Trời hửng sáng, Roa tỉnh dậy với cơn đau âm ỉ khắp người. Anh khẽ cựa mình và nghe cả người mình đau nhức.
- Đây là nhà của anh phải không? Xin lỗi, vì mưa to quá, nhà anh lại không đóng cửa nên tôi đã vào đây trú mưa.
Giọng một người phụ nữ cất lên. Roa giật mình. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, Roa cố giương đôi mắt của mình lên nhưng đôi mắt sưng húp khiến anh không còn thấy gì được nữa.
Roa cố mở to mắt lần nữa và lờ mờ nhận ra có một người phụ nữ đứng bên liếp cửa, đang ngẩng đầu nhìn ra ngoài. Bên ngoài, cảnh núi non hùng vĩ trải ra trước mắt. Qua màn mưa trắng xóa, những rừng cây ô man cao lớn đang quay cuồng như trong một vũ điệu điên cuồng của núi rừng. Mưa vẫn ngày càng nặng hạt.
Đó là một người phụ nữ mặc một chiếc đầm dài ngang gối, bên ngoài phủ một chiếc áo khoác dài màu kem nhạt, trên cổ quấn một cái khăn choàng nhẹ có in hoa văn nhã nhặn. Đó là kiểu ăn mặc của những người thành thị. Lần đầu tiên Roa thấy một người phụ nữ ăn mặc như thế ở cái vùng heo hút này. Điều đó khiến Roa thấy thật lạ lùng. Người phụ nữ đứng giữa ánh sáng mờ đục khiến nàng trông thật kỳ ảo. "Chắc hẳn đó là do trời chưa sáng hẳn". Roa nghĩ thế. Roa bỗng dưng thấy mình thật kỳ quặc, anh đâm ra lúng túng lạ thường.
Nghe tiếng Roa trở mình, người phụ nữ quay lại. Trong bóng tối lờ mờ của căn nhà Roa không nhìn rõ gương mặt của người phụ nữ kia. Roa thấy nàng có một dáng vẻ đặc biệt kiêu kỳ khi nhón tay vén lấy chiếc váy của mình lên và nhẹ nhàng ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh. Trong bóng tối mờ ảo ấy, Roa đoán là người phụ nữ ấy đang nhìn mình.
- Anh bị đánh à?
Đó là giọng nói của một người ở vùng khác đến, không phải người ở đây. Roa đoán như vậy. Giọng nói vang lên một cách ấm áp, đầy xúc cảm, mềm mại và mượt mà một cách kỳ lạ.
Bên ngoài, qua tấm phên liếp nâng lên khỏi ô cửa, mưa vẫn rào rạt tuôn xuống như thác lũ. Người phụ nữ đến gần, hai tay định chạm vào người Roa, sờ vào những vết bầm tím trên mặt anh. Roa hốt hoảng, bối rối quay mặt đi. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, đôi mắt sưng húp của anh khiến anh không thể nhìn rõ gương mặt của người phụ nữ kia. Anh chỉ lờ mờ nhận ra đó là một người phụ nữ đã qua tuổi hai mươi. Trông dáng vẻ và cử chỉ của nàng rõ ràng nàng không phải là một cô gái trẻ và cũng không phải là một người phụ nữ đã đứng tuổi.
Roa vẫn nằm im trên giường, sự bối rối và ngượng ngùng cũng không đủ sức để kéo anh ra khỏi giường và anh cũng không thể nào mở miệng được. Đôi môi của anh thì dập nát và miệng thì cháy khô, anh định ngồi dậy nhưng không tài nào ngóc đầu lên nổi.
Bên ngoài, mưa bắt đầu ngớt và trời càng dần sáng rõ.
Người phụ nữ vẫn còn đứng yên và đang mải mê chìm đắm giữa những ngọn núi phía xa. Roa nhận ra nàng đang mặc một chiếc đầm màu đỏ rượu mà màu đỏ của nó khiến gương mặt nàng ửng hồng lên. Nàng đã cởi chiếc áo khoác và cái khăn choàng nhẹ trên cổ và vắt nó trên lưng ghế. Hai cánh tay áo của nàng phồng lên và dài đến tận cổ tay. Nàng nghiêng người, những ngón tay bám vào khung cửa, nàng tựa hẳn cả bộ ngực nặng nề vào thành cửa sổ, một lớp vải lụa màu trắng bên trong chiếc đầm màu đỏ rượu lộ ra ngoài. Chiếc đầm có thắt lưng được thắt hờ hững ngay chỗ eo khiến cho phần hông và eo nàng hơi tròn trịa và khiến bụng nàng hơi phồng lên. Chiếc đầm màu đỏ kéo dài đến nửa bắp chân để lộ bên dưới một đôi chân trắng nõn, dài và thẳng tắp. Tuy trông nàng có vẻ mảnh mai do cái vóc dáng cao ráo thì cái cổ áo tròn và khoét rộng cho thấy bờ ngực tròn trịa và đầy đặn của nàng. Tuy nhiên, hai xương quai xanh nhô ra nơi hõm ngực tạo thành một cái rãnh nơi trước ngực khiến nàng trông có vẻ gầy.
- Anh bị bệnh rồi phải không?
Nàng quay lại bảo. Nàng nhìn Roa bằng một cái nhìn đầy xúc cảm.
Roa giật bắn người khi nhận ra người phụ nữ đang đứng trước mặt mình chính là người phụ nữ đứng dưới bóng râm của cây dầu cổ thụ hôm trước trong khu trại cải tạo. Roa chắc chắn như thế bởi cái sống mũi cao một cách ngạo nghễ kia và ánh mắt nghiêm nghị ấy thì Roa không thể nào nhầm lẫn đi đâu được. Thoảng một mùi nước hoa quyến rũ từ cơ thể người phụ nữ, Roa cảm thấy người phụ nữ gần mình hơn bao giờ hết. Roa càng bối rối, ngượng ngùng hơn.
- Anh cứ nằm nghỉ đấy, tôi không làm phiền anh đâu.
Không đợi Roa kịp phản ứng, người phụ nữ nhẹ nhàng bảo và dường như không để ý tới sự bối rối đến mức độ kỳ khôi của Roa. Nàng quay mình đi, ngửng mặt nhìn lên bầu trời xám đục qua khung cửa sổ.
Roa không biết làm gì trong căn chòi trống trải của mình với một người phụ nữ giữa những cơn mưa tầm tã không dứt. Chưa bao giờ khoảng cách giữa anh với một người phụ nữ lại gần như thế này. Những năm tháng sống gần như tách biệt trên núi anh gần như không có điều kiện gần gũi với bất kỳ một người phụ nữ hay con gái nào.
Roa đã ở đây từ khi chưa kịp trưởng thành. Ông làm việc cho ông chủ Cả, người đàn ông giàu có nhất vùng, một người đàn ông ngoài sáu mươi tuổi. Ông có một ngôi nhà to trong làng cách xa chân núi hàng chục cây số nhưng ông thường ít khi ở nhà. Quanh năm, ông thường xuyên xuôi ngược khắp các tỉnh thành trong cả nước trong những chuyến đi buôn triền miên. Ông còn có vài xưởng gỗ ở vùng đồng bằng, vài trang trại chăn nuôi và trồng trọt ở các tỉnh lân cận. Ông còn có vài cửa hàng đồ gỗ tận dưới xuôi. Ông là người đàn ông tận tụy và yêu thích công việc kiếm tiền hơn bất cứ thứ gì.
Roa làm việc cho ông chủ Cả từ hồi anh còn bé xíu, anh phục tùng ông chủ Cả như một con chó phục tùng ông chủ của mình, một thứ nô lệ cả thể xác lẫn tâm hồn. Không phải vì ông ta giàu mà vì anh mang ơn ông đã từng cứu sống và cưu mang anh. Ngoài ra thì trên đời này cũng không ai có thể cưu mang anh và để anh phải mang ơn cả. Dù sao thì ông ta cũng là ân nhân vì đã cứu sống anh khỏi lũ chó hoang, nhặt anh từ vùng rừng thiêng nước độc và mang về.
Anh chỉ nghe bọn trẻ con trong làng kể lại bằng những lời đùa cay nghiệt rằng, trong một lần đi rừng, trong lúc đi cùng những kẻ đi săn tìm gỗ, ông đã trông thấy một đứa trẻ bị ai đó vứt bỏ trong rừng và lũ chó hoang đã suýt cắn nát nó. Cả cơ thể đứa bé đã tím tái và gần như bất động, nó không còn sức để khóc nữa vì nó đã khóc đến kiệt sức. Không hiểu sao, một con người chai sạn như ông lại có thể động lòng trắc ẩn và mang đứa bé về nhà để cho những người giúp việc nuôi nấng dù những người xung quanh ngăn cản và cho rằng đứa bé là một con ma rừng mà chính mẹ ruột nó vứt bỏ.
Qua bao đời người giúp việc đến rồi đi, không ai biết và nhớ chính xác Roa bao nhiêu tuổi. Anh sống lầm lũi và đơn độc như một cây dại trên đỉnh núi, cô đơn và chỉ một mình. Ông chủ gọi anh là Roa nhưng không ai hiểu Roa nghĩa là gì và cũng không ai cần biết tại sao ông ta lại gọi anh bằng cái tên đó.
Roa lớn lên nghiễm nhiên trở thành một người làm không công cho ông chủ Cả. Anh lớn lên với một nửa bên khuôn mặt đầy vết sẹo do lũ chó hoang cắn lúc bị bỏ trong rừng, một gương mặt đen sạm của những người miền núi vùng này nhưng bù lại anh lại có một thân hình rắn chắc khỏe mạnh của người miền núi. Do phải leo trèo nhiều trên những ngọn núi và trên những mỏm đá nhọn hoắc, tay chân gân guốc của anh cũng đầy những vết sẹo gớm ghiếc.
Khi Roa chưa kịp trưởng thành, chưa kịp hiểu chuyện đời thì ông chủ Cả đã mang anh lên rừng cùng với lũ bò ngày càng đông đúc và sống hàng tháng trời trên núi cùng với căn nhà sàn trống trải, với một chiếc giường, một cái bàn và vài cái ghế cũ bỏ đi. Do ít tiếp xúc với người nên Roa trở nên nhút nhát, lầm lì ít nói và gần như trầm lặng như cuộc đời lặng lẽ của anh.
Bình luận
Chưa có bình luận