hoài sao bây, má bây mất rồi thì bác đứng ra làm cho, có gì đâu mà bây sợ.” Thương chỉ cười rồi nói “Dạ thôi bác, chồng con gì, con còn lo cho con chưa xong.” Nói như vậy thôi chứ ai mà hổng biết, Thương đang chờ đợi một người – đó là Lâm người mà hứa hẹn sau năm năm đi xuất khẩu lao động về sẽ cưới Thương, nhưng Thương đã chờ đến tám năm rồi. Người ta nói Lâm đã có vợ nơi đất khách mà Thương không tin, không tin hay không muốn tin ai mà biết được. Kì lạ thật, con người ta cứ muốn chạy trốn sự thật dù nó đã được phơi bày ra ánh sáng, họ không muốn chấp nhận bởi họ đã quen với sự giả dối, họ muốn sống trong sự giả dối dù biết có một ngày nó phủ phàng với họ. Cái ngày Lâm đi là vào mùa bông bần nở rộ, trắng lắm, đẹp lắm nhưng cũng bạc bẻo lắm, gió thổi qua lùa hương bông bần thoang thoảng một vị chát thân quen, những bông trổ sớm giờ rơi tan tát trắng gốc cây. Thương khóc nhiều lắm, bởi mai mốt đây sẽ chẳng có ai bơi xuồng chở Thương đi chợ, chẳng có ai hẹn Thương ra ngồi trên cái cầu ngoài bến nhìn bông bần rụng, lúc đó Thương còn hy vọng (bây giờ vẫn vậy) Lâm sẽ đón Thương về nhà trong hương bần ngan ngát, Lâm nói:
- Nhớ chờ anh nghen, năm năm sau anh sẽ đón em về nhà.
Thương cúi đầu khóc nức nở, con sông cái vẫn chảy âm thầm để cố đưa những giọt buồn và những cánh hoa bần trôi lờ lững. Lâm nhẹ nhàng lau đi những giọt nước mắt đang lăn dài trên đôi má đã ửng đỏ, Thương vẫn khóc, khóc để thấy lòng mình thương nhiều hơn và những ngày sau chắc cũng phải khóc chứ, khóc để nhớ mà. Nước mắt là cái thứ ngu ngốc nhất trên đời này, không biết phân biệt đâu là vui đâu là buồn, bởi vui buồn gì nó cũng chảy, nhưng cũng nhờ nó mà những phút chia ly họ thấy thương nhau nhiều hơn.
Thương nói trong giàn giụa:
- Nhớ phải về nghen!
Gọn lỏn vậy thôi đau lòng hết sức. Rồi chiếc đò nhỏ cũng lặng lẽ chẻ nước đưa Lâm qua bên đất liền để đi, bỏ lại những nỗi buồn xơ xác đang rơi rụng phía sau lưng và thấm sâu vào đất của cái cù lao Bần này, rồi chờ năm năm ai đó xới nó lên để tiếng pháo vu quy nổ tung nó thành những niềm vui bất tận.
Thương một mình ở lại ôm lời hứa của Lâm khư khư vào lòng, dù nó nặng trĩu cả tất dạ của Thương mỗi khi thấy Minh đến. Minh, Lâm và Thương là bạn từ hồi nhỏ, cùng lớn lên ở cái cù lao Bần hẻo lánh này, là cả một tuổi thơ của nhau chứ chơi đâu, rồi ba người bắt đầu lớn dưới sự chỉ dạy của thời gian. Minh con bác Tám ở cách nhà thương khoảng tám trăm mét nhưng phải qua một con kinh nhỏ, hiền khô, cũng rắn rỏi, ưa nhìn với nước da ngâm rám nắng, ít nói nhưng được cái hay cười, ai nói gì cũng cười tươi rói. Minh thương Thương lắm, nhưng ngặt nỗi trái tim Thương đã dành hết cho Lâm rồi, không vì thế mà Minh ghét hai người, Minh chỉ âm thầm lặng lẽ thương, rồi có khi một mình âm thầm lặng lẽ buồn hiu hắt. Thương một mình với những nỗi nhớ da diết làm cho thương nghĩ Minh đến đây là vì lợi dụng cơ hội bạn đi để mong cầu một tình yêu chấp vá. Nên có đôi lần Thương hằn học với Minh:
- Làm gì anh cứ cầm cái mác đi ngang nhà tui một ngày tám chục lần vậy?
- Tui... tui đi chặt củi cho má tui.
- Chặt củi sao hổng đi đường khác mà anh đi ngang nhà tui?
- Tại cái xuồng tui nó hư rồi, má tui chưa có kêu người ta sửa lại nên tui đi đở trên này.
- Xuồng hư thì mai mốt sửa xuồng xong rồi chèo đi. Giờ đi chi mà vác cho cực.
- Ờ, vậy mai tui hổng đi trên này nữa.
Minh cúi đầu đi lặng lẽ, đây là lần đầu tiên Thương thấy nụ cười vụt tắt trên môi Minh, Thương hơi xao lòng.
Rối nhớ cái hồi đám giỗ của má, bác Tám trai và bác Tám gái qua nhà nói với thương “Con à, hai bác cũng buồn lắm, cái thằng thiệt tệ hết biết, nó hứa về cưới cháu mà nó đi biệt bảy tám năm trời, giờ nó có vợ ở bển rồi cháu. Cái thằng sao mà thay lòng đổi dạ vậy hổng biết, thôi con đừng buồn nghen.” Sao mà hổng buồn cho được, chưa bao giờ Thương thấy câu hứa hẹn nhẹ nhàng đến thế, nhẹ đến mức người ta có thể phủi nó đi bằng cái câu “Con đừng buồn nghen”. Đau lắm chứ, buồn và thất vọng đã ghim vào lòng Thương mà mỗi câu nói của bác Tám như nhát búa đóng nó vào sâu hơn. Những ngày dài sau đó và đến hiện tại nỗi buồn cũng không vơi đi là mấy trong lòng Thương, Minh không biết làm sao để an ủi Thương, có lần Minh định đến nhà trò chuyện nhưng lại sợ Thương hằn học và hiểu nhầm mình cướp tình yêu của bạn.
Tám năm rồi, kể từ cái ngày Lâm đi. Ba năm rồi, kể từ cái ngày bác Tám qua đóng nỗi tuyệt vọng vào lòng một người con gái, Lâm vẫn bặt tin. Thương đã cất nỗi buồn vào một chỗ nào đó rồi, nhưng có đôi khi nhìn bông bần rụng Thương vẫn cảm thấy nhói trong tim mình. Minh cũng dè dặt hơn khi mỗi lần gặp mặt Thương, Thương thì cũng hổng biết làm sao, có đôi lần muốn xin lỗi Minh nhưng rồi lại thôi.
Chiều nay, khi vừa dọn cỏ đìa về, Thương thấy Minh ngồi chờ sẵn ở trước cửa. Thương hơi ngạc nhiên vì đã lâu Minh chưa đến nhà Thương, đã rất lâu rồi Minh hơi rụt rè trước ánh mắt sắc lạnh của Thương, dù khoảng thời gian sau này Thương đã thay đổi ánh mắt ấy thành nhẹ nhàng, hối hận nhưng cũng không làm Minh bớt e dè. Vừa vào đến sân, Thương lột chiếc nón lá bếch sình hỏi:
- Sao nay anh ngồi đây?
- Tui muốn nói với Thương một chuyện.
Ánh mắt Thương quyét qua khuôn mặt hiền hậu, ưa nhìn của Minh, một sự trầm lặng nhẹ nhàng làm Minh có vẻ rụt rè.
- Nói đi tui nghe nè.
- Tối ... tối nay mình ra bến nói chuyện nghen!?
Sự im lặng co cụm lại bóp nghẹt lấy Thương và Minh, Thương cúi đầu, một suy nghĩ nào đó đang chạy trong đầu, tay lần tà áo bà ba nâu bạc màu nắng gió, đã bao lâu rồi Thương chưa tìm thấy trong chính mình sự rúm ró và rụt rè như thế, hình như là từ hồi Lâm đi – cũng tám năm rồi chứ bộ. Lát sau Thương trả lời:
- Ờ.
Rồi Thương lẳng lặng đi vào nhà, điềm nhiên chứ không vụt chạy như những cô gái mắt cở khi có người nói yêu mình mà Minh coi trên ti vi. Chắc Thương nghĩ bạn bè mà nói chuyện thì bình thường thôi, suy nghĩ đó làm cho Minh man mác buồn.
Tối hôm đó, ánh trăng vằng vặc trên nền trời soi bóng những cây bần tô những vệt đen cong vẹo trên mặt đất, gió thốc vào cù lao từng cơn khiến đôi lúc Thương rùng mình vì lạnh. Đến bên bến Thương thấy Minh đã ngồi đó từ trước, cô độc, tĩnh lặng mặc cho gió tạt vào người rét buốt. Con nước vẫn chảy âm thầm, lấp lánh dưới ánh trăng chở bông bần trôi lã chã, phía bên đất liền ánh đèn dạ xuống mặt sông những khoảng sáng buồn hiu hắt. Thương bước lại gần, ngồi xuống nghe tiếng những cây bần xào xạc:
- Thương đến rồi hả?
- Ờ tui tới rồi. Anh ngồi đây lâu chưa?
- Tui cũng mới ra.
Lại một khoảng không tỉnh lặng, những tiếng xạc xào xâm chiếm, bao trùm, nuốt trọn hai người vào trong im lặng. Ánh trăng vẫn cứ vằng vặc sáng như thế, tiếng của con dế cô đơn nào đó, từ nơi âm u nào đó vang lên khúc nhạc buồn hết biết, phải chi nó đờn vài câu vọng cổ không chừng còn vui hơn những tiếng vô vị bây giờ. Rồi Thương lại hỏi:
- Anh hẹn tui ra đây có chuyện gì không?
- Tui muốn hỏi Thương hai câu hỏi mà lâu rồi tui sợ Thương hiểu lầm nên tui hổng dám hỏi.
- Anh hỏi đi.
- Thương quên thằng Lâm chưa? Thương có thương tui hông?
Cúi đầu mân mê tà áo, những giọt lấp lánh chảy dài trên đôi má hao gầy, không biết Thương khóc vì chuyện gì nhưng chắc Thương đang buồn lắm. Buồn vì cái lời hứa năm xưa đã dày xéo Thương suốt bảy tám năm trời, buồn vì một bóng dáng mà Thương đã từng xem là tất cả khuất dạng nơi đất khách quê người, để rồi anh ta bỏ lại những lời hứa hẹn, những yêu thương ở một nơi nào đó để cưới một người khác. Cũng đã lâu lắm thương hình như đã cất sâu nó vào góc nào đó của tâm hồn, hôm nay Minh khơi nó lại làm cho Thương đau lòng quá. Nhưng đôi khi có những chuyện ta cố tình quên nó cần được khơi lại, để đau lòng phút chót rồi khỏa lấp nó bằng niềm vui mới. Thương vẫn chưa trả lời câu hỏi của Minh, không phải nó khó đến mức không trả lời được, mà là hình như Thương chưa muốn trả lời:
- Anh chờ tui một thời gian nghen, rồi tui sẽ trả lời anh.
Minh nhìn thẳng vào đôi mắt buồn rười rượi và đậm nét ưu tư của Thương nói:
- Tui chờ bảy năm rồi, có khi tui nghĩ mình hổng có cơ hội nào hết, nhưng bây giờ có một chút hy vọng thì tui chờ chút nữa có sao đâu.
Thương lặng lẽ nhìn Minh rồi đứng dậy bước ra về. Minh đứng nhìn bóng người con gái anh đã ăn sâu vào tâm dạ mình biết bao năm nay, một người con gái dòng thương đau đang cố quật ngã hằng ngày, nhưng ý chí của Thương như những cây bần ở cù lao này vậy, sừng sững hiên ngang bám đất và giữ dất dù đất mặn phèn chua.
***
Hôm nay, cù lao lại đón mùa bông bần nở. Mùa đẹp nhất trong năm, khi đâu đâu cũng thấy những bông hoa trắng muốt tỏa hương chan chát nhẹ nhàng, những cánh hoa cũng đang bay tả tơi trong gió. Thương đứng trên bến lặng nhìn những bông bần trắng, suy nghĩ về hai câu hỏi dễ òm nhưng khó trả lời của Minh. Thương thất vọng về những lời hứa, Thương giận những hò hẹn giả dối. Khi định ra về thì thấy một chiếc xuống đã cập bến, trên xuồng có một người đàn ông ăn mặt rất đẹp và một người phụ nữ mặt hoa da phấn mang nét đẹp của nơi phồn hoa nào đó. Khi người đàn ông nắm tay người phụ nữ kia bước lên bến, Thương chợt nhận ra đó là Lâm – con người bội bạc. Dù tám năm đã trôi qua nhưng làm sao mà Thương quên khuôn mặt đã từng là một nữa trái tim mình, đau lắm chứ, đau hơn nữa là khi thấy người ta cầm tay người phụ nữ khác. Lâm đứng chết trân khi nhìn thấy Thương, anh ấp úng:
- Em... em là Thương hả.
Phủ phàng chưa! Người ta đã quên khuôn mặt mà mình từng yêu nhất, vậy thì chẳng có lý do gì mình phải nhớ họ nữa. Những cuộc nổi trôi nó có thể làm con người ta thương và nhớ nhau nhiều hơn, nhưng nó cũng làm lòng dạ con người ta bạc bẻo đi, do hoàn cảnh hay do chảy trong họ là dòng máu phụ khó tham sang thì khó mà biết được. Thương không trả lời, hai dòng nước mắt tuông dài rơi lã chã, không muốn nói hay nói không nên lời, ai mà biết. Thương không trả lời và quay gót ra về. Lâm đứng gọi theo mặt cho người phụ nữ đứng kế bên tỏ ra khó chịu và đang níu lấy Lâm, định chạy theo nhưng Lâm đã bị người phụ nữ ấy giữ lại.
Thương bước về nhà mà thấy từng bước mình nặng trĩu, đã đến lúc buông bỏ rồi, không còn gì để chờ đợi nữa dù biết mình không nên chờ đợi lâu rồi nhưng đến hôm nay Thương mới tin nó là sự thật. Son phấn, danh vọng nó đậm đà hơn những lời hứa mà, biết làm sao được bây giờ. Thương bước về nhà trong lã chã những bông bần đang rụng trắng ngoài sân, Thương nghĩ mình đã có câu trả lời cho hai câu hỏi của Minh nhưng chắc phải một thời gian nữa nó mới thốt ra được thành lời.
---Hết---
Bình luận
LetterLuv22
Truyện nhẹ nhàng, cái kết làm mình còn hơi hụt hẫng vì liệu ko biết Thương có thực sự mở lòng vs Minh hay ch
LetterLuv22
Truyện nhẹ nhàng, cái kết làm mình còn hơi hụt hẫng vì liệu ko biết Thương có thực sự mở lòng vs Minh hay ch