Ngày 2 tháng 9 năm 2025, lúc 3 giờ chiều
“Hỡi đồng bào Tổ Quốc!
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"...”
Tiếng nói Bác Hồ văng vẳng khắp hai bên tai nghe của Vương Khánh, tựa như mọi thứ từ 80 năm trước dội ngược về hiện tại một cách thần kỳ. Từng câu, từng chữ trong bản Tuyên ngôn độc lập năm xưa làm trái tim Khánh cứ đập thình thịch như lửa đốt. Cậu nghiền ngẫm từng lời hùng biện của vị cha già dân tộc, bàn tay trái cứ thế nắm chặt, trong lòng xao xuyến những cảm xúc lẫn lộn của niềm tự hào non sông.
“Hai triệu người chết đói, 90℅ dân số mù chữ và giặc Pháp chuẩn bị quay lại nước ta… Khi đất nước mình được sinh ra, chúng ta không có nổi một thứ gì, lại còn bị ngoại xâm tận 30 năm tiếp theo. Thế nhưng sau 80 năm lịch sử ấy, kỷ nguyên vươn mình của chúng ta đã tới. Phép màu Việt Nam không tự nhiên mà sinh ra, nó được đánh đổi bằng cả xương máu cha ông mà thành, và mình phải góp sức biến nó trở thành ánh sáng.” Khánh trầm ngâm nghe Tuyên ngôn độc lập trên laptop mà suy nghĩ không nguôi.
Bỗng dưng, Khánh bất chợt nhìn thấy một đoạn tin nhắn của Ngọc ở góc màn hình:
“Chuẩn bị chiều nay ăn cỗ lớn rồi. Lại đi làm bồi bàn bất đắc dĩ thôi, Khánh nhỉ?”
Không cần phải suy nghĩ quá nhiều, Vương Khánh nhanh chóng hồi đáp lại trên Messenger một dòng tin nhắn rất ngắn gọn trước khi đi thay quần áo:
“Làm luôn!”
Trong lúc đó, giữa những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên những ngôi nhà trong xóm nhà lính, không khí rộn ràng tình đoàn kết bao phủ khắp xóm làng. Tiếng xèo xèo của chảo mỡ, tiếng bụp bụp mạnh bạo của những con dao lớn cắt vào xương heo lại hòa nhịp một cách hoàn hảo với những câu chuyện phiếm của các bác sĩ quan trong quân ngũ. Ở một góc khác của tổ dân phố, những tiếng nước sôi lỏng bỏng của những xoong nồi trên ngọn lửa hồng của bếp củi lại nối chặt với những tiếng cười rôm rả của các phu nhân một cách kỳ lạ, giống như có một con bu lông vô hình đang giữ mối nối liền mạch vào nhau. Sôi động nhất vẫn là khu vực trung tâm - nơi được coi là trái tim của xóm nhà lính, khi những “bồi bàn bất đắc dĩ” đang bắt đầu dọn bàn bữa cỗ mừng Tết Độc Lập. Mấy anh sinh viên trong xóm cũng đang mày mò dựng bạt sân khấu và trang trí bằng những dây đèn LED nhiều màu sắc trong những tràng cười rôm rả.
Vẫn một mái tóc buông dài ra sau lưng, đính kèm với trâm cài lông vũ hai bên cùng chiếc nơ tím bằng lăng ở phía đuôi, Đoan Ngọc mỉm cười, hai tay vẫn thoăn thoắt sắp xếp bát đũa vào đúng vị trí. Từng chiếc cốc nhựa, khăn giấy đều được xếp san sát theo hình vòng tròn, bao quanh chiếc bếp cồn ở trung tâm bàn tiệc, giống như đoàn người nắm tay nhau bập bùng bên ánh lửa. Đang chỉnh trang bàn tiệc sao cho đẹp mắt, cô nàng bất chợt nhìn thấy Khánh đang vội vã lăn mặt bàn từ xe tải tới gian giữa, túi quần jean thì bị phồng vì phải nhét khăn trải bàn vào. Thấy vậy, Ngọc ngơ ngác hỏi cậu bạn:
- Ê Khánh, sao cậu làm cái gì mà vội quá vậy? Đi xếp bàn ghế chứ đâu phải là đi chiến đấu đâu?
Khánh vừa đặt mặt bàn vào chân xếp xong, liền gãi đầu đáp lại:
- Chào Ngọc nha! Tại mình quen làm việc với tốc độ cao rồi, nên thành ra mình “phanh” không kịp luôn, hihi.
- Thế thì cũng được. Làm cho nhanh để còn ăn tiệc sớm, chứ nồi niêu các thứ xong hết rồi - Ngọc nhí nhảnh đáp lại.
Những giọt mồ hôi vì cộng đồng của những cư dân cuối cùng cũng đã được đền đáp. Đúng 18h30, dưới bầu trời đêm thoáng đãng của mùa thu, những dĩa chả giò thơm lừng, những con vịt luộc nóng hổi, thêm chút thịt nướng đậm đà và cả nồi lẩu cua đồng đầy hấp dẫn cũng đã sẵn sàng trên bàn tiệc, báo hiệu cho bữa cỗ mừng 80 năm ngày Tết độc lập chính thức bắt đầu. Ai ai cũng đều háo hức thưởng thức thành quả sau một buổi chiều nấu nướng đậm tình làng nghĩa xóm, từ những bác bộ đội cao tuổi như chú Thành, chú Thắng, bác Năm bên bàn nhậu, đến những đứa trẻ 3, 4 tuổi đang được các mẹ, các chị đút cho từng miếng súp cua. Những câu chuyện, những lời bộc bạch, những tâm tư cứ thế được chia sẻ trên bàn tiệc, giống như những cánh hoa tô điểm cho ngày Quốc khánh vậy.
Khi ánh trăng bắt đầu lên thiên đỉnh, cũng là lúc những giọng ca vàng trong xóm nhà lính bắt đầu cất tiếng vang trên sân khấu. Những bài hát cách mạng giống như những sợi tơ hồng dập dìu bên khung cửi, mang nặng cái hồn của những con người nơi đây. Từ những hành khúc hào hùng như Lên đàng của Lưu Hữu Phước, đến những khúc nhạc nhẹ nhàng và giàu tình yêu như Gửi em ở cuối sông Hồng của Thuận Yến, tất cả cứ thế hòa vào làm một, tạo thành một nét chấm phá nhỏ bé trong bức tranh rộng lớn và hùng hục khí thế của mùa xuân dân tộc.
Giữa lúc cô Thu cùng chú Thành vừa song ca bài hát “Hành khúc ngày và đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong tiếng reo hò và vỗ tay chăm chú của các bác sĩ quan trong tổ dân phố, Ngọc vẫn ngồi phía sau hàng ghế, thơ thẩn chờ đợi bố mẹ của Khánh hát karaoke xong xuôi giữa dãy hàng người ngóng đợi. Bất chợt, một bàn tay ấm áp đặt lên đôi vai của cô nàng quê Nam Định, giống như thanh vĩ cầm du dương đang kề sát bên tai. Cô quay đầu ra đằng sau, nhìn về phía hình bóng người bạn thân yêu mà cứ thình thịch ở trong tim. Giữa cảm giác vừa quen thuốc, vừa mộng mơ ấy, nàng nữ sinh chỉ vội hỏi một cách nghẹn ngùng:
- Khánh này, sao cậu lại để tay lên vai mình nhỉ?
Không chần chừ, Vương Khánh đứng tựa bên người bạn tri kỷ, mắt cứ nhìn chằm chằm vào cô bạn cùng lớp, giống như bị thôi miên vậy. Anh chậm rãi nói một cách trầm ấm:
- Hay là chúng ta cùng hát với nhau một bài, nhé?
Ngọc khẽ cười, nhìn về Khánh với ánh mắt long lanh, má ửng hồng tựa ánh trăng soi. Đã bao năm qua, dù là bạn thân thiết từ thuở ấu thơ, thường xuyên trao đổi bài vở và trò chuyện bên nhau, nhưng chưa một lần nào cậu nam sinh lại bày tỏ tình cảm với cô một cách rõ ràng như vậy. Đã thế, Khánh còn đánh đúng vào ham muốn bấy lâu của Ngọc bấy lâu nay, đó là được hát chung với cậu dù chỉ một lần. Có lẽ, nàng đã cảm nắng bạn cùng xóm từ lâu, nhưng vì danh dự nhà lính mà cô chưa bao giờ dám nói thẳng ra, và Khánh cũng vậy. Dù vậy, những lưỡi cày của trí tuệ, tinh thần học hỏi và tình đồng chí đã xới bẫm ruộng đồng, để cho hạt giống của tình yêu tuổi học trò lặng lẽ mọc lên và bén rễ vào trong trái tim cô mất rồi.
Hai học sinh trường Tân An vẫn ngồi bên nhau, thầm lặng chờ đợi tới lượt hát karaoke của mình. Lúc này, mấy anh chị học cấp ba trong xóm cũng đã có dịp được bung lụa trước màn hình TV với những bài nhạc trẻ đầy sôi động của các ca sĩ nổi tiếng. Một bài, rồi hai bài trôi qua, Khánh và Ngọc vẫn ngồi im bên nhau, vẫn tận hưởng bản trường ca nhỏ bé mừng mùa thu cách mạng của tổ dân phố, đúng chuẩn những học sinh xuất sắc và đầy văn minh trong cộng đồng.
Và rồi, một ánh sao đêm của nhịp rung động lóe sáng trong trái tim hai người, khi Khánh cùng Ngọc giơ micro lên, nhìn lên màn hình và cùng song ca “Một vòng Việt Nam”. Dẫu có những va vấp nhỏ ban đầu khi cả hai chưa từng hát cùng nhau bao giờ, nhưng sau khúc dạo đầu, họ càng hát càng chắc tay. Đặc biệt là khi đến phần điệp khúc cuối cùng, không chỉ Khánh và Ngọc, mà xóm nhà lính cùng nhau hát theo, như để kéo dài niềm vui ngày Tết Độc Lập thật lâu:
“Dậy với tôi nào, dạo với tôi nào
Dạo khắp một vòng Việt Nam
Nhìn non sông trời văn, đất võ
Cùng với tôi nào, dạo với tôi nào
Dạo khắp một vòng Việt Nam
Come with me, we'll travel 'round Việt Nam”
Bữa tiệc ngày Quốc khánh cũng đã kết thúc trong những tiếng cười và niềm tự hào dân tộc lan tỏa. Từ các bác trung niên già dặn, những anh chị sinh viên đầy nhiệt huyết đến đám cô cậu học sinh láu lỉnh và cả “thiên thần nhỏ” dễ thương, ai ai cũng cùng nhau xắn tay áo và thưởng thức một bữa cỗ ngon miệng và đẹp mắt từ những bàn tay lao động. Với riêng Vương Khánh và Đoan Ngọc, đây còn là dịp để trái tim và bộ não của họ thổn thức về nhau. Không còn những kèo đấu Olympia căng não, bài vở trong hè cũng tạm thời gác sang một bên, giờ đây, họ đơn giản chỉ là hai cậu bạn hàng xóm ở bên nhau, ngắm nhìn và chung vui cùng làng xóm dưới ánh sao vàng bay phấp phới.
Bình luận
Chưa có bình luận