Sau giờ tan tầm, Huy lái con SH mới mua về nhà trọ, sẵn ghé mua một hộp cơm về ăn. Ở một mình nên anh cũng ít nấu nướng, bếp gas trong nhà cũng chỉ mua để đó, thỉnh thoảng mới nấu nước sôi pha mì hay hâm lại đồ ăn cho nóng mà thôi. Công việc của anh thiên về sự sáng tạo cho nên dùng đầu óc khá nhiều, vì vậy nên anh cũng rất lười vận động tay chân, mà mua cơm thì nhanh hơn nấu rất nhiều.
Trong khi chờ cơm của mình thì anh thấy một bóng dáng nhỏ bé đang đi trên vỉa hè, thằng nhỏ gầy nhom, làm da đen nhẻm chắc vì dang nắng cầm trong tay một xấp vé số dày. Anh không chơi vé số, nhưng nhiều khi thấy tội nghiệp nên cũng mua giúp người ta vài tờ. Thế là anh vẫy tay ngoắc thằng nhỏ:
“Nè, bán cho anh tờ vé số coi!”
“Dạ, còn mấy tờ đây, anh lựa đi.” Thằng nhỏ vui vẻ chạy lại đưa anh xấp giấy, mắt lấp lánh chờ đợi nhìn anh.
Huy nhìn nó, nhỏ như vậy đã phải vất vả mưu sinh, một chút cảm giác xót xa dâng lên dưới đáy lòng. Nhưng anh chỉ thở dài, thằng nhỏ cười rất tươi, chờ đợi anh lựa vé số.
“Anh hỏi thiệt nhá, sao em nghỉ học đi bán vé số vậy?” Anh bâng quơ hỏi, dù biết cũng không giúp được gì hơn.
“Dạ, tại vì nghèo đó anh.” Nó đáp gọn ơ, mặt tỉnh rụi chắc cũng bị hỏi vài lần thành ra nó quen mà trả lời nhanh nhảu.
Anh nhìn thằng nhỏ trạc tuổi em mình mà lắc đầu, tay thì đếm một hơi mười mấy tờ vé số, trong mắt thằng nhỏ hiện rõ nét vui sướng. Lạc quan như nó vậy mà cuộc sống cũng dễ dàng hơn chăng?
“Em muốn đi học không?” Một chút đồng cảm làm anh nói lên nỗi lòng, dù thực sự đó chỉ là ý nghĩ thoáng qua mà thôi.
“Dạ muốn chứ, cơ mà em là trẻ mồ côi, ai đâu lại cho tiền em học.” Nó lấy lại xấp vé anh đã lựa xong, chờ anh đưa tiền mà đáp.
“Đi theo anh đi, anh nuôi.” Hình như anh cũng không ngại nuôi thêm một miệng ăn.
Thằng nhỏ cứ tưởng anh đùa mà cười đáp trả.
“Thôi ạ, em bán vé số là được rồi, nghe nói học hành cũng đau đầu lắm.”
Anh xoa đầu nó rồi móc ví ra tờ năm trăm trả tiền vé số. Thằng nhỏ lúng túng nhìn tờ tiền rồi nhìn anh.
“Anh không có tiền lẻ ạ?” Thấy anh lắc đầu, nó lại nói: “Vậy...anh đợi em đi đổi tiền lẻ được không? Em không...”
“Được rồi, không cần thối. Em giữ lấy mua đồ ăn.” Nhìn nó lúng túng, anh hào phóng nói. Chút tiền đó đối với một người độc thân khỏe mạnh như anh thì có là gì, nhưng với một đứa trẻ vất vả mưu sinh thì lại rất lớn.
“Không đâu ạ, em không lấy tiền của anh được.”
Thằng nhỏ nhất quyết trả lại tiền thối, sợ anh đi mất mà muốn nắm lấy góc áo anh nhưng không dám, nó đành chạy vội sang đường để đổi tiền, khi quay lại anh đã đi mất rồi. Nó ủ rũ nhìn mấy tờ bạc trăm trên tay rồi lặng lẽ cất vào túi.
***
Mấy bữa sau nó lang thang đến đoạn đường cũ, một bóng dáng quen mắt làm nó ngừng bước chân. Vội chạy đến bên cạnh người thanh niên mặc sơ mi trắng, anh đang chuẩn bị lên xe rời đi thì một đứa bé tay chân gầy còm, quần áo hơi bẩn chạy đến hô to:
“Anh ơi, anh gì ơi! Đợi... đợi em với....” Vừa chạy nó vừa thở phì phò, đến cạnh chỗ anh đứng thằng nhỏ đã thở không ra hơi.
Nó run run móc mấy tờ xanh xanh trong túi quần cũ kỹ, dùng cả hai tay mà đưa đến trước mặt anh. Huy ngơ ngác nhìn thằng nhỏ bán vé số hôm nào, nó trả anh đúng ba trăm bốn mươi ngàn tiền thối hôm anh mua mười sáu tờ vé số. Gương mặt nó đỏ ửng không biết vì xấu hổ hay vì khó thở, anh cười:
“Anh có bán gì đâu mà em đưa tiền?”
“Không, đây là tiền thối, hôm bữa anh có mua vé số của em, mà em đổi tiền về thì anh đi mất rồi nên em giữ lại.” Nó bối rối nói, mấy tờ tiền trên tay vẫn đưa về phía anh, rất cương quyết muốn anh nhận lại. Mẹ nó từng dạy, dù nghèo cũng không được tham của không phải mình làm ra.
“Anh đâu có đưa thừa tiền. Anh cho em mà.”
Huy xoa đầu thằng nhỏ làm nó ngượng đỏ mặt lí nhí trả lời:
“Em... em không nhận đâu. Anh cũng vất vả đi làm mới có tiền mà.”
“Em về ở với anh nhá?” Chưa để nó nói hết câu anh đã ngồi xuống đối mặt với nó mà từ tốn hỏi. Thằng nhỏ mặt mày lem luốc toàn đất cát, nhìn sơ qua cái thân hình nhỏ bé, gầy yếu này anh đoán nó chỉ mới bảy tám tuổi. Khi thằng bé còn đang ngạc nhiên nhìn mình, anh hỏi:
“Em bao nhiêu tuổi rồi?”
“Dạ... hai năm trước mẹ nói em mười hai, vậy thêm hai năm nữa... a, là mười bốn. Em mười bốn tuổi.” Nó chưa kịp nghĩ ngợi gì đã theo quán tính trả lời câu hỏi của anh. Tay vẫn cầm tiền mà anh chưa nhận lại, thấy anh ngồi xuống, nó dúi vội mấy tấm giấy bạc vào túi áo anh, anh cũng không bắt nó lấy nữa.
Huy ngạc nhiên nhìn nó, nhìn tay chân khẳng khiu chẳng có chút thịt nào, người thì nhỏ nào giống dáng vẻ của một đứa trẻ đã bắt đầu dậy thì. Nhìn xuống bàn chân be bé đi đôi dép mòn cả đế mà vẫn chưa chịu bỏ làm lòng anh chợt chua xót.
Năm ngoái em trai anh vì ung thư mà qua đời, khi đó em trai cũng vừa mười bốn tuổi. Thân hình em vì xạ trị còn gầy hơn cả thằng bé này, nhưng vì được ba mẹ thương yêu nên trông em trai anh sạch sẽ hơn nó, lúc ra đi còn thanh thản nở nụ cười.
Anh đưa tay lau đi giọt mồ hôi trên trán nó, một lần nữa cười nói:
“Theo anh về nhà nhé? Anh nuôi em.”
Thằng nhỏ nhìn anh cười mà méo cả mặt, hai mắt nó đỏ lên vì xúc động. Lần đầu tiên sau từng ấy năm trời mới có người nói muốn nuôi nó.
Mẹ nó một mình nuôi con, vì đôi chân tật nguyền mà phải kéo nó theo bán từng tờ vé số kiếm sống qua ngày. Nhà không có thì đành ở tạm gầm cầu hay khu chợ vãn. Giấy báo làm chăn, ánh đèn đường làm bạn, chưa một ai kể cả mẹ, nói với nó rằng sẽ nuôi nó. Cái nó nhận được chỉ là phải dựa vào bản thân, trên đời không ai cho không ai cái gì. Bây giờ có người lại chân thành nói muốn nuôi nó, nước mắt nó không cầm được mà chảy rồi, mẹ ơi, trên đời còn người tốt phải không mẹ?
Anh giúp nó lau những giọt nước mắt đang rơi, rồi ôm nó vào lòng vỗ lưng an ủi. Lại cầm lấy xấp vé số còn dư trên tay nó, khẽ nói:
“Dẫn anh đi trả vé nào, rồi về nhà tắm rửa thay đồ nhé!” Rồi như nhớ ra điều gì, anh quay qua hỏi: “Em tên gì nhỉ?”
Nó gật đầu trong vui sướng, đáp:
“Em tên Tèo.”
“Sau này đi học thì kêu là Nhật nhé?” Anh lên xe, ra hiệu biểu nó trèo lên đằng sau, vừa nói. Nếu muốn nó đi học đàng hoàng, anh nghĩ nó cũng cần có một cái tên đẹp. Thằng nhỏ có vẻ cũng thích cái tên này, nó dạ ran rồi trèo lên sau con xe SH cao ngồng của anh mà níu lấy góc áo người ngồi trước. Anh cười cười vòng tay nó qua hông mình, nói: “Ôm chắc vào kẻo ngã.”
Chiếc xe vút đi giữa dòng người vội vã, một mảnh đời lay lắt được chở che.
Bình luận
Chưa có bình luận