những ngày nhiều ánh sáng, 2050
Khi Cơ quan tổ chức họp báo vào tháng Giêng năm sau, có cảm giác như một trận bão lớn đang quét qua Trái đất. Tất cả các phóng viên tham dự đều thảng thốt. Còn hơn cả lúc vừa phát hiện tín hiệu của Voyager Một, những cơn sóng thông tin mãnh liệt vỗ vào mọi bến bờ ở hầu như tất cả các quốc gia. Kẻ hy vọng lại càng thêm nuôi những hy vọng hoang đường, như tàu Enterprise hay các hiệp sĩ Jedi cầm gươm ánh sáng sắp sửa xuất hiện từ trên trời cao. Kẻ hoài nghi tiếp tục chìm sâu trong nỗi ngờ vực rằng Trái đất sắp sửa bị người ngoài hành tinh xâm chiếm. Trong vài tháng, các nhóm phòng vệ ngày tận thế bỗng dưng sinh sôi như virus. Còn giới truyền thông chưa bao giờ ưa chuộng ngành khoa học vũ trụ và vật lý lý thuyết đến vậy kể từ thời Apollo lên Mặt trăng. Tất cả mọi thông cáo của Cơ quan đều dễ dàng lên tin nóng trong ngày, với rất nhiều bài diễn giải theo sau để phổ cập kiến thức du hành qua không - thời gian đến công chúng phổ thông nhất.
Còn ở Trung tâm, ảnh hưởng xảy đến theo một kiểu khác, không ồn ào như ngoài kia. Thoạt nhìn mọi thứ cơ hồ vẫn diễn ra như thường lệ. Nhưng ai cũng hiểu rõ rằng khối lượng công việc của nhóm Voyager bây giờ còn nhiều hơn lúc trước. Những kiến thức thu hái được từ phi thuyền đều được đào sâu trong hàng loạt các phòng thí nghiệm, được chia sẻ với các cơ quan vũ trụ trên khắp Địa cầu. Các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới đăng ký đến Trung tâm để tham quan và tìm hiểu với số lượng gấp ba, bốn lần bình thường. Các mẫu thử, bản phân tích và lý thuyết tạo dựng lớp vật liệu lượng tử trên Voyager trở thành đối tượng nghiên cứu ứng dụng nổi tiếng nhất trong năm đó và có thể là nhiều năm tiếp theo. Nhóm được mời lên truyền hình liên tục để nói về những điều họ phát hiện, và trăm lần như một, đài nào cũng hỏi, “Các bạn có chắc chắn họ không xâm lược chúng ta không?”
“Chúng tôi gọi nơi ấy là Nausicaa. Và, đúng rồi, nếu người ta đã tốn bao nhiêu công sức để chữa lành cho một phi thuyền xa lạ, gửi nó về nhà an toàn bằng công nghệ tối tân chứ không phải cử một hạm đội Stormtrooper, thì tôi nghĩ họ chẳng có ác ý gì đâu.”
Trịnh hay thoáng nhìn thấy tất cả những đoạn phỏng vấn ấy trên tivi trong sảnh sinh hoạt chung của khoa ở trường đại học, nơi anh trở về để triển khai đề tài tiến sĩ của mình và dành nhiều thời gian trò chuyện với các thầy cô, những giáo sư uyên bác đã dành hầu như trọn đời để đi tìm cho mình dấu tích của điểm kỳ dị và chiếc cầu Einstein - Rosen. Trịnh gửi cho các thầy cô tất cả thông tin mình có được từ Trung tâm, ngồi cùng họ bên những chồng tư liệu dày và trà nóng luôn được pha mới mỗi đầu buổi, rồi phát hiện ra mình có thêm một niềm vui nữa: ấy là chứng kiến những mái đầu lấm tấm bạc hết gật gù lại đung đưa, những chuỗi tư duy uyên thâm cứ qua mỗi ngày đều chạm đến một chiều sâu mới về một giả thuyết chung cho sự du hành qua lỗ sâu , với một nguồn năng lượng tràn dâng, tươi mới, vượt xa khỏi vướng bận tuổi tác hay giới hạn không gian.
Các thầy các cô hỏi Trịnh liệu có thể lấy được dữ liệu quan sát vùng rìa hệ mặt trời trong thời gian Voyager mất tín hiệu hay không? Nếu lỗ sâu xuất hiện, dẫu chỉ trong một phần vạn của giây, thì ắt hẳn phải có gì đó làm tin. Một sóng trọng lực nhỏ chẳng hạn. Tất nhiên sẽ vô cùng yếu ớt và dễ nhầm lẫn với một dao động nào đó của các tiểu hành tinh, song chắc chắn là phải có.
“Dựa trên đó, các thầy cô sẽ có thể cùng con hoàn thiện phương trình mà Einstein đã mở ra hơn hai trăm năm trước.”
-
Cùng trong chuỗi tương tác ấy, JW Kim bỗng có ý tưởng, hay là cứ hỏi tất cả mọi người rằng có ai nghe ra từ trong đoạn ghi âm của Nausicaa có gì lạ, hay có cách giải mã nào hay hơn các chuyên gia của Cơ quan hay không?
Khi anh nói “tất cả mọi người”, anh thực sự cho rằng như thế, là tất cả các mạng xã hội lớn bé, các hãng thu âm, các cộng đồng ca sĩ nhạc sĩ, các nhà sản xuất, các hãng đĩa, các khán giả hay vẽ ra những điều viển vông nhất từ một câu hát vu vơ.
Ngày 22 tháng Bảy, một bài viết xuất hiện trên những mạng xã hội đông người dùng nhất:
“Xin chào, JW Kim của nhóm Voyager đây. Chúng tôi đã đi gần một vòng quanh mặt trời mà chưa hiểu đoạn ghi âm mà phi thuyền đưa về là gì. Nếu bạn có bất cứ manh mối nào xin vui lòng gửi lại. Ngoài phần thưởng của NASA, tôi còn có thể dẫn bạn đến làm quen tất cả mọi người trong nhóm, miễn là bạn không thất vọng vì chúng tôi trông cũng bình thường, không ngầu như bạn tưởng. Và chúng tôi sẽ cảm ơn bạn bằng tất cả tâm tư.”
Trong mấy ngày đầu tiên, tin nhắn của Wanja lan truyền chóng mặt, nhận được cả trăm ngàn phản ứng, hồi đáp và chuyển tiếp trên mạng toàn cầu. Các nhân viên ở Trung tâm thường thấy anh ngồi lại rất muộn mỗi ngày, cố đọc qua bằng hết các hồi âm. Phần lớn là động viên, một số không ít là những thuyết âm mưu hài hước nhất. Nhưng không có một dấu vết nào khả dĩ đáng để anh theo đuổi. Có phải anh đã sai khi cho rằng đâu đó trong đoạn ghi âm từ Nausicaa là một thanh âm mà đâu đó trên Địa cầu này đã có người nghe qua hay không? Nếu đó hoàn toàn là những âm thanh hoàn toàn mới, thì qua những lao xao gió thổi và đing đang chuông ngân, Nausicaa muốn nói gì?
Tháng Tám, thông điệp của Wanja lắng xuống, phản ứng trên mạng cũng ít dần qua mỗi tuần. Tháng Chín, anh thôi kiểm tra hòm thư thường xuyên, cho đến chiều ngày 24, hòm thư của anh báo có tin nhắn mới, lại đánh đấu “quan trọng”.
“Gửi anh JW Kim,
Tôi là Apple, nhân viên phòng tư liệu của hãng thu âm Warner Music. Tôi đã nghe đi nghe lại đoạn ghi âm, và dường như có một chuỗi các hợp âm mà tôi cảm thấy có phần quen thuộc… Tôi cũng không chắc lắm, nhưng mong các anh tìm hiểu thêm về bản thu âm bài Fix You của ban nhạc Coldplay, từng phát hành nhạc với hãng chúng tôi và rất nổi tiếng hồi đầu thế kỷ này. Tôi xin gửi bản nhạc ở đây và xin chúc may mắn.”
Năm ngày sau, với hơn một trăm lần nghe Fix You đã trôi qua, Wanja viết lại:
“Cảm ơn Apple rất nhiều. Hôm nhận được thư của bạn, tôi đã luôn tự hỏi vì sao đến hôm nay mới tìm thấy Fix You vì bản nhạc tuyệt đẹp. Tôi đã nghe rất kỹ bản nhạc và cũng đã nhờ các kỹ sư âm thanh của chương trình Voyager chạy thử các bản phân tích. Nhất trí với bạn một điều: hiện tại chưa có gì chắc chắn cả. Phần âm thanh tựa như tiếng chuông từ Nausicaa không nằm trong đĩa đơn này của Coldplay. Tuy nhiên nhóm chúng tôi nhận thấy một điều, những tiếng chuông tựa hồ được sắp xếp theo một vòng hòa âm có tính tương hợp khá cao với đoạn điệp khúc của bản nhạc.
Ý nghĩ có ai đó ở ngoài chúng ta nghe được âm nhạc đến từ Trái đất chừng như rất khó tin. Dẫu vậy, bản thân sự trở về của Voyager Một đã khiến cho lòng tin của chúng tôi mở rộng vượt xa giới hạn của sự hoang đường. Trong vũ trụ này, bất cứ điều gì đều là khả dĩ.
Nếu bạn có thêm phát hiện mới, hãy gửi đến. Nhóm chúng tôi hy vọng vào tin tốt lành.”
Thêm hai tuần nữa, hòm thư của JW mới báo thư có thêm một hồi âm của Apple. Anh nhìn màn hình máy tính chăm chú, hít thật sâu, bỗng cảm giác điều mà anh chờ đợi bấy lâu, sắp đến.
“Anh JW,
Điều anh nói làm tôi nghĩ đến một ý tưởng… Áng chừng hơi điên, nhưng thôi kệ.
Tôi đã hỏi tất cả mọi người tôi biết trong ngành về mọi bản remix của Fix You kể từ 2001 đến nay. Khoảng hơn 100 bài có sử dụng âm giả lập tiếng chuông gió. Toàn bộ đã được đăng lên một thư viện chung và anh có thể truy cập ở liên kết trong thư này.
Chúc mọi người an lành và may mắn.”
-
Trịnh luôn từ chối nhận mình là một người uyên thâm thú vị.
Có những lúc không phải chú tâm vào điều gì, như lúc vừa thức giấc và cơn buồn ngủ còn chưa rút đi, Trịnh nghĩ trừ các nghiên cứu ra, quả tình anh là một người giản đơn đến nhàm chán. Có rất nhiều nhà vật lý kiệt xuất trên thế giới và anh cũng không dám tự nhận mình hơn ai. Anh cũng càng không ưa nhìn, lịch lãm, dày dạn hay có đủ của cải để mua những niềm vui phong phú.
Điều anh nghĩ còn giữ mình lại ở đây, đi về giữa các trung tâm nghiên cứu và các đài quan sát, ấy là bởi lẽ anh còn muốn chạm tay vào một viễn ảnh, hỏi vì sao cậu cứ ở đó, trong những cơn mơ, hay những khi tôi lơ đãng giữa ánh sáng ban ngày?
Ở viễn ảnh ấy, thoạt tiên mọi thứ đều tối đen và tuyệt đối lạnh lẽo.
Trong miền tăm tối rộng lớn vô cùng ấy, thi thoảng Trịnh sẽ cảm thấy có một hình hài thân quen ẩn hiện. Cứ như một người bạn cũ đã nói lời từ biệt từ ngày anh chưa mở mắt, chu du đến một nơi xa đến nao núng cõi lòng, rồi bất giác, khi anh không hề để ý, đã níu lấy anh như muốn nói: hãy đợi mình về.
Trịnh luôn muốn hỏi, vì sao cậu lại tìm đến tôi.
Nhưng chưa bao giờ có một lời giải đáp. Chỉ là, đợi mình về nhà nhé.
Hay ngẫu nhiên, cậu ấy không phải lửng lơ trôi trong bóng đêm cùng tận, mà đang ở nơi nào đó phủ vây trong những cơn gió xoắn nhau không dứt.
Nơi ấy, bầu trời có màu xám bạc chứ không xanh như ở nhà. Từ tầm mắt nhìn ra, đâu đâu cũng khô rang màu cam đỏ. Xa xôi kia, những hình thù sồ sề in lên thiên cầu, nom như những ngọn núi. Còn nơi đây tựa hồ như ở giữa một thung lũng không biết dài rộng bao nhiêu, mà gió lùa xuống rì rầm mãi không ngừng nghỉ.
Bỗng dưng Trịnh nhớ nhà.
Mà nhà là ở nơi đâu? Vẫn còn hay đã mất hút trong bụi mờ? Ta ở đây đã lâu quá, không còn nhận rõ được điều gì rõ rệt. Kẻ đi hoang dẫu có đủ mọi tiện nghi tốt nhất thế gian, dẫu đã ghé thăm bao nhiêu miền xa lạ, mà đến lúc mỏi gối chồn chân, khi dừng lại thì chừng như đã đi xa đến mức chuyện trở về là một điều quá đỗi khó khăn.
Nhưng ta có thể chữa lành cho cậu, một kẻ đi lạc khác. Tội chưa kìa, vừa đi qua cánh cổng đã vỡ nát thành trăm mảnh. À phải, đây rồi, những bức ảnh. Ta đã thấy “nhà” của cậu, nằm ở một hệ có chín tinh cầu quay quanh một ngôi sao ấm, ở gần hai viên ngọc xoay nhanh như bông vụ, cách thung lũng này một chiếc cầu chênh chao. Ở nơi ấy có cảnh quan rực rỡ, và các sinh mệnh trìu mến nhìn nhau.
Bên kia chiếc cầu ấy, nơi nhà của cậu, có phải cũng đã gửi âm thanh này đến đây không? Chuỗi ting tang ting tang cùng giọng ngâm nga chân thành ấy đã phải đi bao xa mới đến được nơi ta nương náu? Mà đến đây đã không còn trọn vẹn. Dẫu vậy, lại hợp với gió thổi miên man ở nơi này đến mức ta cứ muốn giữ mãi cho riêng mình. Nhìn xem, ta còn rèn những chiếc ống, treo đầu ngọn gió cho ting tang cùng nhau, để nơi trú ngụ bớt buồn đi một chút.
Ôi bé con, cậu mang gì rực sáng theo mình đấy? Các cậu gọi đó là gì nhỉ? Những rung động truyền đi trong khí quyển, chạm đến cõi lòng, nhen nhóm trong đó những ảo ảnh xa xôi. Có dòng chảy nào lung linh trong trẻo, có tiếng thì thầm nào đau xót mênh mang, có nhịp thắt lại, có nhịp dịu dàng. Có rất nhiều đoạn ngắn vui tai, áng chừng là cùng một thông điệp.
Ta nghĩ là một lời chào.
Ừ thì chào nhé, để ta chữa lành cho cậu bằng tất cả những gì mà ta có. Cậu sẽ có thể đi được nhanh hơn và an toàn hơn qua chiếc cầu hiểm nguy ấy, để một lần nữa được trở về nhà.
Và cậu nhỏ, hẳn là hơi đường đột, song những âm thanh đẹp đẽ ấy có thể nào gửi thêm đến xứ sở cô đơn này hay không?
Bởi cậu nghe xem, ting tang ting tang, thật khuây khỏa biết bao.
Bình luận
Chưa có bình luận