Những tia nắng cuối ngày chiếu xuyên qua lớp bụi mỏng vương trên ô cửa kính. Quán cà phê quen thuộc với giai điệu du dương trôi lững lờ trong không gian mộc mạc, như một phần tách biệt với thế giới xô bồ, vô cảm bên ngoài.
Max bỗng cười khằng khặc khi xem điện thoại, khiến hai người bạn phải ngẩng đầu nhìn.
– Cười gì gớm vậy? – Issac hỏi.
– Tếu vãi… – Max vừa cười vừa giơ điện thoại cho cả hai xem – Nhà tư tưởng thời đại số mẹ luôn.
Đó là một video đang viral trên mạng xã hội. Một thanh niên trẻ trần truồng, trước ngực đeo một tấm bảng viết chữ “TỰ DO” to tướng. Hắn đi hiên ngang giữa phố, miệng gào lớn:
“Tại sao chúng ta phải nghe theo luật lệ khi con người có quyền tự do? Tại sao phải đi học? Tại sao phải đi làm, kiếm tiền? Tại sao phải sống theo ý người khác? Ai cũng có quyền tự do! Không ai có quyền tước đi tự do của con người!...”
Xung quanh, mọi người cười cợt, nhìn hắn như một kẻ mất trí. Vài người đi qua phải che mắt vì phản cảm. Dưới video là hàng nghìn bình luận giễu cợt, chửi bới.
Max đặt điện thoại xuống bàn, vẫn chưa dứt cơn cười:
– Không biết lý tưởng của nó là gì, nhưng nó vừa thành công trong việc biến mình thành một thằng hề.
Issac cười nhạt:
– Ờ… nhưng rõ ràng lý tưởng của hắn là tự do mà?
Ansel nhấp ngụm trà, lắc đầu:
– Hắn còn chẳng hiểu tự do là gì thì sao gọi là lý tưởng được?
Max vẫn vương lại nét cười trên khoé miệng, vặn lại:
– Thế thử nói xem. “Tự do” là gì?
Ansel thở dài, như thể đã biết trước câu hỏi, nhưng không trả lời ngay. Issac lên tiếng:
– Sống theo ý mình?
– Chuẩn! – Max búng tay – Thằng kia cũng vậy. Còn gì “tự do” hơn việc trần truồng giữa phố hô hào bỏ học bỏ làm?
Ansel chậm rãi châm điếu thuốc, lắc đầu:
– Không đơn giản thế đâu. “Tự do” là một khái niệm trừu tượng. Nó cần phải được phân biệt rõ ràng.
– Phân biệt cái gì? – Max nhướng mày.
Ansel thả làn khói chậm rãi, nói:
– “Nhu cầu tự do” và “lý tưởng tự do”.
– Lại bắt đầu rồi. – Max cười nhếch.
– Hôm trước mày bảo “nhu cầu” là khởi đầu của “lý tưởng” mà? – Issac nhíu mày.
Ansel gật nhẹ:
– Không sai. Nhưng “nhu cầu” bản năng hơn. “Nhu cầu tự do” xuất phát từ cái tôi cá nhân, chỉ đơn giản là muốn thoải mái, thoát khỏi ràng buộc xã hội. Còn “lý tưởng tự do” sẽ hướng tới cái… lớn hơn.
Max nhướng mày:
– Tại sao mày lại cho rằng “tự do” của thằng kia xuất phát từ cái tôi cá nhân?
– Đúng. – Issac tiếp lời Max – Nhỡ hắn bị chèn ép, bị áp bức thật thì sao? Biết đâu “tự do” của hắn thực sự là điều gì đó đáng để đấu tranh?
Ansel búng nhẹ tàn thuốc vào chiếc gạt tàn sứt mép, giọng trầm xuống:
– Thử nghe hắn hô hào đi. “Tại sao phải học? Tại sao phải đi làm, kiếm tiền? Tại sao phải sống theo ý người khác?”. Đâu ai ép? Quyền của hắn mà? Hắn chẳng hiểu gì về xã hội, cũng chẳng rõ muốn thay đổi điều gì ngoài thoát khỏi những thứ mà hắn không thích. Vậy có phải là “nhu cầu cá nhân” không?
Issac nghiêng đầu:
– Vậy… thế nào mới được gọi là “lý tưởng tự do”?
Ansel rít hơi thuốc, ngả lưng ra ghế, thở nhẹ ra. Ánh mắt cậu mơ màng nhìn làn khói uốn lượn, rồi hoà vào không khí. Cậu đáp khẽ:
– Có lẽ… là khi nó thoát khỏi cái tôi.
Max nhếch mép, như đã đoán trước câu trả lời:
– Không có ý làm mày thất vọng đâu. Nhưng “mơ mộng” cũng thoát khỏi cái tôi. Nhiều người cũng mơ ước được tự do, thế giới không có chiến tranh… nhưng họ không làm được. Cuối cùng, nó chỉ là ảo tưởng.
Issac gật đầu:
– Đúng. Nếu vậy, “lý tưởng” cần phải thực tế. Phải có cơ sở thực hiện.
Ansel nói mơ màng:
– Cơ sở thực hiện à…
Max ngậm điếu thuốc, nói:
– Phải hiểu bản thân, hiểu xã hội, hiểu cái lợi – hại của thứ mày đang đấu tranh. Chung quy phải có “tư duy”, chứ không phải cứ hô lên vài khẩu hiệu rồi cho rằng nó là “lý tưởng”.
Issac chống cằm:
– Tao nghĩ… nó phải là nỗi niềm chung. “Lý tưởng” phải hướng về tính xã hội. Phải hiểu nỗi đau, niềm hạnh phúc của tập thẻ để đi tới hành động. Nói cách khác, phải có “đạo đức”.
Ansel trầm ngâm:
– Có lẽ… phải có trách nhiệm. Với bản thân và xã hội. “Lý tưởng” không chỉ là “mơ ước”, nó là ý chí đã trải qua thử thách, kiểm nghiệm để trở nên bền vững.
Max bật cười:
– Lại là trách nhiệm à? Mày lúc nào cũng lôi nó ra như cái bia đỡ đạn ấy.
Issac quay sang Max:
– Còn mày nghĩ chỉ cần hiểu là giải quyết được vấn đề à?
Max nhún vai:
– Vẫn hơn việc “cảm xúc hoá” mọi thứ. Mày nghĩ xem, nếu phần lớn xã hội giống như thằng kia, chống đối, bỏ học bỏ làm, trần truồng ra đường rồi gọi nó là “tự do”, thì đấy có phải “lý tưởng” không?
Ansel im lặng. Đôi mắt lơ đãng nhìn ánh đèn trần vàng dịu, như đang cố soi sáng ý thức của mình.
Một lúc sau, cậu ngồi thẳng dậy, nói chậm rãi:
– Ông ấy bảo “Chỉ cần tâm hồn mày ‘sáng’, đó là lý tưởng”.
Max nhướng mày:
– Lão lang thang ấy hả? Thế thử nói xem, thằng kia nghĩ đến “tự do” thì không “sáng” à?
Ansel hơi ngập ngừng:
– Có lẽ… “sáng” ở đây không phải “trong sáng”… mà là sự “khai sáng”.
Issac nhíu mày:
– “Khai sáng cái gì? Thế nào là “khai sáng”?
Ansel lấy quyển sổ, mở trang vẽ hình tam giác ngược ra:
– Ý thức. Hôm câu cá, chúng ta đã có “mô hình ý thức”. Vậy… để phát triển từ “nhu cầu” thành “lý tưởng”, đòi hỏi phải phát triển cả “tư duy” và “đạo đức” để cân bằng. “Lý tưởng” cần phải hiểu, phải cảm. Nó là kết tinh của “tư duy” và “đạo đức”.
Max nhìn quyển sổ, lẩm bẩm:
– “Lý tưởng” mà không có “tư duy”… chắc chỉ là một giấc mơ hão huyền.
Issac liếc sang:
– Không có “đạo đức”, thì nó chỉ là… một tư tưởng độc tài.
Ansel khẽ mỉm cười, dập điếu thuốc:
– Không có cả hai, nó chỉ là ảo tưởng.
Im lặng một thoáng.
Quán cà phê vắng dần. Không gian bỗng trở nên rộng thoáng, khiến những âm thanh nhỏ cũng trở nên vang vọng. Cả ba ngồi yên như đang sâu chuỗi lại tất cả mớ suy luận thành một thể thống nhất.
Max dập thuốc, cười khẽ:
– Có vẻ lão lang thang kia đã cứu mày một ván đấy. Không phải kẻ lang thang nào cũng điên nhỉ?
Issac cười:
– Và không phải kẻ điên nào cũng lang thang.
Ansel không đáp. Cậu vẫn lơ đãng nhìn ánh đèn vàng, mơ hồ về một điều gì đó xa xăm.
Bỗng Max hỏi:
– Nếu thế thì… thứ mày đang mang, có thực sự là “lý tưởng” không, Ansel?
Câu hỏi như hồi chuông lạnh lẽo, kéo Ansel về với thực tại. Cậu im lặng, không phản ứng. Nhưng ánh mắt đầy hoang mang kia đã không kịp che giấu, đưa xuống nhìn cốc trà đã nguội lạnh.
“Nhu cầu của cả tập thể đôi khi lại là lý tưởng của một cá nhân”
– Ansel, nhật ký phát triển UTOPIA.
Bình luận
Chưa có bình luận