cuối hạ, 2049
Mãi về sau, khi tất cả chỉ còn là chuyện kể, vẫn còn có người ở Cơ quan nói rằng những ngày tháng có nhóm Voyager luôn là một trong những điều kỳ diệu nhất mà Cơ quan từng biết đến. Mà nhắc đến nhóm, tức không chỉ Voyager những năm 1970-1990 với Carl Sagan ngâm nga Đốm Xanh Mờ, mà còn là Voyager của những năm giữa thế kỷ hai mốt, với “Thiếu tá” Thomas Jones, Peter Eno, Khang Trịnh, JW “Wanja” Kim, Lucy D. Winston và các nhà khoa học khác đã đón chính Voyager Một trở về nhà, và đã giải được một trong những thông điệp đẹp nhất mà Trái đất từng nhận được.
-
Khi Cơ quan quyết định tái lập nhóm, tất cả mọi người nín lặng. Nhưng không thể nào chối cãi được nữa, Voyager Một đã xuất hiện trong vùng rìa của hệ mặt trời, và tín hiệu radio yếu ớt gửi về các đài quan sát và kính thiên văn mạnh mẽ nhất đều báo cùng một dấu hiệu, rằng phi thuyền đang trên đường trở về, với tốc độ hơn gấp đôi vận tốc lúc ra đi.
Phát hiện này khiến không chỉ Cơ quan và đồng sự tại các châu lục lo ngại, mà còn trở thành một chủ đề tranh cãi trên bàn nghị sự của các Tổng thống và Thủ tướng toàn cầu: Phi thuyền rất có khả năng đã bị can thiệp. Làm sao NASA có thể chứng minh rằng Voyager Một trở về một cách hòa bình, mà không mang theo bất cứ hiểm họa nào từ vũ trụ tối đen mà chúng ta chưa biết đến. Có phải một giống loài siêu việt hơn chúng ta đã đọc được địa chỉ của Địa cầu mà Voyager Một mang theo, và quyết định gửi một loài vi khuẩn, một giống ký sinh trùng theo phi thuyền về đây để biến chúng ta thành nô lệ? Bao nhiêu người trong các ông quyết định rằng sẽ phá hủy Voyager Một bằng một đầu đạn hạt nhân ở gần sao Hỏa? Chúng ta có sẵn lòng đặt cược sinh mệnh của những người thương yêu bằng một khả năng hết sức viễn vông rằng có thể, chỉ có thể mà thôi, rằng Voyager Một sẽ mang về những điều mà chúng ta chưa bao giờ biết, từ một chân trời mới lạ, một tinh cầu xa xôi, nơi có những sinh vật cũng ngóng trông tìm được bầu bạn ở nơi khuất nẻo nào đó trong vũ trụ tối tăm?
Cuộc tranh luận kéo dài gần một thập kỷ, khi tín hiệu từ Voyager Một mỗi lúc một ổn định. Cứ cách một tháng, các đài quan sát trên toàn cầu đều gửi cho nhau bao nhiêu là dữ liệu, hình ảnh quét và các bản phân tích. Không một con số nào cho thấy hiểm họa, và Voyager Một vẫn đang trên đường về nhà, theo một đường đi chuẩn xác đến độ không thể nào chỉ là ngẫu nhiên. Sự yên tĩnh của nó khiến nỗi lo lắng thường trực trên Trái đất dần nhòa đi, len lỏi vào là những tia hy vọng. Biết đâu ta lại tìm được ai đó cũng đang ngóng nhìn ta ở chân trời?
Thế rồi, các chính phủ lớn nhất hành tinh cùng đưa ra quyết định: Chúng ta sẽ phóng một phi thuyền lên gần quỹ đạo mặt trăng, khi Voyager Một sẽ đi qua vào độ giữa xuân ở bắc bán cầu. Phi thuyền ấy sẽ phóng một trường điện từ làm tê liệt động cơ của Voyager Một, đưa vào khoang chứa hàng thật rộng, nơi cả hai sẽ cùng trở về trên một bệ đáp được canh chuẩn xác ở chừng hai trăm dặm ngoài bờ biển Đại Tây Dương.
Sau quyết định ấy, Cơ quan mở rộng Nhóm Voyager, vốn chỉ có những kỹ sư điều hướng và liên lạc với phi thuyền trong một thập kỷ, kiên nhẫn bắt lấy từng tín hiệu nhỏ bé trong khi “bất an” là hơi thở chung của những bản tin phát sóng trên toàn cầu.
Trước hết là JW Kim, anh kỹ sư kiên nhẫn vô biên, một trong những người đã giữ liên lạc với Voyager Một mấy năm qua, lúc thấy nhóm mới bỗng nói đây sẽ là nơi anh đi cùng thêm ít nhất năm mươi vòng mặt trời nữa. Rồi có Lucy D. Winston đến từ miền nam, một trong những nhà khoa học dữ liệu cần mẫn nhất ở Trung tâm Kennedy nơi Nhóm đặt văn phòng chính, có “Thiếu tá” Tom Jones với hiểu biết về phần cứng và vật liệu đáng kinh ngạc, có Peter Eno ít nói và đĩnh cho phần khoa học máy tính, và Khang Trịnh, nhà vật lý lý thuyết năm đó còn chưa bước qua tuổi ba mươi, đã vượt qua hàng trăm đơn ứng tuyển thực tập khác để tham gia nhóm, mong muốn thu hái những kiến thức cần thiết cho một lý thuyết du hành liên sao.
Hoặc cũng là để bước thêm một bước tiến vào vùng của những giấc mơ tí tách.
Lúc ấy, Trịnh nói với Tom, “Cháu nghĩ biết đâu phải nửa đời sau của cháu mới tìm ra lời giải đáp chú ạ, cho cả lý thuyết ấy và giấc mơ nọ.”
“Lúc đó cũng vừa vặn năm mươi vòng mặt trời của Wanja rồi đấy.” Thiếu tá nói, lúc đó như một lời trêu.
Về sau, Tom mới nghĩ lại, hóa ra tất cả đều có cơ duyên. Cả những vòng quanh mặt trời và câu chuyện âm nhạc của JW Kim, những ngày nhiều ánh sáng của Lucy, người bạn trong mơ và lý thuyết của Trịnh, cùng với sự đồng cảm sâu nặng Peter.
Cứ như Voyager Một đã tìm thấy họ.
Hay nói đúng hơn, Nausicaa đã chọn lựa họ mà gửi lòng tin.
-
Tháng Tám năm 2049, ở trung tâm nghiên cứu Kennedy có một gian phòng thật rộng, sáng đèn bất kể ngày đêm, và dĩ nhiên lúc nào cũng có ít nhất một vài thành viên của nhóm ở đó. Ban đầu, họ khoác lấy vai nhau, mím môi tròn mắt nhìn cỗ phi thuyền lão làng được đưa về, nằm đĩnh đạc trên chiếc bục lớn ở giữa phòng, nom phi thực như một hạt bụi vương lại trong nếp gấp của thời gian. Trịnh dành mấy ngày trời chỉ để đến và chiêm ngưỡng cậu ấy, sứ giả mà cha ông của anh đã gửi đi để tìm kiếm những điều mà họ chưa bao giờ biết đến. Cuộc trở về của cậu cứ như đã bước ra từ giấc mơ của anh, khiến anh xúc động tận tâm can.
Rồi công việc bắt đầu gấp rút. Các kỹ sư tiến hành sao chụp mọi góc cạnh, thận trọng tháo rời từng mô-đun nhỏ, lại tiếp tục sao chụp từng cấu trúc nhỏ của các mô-đun, lấy mẫu vật liệu trên bề mặt, đưa vào những hệ thống phân tích nhạy bén nhất mà Cơ quan có thể cung cấp. Tổ kỹ sư của Thiếu tá trông coi việc ấy. Khi lớp ngoài tháo dỡ ra gần hết, đến lượt Peter và Lucy nhìn vào bộ nhớ trung tâm của phi thuyền, gỡ bỏ từng lớp bảo mật để đi đến tận cùng từng ngày mà Voyager Một đã trải qua trong không gian. Tổ của Wanja bắt đầu tháo rời bộ phận liên lạc của Voyager, bao gồm chiếc Đĩa vàng ghi Âm thanh Trái đất, và bắt đầu xem xét nó một cách thận trọng để xem có bất cứ sự khác biệt nào của bản ghi lúc ra đi và những gì còn sót lại lúc trở về.
Trong số các tổ, Trịnh thích đến chỗ Wanja nhất. Góc làm việc của anh ta có không khí của một phòng thu âm, hay ít nhất là có hơi thở của âm nhạc với các bàn chỉnh âm và các màn hình hiển thị những đoạn sóng âm của từng bản ghi của Đĩa vàng. JW Kim đã trên bốn mươi, nhưng khuôn mặt anh, những cử chỉ nhỏ và liên tục, cách đôi mắt đã bắt đầu in dấu chân chim của anh nheo lại, vẫn cho Trịnh cảm giác như anh đang tách khỏi thời gian chung và lùi vào thời gian của riêng anh, nơi âm nhạc là mạch nguồn nuôi dưỡng khi Wanja khi cố níu lấy những tín hiệu xa xôi qua mười năm ròng rã. Âm nhạc là dòng chảy bao quanh góc nhỏ này của phòng nghiên cứu, qua những câu chuyện mà Wanja kể cho anh nghe về ba mươi mốt bản thu mà Cơ quan đã gửi theo Voyager Một vào vũ trụ năm nào.
“Cậu Trịnh, tôi luôn cảm thấy việc hồi đó người ta chọn gửi đi rất nhiều âm nhạc là một điều thật đẹp… Người ta cứ nói toán học là ngôn ngữ khoa học chung của loài người chúng ta và các giống loài khác trong vũ trụ. Nhưng có bao nhiêu cá thể trong đại dương sinh mệnh của chúng ta hiểu được những công thức phức tạp và tinh vi nhường ấy. Nhưng âm nhạc, lại khác. Âm nhạc hiện hữu ở bất cứ nơi nào có khí quyển, mà những nơi ấy - các hành tinh - mới là nơi cơ may có ai đó lắng nghe được những rung động nhỏ nhất của không khí, gần gũi tựa như hơi thở. Một nốt nhạc có thể diễn tả niềm vui và nỗi buồn hiệu quả hơn mọi ngôn từ. Một khung nhạc thôi đã mở rộng không gian. Một bản nhạc vừa chính xác như một bài toán, diễm lệ như một bài thơ, vừa riêng tư như một ký ức.”
“Cơ quan lúc ấy đã quyết định gửi đi ba mươi mốt trong số những bản nhạc đẹp nhất mà thế hệ ông cha của chúng ta từng có. Concerto của Bach, Lưu thủy của Trung Hoa, Tổ chim hạc của Nhật Bản, điệu trống của người Senegal, Giao hưởng số 5 của Beethoven, bài dân ca người Peru hay hát trong các lễ cưới, và Đêm thăm thẳm sâu, đất mênh mang lạnh của Blind Willie Johnson… Trịnh này, lúc tôi nghe xong toàn bộ các bản nhạc ấy, tôi đã nghĩ, giả như thôi, nếu tôi là một sinh vật sống trên một hành tinh khác, đi trọn đời mình quanh một ngôi sao khác… Nếu một ngày nào kia bắt được Đĩa vàng, tôi sẽ mở những âm thanh đáng yêu kỳ quặc này và nhìn về phía ngôi sao của mình đang lặn xuống ở chân trời, vừa thảng thốt khi có cảm giác chạm đến một mối liên kết sâu xa vĩ đại, vừa nhỏ nhoi vì mối liên kết ấy, chỉ riêng việc gửi một tín hiệu đến đây, đã là qua nhiều triệu năm mất rồi.”
-
Một hôm cuối tháng Tám, gió ở Đại Tây Dương bắt đầu xoắn vào nhau theo những chuyển động mạnh lên dần của khí quyển vào mùa dông bão. Bầu trời ngả xám đâu đó ở tít mù xa và trong không khí ở Trung tâm có một nỗi bồn chồn len lỏi.
Tom ngồi bần thần trước kết quả phân tích thứ tám mươi lăm về vật liệu phủ trên bề mặt của Voyager Một. Thiếu tá bảo tất cả các kỹ sư ra ngoài một lúc, để ông có thời gian thấu hiểu điều gì đang diễn ra trên những dòng chữ và số chi chít từ bản phân tích dài. Ở một phòng khác, Lucy và Peter một lần nữa sắp xếp lại nhật trình của phi thuyền, xác nhận điều khó tin đến mức họ cứ mãi làm việc ở hai góc khác nhau của chiếc bàn mà không thể nói gì với nhau. Còn ở phòng âm nhạc của Wanja, lúc anh kỹ sư hô lên một tràng dài, tiếng kêu của anh khiến cốc trà phổ nhĩ đã pha loãng đến nước thứ tư của Trịnh rung lên, mặt nước trà đỏ dợn những vòng sóng nhỏ. JW dừng trình duyệt máy tính, vốn đang quét đến đoạn âm thanh cuối cùng của chiếc Đĩa vàng.
“Trịnh, cậu sẽ không tin điều này đâu.”
Trịnh ngước qua nhìn anh. Wanja vùi mặt vào hai lòng bàn tay, để hơi thở gấp gáp của mình lọt qua các kẽ da run rẩy.
“Tôi vừa nghe thấy điều gì đó…. khác.”
Chiếc bút của Trịnh dừng lại, đầu bút in đậm mực vào sổ ghi chép.
“Ở cuối cùng của bản Đêm thăm thẳm sâu… rất nhỏ, đến độ phải nghe thật kỹ, phải khuếch âm nhiều lần… nhưng mà, cậu ạ, tôi đã nghe thấy có đâu đó tiếng rì rào như gió thổi, và ting tang như tiếng chuông kêu.”
-
Thật lâu về sau đó, khi cuộc hành trình một lần nữa lại bắt đầu, cả nhóm cùng đứng ở ban công của Trung tâm và nhìn ra chỗ mũi đất nhô ra biển, chiếc tên lửa cao lớn hùng dũng đang cháy rực phần đuôi, lao lên không trung theo một đường bay tuyệt đẹp. Cả nhóm ngước nhìn theo, đến khi hình dạng và màu sắc trắng muốt của tên lửa chìm vào thiên cầu. Ở bên trên khí quyển, từ trong lòng mũi tên trắng ấy, những phi thuyền khác sẽ lại tiến vào không gian, đem theo quà tặng từ một hành tinh cô đơn gửi đến một hành tinh khác hẳn cũng đơn độc trong một góc tối tăm khác của dải Ngân hà.
Dưới bầu trời cao vút, Lucy đưa tay vuốt lại mái tóc nâu rối do gió thổi, thở một hơi thật dài. Đôi mắt của chị nheo lại, những đường chân chim dịu dàng sâu thêm theo ngày tháng. Và chị nói, êm ái như một ngày mùa hạ:
“Các anh các cậu có nhớ khi chúng ta tìm ra thông điệp ấy hay không? Cảm giác bí ẩn và rạo rực ấy, sự sợ hãi và niềm kinh ngạc của ngày hôm ấy, khi tất cả chúng ta cùng bước vội qua những đoạn hành lang để vào phòng họp chính. Trong chớp mắt, mọi thứ đều đã khác trước. Có phải chúng ta đã đi tìm Nausicaa hay là xứ sở ấy đã tìm thấy chúng ta? Dù thế nào, tôi vẫn luôn mường tượng tình cảnh ấy giống như một cái nắm tay bất ngờ siết chặt, dẫn chúng ta bước vào một hành trình có khi sẽ dài hơn toàn bộ thời gian của chúng ta cộng lại…”
“Tôi không biết mọi người ra sao, nhưng không một ngày nào trong chặng đường mà chúng ta vừa cùng nhau đi qua tôi lại không nhìn thấy ánh sáng. Và mỗi ngày làm việc, dù vất vả đến đâu, đều như đang trở về nhà.”
Bình luận
Chưa có bình luận