Khai phóng



Buổi chiều, quán cà phê cũ nằm nép mình trong góc phố dưới những toà nhà cao tầng che khuất ánh sáng, tạo nên bầu không khí ảm đạm quen thuộc. Ba người bạn ngồi bên cửa sổ, rơi vào trầm tư. Max nhâm nhi cốc cà phê đắng, ánh mắt như đang mài dao trước cuộc chiến ngôn luận sắp tới.

– Tại sao người ta đi học mười mấy năm trời mà vẫn chẳng biết nghĩ? – cậu bắt đầu – Không biết phản biện, không biết tự soi xét bản thân, chỉ bắt chước và phục tùng như một cái máy. Nhiều khi tao tự hỏi… giáo dục có đang làm người ta ngu đi không?

Ansel chống tay lên trán, hơi nhíu mày:

– Có thể vì giáo dục hiện tại đang không chú trọng việc khai phóng, mà chỉ đào tạo con người theo một cái khuôn.

Issac nhìn hai người, ánh mắt bối rối:

– Chúng mày đang chỉ trích ngành giáo dục đấy à? Họ là những người mang sứ mệnh thiêng liêng, dẫn dắt chúng ta để tới được như hiện tại đấy. Họ đáng được tôn trọng.

Max ngắt lời:

– Tao không phủ nhận việc họ đáng được tôn trọng. Nhưng thực sự mà nói, giáo dục đâu dạy tao tư duy phản biện? Mày nghĩ xem, nếu giáo dục hiệu quả thì sao xã hội có thể suy đồi thế này chứ?

– Có lẽ ta phải nhìn từ góc nhìn của một giáo viên mới có thể hiểu được – Ansel trấn tĩnh hai người bạn.

Issa cim lặng một lúc, rồi đề xuất:

– Nếu vậy, có một người… có lẽ bọn mày nên gặp ông ấy.


Chiều hôm sau, cả bọn có mặt trước một căn nhà cũ, tường rêu phong, chiếc bảng tên đã mờ nhoè theo thời gian. Issac bấm chuông. Một lúc sau, cánh cổng mở ra, bước ra là một người đàn ông tầm sáu mươi, dáng cao, tóc đã phủ bạc. Nhưng đôi mắt ông vẫn sáng như xuyên qua lớp bụi của năm tháng.

– Chào thầy Ronan. – Issac cất tiếng.

– Ôi… Issac! Lâu quá rồi nhỉ? – ông mỉm cười – Cơn gió nào đưa em tới đây?

– Phiền thầy rồi. Bọn em… có vài câu hỏi về giáo dục. Em nghĩ… không ai có thể trả lời tốt hơn thầy.

Thầy Ronan mời cả bọn vào nhà. Căn phòng cũ kỹ với giá sách cao chạm trần, những cuốn sách lộn xộn đầy sức sống. Một lúc sau, thầy mang trà ra mời bọn họ.

Max không vòng vo:

– Thầy nghĩ sao về giáo dục hiện tại?

– Một câu hỏi lớn. – người đàn ông đáp, thư thái nhấp ngụm trà rồi nói tiếp – Thế… các em nghĩ sao?

Max khẽ nhếch môi:

– Ép khung bọn nhỏ như phát xít.

– Cẩn thận cái mồm. – Issac lên tiếng, giọng nghiêm túc.

Ansel giọng đầy suy tư:

– Em nghĩ rằng… giáo dục hiện tại không chú trọng khai phóng.

Thầy Ronan gật đầu, ánh mắt nhìn xa xăm như đang suy ngẫm:

– Như các em thấy đấy, giáo dục… đang mất đi bản chất của nó. Bản chất của giáo dục là gì?... Là để khai sáng. Để mở ra tư duy, cảm nhận, hành động độc lập của con người.

Ông nhấp ngụm trà, rồi tiếp tục:

– Nhưng đáng tiếc thay… giờ giống như nuôi một bầy ngựa kéo xe, hơn là dạy một kẻ tìm đường.

Issac cẩn trọng lên tiếng:

– Vậy… là do giáo trình ạ?

Thầy Ronan thở dài, vẻ mặt ông trở nên nghiêm túc hơn:

– Không hẳn. Giáo trình, giống như các em đi tập thể hình vậy, là để nâng cấp khả năng của não bộ. Cũng giống như cơ thể cần được rèn luyện, não chúng ta cũng vậy.

Max không để ý đến sự mơ hồ trong câu trả lời, tiếp tục hỏi:

– Vậy là do giáo viên? Hay do hệ thống?

Thầy Ronan nhìn Max, đôi mắt già nua ánh lên một tia sắc lạnh:

– Một con thuyền không tự chìm nếu không có lỗ thủng. Giáo viên… có thể ví như con thuyền. Hệ thống là đại dương. Nếu đại dương bẩn, những con thuyền nhỏ bé cũng sẽ mục nát theo.

Ansel hơi nhíu mày:

– Vậy lỗ thủng…?

Thầy không vội trả lời, nhìn Ansel với vẻ trầm tư:

– Là sự thoả hiệp. Một giáo viên chấp nhận điểm số thay vì hiểu biết. Một giáo viên chấp nhận đồng tiền để học sinh qua môn. Từng chút một… các con thuyền đều có lỗ thủng, rồi hoà vào sự mục nát của đại dương.

Max cười khẩy:

– Thế thì giáo viên chẳng khác gì cai ngục nhỉ?

Issac lườm Max, rồi quay sang thầy Ronan với sự nghiêm túc:

– Nhưng… vẫn có những giáo viên không thoả hiệp phải không ạ? Như thầy?

Thầy Ronan khẽ thở dài:

– Họ sẽ rất cô đơn. Họ sẽ bị chèn ép… và bị đào thải.

Lặng đi vài giây, Ansel lên tiếng hỏi:

– Vậy nếu… bọn em muốn cải cách, phải bắt đầu từ đâu ạ?

Thầy Ronan nhìn Ansel đầy ngạc nhiên, rồi bật cười khổ:

– Cải cách à? Chàng trai, em đang đá chén cơm của cả một ngành nghề đấy…

Ansel nhìn thẳng vào mắt thầy, không lùi bước:

– Bọn em muốn con người có thể được khai sáng, biết tư duy, biết yêu thương và hướng về phía trước.

Thầy Ronan trầm ngâm vài giây, rồi chậm rãi:

– Em có một lý tưởng cao đẹp đấy… Nếu muốn bắt đầu, em nên xuất phát từ duy trước.

Người thầy quay sang Issac, nói tiếp:

– Tôi từng nói với em, rằng “nếu học sinh của tôi làm theo mà không biết vì sao nó làm thế, thì tôi đã thất bại”, phải chứ?

Issac im lặng, nhìn thầy đầy trân trọng.

Sau một khoảng im lặng, Max hơi nhướn mày, hỏi:

– Vậy lý do thầy nghỉ dạy là gì? Thất bại trong việc khai sáng ạ?

Vẫn giữ vẻ điềm tĩnh, thầy đáp:

– Nếu tôi vì thất bại mà bỏ nghề giáo,… thì tôi có đáng để các em ngồi nghe từ nãy không?

Ansel tiếp tục, giọng đầy quả quyết:

– Vậy… vấn đề hiện tại của giáo dục là tư duy đang bị thui chột phải không ạ? Con người đang được đào tạo để trở thành những kẻ biết tuân phục… chứ không phải người biết tư duy, phải không ạ?

Thầy Ronan khẽ gật đầu, ánh mắt xa xăm như thể đã nhìn thấu mọi thứ. Rồi thầy nhẹ nhàng nói:

– Có thể nói vậy. Nhưng, để tôi hỏi lại các em… xã hội cần gì hơn: người biết tư duy… hay người biết phục tùng?

Cả ba rơi vào im lặng, như đứng trước một vách đá sâu thẳm. Max khẽ cười:

– Một câu hỏi lớn.

Thầy mỉm cười, ánh mắt bình thản nhìn ba chàng trai trẻ trước mặt mình.


Trên đường về, trời nhá nhem. Ba người im lặng rất lâu, chỉ có tiếng bước chân đều đặn hoà cùng ánh đèn đường lay lắt trên con đường vắng lặng. Câu hỏi cuối của thầy Ronan như một vết xước, mành nhưng ăn sâu, đẻ lại trong họ cảm giác chông chênh giữa lý tưởng và hiện thực.

Max cười khẩy, mở lời phá vỡ sự im lặng:

– Cũng chẳng ngạc nhiên lắm. Mày cứ đòi ai cũng tự do tư duy, nhưng rốt cuộc mày cũng sẽ cần những kẻ chịu nghe lệnh mày. Lý tưởng lớn cần những kẻ tử vì đạo.

Issac bước chậm lại, trầm ngâm rồi nói:

– Không phải ai cũng có điều kiện để suy nghĩ độc lập. Có khi họ chỉ cần một điều gì đó để tin mà sống tử tế… Đôi khi như vậy cũng đủ rồi.

Ansel khựng lại, nhìn lên bầu trời đang chuyển màu:

– Nhưng nếu không có tư duy độc lập, liệu họ có còn là... con người không?


“Có lẽ mặt trời không quá chói loá, và màn đêm cũng không quá tối tăm như ta vẫn nghĩ."

– Ansel, nhật ký phác thảo UTOPIA.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout