Có một chuyện mà hết nửa cuộc đời, Rosaline giấu kín và gần như chẳng tiết lộ với bất kể ai - ngay cả với đứa con trai của bà. Đó là câu chuyện về cội rễ và nơi bà được sinh ra. Rồi mãi tới sau này, do một phần vì Dennis quá hiều kì, và một phần bản thân cảm thấy mình nợ đứa con trai một lời giải đáp, thì bà cũng chịu kể.
Rosaline kể với Dennis rằng bà sinh ra đã là trẻ mồ côi. Bà không có họ, chỉ biết tên mình là Rosaline, và cái tên ấy cũng do các nhân viên ở trại trẻ đặt cho. Rosaline chưa từng được nhận nuôi. Bà trải qua tuổi thơ và thời niên thiếu của mình trong trại trẻ cho đến năm mười sáu tuổi thì bắt buộc phải rời đi. Vì khi ấy, trại bị giải thể.
Rosaline kể với Dennis rằng, ngày xưa cuộc sống của bà ở trại trẻ không khác gì địa ngục. Thằng nhóc thắc mắc tại sao lại là địa ngục thì được bà giải đáp: “Vì không phải đứa trẻ nào cũng được nhận nuôi, con ạ. Cứ mỗi lần một đôi vợ chồng rời khỏi trại cùng với một đứa trẻ khác, thì tâm trạng của mẹ cũng như tất cả những đứa còn lại đều giống như bị đầy đọa xuống dưới địa ngục vậy.” Rồi bà còn bầy ra trước mắt đứa con trai với ti tỉ những lý do khác cho thêm phần thuyết phục. “Trại trẻ thiếu thốn đủ thứ, từ lương thực, thực phẩm cho tới đồ dùng cá nhân… Nhưng điều đáng sợ nhất là việc thiếu thốn thuốc men.”
“Mẹ không bao giờ có thể quên được mùa hè 1991,” bà nói với ánh mắt phảng phất sự sợ hãi. “Năm ấy mẹ vừa tròn mười tuổi.”
Mùa hè 1991, dịch sốt xuất huyết bùng phát trở lại. Số lượng trẻ trong trại mồ côi bỏ mạng vì thiếu thuốc điều trị nhiều như ngả rạ. Rosaline là một trong số ít những người may mắn không bị nhiễm bệnh tại trại, nhưng cái-gọi-là-may-mắn ấy mau chóng dẫn lối bà tới một trong những trải nghiệm kinh hoàng nhất mà bà từng có trong đời. Bà kể rằng, bà cùng những đứa trẻ may mắn không bị nhiễm bệnh khác, buộc lòng phải hỗ trợ mấy tay nhân viên của trại đem thi thể những người đã chết đi chôn, vì không thể cứ giữ xác họ mãi trong trại được.
“Sống đã khổ, mà ngay cả lúc chết, họ cũng làm gì có chỗ để chôn cất đàng hoàng đâu con,” Rosaline run giọng bảo với Dennis. Khi nhìn vào đôi mắt bà, thằng nhóc thấy vẻ kinh hoàng của những ký ức năm xưa như đang sống dậy trong đôi mắt ấy một lần nữa. “Họ đào một cái hố lớn, sâu chừng ba mét, nằm ngay dưới chân đồi phía sau trại trẻ, rồi chất đầy cái hố bằng thi thể người chết, tạo thành một cái mồ chôn tập thể. Điều đáng sợ nhất là, lúc người của trại đem thi thể đi chôn, mẹ thấy có mấy đứa vẫn còn thở. Nhưng do tiên lượng xấu, nên đám người lớn bảo đem họ đi chôn cùng một thể luôn cho tiện, vì đằng nào mà chẳng chết.”
Dịch sốt xuất huyết năm 1991 giết chết phân nửa số trẻ mồ côi tại trại – mười sáu mạng người. “Ấy thế mà chỉ được một thời gian sau là trại lại đầy ắp trẻ mồ côi như cũ, và thậm chí còn có xu hướng tăng lên chứ không hề giảm đi, bởi vì điều kiện để được nhận nuôi cũng khắc nghiệt lắm.” Bà tiếp tục câu chuyện về trại trẻ sau một quãng nghỉ dài lấy lại tinh thần. “Chỉ có những đứa đáng yêu nhất, khỏe mạnh nhất và nhỏ tuổi nhất mới được người ta lựa chọn. Còn đứa nào xấu số như mẹ, đã dành cả tuổi thơ lớn lên cùng trại, thì sẽ vĩnh viễn mắc kẹt lại với trại mà thôi.”
“Thế tại sao trại trẻ đã quá chật chội rồi, mà vẫn người ta tiếp tục đón nhận trẻ mồ côi về hả mẹ?” Dennis hỏi.
“Mẹ cũng từng suy nghĩ về câu hỏi ấy rất nhiều lần, nhưng chưa bao giờ thực sự lên tiếng hỏi một ai cả. Thế rồi sau này thì mẹ cũng tự ngộ ra,” bà bảo với nó. “Trại càng nhiều trẻ, càng dễ lấy lòng thương hại để xin trợ cấp của những nhà hảo tâm.” Và kết luận. “Một số người tham gia tổ chức hoạt động từ thiện vì tấm lòng, số còn lại chỉ coi việc làm đó như một thứ công cụ kinh doanh mà thôi, con ạ.”
Trại trẻ bị buộc phải giải thể vào năm 1997 vì những lý do xoay quanh vấn đề pháp lý của những người sáng lập ra trại. Rời khỏi trại trẻ, Rosaline may mắn xin được việc làm tại một cửa hàng thực phẩm và sống dựa vào nơi đó hơn một năm, trước khi bà gặp được cha của Dennis - ông Joseph Williams, người hơn bà 7 tuổi. Họ cuồng nhiệt lao vào tình yêu và một lễ cưới là một kết quả tất yếu được tổ chức một năm sau đó. Rosaline có Dennis khi bà còn là một thiếu nữ, chỉ vừa bước qua tuổi mười chín được mấy tháng - cái tuổi mà người ta vẫn còn đang ấp ủ những hoài bão để xây dựng tương lai, thì bà đã trở thành mẹ rồi.
Dennis lại hỏi: “Liệu mẹ có bao giờ tự vấn bản thân, rồi số phận nào sẽ chờ đợi nếu như mẹ không phải là trẻ mồ côi? Hoặc nếu như mẹ được nhận nuôi chẳng hạn…”
“Chà, mẹ không thể nhớ nổi lần cuối cùng mẹ tự vấn mình câu hỏi đó là khi nào.” Thằng nhóc đinh ninh rằng đã nhìn thấy Rosaline mỉm cười. Nhưng nụ cười trên môi bà vụt tắt nhanh chóng, cũng giống y hệt cái cách mà nó xuất hiện. “Con biết không, hai chữ “nếu như”, nó thật sự nguy hiểm. Nó là liều thuốc bao gồm những điều không có thật, được chúng ta tạo ra để làm dịu nỗi đau và giúp chúng ta tiến bước. Nhưng nó đồng thời cũng là một cái bẫy chết người. Bọn mẹ đã bị mắc kẹt,” bà ngừng lại, ánh mắt thẫn thờ vô định, giống như đang ngắm nhìn sợi dây thừng vô hình buông thõng trước mắt. “Bọn mẹ, những đứa trẻ có số phận giống như mẹ đều đã có lúc bị mắc kẹt trong cái quá khứ bị ruồng bỏ và hai chữ “nếu như”. Nhưng chỉ số ít có đủ can đảm và may mắn để vượt qua với thực tại tàn khốc ấy. May mắn của mẹ là đã gặp được Joseph, đã được ông dùng tình yêu thương và sự ấm áp để sưởi ấm tâm hồn này, dạy mẹ cách tôn trọng mạng sống của mình và khai sáng cho mẹ thấy nó đáng giá đến nhường nào. Cha con đã chỉ ra cho mẹ thấy một lối đi. Đó chính là lúc mẹ tự ngừng hỏi mình những câu hỏi chẳng bao giờ có lời giải đáp.”
Bình luận
Chưa có bình luận