cuối thu, 2049
Tháng Mười Một, mùa bão vừa đi qua nơi này. Mặt biển ở ngoài khơi ngả màu hơi xám, chuẩn bị đón những ngày trở lạnh sắp tới. Thiếu tá luôn nghĩ đây là mùa dễ chịu nhất trong một năm: các kỹ sư và nhà khoa học ở Trung tâm đều bắt đầu mặc áo len, áo khoác vải tuýt dày, đi qua đi lại giữa những phòng thí nghiệm với cốc nước nóng trên tay, nói chuyện tinh vân, thiên hà và các hệ hành tinh trong hơi thở bắt đầu nhả khói, nhìn kiểu gì cũng thấy giống như đang ở giữa một ngôi nhà thật rộng.
Năm nay thì có hơi đặc biệt hơn một chút, vì những lời bàn tán râm ran khắp các ngõ ngách, những cái vỗ vai mà Nhóm Voyager cứ hay bất thình lình nhận được khi đang đi từ phòng thí nghiệm này sang phòng tư liệu khác, từ cả những nhân vật kỳ cựu nhất cho đến những cô cậu thực tập sinh trẻ măng, rạng rỡ, luôn chực chờ câu hỏi trên môi: “Anh Kim, thực ạ? Có một thông điệp từ hành tinh khác gửi đến chúng ta ạ?”
Hay, “Cậu Eno có muốn nhận thêm chuyên viên vào nhóm phân tích bộ nhớ không? Cái khả năng rằng Voyager đã hư hỏng nặng, rồi được chữa lành, rồi được gửi về nhà… Chà, hẳn là có nhiều việc phải tìm hiểu lắm, ví dụ như bằng cách nào mà họ tăng tốc con tàu để một hành trình năm mươi năm lúc đi chỉ còn mười bốn năm lúc về… Hay là vì sao trong bảy năm chúng ta hoàn toàn mất dấu phi thuyền. Đấy, chừng đó người trong tổ sao làm xuể, cậu nhận thêm tôi đi?”
Thiếu tá nghe chuyện chỉ cười, sờ cằm râu ria xám, nói với bốn người còn lại, “Các cô các cậu muốn lấy thêm bao nhiêu người, miễn Ban Giám đốc Trung tâm không phàn nàn thì tôi nhận tất. Mà hỏi nhiều thế thì khi nào chúng ta mới đủ thời gian để nghiên cứu cho xong hả?”
Cười là cười vậy, nhưng đến người dày dạn như Tom cũng cảm thấy hơi bất an. Trong nhiều ngày liền, ông tập trung mọi dữ liệu của các thành viên còn lại, đọc kỹ từng thông số, cố gắng để bản thân đừng tưởng tượng quá mức. Thiếu tá gửi mẫu và kết quả kiểm nghiệm sơ bộ về vật liệu phủ trên bề mặt Voyager Một đến tất cả các viện nghiên cứu giỏi nhất, để rồi thu về kết luận gần như là tương đồng xuyên suốt, rằng lớp phủ tinh vi ở cấp độ hạ nguyên tử của Voyager Một có tính liên kết và phản ứng cực nhạy, gần như là chuỗi thần kinh của một bộ nhớ trung tâm. Các hạt phủ như một lớp màng bảo vệ, để với các tương tác lượng tử có thể giúp việc tái tạo các hư hỏng vật lý diễn ra một cách nhanh chóng. Khi Voyager Một được phóng đi, công nghệ của thế kỷ trước không thể nào có được một lớp vật liệu tinh vi như vậy. Các giáo sư giỏi nhất về vật liệu lượng tử cũng không thôi choán ngợp, rằng nếu chúng ta tự phát triển lớp vật liệu này thì có thể mất thêm ít nhất là bảy, tám mươi năm.
Dữ liệu từ Peter và Lucy chỉ càng đắp thêm một lớp khẳng định vào tính hoang đường. Tổ của Peter dành hơn bốn tháng để phá những lớp bảo mật siêu phức tạp ở tận sâu trong bộ nhớ của Voyager Một, để phát hiện ra rằng trong các năm từ ba mươi đến ba lăm theo thời gian Trái đất, Voyager Một đã bị hỏng nặng, gần như nát thành các mảnh vụn và được lắp ghép lại lần nữa. Mỗi một công đoạn đều được thực hiện một cách thận trọng và cầu toàn tuyệt đối. Peter thi thoảng lại bật cười, cảm thấy sao mà kẻ lạ mặt này lại giống mình quá, mỗi lần làm cái gì đều cứ phải thử đi thử lại, mỗi một chi tiết đều phải nằm ở vị trí chính xác, bất di bất dịch, mỗi một đường đi nước bước đều gửi gắm sự chuyên chú khó lòng chia sẻ cùng ai. Tận tụy như vậy mà lại dường như không muốn cho ai biết, cũng không cần thiết phải bày tỏ, nên đành giấu thật sâu trong hạt nhân dữ liệu, rồi lại bao bên ngoài là tầng tầng những lớp mã hóa. Mỗi một lần bẻ khóa xong, Peter lại thấy mình bước được thêm một bước, lưng chừng thôi, nhưng cũng là đến gần tâm tư ấy thêm một chút.
Ai đó, ở nơi nào đó, nhọc lòng như vậy chỉ để gửi một vật thể xa lạ trở về nhà nguyên vẹn. Họ muốn nói gì?
Về chuyện nói năng và gửi gắm, JW tách phần âm thanh đã bị thay đổi trong bản Đêm thăm thẳm sâu của Đĩa vàng thành một bản ghi âm riêng. Anh gọi thêm một số kỹ sư âm thanh đến giúp, lọc qua nhiều tầng nhiễu, nghe đi nghe lại từng tiếng động nối nhau, tựa hồ một giai điệu, lại tựa hồ không có một quy luật nào cụ thể, mà chỉ như những hơi gió thổi qua một nơi hoang vắng, qua những ting tang ting tang tản mát kiểu arppegio mà Wanja cứ mãi nghĩ sao mà gần với tiếng chuông kêu.
Đến đây thì lý trí và hoài nghi nhất cả nhóm là Thiếu tá cũng không thể chối từ. Trong những khoảng nghỉ ngắn ngủi, ông bước ra ban công, bỏ một viên kẹo cam vào miệng như một cách giữ mình đừng hút thuốc lá. Khi mùi cam lan ra, Tom thấy như mình đang ở những điều viển vông nhất, như một phép màu dần dần trở thành sự thực, nhưng vẫn chối từ không cho ông biết lý do.
-
Ngay trước Giáng sinh và chỉ còn cách buổi báo cáo với Cơ quan chưa đến hai tuần, cả năm người cùng ngồi trước tấm bảng đen kiểu thế kỷ trước, một sở thích chung hơi khác thường của cả nhóm. Trên bảng là chi chít các công thức mà Trịnh hệ thống hóa, từ nghiên cứu vật liệu phủ của Thiếu tá, từ dữ liệu trong bộ nhớ trung tâm mà Peter lấy ra, ghi những dòng chữ “tiếng gió” và “chuông kêu” ở một góc theo hướng dẫn của Wanja.
Trịnh đằng hắng, rồi bắt đầu:
“Mọi người đều biết, mình muốn tham gia nhóm để bởi vì luận án nghiên cứu của mình về du hành liên sao, và Voyager Một là vật thể duy nhất từ Trái đất đã đi được rất xa và trở về với rất nhiều câu hỏi. Phi thuyền đã đi đến đâu, vì sao lại mất tín hiệu trong bảy năm? Trong năm trên bảy năm đó, nó đã đáp xuống nơi nào và đã được ai sửa chữa? Vì sao họ phải làm một cách chú tâm đến vậy? Bằng cách nào họ có thể gửi Voyager trở về với hình dạng nguyên vẹn và cấu trúc được nâng cao tuyệt diệu? Nếu như đoạn ghi âm ở Đĩa vàng là có chủ ý, thì họ đã gửi lại gì cho chúng ta?”
“Mình đã đọc tất cả những tài liệu về vật liệu phủ từ nhóm chú Tom, rằng ngoại trừ công năng bảo vệ, lớp vật liệu hạ nguyên tử ấy còn có thể bám vào các lớp vật chất bên dưới, ghi nhận cấu trúc, truyền về một bộ nhớ chủ và giúp tái tạo từ thiết kế gốc của cấu trúc đến tận cấp độ hạt cơ bản. Mình cũng đã nói chuyện với chị Lucy và anh Peter về bộ nhớ trung tâm của Voyager Một. Peter, anh nói Voyager một đã được lắp thêm một máy tính lượng tử phải không?”
Tôi điềm đạm nhìn lại sổ ghi chú của mình, rồi tiếp lời, “Phải. Về phần nguyên do… nếu kết nối với dữ liệu của Thiếu tá, tôi nghĩ chúng ta có thể tin rằng phần được lắp thêm có vai trò như một bộ nhớ gốc, ghi nhớ tất cả cấu trúc của phi thuyền. Mọi người ạ, cảm giác rằng có ai đó đã đi xa hơn chúng ta về công nghệ như vậy thực khiến tôi choáng váng. Những thứ họ thêm vào Voyager Một, nếu tất cả những người giỏi nhất trên Trái đất tự phát triển thì ít nhất cũng phải thêm gần một thế kỷ nữa.”
“Tôi nghĩ là hơn thế đấy… Phải vài thế kỷ, hay cả ngàn năm.” Trịnh tiếp lời một cách ngập ngừng, nhưng biết đâu anh đúng.
“Tôi nghĩ Voyager đã đi qua một lỗ sâu.”
Phòng họp bỗng im lặng lạ thường.
“… Hơn hai thế kỷ kể từ khái niệm cầu Eintsein - Rosen ra đời, tất cả các nhà thiên văn đều mong ngóng tìm thấy nó, tất cả các nhà vật lý đều đã từng ít nhất một lần cố truy tìm lời giải cho sự ổn định của lỗ sâu. Phương trình ấy chưa có nhà vật lý nào của Trái đất giải ra trong vòng hai trăm năm qua. Nhưng biết đâu, lời giải thật không nằm ở đấy?”
Lucy nói, gần như thì thầm: “Cậu đang nói đến…”
“Đúng rồi, chị Lucy. Cầu Einstein - Rosen không ổn định, vật chất đi qua đều rất dễ sụp đổ. Nhưng nếu cứ đi vào và vỡ nát, rồi lại tự tái tạo từ một nhóm hạt gốc thì sao? Chúng ta phải mất bao lâu để mơ đến điều ấy, chứ đừng nói là phát triển được công nghệ cho phép điều đó?”
Thiếu tá đứng dậy, bước đến nhìn tấm bảng chi chít thông tin, lại nhìn sang Trịnh và những người còn lại. Ông gãi gãi mái đầu hoa râm, nhắm mắt. Từ bóng tối trước mặt, thời gian xoay chuyển. Vào một ngày mà phần lớn nhân loại đều đã lãng quên, kẻ lữ hành từ Trái đất đã lỡ rơi vào một miệng hố hiểm nguy và bất ổn, hỏng hóc đến phát thương, rồi được đón lấy, sửa chữa, bảo bọc bằng một khả năng phi thường và sự chăm chút đáng kinh ngạc, rồi được gửi lại theo địa chỉ đọc được từ trên mặt Đĩa vàng. Trên đường trở lại, Voyager vỡ òa thành đại dương cát hạt, hạt vỡ tiếp những lõi lượng tử dao động dữ dội trong đường hầm nối kết những vùng không gian và thời gian khác nhau. Ra khỏi đó, Voyager lại tự tái tạo dựa trên một mẩu thông tin nén chặt của nhóm hạt gốc li ti, lại trở về vẹn nguyên là chính nó, rồi hướng về “nhà”, nhìn từ ngoài rìa thái dương hệ như một hạt bụi lửng lơ trong một tia nắng.
Lúc Tom mở mắt ra, tất cả mọi người nhìn thấy trong đôi mắt già dặn của thiếu tá nhen nhóm những đốm lân tinh dí dỏm.
“Các cô cậu, tôi nghĩ chúng ta sắp có bạn… Mất công mất sức như vậy chỉ để gửi thêm một đoạn âm thanh kỳ lạ về cho chúng ta chứ không phải là một hạm đội quái vật không gian, thì hẳn là không muốn thôn tính Trái đất đâu…”
“À thì họ đã có lòng gửi Voyager Một về nhà, ta cũng không nên để họ cô đơn mãi được…”
“Nausicaa.” Wanja đáp lời, “Cháu đặt tên đoạn ghi âm ấy là Nausicaa. Như trong bộ phim của Hayao Miyazaki. Và cũng biết rằng lúc đoạn ấy được thêm vào là khoảng năm 2030 ở đây, cũng trùng hợp với hành trình mà Peter đã tìm thấy…”
“Ừm. Ta sẽ không để Nausicaa cô đơn mãi. Bọn mình sẽ cố gắng giải thông điệp họ đã gửi về, và tìm thấy họ.”
“Kỳ lạ một nỗi là đoạn âm thanh ấy cứ như là một loại âm nhạc nào đó, phải không Wanja?” Peter hỏi dò.
Lucy cười dí dỏm, giả bộ vuốt một bộ râu bạc tưởng tượng “Ôi, âm nhạc. Điều nhiệm màu nhất ta có thể tìm thấy nơi đây.”
Bình luận
Chưa có bình luận