Trí Này Thi Với Tài Kia (2)


Trời chạng vạng tối.

Cơm nước xong, Tú tài Minh Phong thắp cây đèn dầu, đem để trên chiếc bàn ở giữa nhà rồi lấy một cuốn sách tiếng Pháp lại ngồi gần đèn mà coi.

Bà Ký Liêm từ chỗ lu nước ngoài sau thủng thẳng đi vô, ngó trên bàn thờ thấy trong lư hương đã cắm một cây nhang thì chuyển gót bước lại chỗ bộ ván nằm day mặt nhìn con.

Hình dung tuấn tú, bộ dáng ôn hòa, mắt tinh, mày kiếm, trán rộng, môi đầy, cái vẻ đoan chính hiện rõ mười mươi. Rồi, bà nghĩ đến việc con đã thi đậu Tú tài kỳ nhất khoa này rồi, hơn nữa còn đậu hạng đầu, thì trong bụng khoan khoái vui cười.

Thình lình, có tiếng bước chân vang lên ngoài ngõ, bà Ký Liêm và Tú tài Minh Phong cùng xoay mặt dòm ra.

Một đứa trai tuổi tầm mười lăm mười sáu, vóc người gầy ốm, mình mặc áo vải vá vai, đi chân đất nhanh nhảu tiến vào.

Minh Phong nhận ra đứa trai này, là thằng Tí Còi, con của bà Tư Được – người ở lo chuyện cơm nước trong nhà ông Hội đồng Hải.

Nó tới đây có việc chi vậy kìa?

“Dạ, cháu chào thím Ký, chào thầy Hai.” Tí Còi vừa nói vừa thở hổn hển.

Bà ký Liêm ngồi dậy, hỏi: “Tí Còi, có chuyện chi vậy cháu?”

“Thưa, cô Hai biểu cháu qua kiếm thầy Hai đặng nhờ chút việc.”

Bà Ký Liêm ngó con trai mình.

Minh Phong ngờ vực, lên tiếng hỏi thằng Tí Còi: “Cô Hai muốn nhờ qua việc chi đó?”

Tí Còi lấy một tờ giấy được xếp gọn đưa cho người trai trước mặt: “Cô Hai kêu tôi đưa cái này cho thầy, nói nhờ thầy giảng giải giùm.”

Minh Phong mở tờ giấy ra thì thấy bên trong có viết sẵn một đề Hóa, khá dài.

Anh trầm mặc.

Hồi lâu anh mới lên tiếng: “Thôi, em về đi. Nào qua giải đề xong qua cầm qua cho cô Hai.”

Thằng Tí Còi lắc đầu, bộ dáng khó xử: “Cô Hai dặn tôi phải đứng đợi thầy giải xong rồi mang về cho cô. Cô nói về tay không là cô phạt đa.”

Minh Phong chau mày. Cô Hai này đúng là ngang ngược hết sức.

“Nếu vậy, em ngồi xuống đây đợi một chút, qua giải bài xong qua đưa cho em mang về.”

Đề ra rất khó, song là khó với người khác, chớ riêng Minh Phong... Chẳng tốn bao nhiêu thời gian thì anh đã viết được đáp án.

Thằng Tí Còi chạy về rồi, bà Ký Liêm mới hỏi chuyện con, tại duyên cớ làm sao mà con gái ông Hội đồng lại hành xử lạ thường như vậy. Chừng nghe con thuật rõ đầu đuôi, bà nhận xét: “Coi bộ cô Hai cổ đang muốn thử tài học của con đây mà.”

“Chắc vậy đó má.”

“Cô ở trong nhà quyền quý, lại là con một, tuy phận gái mà học cao, khó tránh sanh lòng kiêu ngạo. Con coi cư xử sao cho phải, chớ để người ta ganh ghét nghe con.”

“Cổ nghĩ sao là chuyện của cổ chớ, miễn mình không có ác tâm, biết giữ gìn nhân phẩm thì thôi.”

Người trẻ tánh thường háo thắng, Minh Phong dầu lớn lên trong môi trường tử tế, từ nhỏ đã được dạy phải biết khiêm cung cần kiệm, song chung quy tuổi đời còn nhỏ, chưa nếm trải bao nhiêu sóng gió, thành thử khi nghe mẹ dạy, tuy miệng không dám cãi nhưng lòng lại chẳng mấy xuôi theo.

Cô Hai có ý thử tài học của anh, anh há lại không nghĩ dò xem cái trí của cô?

Có lẽ sâu trong thâm tâm, Minh Phong muốn chứng minh con người ta cho dù xuất thân bần hàn đi nữa thì tài trí vẫn có thể hơn xa những kẻ sanh trong nhung lụa; hoặc cũng có thể... anh chỉ đơn giản là không muốn kém thua trước đứa “em Hai” của năm nào mà thôi.

Minh Phong đâu lường được rằng chính bởi cái ý tứ ganh đua ngấm ngầm ấy mà về sau cuộc đời anh phải lao đao, duyên tình lận đận. Cũng như đêm ấy, khi cô Hai Kim Lý xem hết chữ viết trên giấy rồi nằm hậm hực, trằn trọc đến tận nửa đêm mới chịu ngủ, nào có dè về sau mình lại mến, lại yêu.

***

Qua bữa sau, khi mặt trời lên tới ngọn tre, trong nhà đương dọn cơm canh thì bà Ký Liêm chợt nhìn thấy từ phía xa xa trên con đường cái, một đứa trai đầu trần đội nắng rẽ vào lối nhỏ rồi cứ thế hướng nhà mình chạy miết lại.

“Tí Còi, có chuyện chi vậy cháu?”

Thằng Tí Còi cúi đầu chào rồi đáp: “Thưa, cháu đến tìm thầy Hai.”

Nó lấy hơi rồi nói tiếp: “Cô Hai sai cháu tới.”

Bà Ký Liêm rơi vào trầm mặc.

“Cô Hai lại có chuyện gì nhờ qua đó?” Minh Phong từ trong nhà đi ra, hỏi.

Lúc này thằng Tí Còi mới giao một tờ giấy cho Minh Phong.

Minh Phong mở ra xem. Đúng như anh liệu, bên trong ghi sẵn đề bài, nhưng thay vì Toán, Hóa thì lần này là đề môn Vật lý, khá hóc búa.

Coi bộ cô Hai vẫn còn chưa chịu phục.

Minh Phong cười cười, dặn thằng Tí Còi đứng đợi rồi quay trở vào trong, lấy cây viết ra mà giải nan đề.

Tại nhà ông Hội đồng, cô Hai Kim Lý mới ăn cơm trưa, đang bước đủng đỉnh ra phía vườn sau, tay cầm theo cuốn tiểu thuyết “Hồng lâu mộng” viết bằng Hán văn, đi lại chỗ cái ghế đá dưới mái đình ngồi đọc.

Ngoài vườn gió hiu hiu thổi, trăm bông đua nhau tỏa hương khoe sắc, cảnh vật tốt tươi nên làm tâm tình người cũng thư thái.

Ông Hội đồng vốn ưa trồng bông chưng kiểng, nên ở trong khoảnh đất rộng lớn này, từ trước ngõ ra đến sân sau, đâu đâu cũng thấy một màu xanh tươi mát.

Từ nhà dưới đi thêm tầm ba chục bước chân, sẽ thấy có con đường lát gạch quanh co tẽ ra hai hướng, ở chánh giữa xây một hòn non bộ, phía trên bên trái có ông tiều lom khom gánh củi, phía dưới chỗ cạnh khe nước có ngư ông ngồi vuốt râu buông cần câu cá, cách xa xa có một đàn trâu khoan thai gặm cỏ, trên lưng trâu một chú mục đồng nghiêng đầu thổi sáo; còn ở hai bên, dọc theo hai lối rẽ, bông hồng bông huệ, sắc đỏ sắc xanh kéo dài không dứt; ở chung quanh, cây cam cây mận xen lẫn cau chuối cũng nối nhau thành một vòng cung bao quanh khoảnh đất, làm cho nơi ở vốn sang quý lại thêm phần trù mật.

Cô Hai Kim Lý ngồi giữa khung cảnh tươi đẹp ấy, ngón tay mũi viết chậm rãi lật từng trang sách. Đọc tới đoạn Lâm Đại Ngọc chôn hoa, cô cảm xúc quá nên rưng rưng nước mắt, rồi cô hé môi khe khẽ ngâm bài từ. Cô ngâm cũng bằng tiếng Hán, nghĩa dịch ra như vầy:

“... Giờ hoa rụng có ta chôn cất,
Chôn thân ta chưa biết bao giờ.
Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ,
Sau này ta chết, ai là người chôn?
Ngẫm khi xuân muộn hoa tàn,
Cũng là khi khách hồng nhan về già
Hồng nhan thấm thoắt xuân qua,
Hoa tàn người vắng ai mà biết ai!”

Thằng Tí Còi đã tới được một lúc, thấy cô Hai đang bận ngâm nga nên không dám làm phiền, chỉ đành đứng ở một bên chờ đợi. Cô Hai ngâm bài gì, thật tình nó không hiểu. Mà đâu riêng nó, ở trong cái nhà này đều chẳng có ai hiểu được. Người duy nhất thông thạo Hán văn là bà lớn Quỳnh Nga – mẹ ruột cô Hai – thì đã lìa trần từ mấy năm trước rồi. Đương nhiên nó cũng không lấy gì làm ngạc nhiên, bởi thường ngày cô Hai của nó vẫn hay ngâm thơ, hát hí kịch bằng tiếng Hán. Suy cho cùng, ông ngoại cô vốn là khách trú¹, gốc ở bên Tàu.

Mười phút có lẻ, rốt cuộc cô Hai Kim Lý cũng chịu đóng cuốn tiểu thuyết “Hồng lâu mộng” lại. Lúc này thằng Tí Còi mới dám cầm tờ giấy chạy tới đưa cho cô.

Kim Lý nhìn tờ giấy đăm đăm, mãi hồi lâu vẫn không nghe ư hử gì.

Thằng Tí Còi cầm lâu, mỏi quá nên cái tay nó run run. Nó nuốt nước miếng, khe khẽ giọng: “Cô Hai...”

Kim Lý chép môi, đưa tay thu tờ giấy kia về, song không thấy mở ra xem.

Cổ nhân nói “sự bất quá tam”, cô Hai Kim Lý thì cứ muốn làm tới bốn. Lần thứ tư đây, cô dùng “văn” để thi thố với Tú tài Minh Phong. Đề ra rất hiểm, viết bằng tiếng Hán, nét chữ hữu thần, lời văn hữu ý, bên trong lại kèm theo câu đối khó. Trận này, cô Hai quả thật đã dốc hết vốn liếng, bụng thầm nghĩ nếu ông Tú tài Minh Phong kia có thể đối đáp trên cơ mình thì cô đây nhất định sẽ cam bái hạ phong.

Hừ, có thể sao?

Trong trường, thầy chỉ dạy Pháp văn, Quốc văn, chớ còn Hán văn thì có dạy bao nhiêu đâu, mà không dạy nhiều thì ông Tú tài làm sao thông thạo đặng thi thố với cô?

Nghĩ vậy nên chuyến này cô Hai chắc ăn lắm.

(1) Khách trú: chỉ người Hoa sang Việt Nam làm ăn sinh sống.


























































Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}