Người Nơi Lầu Các Kẻ Ngoài Mái Tranh


Xe quay đầu chạy ra đường lớn, thẳng hướng Cai Hạ mà đi.

Qua một hồi lâu, Hồng Thái mới thôi tư lự. Anh ngó cô Ba Hồng Nhật ngồi phía sau với nét mặt buồn xo do “món quà” kia đã không chịu để cho cô mang theo về nhà, day hỏi nhỏ cha rằng: “Cha, em Ba bây giờ cởi mở lắm hả cha?”

Hiểu ý con trai đang nhắc đến chuyện Hồng Nhật tự tiện ôm người trai ban nãy, rồi nắm tay kéo áo người ta tính lôi luôn về nhà, Hương cả Phát che miệng, thấp giọng hồi âm: “Đâu có. Ngoài tao, má mày với mày ra, con Ba nó có thân thiết với ai như vậy bao giờ đâu. Đến người quen biết, thường xuyên lại nhà mình chơi mà nó còn không thèm tiếp chuyện nữa là. Như ông Hương sư Quản đây, lúc sửa soạn đi rước mày, ổng mới đưa tay xoa đầu nó liền bị nó dọng cho một thoi đến chảy máu mũi đa.”

Hồng Thái day mặt nhìn Hương sư Quản dáng người thấp bé đã ngoài sáu mươi. Giờ thì anh mới rõ tại làm sao mà xe đi đón rước lại lên trễ như vậy.

Ông Hương sư mặt mày nóng ran, lỗ mũi ăn trầu lúc xế chiều dường muốn chảy máu nữa. Ông tằng hắng: “Cô Ba... tánh hơi hiếu động... Hơi hiếu động...”

Hồng Thái nén cười, không có dòm ông nữa.

“Em Ba, chắc ẻm với bạn con có duyên chi đó nên ông trời mới khiến xui cho nó vừa gặp đã quyến luyến người ta như vậy.”

Nói là duyên, nhưng duyên gì thì Hồng Thái cũng không rõ. Anh trộm nghĩ nếu em mình tâm trí được như người bình thường thì hay biết mấy, lúc đó anh nhất định ra công mai mối, xin cha má gả em cho bạn hiền. Minh Phong bạn anh tuy gia cảnh nghèo khó song học hành giỏi giang, năm nào cũng đứng nhất lớp, lại có tánh tình cao thượng khó ai bì, trong trường thầy bạn ai nấy đều yêu quý. Người như vậy, gả em cho thì thật xứng đáng lắm, ngặt nỗi đứa em mình khờ dại quá...

Nghĩ tới đây Hồng Thái tiếc nuối thở dài.

***

Từ biệt ông Hương sư với ba người nhà Hồng Thái rồi, Minh Phong bắt xe về dưới Đồng Đa.

Xe chạy tới ngã ba Cầu Mối thì thấy phía bên tay mặt, cách đường lớn khoảng tầm bảy tám mét có một cái nhà lá hai căn xông, cột dầu, vách ván, nhà tuy đơn sơ song trong ngoài sạch sẽ. Đằng trước có khoảnh sân nhỏ, hai bên trồng ớt, cà, rau, đậu, cạnh cửa sổ vun một gốc mai chiếu thủy, phía hông trái chỗ cửa sổ treo chậu lan phi điệp, cảnh sắc xem ra cũng có mấy phần thanh nhã.

Minh Phong xách theo giỏ mây lặng lẽ bước vô nhà, chừng tới cửa chân anh khựng nhịp, tầm mắt trở nên mông lung.

Trên bàn, ngọn đèn dầu leo lét sáng, có bóng người đàn bà bận áo bà ba đen ngồi day mặt vào trong, tay đương cầm kim may vá.

“Má...”

Nghe tiếng động, người đàn bà tuổi ngoài bốn lăm với phần tóc mai sớm đã ngả bạc xoay lưng ngó lại. Chừng nhận rõ dạng con rồi, bà buông kim chỉ, vội vàng tiến ra tiếp rước.

“Má, con về rồi.”

Ngày dài tháng rộng, biết bao nhung nhớ chất chứa trong tâm khảm, giờ tạn mặt lại không thốt nổi một lời. Bà Ký Liêm nghẹn ngào ôm con, lệ mừng vui lăn dài trên má, mãi một lúc lâu mới nói được vài tiếng nho nhỏ: “Lại bàn thờ thắp nhang cho cha đi con.”

Minh Phong vâng lời hướng chỗ bàn thờ đi đến, rút ba cây nhang cầm đốt.

Trong khói hương lượn lờ phiêu đãng, người trai ấy khấn vái mà khóe mắt rưng rưng: “Cha, con về rồi... Không phụ lời dạy lúc sanh tiền của cha, bao năm nay con trẻ luôn cố gắng học hành, nay đã thi đậu Tú tài kỳ nhất, xếp thứ hạng đầu, được thầy bạn ngợi khen... Con trẻ kính cẩn báo tin mừng, chỉ mong cha vui lòng nơi chín suối.”

Đứng ở đằng sau, bà Ký Liêm lặng lẽ kéo vạt áo lau nước mắt...

Ở thời buổi mà dân trí còn thấp, trong một trăm người có đến bảy mươi người là không biết chữ, thì cái việc thi đậu Tú tài của Minh Phong đây thật quý lắm. Ví như Minh Phong là con nhà khá giả, gia đình ắt mổ heo đãi tiệc ăn mừng, mời hết thảy bà con chòm xóm đến để chung vui, đặng khoe cái sự vẻ vang cho thiên hạ biết. Chẳng may cha Minh Phong vắn số, bệnh nặng qua đời, để lại mẹ góa con côi, phận đời vất vả, dầu sự học giỏi giang cũng không làm sao phô bày với thiên hạ được.

Tối ấy, bà Ký Liêm soạn một mâm cơm đơn sơ, trước cúng người quá cố, sau mẹ con ăn mừng. Trên mâm chỉ có vài ba món: canh rau, chén muối, tô cà với một dĩa cá kho, vậy mà mẹ cũng như con, ăn rất ngon lành.

***

Buổi sáng hôm sau, tiết trời quang đãng, mặt trời nhô lên chiếu nắng sáng lòa.

Đoạn từ xã Đồng Đa đi lên Cái Mân, dọc theo con kênh Hàm Rạch, dựa mé lộ có một cái nhà lầu, nền cao tường chắc, bốn hướng đều có làm cửa sổ cho ánh nắng lọt vào, tầng trên cũng như tầng dưới đều lót gạch bông, nóc lợp ngói đỏ.

Ấy là cơ ngơi của ông Hội đồng Hải, một đại điền chủ trong huyện Cái Mân.

Hội đồng Hải, tên đầy đủ là Huỳnh Duy Hải, bốn mươi sáu tuổi, vốn là bạn thân với cha Minh Phong ngày trước.

Thuở hàn vi, hai người cùng được quan trên bổ xuống dưới Cái Mân làm việc, cha Minh Phong làm ký lục, còn ông Huỳnh Duy Hải thì làm thông ngôn. Cách ít năm, ông Hải nhờ trời thương, cưới được vợ giàu, từ đó bỏ chức thông ngôn, lo khẩn đất mua điền, công cuộc làm ăn ngày một khấm khá.

Thói đời, lắm kẻ hễ “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”; riêng ông Huỳnh Duy Hải đây, tuy không đến mức ngoảnh mặt ngó lơ, song cái sự ăn ở đối với bạn đã chẳng còn được mặn mà như trước. Nhất là sau khi cha Minh Phong lâm bệnh từ trần thì quan hệ hai nhà càng thêm lạt lẽo.

Minh Phong đi trên đường cái, trí ngẫm chuyện xưa mà mặt mày thơ thẩn, chừng đến trước cửa nhà ông Hội đồng thì anh mới giật mình ngó sững.

Bên trong sân, Hội đồng Hải đang thăm hoa xem kiểng. Ông đi hết chậu này rồi tiếp đến chậu kia, lúc cầm kéo hớt đọt, khi vạch lá bắt sâu, chừng day lưng ngó lại mới hay có một người trai trạc mười chín đôi mươi, vóc dáng cao gầy, mình mặc áo vải quần đen, ở ngoài cửa ngõ thủng thẳng đi vô trong nhà mình. Ông Hội đồng lấy tay che ánh mặt trời, nheo mắt đặng dòm cho kỹ.

Minh Phong khoan thai bước tới, chắp tay cúi đầu thi lễ.

“Cháu về hồi nào đó?” Ông Hội đồng nhận ra đứa con của người bạn quá cố, lên tiếng hỏi thăm.

“Dạ thưa bác, cháu về hồi tối qua.”

“Ờ. Bác có nghe con nhỏ ở nhà nói nó thấy báo đăng tin cháu thi đậu Tú tài rồi, thật phải như vậy hôn?”

“Thưa, phải. Cháu đậu Tú tài kỳ nhất khoa này rồi.”

“Giỏi đa. Thím Ký sanh được đứa con như cháu đây thật đúng là thím có phước lắm. Bác mừng cho cháu.” Lời tỏ hân hoan song nét mặt ông Hội đồng lại chẳng có bao nhiêu mừng rỡ.

Minh Phong không lấy đó làm phiền. Anh sang đây thăm hỏi, cốt để giữ tròn lễ nghĩa với bậc trưởng bối – người anh em bạn từng rất thân thiết với cha mình – chớ nào có ý trông mong gì.

“Thưa, bác gái có ở nhà không bác?”

“Không. Bà nhà bác lên Chợ Lớn từ hôm kia rồi, bả nói sẽ ở chơi năm bảy bữa rồi mới về.”

Minh Phong xem bộ ông không mặn mà tiếp chuyện, bụng tính kiếm cớ cáo từ thì chợt thấy ở ngoài đường có một chiếc xe hơi chạy lại, dừng ngay trước cửa ngõ.

Ông Hội đồng dòm ra, trong miệng lẩm bẩm: “Ủa, xe của ai vậy kìa?”

Bên ngoài cửa xe mở rộng, kế một người đàn ông tuổi tầm ba tám bốn mươi, mặc quần đen áo xám bước xuống, xăm xăm đi vào.

“Tưởng ai, té ra thầy Bang biện đây mà.”

Ông Hội đồng bước tới chào mừng, vẻ niềm nở khác xa ban nãy, lúc Minh Phong ghé thăm.

“Anh Hội đồng, tôi được lệnh quan trên tới cho mời anh đây.” Bang biện Càn nói ngay.

Nét mặt ông Hội đồng nghiêm lại: “Sao? Quan lớn cho đòi tôi ư? Không biết có việc chi vậy thầy Bang biện?”

“Việc quan trọng, mà anh đừng có lo, lợi cho anh chớ chẳng hại gì.”

Hai người còn to nhỏ với nhau thêm vài câu nữa, nhưng vì giữ lễ nên Minh Phong đã lẳng lặng di chuyển ra xa chớ không có ý đứng nghe.

Cũng chả rõ thầy Bang biện tỏ chuyện chi mà khi ông Hội đồng Hải quay trở vô thì Minh Phong thấy nét mặt ông hăm hở lạ thường.

Ông đi thẳng vào nhà, thay quần mới, đổi áo đẹp rồi cầm theo cây dù cán tre bước ra cổng, cùng với thầy Bang biện leo lên xe hơi đi tuốt.

Minh Phong dõi mắt ngó theo, nhất thời chẳng biết phải làm sao cho thỏa. Anh đứng lóng ngóng, đương tính bỏ về thì từ trong nhà một cô thiếu nữ tuổi trạc mười bảy mười tám, mình mặc bộ đồ lụa màu thiên thanh, chân mang một đôi dép da thủng thẳng bước ra.




















































Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}