Một hôm, đang giờ nghỉ trưa, cô nhận được một tin nhắn của Nhật Khánh:
- “An Thy, em muốn xin ý kiến của cô về một vấn đề.”
- “Chuyện gì?” – An Thy hỏi lại.
- “Chuyện những con trai ở trại nuôi cấy ngọc nhà em.” – Nhật Khánh trả lời.
- “Tôi không có kiến thức về mảng đó đâu. Có lẽ không giúp được.” – An Thy thành thật.
- “Không đâu, em nghĩ là cô sẽ cho em được ý tưởng hay. Chuyện dài dòng lắm, hay là cô cho em xin cái hẹn.” – Nhật Khánh động viên.
- “Tôi không biết có giúp gì được không. Nhưng thôi, vì em muốn gặp. Tối nay gặp ở quán cà phê lần trước vậy.” – An Thy lại trả lời.
- “Vậy, khoảng mấy giờ cô rảnh?” – Nhật Khánh tiếp tục hỏi.
- “Khoảng 7 giờ. Tôi lo cơm nước xong sẽ chạy ra.” – An Thy trả lời.
- “Okie!” – Nhật Khánh xác nhận.
Tối đó, khi An Thy đến nơi hẹn, Nhật Khánh đã có mặt và ngồi chờ ở một vị trí khá tốt trong quán. Không gian yên tĩnh, đủ sáng, nhưng cũng cách nhóm bàn đông đúc một khoảng khá xa, rất hợp để An Thy có thể chia sẻ thoải mái ý tưởng của mình. Sau khi ngồi vào bàn, An Thy gọi một ly yaourt đá. Đó là món cô thường uống, nó tốt cho da và cho bao tử của cô. Sau khi An Thy nhận ly nước từ người nhân viên phục vụ, Nhật Khánh vào đề:
- Lần trước, cô có vẻ quan tâm đến việc giới thiệu cách lấy ngọc. Cô có vẻ không ủng hộ cách làm hiện tại. Cô có sáng kiến gì không?
An Thy nghĩ ngay đến chuyện những nhân viên lần trước giết những con trai còn rất nhỏ chỉ để giới thiệu với khách cách lấy ngọc. Cô trả lời:
- Tôi nghĩ, gia đình em nên làm một đoạn phim quay lại cách khai thác rồi cho phát ở trung tâm mua sắm trang sức là được. Không cần hoang phí như hiện nay. Sau đó đặt nhiều ghế phía trước, khách có thể vừa ngồi nghỉ chân, vừa xem. Như thế sẽ tiết kiệm được rất nhiều thứ.
Nhật Khánh nghe xong, có vẻ thích thú với ý tưởng của An Thy. Nhưng cậu không quên dùng tư duy phản biện để An Thy đưa ra những lý lẽ thuyết phục hơn. Bởi cậu biết, nếu muốn ba mẹ cậu thực hiện ý tưởng này, An Thy cần chuẩn bị thật kỹ để thuyết phục được ba mẹ cậu bỏ cũ theo mới. Cậu nói:
- Em sẽ nói lại cách của cô cho Ba Mẹ em nghe. Nhưng nếu cân nhắc giữa việc bỏ thêm chi phí đầu tư một ti vi màn hình rộng với việc tận dụng những con trai nhỏ yếu kém sức sống không thu được lợi nhuận bao nhiêu. Có lẽ ông bà sẽ không nghiên về cách của cô. Cô nghĩ sao?
An Thy suy nghĩ nhanh trong vài giây, cô lướt qua vấn đề hiện tại, Nhật Khánh nói không phải vô lý. Đúng vậy, tư duy của người kinh doanh là luôn đong đếm, tính toán thiệt hơn trong từng bước đi của họ. Tuy nhiên, họ cũng là người thích phiêu lưu mạo hiểm. Chỉ cần sự mạo hiểm ấy mang đến cơ hội thành công, họ có thể sẽ chấp nhận mạo hiểm. Hơn nữa, ba mẹ của Nhật Khánh lại mang tâm huyết với nghề, muốn quảng bá rộng rãi với bạn bè khắp nơi khi đến tham quan cận cảnh nghề nuôi trai lấy ngọc. Bên cạnh đó, với tình hình kinh doanh không phải độc quyền tại địa bàn, cơ sở của nhà Nhật Khánh phải chấp nhận yếu tố cạnh tranh. Và dĩ nhiên, để cạnh tranh thì phải cải tiến, phải tiến bộ hơn cơ sở khác thì mới có nét riêng. Một khi tạo nên sự khác biệt từ những cái chung ấy, hiển nhiên du khách sẽ ghi nhớ những gì tinh hoa nhất, đặc thù nhất của nơi họ đến tham quan mà thôi. Mục đích mà ba mẹ Nhật Khánh chọn phương pháp thị thực cũng chỉ vì muốn ghi lại ấn tượng sâu sắc cho khách du lịch. Nhưng phương pháp thì không chỉ có một. Thị thực là một phương pháp tốt bởi người xưa có câu “trăm nghe không bằng mắt thấy”. Tuy nhiên, qua chuyến tham qua tại cơ sở nuôi cấy ngọc trai của gia đình Nhật Khánh, An Thy chắc chắn rằng du khách đã tiếp cận được phần nào. Họ thích thú với việc tận mắt chứng kiến việc khai thác những con trai đã đến tuổi thu ngọc hơn là xem việc mổ những con trai bé tí và lấy ra những phôi cấy do cơ thể của những con trai ấy không thích nghi. An Thy quả quyết trả lời:
- Tôi không nghĩ thế. Ba Mẹ em làm kinh doanh nhưng qua tiếp xúc tôi nhận thấy ông bà không chỉ nghĩ đến việc kiếm lợi nhuận. Tôi cảm thấy ông bà rất yêu quý những con trai ấy. Ông bà nâng niu chúng, chăm sóc chúng. Vì vậy, nếu chỉ vì chúng kém sức sống mà không cho chúng cơ hội được sinh tồn là nhẫn tâm lắm. Ông bà chỉ là đang muốn giới thiệu rộng rãi công việc này cho nhiều người biết. Đồng thời tận dụng những con trai tạm gọi là kém chất lượng. Tuy nhiên, rõ ràng, chúng chưa chắc là không tốt. Gia đình em có thể phân loại, cho chúng sang một hồ khác, thả nuôi lâu dài biết đâu sẽ lại thu hoạch được sau một khoảng thời gian nữa hoặc thả chúng về với tự nhiên. Như thế sẽ giúp nguồn trai tự nhiên thêm phong phú. Tôi từng nghe Ba Mẹ em bảo, ngọc tự nhiên còn quý hơn rất nhiều so với ngọc cấy ghép. Chắc chắn, nếu để chúng lại, chỉ có lợi, không có hại. Còn về việc đầu tư quay phim và mua ti vi, chỉ tốn một lần, và cũng chẳng mất bao nhiêu so với việc mất đi số ngọc tự nhiên trong tương lai.
Nhật Khánh chăm chú lắng nghe những phân tích của An Thy. Sau khi An Thy dứt lời, suy nghĩ một lúc Nhật Khánh nói:
- Em có ý này.
- Hử? – An Thy đang nâng ly nước lên định uống thì dừng ngay động tác lại, hỏi và chờ đợi câu trả lời từ Nhật Khánh.
- Chúng ta quay trước một đoạn phim. Sau đó mang đến cho Ba Mẹ em xem. Cô thấy thế nào? – Nhật Khánh hỏi ý An Thy.
- Thì em cứ làm. Mà sao lại là “chúng ta”? – An Thy ủng hộ nhưng tinh ý nhận ra việc Nhật Khánh muốn kéo cô vào cuộc. Cô liền thắc mắc, hỏi lại Nhật Khánh.
- Thì vì là ý tưởng của cô mà. Phải cùng thực hiện chứ. Sao lại để mình em làm? – Nhật Khánh tinh ranh trả lời.
An Thy bất đắc dĩ phải nhận lời. Dù sao thì cũng đang hè, lịch dạy của cô không nhiều.
- Vậy tôi lãnh nhiệm vụ cầm máy. – An Thy nói.
Nhật Khánh nheo mắt, nói ngay:
- Đồng ý!
An Thy khẽ lắc đầu như biết mình chính xác là vừa bị cậu học trò gài vào đúng ý của cậu ta muốn. Nhưng “lỡ đưa ra ý kiến rồi thì phải tiếp tục theo thôi” – cô nghĩ vậy, nên hỏi tiếp:
- Em định khi nào thực hiện?
Nhật Khánh nghĩ một lúc, nhớ lại lịch của mình cũng còn vài ngày trống vào tuần sau nên trả lời dưới dạng một câu hỏi:
- Tuần sau được không ạ?
- Vậy để tôi xếp lịch rồi báo em. – An Thy gật đầu đáp.
- Việc cũng không gấp, nên cô xếp lịch nghỉ 2 ngày đi. Đường xa, mà gấp gáp cô sẽ mệt lắm. Hai ngày là vừa. – Nhật Khánh nói thêm vào.
- Tôi tưởng chúng ta quay ở đây? – An Thy cẩn thận hỏi lại.
- Quay ở trại để lấy nền đẹp. – Nhật Khánh cười hớn hở, nói.
An Thy nghe thế bỗng nhớ lại cảm giác khó chịu khi ngồi hàng giờ trên tàu cao tốc, nhiệt huyết của cô tụt xuống hết một phần nên ỉu xíu nói:
- Biết vậy đã không nhận lời.
Nhật Khánh cười xòa, bảo:
- Xem như đi chơi luôn. Tập ngồi tàu cho quen!
An Thy cũng đành ngậm đắng, nói:
- Vậy để xin phép gia đình đã.
Nhật Khánh nghĩ thầm: “Cô ấy ngoan thế nhỉ!” Ngồi một lúc, An Thy lên tiếng:
- Nếu không còn việc gì nữa. Về nhé!
- Dạ, được. – Nhật Khánh nói.
Nói rồi Nhật Khánh gọi phục vụ tính tiền. Sau đó, không ai bảo ai, Nhật Khánh vẫn chạy theo phía sau để đưa An Thy về đến tận nhà trọ thì cậu mới quay xe đi.
Sáng thứ tư tuần sau đó, họ bắt đầu xuất phát lúc 5 giờ sáng. Nhật Khánh chở An Thy bằng xe máy của cậu ta. Nhật Khánh đã quen với việc chạy xe đường dài nhưng An Thy thì không như vậy. Cô ít khi đi xa bằng xe gắn máy. Dù cố gắng hết sức nhưng An Thy cảm thấy vừa buồn ngủ vừa nhức mỏi cả người. Mặc dù Nhật Khánh tìm chuyện để nói cho An Thy đỡ buồn ngủ nhưng vẫn không thể làm cô tỉnh táo được. Nhận thấy tình hình không ổn khi những câu trả lời thưa dần và An Thy thì cứ liên tục bổ vào Nhật Khánh. Hai chiếc nón bảo hiểm va chạm vào nhau vang lên những âm thanh nghe “cộp, cộp”. Nhật Khánh chạy chậm lại, cậu quan sát hai bên đường và tìm được một quán võng khá mát mẻ thì dừng lại. An Thy giật mình tỉnh giấc khi xe dừng bánh, ngốc nghếch hỏi Nhật Khánh:
- Ủa, tới rồi hả?
- Không, vô nghỉ mệt xíu.
An Thy “à” một tiếng để báo rằng mình đã hiểu vấn đề. Cô lẹ làng bước xuống xe và tìm ngay một chỗ ưng ý nhất. Sau khi ngồi xuống và gọi nước, Nhật Khánh bảo:
- Cô mệt thì nằm võng nghỉ xíu đi. Em canh cho.
An Thy có vẻ ngại ngùng vì lần đầu tiên ghé vào quán võng. Cô không quen nằm dài trên võng trước mặt người ngoài. Nhưng quả thật là bộ xương của cô không cho cô cơ hội được giữ gìn hình ảnh nghiêm trang như mọi khi nữa. Chần chừ một lúc, An Thy đi sang chiếc võng ở bên cạnh ghế cô đang ngồi và nói:
- Vậy tôi nằm nghỉ một lúc.
Ly nước được bưng lên, An Thy chỉ uống một ngụm. Sau đó, cô nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Nhật Khánh ngồi một lúc rồi cũng tiến đến chiếc võng còn trống cạnh bên ghế cậu và nằm xuống. Hai người lập thành một góc vuông, hai chân đâu vào nhau. Nhật Khánh lại lấy điện thoại ra, gắn tai nghe vào và mở nhạc. Tai vừa nghe nhạc, mắt Nhật Khánh thì không một lúc nào rời khỏi gương mặt trái xoan bé nhỏ của An Thy. Cậu bất giác khẽ cười trong hạnh phúc vì lần đầu tiên được đi riêng cùng An Thy. Mặc dù, đó chỉ là vì để trả ơn – theo cách nghĩ của An Thy – trước những lần giúp đỡ của Nhật Khánh đối với cô. Và hơn ai hết, Nhật Khánh hiểu rõ, cái ranh giới “cô-trò” trong An Thy quá lớn, cô ấy khó mà chấp nhận bước chân qua ranh giới ấy. Chính vì thế, Nhật Khánh chỉ hy vọng, nhờ vào những việc nhỏ nhặt ấy, tạo nên cơ hội được ở bên cạnh An Thy, chỉ mong cô không tỏ ra xa lạ hay dè chừng đối với cậu là cậu đã vui rồi. Nhưng những biểu hiện có phần lúc nóng lúc lạnh, lúc như vô tình lúc lại rất quan tâm chăm sóc của An Thy làm cho Nhật Khánh khó hiểu và khó nhận định mối quan hệ hiện tại của hai người đang ở mức nào. Nghỉ ngơi được tầm ba mươi phút, An Thy cũng có vẻ khá hơn, cô tỉnh dậy và hai người lại tiếp tục lên đường.
Khi hai người họ đến bến tàu Rạch Giá cũng đã hơn mười giờ trưa. Nhật Khánh đã đặt xong vé từ hôm trước. Sau khi nhận vé, Nhật Khánh cùng An Thy đi ăn trưa rồi quay lại gửi xe ở bến tàu cũng gần đến giờ tàu chạy. Tàu chạy từ Rạch Giá đi Phú Quốc mất gần hai tiếng rưỡi đồng hồ. Khi đến nơi, cũng đã gần một giờ ba mươi phút chiều. Việc Nhật Khánh về nhà đã được thông báo trước. Nên khi tàu cập bến Phú Quốc, đã có sẵn xe chờ đón hai người họ. Người ngồi trong xe là ba của Nhật Khánh. Ông ấy biết hôm nay nhà có khách nên đích thân ra đón. Việc xuất hiện bất ngờ của phụ huynh làm An Thy trong tư thế và trang phục không chỉnh tề, đầy bụi đường và vẻ mệt mỏi của chuyến đi đường dài càng cảm thấy không tự tin. An Thy vừa vuốt lại mái tóc ngắn có phần hơi rối do gió biển, nghiêng người nói nhỏ với Nhật Khánh:
- Sao em không cho tôi biết trước? Thế này thì không phải phép rồi.
- Không sao. Ba em dễ chịu lắm. Với lại, cô trông cũng ổn mà.
Vừa dứt câu, Nhật Khánh còn kèm theo một nụ cười như trêu An Thy làm cô càng thêm ngượng ngùng. Cô đành xoay người nói với ba của Nhật Khánh:
- Phiền Chú ra đón thế này, cháu ngại quá.
- Không có gì đâu cô. Cô đến, cũng là để giúp chúng tôi mà.
- Dạ, Chú cứ gọi thẳng tên cháu. Cháu tên An Thy. Chú gọi bằng cô, cháu không dám nhận đâu ạ. Với lại, Nhật Khánh, cậu ấy cũng hay gọi thẳng tên cháu.
- Thế là không được nghen Khánh. Con như thế là hỗn với cô đấy. – Ba của Nhật Khánh quay sang con trai, trách móc. Xong, ông quay lại nói với An Thy tiếp – Vậy cứ theo ý cô, à không, ý cháu đi.
Nhật Khánh cũng chen vào:
- Đâu có Ba, lúc con học cô. Con đâu dám gọi. Sau này học xong rồi, con có xin phép cô ấy trước khi gọi tên cô mà. Với lại, cô ấy còn nhỏ xíu.
- Em lại nữa. Tôi đã bảo, tôi lớn rồi. Không phục thì lúc đó miễn cưỡng theo học làm gì?
- Không phải không phục. Cô đừng giận mà. Ý em là cô còn trẻ. Kêu cô, nghe già lắm.
An Thy và ba của Nhật Khánh cũng không ý kiến nữa. Chiếc xe du lịch bốn chỗ chạy trên con đường nhựa giữa cái nắng chói chang của mùa hè khoảng chừng một giờ đồng hồ nữa thì đến khách sạn Đảo Ngọc. Tuy nhiên, ba của Nhật Khánh không cho xe ghé lại mà chạy thẳng về cơ sở nuôi cấy ngọc trai. Vừa đến nơi, mẹ của Nhật Khánh đã chạy ra ngoài đón ngay sau hai hồi kèn xe báo hiệu khách đã về đến nơi. Mẹ của Nhật Khánh mở cửa xe, niềm nở nói:
- Cô giáo có mệt lắm không? Mệt không con? Thôi, nhanh vào nhà đi. Nắng quá.
- Dạ, cảm ơn Cô! Cô gọi cháu là An Thy được rồi ạ. Nếu được, cô vui lòng xem cháu như con cháu trong nhà là được rồi ạ. – An Thy vừa nói vừa bước xuống xe.
Mẹ của Nhật Khánh gật đầu mỉm cười. Nhật Khánh và ba của cậu ấy cũng bước xuống hầu như cùng lúc với An Thy. Cậu nhanh chóng chạy đến, đeo lấy cánh tay của mẹ, mừng rỡ nói:
- Mệt chứ. Nhưng nhìn thấy mẹ là con hết mệt liền.
- Nịn quá đi cậu ơi! – Mẹ Nhật Khánh miệng thì nói thế nhưng môi thì nụ cười tràn ngập hạnh phúc, bà đặt bàn tay lên tay con trai khi cậu ấy nắm lấy cánh tay bà.
An Thy đi theo phía sau hai người họ, mỉm cười. Nhìn cảnh tượng ấy, bất giác, An Thy cũng cảm thấy hạnh phúc. Còn nhớ ngày nào, khi nội của cô còn sống, bà cũng thường hỏi cô có mệt không sau mỗi lần cô đi xa trở về. Cảm xúc ngày nào chợt ùa về làm cho cổ họng An Thy nghèn nghẹn, có chút cay nồng nơi sống mũi, An Thy vội ngửa mặt lên để ngăn giọt nước mắt sắp trào ra. Vô tình trong khoảnh khắc ấy, Nhật Khánh cũng quay về phía sau để quan sát xem An Thy đang làm gì, có đi theo ngay sau cậu hay không. Kể từ lúc thấy An Thy bị ngã trên cầu thang, Nhật Khánh đặt ra cho mình một việc phải làm và xem đó là trách nhiệm của mình. Đó là luôn để An Thy trong tầm mắt của cậu mỗi khi có thể. Nụ cười hạnh phúc vì được về nhà, được gặp ba mẹ của Nhật Khánh bất giác giảm đi khi cậu nhìn thấy cử chỉ cố nén cảm xúc vừa rồi của An Thy. Tuy nhiên, để tránh làm An Thy ngại ngùng, Nhật Khánh nhanh chóng quay mặt trở lại, cười với mẹ và tiếp tục đi vào trong, xem như chưa từng nhìn thấy gì.
Sau khi nghỉ ngơi lấy lại sức, khoảng ba giờ chiều thì họ bắt tay vào công việc. An Thy và Nhật Khánh cầm máy quay, ba của Nhật Khánh làm nhân vật chính. Ông dùng dụng cụ tách hai phần vỏ trai ra. Sau đó ông lại dùng dao rọc một đường vào phần bụng của con trai để lộ ra một viên ngọc thật to, trắng ngần, tròn xoe. Sau khi tách viên ngọc ra khỏi phần thịt trai, ông đặt vào đĩa và tiếp tục dùng dao rọc tiếp những phần thịt có phần hơi nhô cao. Quả nhiên, bên trong còn có những viên ngọc nhỏ hơn. Ông bảo, đó chính là những viên ngọc tự nhiên, những viên ngọc đó có giá trị cao hơn nhiều so với những viên ngọc được cấy ghép vào thân con trai.
Không dừng lại ở đấy, Nhật Khánh cũng hào hứng đến một hồ khác, nơi ấy có ít hơn, cậu bắt một con trai lên và bảo An Thy tiếp tục giữ máy. Nhật Khánh cũng khéo léo không kém gì ba của cậu trong thao tác tách ngọc. Khi viên ngọc xuất hiện, An Thy thật sự bất ngờ, một viên ngọc màu đen rất đẹp. Nhật Khánh nói, ngọc trai đen rất hiếm. Gia đình cậu nuôi nhiều năm nhưng cũng được số lượng rất ít. Hơn nữa, việc nuôi trai lấy ngọc rất gian khổ. Sau mười lăm tháng chăm sóc cho con trai lớn và theo dõi tốc độ phát triển, tuyển chọn những con khỏe mạnh để cấy ghép phôi ngọc. Lại ít nhất thêm mười lăm tháng nữa mới thu hoạch được. Tuy nhiên, ngọc lúc ấy còn khá nhỏ và vỏ mỏng. Có những con trai, gia đình cậu nuôi đến bảy năm hoặc lâu hơn mới thu hoạch để có được viên ngọc to và đẹp hơn. Sau khi cấy ghép, thời gian đầu trai vẫn được để trong hồ theo dõi. Cho đến khi chúng thật sự khỏe và sống cùng với phôi ngọc thì lại được đưa ra bãi nuôi tự nhiên, mỗi con trai lớn được đặt trong một lưới sắt để không bị thất lạc, rồi đem treo vào lưới giăng dưới đáy biển. Phải có người tuần tra để bảo vệ chúng suốt ngày đêm. Mặt khác, để đảm bảo luôn có lượng trai để khai thác, một số con được nuôi trong hồ cho đến khi được thu hoạch mà không nuôi trong bãi tự nhiên. Vì nước biển hiện nay không còn sạch như xưa, trai nuôi trong bãi cũng thất thoát nhiều hơn.
An Thy lại một lần nữa được tiếp cận sâu hơn, quy trình nuôi cấy trai lấy ngọc và chế tác trang sức bằng ngọc trai. Chợt nảy ra ý định trong đầu, An Thy miệt mài quay phim lại, ghi chú cẩn thận. Kể cả phần thịt trai sau khi khai thác, mẹ của Nhật Khánh dùng làm nguyên liệu nấu nồi cháo thịt trai cực ngon và bổ dưỡng, An Thy cũng quay lại luôn. Chiều hôm ấy, sau khi xong việc, An Thy được gia đình Nhật Khánh đãi cho món cháo ấy. Lần đầu tiên cô được thưởng thức, món cháo rất ngon. Bên cạnh nguyên liệu được cho là cực phẩm thì tay nghề nấu ăn của mẹ Nhật Khánh càng không chê vào đâu được. Ngồi thưởng thức tô cháo, An Thy vừa xuýt xoa vừa nói với ba của Nhật Khánh:
- Chú may mắn thật đấy. Cô nấu ăn giỏi thế này, Chú là người hạnh phúc nhất rồi.
Ba và mẹ của Nhật Khánh đều nhìn nhau cười mãn nguyện. Nhật Khánh lại nói chen vào:
- Mẹ em là nhất rồi. Còn cô, cô nấu ăn có được không?
An Thy lườm Nhật Khánh một cái, nhưng cũng trả lời Nhật Khánh:
- Tôi dĩ nhiên là… không giỏi như Cô rồi.
Mẹ của Nhật Khánh có vẻ nghi hoặc nhưng cũng nói đỡ cho An Thy:
- Không giỏi thì từ từ rèn luyện. Thế nào rồi cũng sẽ khá hơn. Có người chịu ăn món mình nấu, tự nhiên sẽ có thêm động lực. Như Cô ngày xưa, nấu cũng tệ lắm. Nhưng từ lúc lấy Chú, rồi sinh thằng Nhật Khánh, nấu ăn cho hai Ba con nó riết rồi thành quen. Điều chỉnh từ từ mới được như thế.
An Thy nở nụ cười dịu nhàng với mẹ của Nhật Khánh. Trước sự chân thành của bà ấy, cô cũng thành thật trải lòng, nói tiếp:
- Dạ! Tính ra, Nhật Khánh là sướng nhất rồi! – An Thy chỉnh lại tư thế ngồi, nghiêm túc nói tiếp:
- Thật ra lúc còn là sinh viên, cháu cũng nấu ăn mỗi ngày. Cháu và một người bạn nữa cùng ăn. Anh ấy cũng góp ý nhiều cho cháu. – Nói đến đấy, bỗng dưng An Thy dừng lại giây lát vì không ngờ trong lúc mình trò chuyện cởi mở cùng ba mẹ Nhật Khánh, đã vô tình nhắc đến người bạn trai trước đây của cô. Nhưng cô cũng không ngờ, mình lại không còn thấy buồn khi nghĩ về chuyện đó nữa. Cứ ngỡ vết thương ấy sẽ không sớm phai nhạt như thế.
Bất chợt, An Thy sực nhớ, vội ngước nhìn về phía Nhật Khánh. Cậu ấy có chút không vui biểu hiện trên gương mặt, nụ cười tắt hẳn. An Thy cũng im bặt, không dám nói thêm gì nữa. Nhận thấy An Thy đang nói thì mất hết sự tự nhiên, lại cúi gầm mặt xuống, mẹ của Nhật Khánh chuyển sang chuyện khác, bà nói:
- À, An Thy này, cháu lập gia đình chưa?
An Thy lại ngước lên nhìn Nhật Khánh một cái rồi trả lời:
- Dạ, chưa ạ. Cháu vẫn đang tập trung cho việc học lên nữa. Tạm thời vẫn chưa nghĩ đến chuyện ấy đâu ạ.
- Vậy, chắc hẳn là cũng có người yêu rồi chứ nhỉ?
An Thy không muốn trả lời câu hỏi ấy, nên chỉ khẽ cười, nhẹ lắc đầu rồi nói sang chuyện khác:
- À, tối nay, cháu sẽ sắp xếp lại các cảnh quay. Rồi ghép nhạc và ghi phụ đề tiếng Anh. Sáng ngày mai sẽ chiếu cho Cô Chú xem và góp ý ạ.
- Vậy thì tốt quá.
An Thy quay sang Nhật Khánh nói:
- Em có đem theo máy tính về không? Máy của tôi đang cài lại để chuẩn bị làm luận văn nên không mang theo.
- Em cũng không mang theo. Nhưng phòng em có máy để bàn. Có cả mạng dây. Cô có thể sử dụng. – Nhật Khánh nói.
- Vậy cũng được. Nhưng như thế có tiện không? Tôi sợ là chỉnh sửa hậu kỳ hơi lâu. – An Thy đắn đo hỏi lại.
- Không sao. Tối nay em có hẹn với Quỳnh Trâm. Sẽ về trễ, nên cô cứ yên tâm ở lại phòng em làm việc. – Nhật Khánh trả lời, rành rọt nhưng mang theo vẻ lạnh lùng, chắc nịch trong từng câu nói.
An Thy không nói gì thêm khi nghe Nhật Khánh nhắc đến cô bạn Quỳnh Trâm mà cô có dịp gặp lần trước. Chỉ vài giờ gặp mặt và tiếp xúc, An Thy vẫn nhận ra tình cảm mà cô ấy dành cho Nhật Khánh. Thế nên, cô không muốn xen vào. Về phần mẹ của Nhật Khánh, khi nghe con trai nói như thế, bà có vẻ hài lòng và mỉm cười, nói thêm vào:
- Phải đó, phải đó. Con dành chút thời gian gặp con bé đi. Nó cứ hỏi thăm con mãi. Nếu không vì con thích ngành y và vào đất liền học, mẹ đã sang nói chuyện với mẹ con bé để hỏi cưới rồi.
Nhật Khánh liếc sang nhìn An Thy, không nhận ra bất kỳ biểu hiện nào trên gương mặt cô. Nhưng cậu vẫn giải thích, mặc dù là nói với mẹ, nhưng cậu cố tình nói cho cả An Thy cùng nghe:
- Mẹ này! Con không cưới đâu. Con chỉ coi Quỳnh Trâm như đứa em gái.
Mẹ của Nhật Khánh nghe thế liền nói:
- Em gái gì mà em gái. Lớn lên cùng nhau. Từ nhỏ, con và con bé cứ như hình với bóng. Có cho con bé cơ hội được tiếp xúc với ai nữa đâu. Mẹ không biết, mẹ rất ưng con bé.
Thấy mẹ Nhật Khánh đang rất căng thẳng mà An Thy lại có mặt ở đó, Nhật Khánh thì đang có ý giải thích cho rõ ràng, ba của Nhật Khánh không muốn chuyện đó phá hỏng không khí hiện tại. Ông khuyên can:
- Chuyện đó để sau này tính đi bà. Con mình còn đến một năm nữa mới ra trường mà bà lo gì.
- Ông cứ chiều con riết rồi nó lại làm khổ con người ta. – Mẹ Nhật Khánh lại nói với chồng.
Ba của Nhật Khánh lại dịu dàng nói với vợ mình:
- Tôi có chiều gì đâu. Tôi chỉ đứng giữa hai người, làm sao mà dám bênh ai. Tôi chỉ thấy, nên để cho con có quyền lựa chọn người nó thích. Cũng như bà ngày xưa, nếu không kiên trì theo tôi thì bây giờ chúng ta được như thế này sao!
Mẹ Nhật Khánh không nói nữa. Bà như bỗng chốc nhớ về thời son trẻ, cùng chồng vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống mưu sinh và cả những rào cản từ phía gia đình để có thể được ở cùng ông cho đến bây giờ. Gương mặt bà từ từ dãn ra, không còn căng thẳng nữa, một nụ cười hiền từ nhìn về phía ba của Nhật Khánh. Sau đó, bà lại nhìn về phía Nhật Khánh, khẽ lắc đầu. Với cậu con trai này, bà hầu hư đã dành hết tâm huyết và tình yêu thương. Dù không hài lòng về quyết định vừa rồi của con trai, nhưng bà vẫn vì thương con mà nghĩ: “lạt mềm buộc chặt”, “mưa dầm thấm đất”.
Sau khi ăn xong, ba của Nhật Khánh lái xe đưa Nhật Khánh và An Thy về khách sạn của gia đình ông. Trên đường đi, ông nói với Nhật Khánh, nhưng vẫn đủ lớn để An Thy nghe rõ:
- Con đừng để ý đến những chuyện mẹ con nói về Quỳnh Trâm. Ba Mẹ rất quý con bé nhưng sẽ tôn trọng quyền lựa chọn của con.
Nhật Khánh nhìn sang An Thy, rồi nói:
- Dạ, con cảm ơn Ba.
- Nhưng hai đứa còn trẻ, phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định. Chớ có để sau này lại hối hận. – Ba của Nhật Khánh nghiêm túc nói.
Nhật Khánh và An Thy đồng thanh “Dạ” cùng một lúc nhưng âm điệu của hai người thì hoàn toàn khác nhau. Nhật Khánh thì trầm thấp mang theo sự đồng ý, là một câu khẳng định. Còn An Thy thì ngữ điệu cao vút, hầu như muốn lấn át luôn cả tiếng của Nhật Khánh, rõ ràng là ngữ điệu của một câu hỏi. An Thy hỏi lại:
- Ý Chú là sao ạ? Có phải Chú đang gộp cháu vào câu lúc nãy?
Ba của Nhật Khánh nhìn vẻ bất ngờ của An Thy qua tấm kính chiếu hậu trong xe, ông như chợt hiểu ra điều gì, ông nói:
- À, không có gì. Ý chú là mấy đứa còn trẻ, quyết định cẩn thận cho tương lai của từng người ấy mà.
Lúc này, An Thy mới nhẹ nhàng “Dạ” một tiếng. Nhật Khánh có chút đắc ý, liền trêu An Thy:
- Có tịch rục rịch à?
An Thy hơi đỏ mặt, nhưng sau đó cũng lấy lại bình tĩnh nói:
- Nghe không rõ, hỏi lại không được à?
Nhật Khánh cười cười, nhưng sau đó lại nghiêm nghị bảo:
- Nghe kể đảm đang thế mà sao đi làm toàn ăn cơm hộp à?
- Ăn một mình, làm biếng nấu. – An Thy không thèm đôi co với cậu ta nữa, buông ra một câu rồi im lặng.
Câu nói của An Thy, chỉ đơn giản là thế, nhưng qua suy nghĩ vừa mới bị tổn thương lần nữa của Nhật Khánh thì trở thành: “Có lẽ cô ấy ăn một mình, không có người trò chuyện, lại chẳng còn ai góp ý chuyện nêm nếm nên không còn hứng thú nấu ăn nữa. Thế nên mới bảo rằng làm biếng nấu. Hoặc giả là cô ấy vẫn còn nhớ đến người xưa, nên không muốn cho một ai khác cơ hội được ăn cùng.” Suy nghĩ ấy cứ đeo bám trong tâm trí của Nhật Khánh suốt chặng đường trở về khách sạn. Thế nên, cậu cũng không nói thêm câu nào nữa. Không khí tự dưng chùng xuống, bỗng ba của Nhật Khánh lại chặc lưỡi, lắc đầu như nói một mình: “Đường bằng phẳng con không đi. Đường đầy chông gai thì con lại chen chân vào. Sao mà khổ thế hả con.”
Khi về đến khách sạn, An Thy được sắp xếp cho một phòng ở tầng hai. Chính là phòng mà lần trước An Thy từng ở. Sau khi tắm rửa xong, An Thy đang lau lại mái tóc ước thì Nhật Khánh gõ cửa. Cậu ta đưa chìa khóa phòng của cậu ta cho An Thy rồi đi ra ngoài. Nằm trên chiếc giường êm ái, An Thy nghỉ lưng chừng mười lăm phút rồi đi xuống phòng của Nhật Khánh để làm việc. Cô mở cửa bước vào, nhìn xung quanh không thấy chiếc bàn vi tính ở đâu. Đi sâu về phía cửa phòng ngủ, cô mới nhìn thấy chiếc màn hình máy tính đặt trên bàn, cách giường ngủ chừng một mét. An Thy bước đến, với tay nhấn nút khởi động máy tính. Màn hình khởi động hiện lên, một tài khoản hiện ra chờ đăng nhập, với bức hình một cô gái tóc ngắn chấm vai đang ngồi trước máy tính xách tay. Không ai khác, đó chính là cô. Không hiểu Nhật Khánh có tấm hình ấy từ khi nào. Có lẽ là trong những lần lên lớp, Nhật Khánh đã lén chụp. An Thy nhắn tin hỏi mật khẩu, nhưng không thấy Nhật Khánh trả lời. Năm phút trôi qua, An Thy quyết định gọi cho Nhật Khánh, vì cô không thể cứ thế mà ngồi chờ được. Nhạc chờ vang lên, rất lâu sau mới có người nghe máy. Âm thanh vọng ra từ chiếc điện thoại, đầu dây bên kia rất ồn ào, những tiếng cười nói rôm rả, người trả lời là một giọng nữ:
- A lô! Anh Khánh đi ra ngoài rồi. Chị gọi anh ấy có việc gì không?
An Thy im lặng vài giây rồi trả lời:
- Tôi là An Thy đây. Khi nào cậu ấy vào thì bảo cậu ấy gọi lại cho tôi.
Nói rồi, An Thy tắt máy. An Thy định quay về phòng mình chờ, vừa ra khỏi cửa chính phòng Nhật Khánh thì cậu ta đã gọi lại. An Thy đang cầm điện thoại trên tay nên vừa có tín hiệu rung là cô bắt máy ngay. Bên kia Nhật Khánh còn chưa kịp nghe được từ đầu tiên trong bản nhạc chờ quen thuộc từ số thuê bao của An Thy thì đã nghe giọng nói trầm lặng của cô:
- A lô!
- Cô gọi em có việc gì? – Nhật Khánh hỏi.
An Thy không trả lời mà hỏi lại Nhật Khánh:
- Không đọc tin nhắn à?
Nhật Khánh phân bua:
- Không kịp đọc. Quỳnh Trâm bảo cô gọi mà không gặp. Em lập tức gọi lại ngay đây.
An Thy hít một hơi sâu rồi thở ra nhanh chóng. Như để cho những suy nghĩ lung tung đang quay trong đầu cô theo hơi thở ấy bay ra ngoài và hòa tan vào không khí. Cô ngắn gọn hỏi:
- Mật khẩu?
Nhật Khánh dường như chưa theo kịp vấn đề mà An Thy cần biết trong câu hỏi ấy, cậu hỏi lại:
- Gì cơ?
- Mật khẩu mở máy tính trong phòng em là gì? – An Thy chậm rãi nói thật to và rõ từng từ trong câu hỏi.
Nhật Khánh chần chừ một lúc như kịp hiểu ra, nhưng rồi lại có chút e dè nói:
- ….Là…. tên của cô.
An Thy vẫn thản nhiên hỏi theo cách của một chuyên gia máy tính:
- Viết thế nào?
- Để em nhắn qua cho. À, lúc nãy em đi ra ngoài, Quỳnh Trâm bắt máy, cô đừng giận. – Sau câu trả lời chính, Nhật Khánh không quên kèm theo những lời giải thích về việc lúc nãy.
Nhưng An Thy thì chẳng quan tâm đến thành ý giải thích của Nhật Khánh, cô lạnh lùng nói:
- Tôi việc gì phải giận? Chúng ta không liên quan gì đến nhau, đến mức phải quản lý chuyện đó cả.
Nói rồi An Thy cúp máy, quay ngược trở vào phòng của Nhật Khánh. Những tưởng cậu ta sẽ gửi tin nhắn qua ngay, nhưng không ngờ một lúc lâu sau cô mới nhận được tin nhắn đến. An Thy mở được máy tính lên thì bắt đầu tải phần mềm chế tác phim rồi cài đặt vào máy của Nhật Khánh. Công việc cũng mất hơn mười lăm phút, xong cô mới bắt tay vào việc chính. Đúng ra ban đầu chỉ dự kiến làm một bộ phim ngắn giới thiệu công đoạn lấy ngọc. Nhưng sau đó, An Thy lại nảy ra ý tưởng làm thêm một đoạn phim dài hơn giới thiệu cả quy trình nuôi trai lấy ngọc và các sản phẩm làm từ con ngọc trai. Từ những hạt ngọc quý giá làm trang sức, vỏ làm đồ thủ công mỹ nghệ, đến thịt trai làm món cháo đầy dinh dưỡng. Sau khi cắt ghép, chỉnh sửa, lồng nhạc, thêm phụ đề xong thì cũng đã hơn mười giờ đêm. Trong lúc An Thy đang tổng duyệt lại một lần thì cánh cửa chính bên ngoài chợt mở. Nhật Khánh bước vào, người hơi chao đảo và nực nồng mùi bia rượu. An Thy luôn không thích việc uống quá đà say sưa, nên sau khi xác định là Nhật Khánh mở cửa, cô lại tập trung vào đoạn phim đang xem. Định rằng sau khi duyệt xong, nếu không còn cần chỉnh sửa gì thêm thì cô sẽ quay về phòng mình. Nhật Khánh đi ngang qua An Thy, cậu buông ra một câu rồi đi một mạch vào phòng tắm:
- Chờ chút em ra xem cùng.
An Thy vẫn tranh thủ xem, định nhân lúc cậu ta vào phòng tắm, cô duyệt nhanh rồi về. Thấy An Thy không nói gì, cũng không có chút động thái nào là sẽ cho ngừng đoạn phim đang chiếu. Nhật Khánh đi lùi lại, nói nhỏ vừa đủ để An Thy nghe:
- Hôm nay là sinh nhật em. Quà cô tặng quả thật làm em rất đau. Em không thích chút nào.
Lần này, sau khi nói xong thì cậu tiến thẳng vào phòng tắm mà không quay lại nữa. An Thy không còn tập trung nhìn vào màn hình nữa mà trong đầu cô chỉ còn những thắc mắc không lời giải đáp. Cô không hề biết hôm nay là sinh nhật của Nhật Khánh, thì làm sao cô lại tặng quà cho cậu ta được. Thế nên, cô làm sao biết món quà mà cậu ấy nói là gì. Huống chi, nó lại làm cho cậu ta rất đau. Đoạn phim đã hết từ lúc nào, trên màn hình vi tính, chỉ còn lại một màu đen, An Thy vẫn đang ngẩn người ra vì câu nói của Nhật Khánh nên cũng chẳng tắt chương trình ấy đi.
Lát sau, Nhật Khánh bước ra có vẻ tỉnh táo hơn. Nhưng An Thy thì vẫn còn ngồi thừ người trên ghế, đối diện với màn hình đen nháy. Nhật Khánh nhẹ nhàng bước đến bên cạnh An Thy, cậu cúi thấp người xuống, thỏ thẻ vào tai của An Thy:
- Suy nghĩ gì thế?
An Thy giật mình quay sang hướng có âm thanh đang rỉ vào tai mình. Hành động ấy càng khiến cho khoảng cách giữa hai người thêm phần khít lại. Với khoảng cách ấy, An Thy có thể cảm nhận được từng hơi thở của đối phương, càng làm cho cô thêm phần luống cuống. Sau vài giây trấn tĩnh, An Thy cũng kịp phản ứng hơi ngã người ra sau để né tránh từng hơi thở ấy. An Thy nhanh chóng đưa ánh nhìn thoát ra khỏi tầm ngắm của người đối diện, vội nói:
- Em xem lại coi như thế có được chưa? Tôi thấy khá ổn rồi đó.
Nói rồi, An Thy nhanh chóng chọn mở lại cả hai tập tin phim mình vừa dựng xong, sau đó đứng phắt dậy nhường ghế cho Nhật Khánh ngồi. An Thy lùi lại ngồi xuống mép thành giường cây, bề ngang chừng một tấc, hơi lệch sang một bên so với Nhật Khánh để cùng xem. Nhật Khánh ngồi xuống ghế, xem được một đoạn thì lại đứng dậy đi về phía chiếc tủ lạnh. Cậu rót hai ly nước lọc rồi cầm đến, chìa về phía An Thy, đưa cho cô một ly. An Thy nhận lấy rồi cũng đưa lên miệng uống một ngụm. Nhật Khánh không ngồi vào ghế nữa, mà cậu đứng dựa vào tường, chân bắt chéo, một tay nâng ly nước, tay còn lại đặt vào trong túi quần. Khi ly nước được uống cạn, Nhật Khánh bước đến gần An Thy, tiện thể với tay đặt chiếc ly lên bàn. An Thy cũng nhanh chóng uống hết phần nước trong ly của mình và đặt theo Nhật Khánh. Khi chiếc ly vừa an vị kế bên chiếc ly kia, An Thy quay sang nói với Nhật Khánh:
- Em có chỉnh thêm gì không? Nếu không, tôi về phòng đây.
An Thy vừa dứt lời, toan bước đi thì Nhật Khánh đã nhanh chân bước đến trước mặt cô và nói:
- Khoan đã!
Động tác nhanh mà dứt khoác của Nhật Khánh làm An Thy mất thăng bằng, cô lùi lại vài bước để tránh va chạm. Khi chân chạm phải chiếc giường thì khoảng cách của hai người cũng đã cách nhau vài bước chân. An Thy lúc ấy mới nói:
- Có chuyện gì không?
Nhật Khánh tiến sát lại gần An Thy, vừa nói, cậu ta vừa đẩy An Thy té ngã lên chiếc giường trải nệm mềm trắng tinh:
- Kiểm chứng xem có phải chúng ta thật không liên quan gì nhau không!
Dứt lời ấy, thân người to lớn của Nhật Khánh cũng đã ngã rạp xuống giường. Nửa thân trên của An Thy đã bị Nhật Khánh đè lên, hai tay cô cũng đã bị đôi bàn tay của Nhật Khánh chế ngự. Khi hai người đối diện nhau trong tư thế ấy, An Thy không thể nghe rõ nhịp tim của Nhật Khánh vì trái tim cô đang đập loạn xạ không theo nhịp nữa. Ánh mắt Nhật Khánh nhìn thẳng vào An Thy, vẻ tức giận kèm theo phần đau đớn càng làm cho An Thy sợ hãi. Cảm nhận của Nhật Khánh lúc ấy chỉ mơ hồ rằng người con gái mà cậu để ý bấy lâu nay đang nằm trong tầm tay của cậu, trong men say mười phần thì có đến tám-chín phần cậu say vì con người ấy. Bao nhiêu hờn ghen, giận dỗi lại ùa về thúc giục cậu hành động. Nhưng khi cậu vừa tiến sát đôi môi mình vào phần cổ của cô ấy, đã vang lên giọng nói nghiêm nghị, dứt khoác của An Thy:
- Lâm Nhật Khánh, nếu em làm bất cứ điều gì tổn thương tôi, em sẽ không bao giờ gặp lại được tôi nữa.
Câu nói ấy như tiếng sét trong đêm làm Nhật Khánh bừng tỉnh và dừng ngay hành động của mình lại. An Thy đoán là lý trí của Nhật Khánh đã quay trở về, đây chính là cơ hội để cô thoát thân. Cô nhanh chóng dùng hết sức lực, đẩy mạnh Nhật Khánh sang một bên, rồi vùng dậy định chạy đi. Nhưng Nhật Khánh đã kịp bắt được cổ tay cô. Tuy nhiên, cậu không ngồi dậy đối mặt với An Thy. Hai người giữ nguyên tư thế ấy trong vài giây. Cuối cùng, Nhật Khánh lên tiếng, phá vỡ bầu không khí im lặng ấy:
- Xin lỗi em, An Thy!
Nói rồi, Nhật Khánh thả tay An Thy ra, để cô ấy được tự do. An Thy vẫn chưa thể bình tĩnh được, nhất thời không kịp xử lý thông tin trong câu nói vừa rồi có điều bất ổn. Cô ngừng lại thêm hai giây thì quyết định chạy nhanh ra hướng cửa chính, mở cửa thoát ra ngoài. Nhật Khánh nằm lại trong phòng, cậu xoay ngửa người trở lại, mắt đăm đăm nhìn lên những tấm la phong vuông trên trần nhà với họa tiết sao biển, hối hận về hành động thô lỗ vừa rồi của bản thân.
Nói về An Thy, sau khi trở về phòng, cô đóng chặt phòng, tiến đến một góc giường ngồi thừ người lấy lại bình tĩnh. Cũng đã gần mười một giờ đêm, nhưng An Thy lại cảm thấy vô cùng bức rức và ngột ngạt. Cô mở toan của phụ và bước ra ngoài ban công, lặng lẽ đứng đấy rất lâu để tự trấn tĩnh mình.
Sáng sớm hôm sau, trời chỉ mới tờ mờ chưa sáng rõ, An Thy bước xuống lầu tìm người tiếp tân hỏi:
- Chuyến tàu sớm nhất hôm nay lúc mấy giờ vậy em?
Cô tiếp tân có vẻ ngạc nhiên vì cô được thông báo là An Thy sẽ ở lại đến trưa mới về. Nhưng cô vẫn trả lời:
- Dạ, là bảy giờ ba mươi phút, tàu đi Rạch Giá. Chị đi sớm thế ạ? Em được xác nhận thông tin chị ở đến trưa cơ ạ!
An Thy đáp:
- À, tôi có việc gấp phải về sớm. Thế bây giờ xuất phát thì có kịp lên tàu chuyến bảy giờ rưỡi đó không em?
- Dạ, chắc kịp ạ. – Cô tiếp tân lễ phép trả lời.
An Thy nói tiếp:
- Vậy em cho tôi trả phòng. Tôi lên lấy ba lô rồi xuống liền.
Nói rồi An Thy quay người định trở về phòng, nhưng đi được vài bước, cô sực nhớ ra vội xoay người lại, dặn dò thêm với cô tiếp tân:
- À, đừng báo cho Nhật Khánh biết. Tôi về có việc riêng nên không muốn phiền cậu ấy.
- Dạ, chị! – Người tiếp tân trả lời.
Thế nhưng khi dáng An Thy vừa khuất sau bức tường cầu thang tầng một, cô tiếp tân đã cầm ngay điện thoại lên, bấm số nội bộ phòng của Nhật Khánh. Bên trong phòng, Nhật Khánh vẫn còn ngủ sau một đêm dài đầy mệt mỏi và còn dư âm của những ly bia tối qua uống cùng chúng bạn mừng sinh nhật làm cậu thấy đau đầu. Thế nên cậu lười biếng vùi đầu vào chiếc chăn bông, chẳng buồn bắt máy. Bên ngoài, An Thy bước xuống lầu với chiếc ba lô nhỏ trên vai, thấy An Thy bước đến, cô tiếp tân nhanh chóng gác máy, cúi chào An Thy.
An Thy bước ra ngoài, gió biển thổi vào mang theo hơi ẩm và lạnh, cô khẽ xốc lại chiếc ba lô trên vai, kéo dây áo khoác lên đến tận cằm, nhìn trái nhìn phải tìm xe. Lát sau, một chú chạy xe gắn máy đến và hỏi:
- Đi xe không cô ơi?
An Thy mừng rỡ đáp:
- Dạ, chú chở cháu ra bến tàu với ạ.
Khi thấy An Thy đã lên xe đi khỏi, cô tiếp tân vội chạy nhanh đến gõ cửa phòng Nhật Khánh. Người bên trong vẫn còn đang say ngủ vì tối qua uống khá nhiều. Sau một hồi gõ cửa, Nhật Khánh mới uể oải bước ra mở cửa. Vừa thấy cửa mở, cô tiếp tân đã vội lên tiếng:
- Anh còn ngủ nữa, cô ấy đi mất rồi kìa!
- Cô ấy? Cô nào? – Nhật Khánh vẫn còn ngô nghê chưa rõ sự tình.
- Cô An Thy. – Nhân viên tiếp tân đáp nhanh.
Nhật Khánh lúc này bừng tỉnh, vội hỏi:
- Cô ấy đi lâu chưa? Đi đâu rồi?
Cô nhân viên cố gắng tóm lược thông tin thật súc tích mà đầy đủ, nói:
- Cô ấy nói có việc cần về trước. Vừa lên xe đi ra bến tàu rồi.
Nhật Khánh nghe thế, vội cảm ơn cô tiếp tân đã báo tin rồi chạy vào trong lấy điện thoại. Nhớ lại chuyện tối qua, trong lòng cậu nghĩ, cô ấy vội đi như thế chắc chắn là giận cậu, không muốn đối mặt trong sự khó xử.
Nói về An Thy, cô đến bến tàu, mua vé chuyến tàu sớm nhất về đất liền. Cô nhân viên bán vé rất nhiệt tình, tìm cho cô một chỗ tốt nhất có thể, hàng ghế thứ hai, cạnh cửa sổ. Tàu khởi hành, chiếc ghế kế bên của cô vẫn bị bỏ trống. An Thy ngồi tựa đầu vào cửa kính, nhắm mắt ngủ. Một lúc lâu sau, khi mở mắt tỉnh dậy, cô nhận thấy tư thế của mình có chút thay đổi. Đầu không còn tựa vào kính nữa mà thay vào đó là vai của người ngồi bên cạnh. Mặc dù vậy, người đó vẫn ngồi im chịu đựng, không hề đánh thức cô dậy hay đẩy cô ra. Sau khi kịp nhận ra sự đường đột ấy, cô choàng tỉnh, xoay sang người kế bên định xin lỗi. Ngước mắt lên nhìn, gương mặt của An Thy từ biểu cảm ngại ngùng chuyển sang trạng thái ngạc nhiên tột độ. Bởi trước mắt cô là một gương mặt quen thuộc của một kẻ siêu rắc rối, cực kỳ đáng ghét, Lâm Nhật Khánh.
Trái lại biểu cảm của An Thy, Nhật Khánh hồn nhiên cười như thể chưa có chuyện gì xảy ra, cậu mở lời trước:
- Vẫn chưa tới. Ngủ thêm chút nữa đi.
An Thy đúng lý còn định mắng cho hắn một trận vì hành động tối qua, nhưng khi nghe nói như thế, cô cũng không thể nói thêm được gì. An Thy lại xoay mặt ra ngoài cửa kính. Mặc dù không thể mắng hắn nhưng cô cũng không thể cứ thế mà đối mặt với hắn như chưa từng có gì xảy ra được. Bởi đêm qua, hắn say, hắn có thể quên, nhưng cô thì rất tỉnh, cô không thể quên được. Những tưởng âm thầm bỏ về trước sẽ không gặp hắn nữa, nhưng không ngờ hắn lại đuổi kịp cô lên tàu. Đã thế, hắn còn cố tình không vào chỗ lúc rời bến, khiến cô cứ đinh ninh mọi việc kết thúc trong nhẹ nhàng. Đối diện với tình cảnh hiện tại, cô chỉ còn biết im lặng, chỉ mong hắn để cô yên. Thế mà, một lúc sau, hắn lại lên tiếng:
- Chuyện tối qua, là lỗi của Khánh. Sau này sẽ không như vậy nữa. An Thy đừng giận nữa.
An Thy không thèm bắt bẻ hắn trong cách xưng hô ấy, cô chỉ lắng nghe nhưng không trả lời. Thấy An Thy không trả lời, nhưng cũng không phản ứng gay gắt, Nhật Khánh tự chốt kết luận với An Thy:
- Không nói, vậy xem như An Thy đã tha lỗi cho Khánh rồi nhé.
An Thy quay người sang nhìn Nhật Khánh một cái vì cái lý lẽ lạ đời của hắn, nhưng cô vẫn im lặng. Nhật Khánh vừa cười với An Thy, vẻ rất thành khẩn, vừa lấy điện thoại ra, tìm số điện thoại của ba cậu rồi bấm nút gọi. Sau vài tiếng đổ chuông, đầu dây bên kia bắt máy, Nhật Khánh đã nói ngay:
- Con có lịch đột xuất nên đón tàu đi sớm rồi. Để con nói anh Quốc chép file đem qua Ba Mẹ xem thử. Có gì Ba Mẹ cho ý kiến thêm rồi tụi con chỉnh lại sau.
- Cái đó chuyện nhỏ. Nhưng mà con về rồi cô An Thy thế nào? Có về cùng không? – Ba của Nhật Khánh quan tâm hỏi.
Nhật Khánh khẽ nghiêng người sang An Thy, nói:
- Cô ấy đang ngồi kế bên con đây Ba. Chưa gì hết mà Ba Mẹ có vẻ lo cho người ta hơn con rồi đó.
Ba của Nhật Khánh giải thích:
- Thì người ta là con gái đi xa, lại là khách, phải lo hơn chứ sao.
Nhật Khánh cười mãn nguyện khi nghe ba mình nói thế. Cậu trấn an ông:
- Nói đùa với Ba vậy chứ Ba Mẹ thương cô ấy, con rất mừng.
- Ba hiểu ý con trai Ba mà. Nhưng Mẹ con thì… Hai đứa cần cố gắng hơn. – Ba của Nhật Khánh động viên.
Nhật Khánh nói tiếp:
- Con biết rồi. Thôi, con cúp máy đây!
- Được. Cẩn thận nhe! – Ba Nhật Khánh dặn dò thêm.
- Dạ, Ba! – Nhật Khánh đáp.
Cúp máy, Nhật Khánh xoay sang nói với An Thy:
- Lần sau dù có chuyện gì đi nữa, cũng đừng không lời từ biệt mà đi như thế. Người lớn lo đấy!
Nghe được những gì Nhật Khánh nói qua điện thoại, An Thy cũng đã đoán được hơn một nửa nội dung cuộc hội thoại của hai ba con họ là có liên quan đến cô. Cô cũng biết phép lịch sự tối thiểu ấy, nhưng nếu không vì Nhật Khánh, cô đã không làm như thế. Lúc ấy, cô chỉ biết, cần phải tránh Nhật Khánh càng xa càng tốt. Bây giờ khi nghe Nhật Khánh nói như thế, cô cũng thấy mình có phần thất lễ. Nghĩ thế, An Thy cũng nhẹ gật đầu đồng ý.
Bình luận
Chưa có bình luận