Gương mặt Ansel không biểu cảm gì nhiều, nhưng trong ánh mắt là một điều gì đó rất xa – như đang thấy một vùng biển mà người khác chưa từng được thấy.
Max nhướn mày:
– Nhưng đâu phải ai cũng cần ra đại dương?
Ansel quay lại nhìn Max, ánh mắt vẫn giữ vẻ điềm tĩnh. Issac đặt cốc cà phê xuống bàn, chậm rãi lên tiếng:
– Nói cách khác… con người đâu cần quá mạo hiểm.
Ansel nhẹ lắc đầu:
– Đó không phải mạo hiểm, Issac. Nếu không có mục tiêu, không có lý tưởng, thì chúng ta chỉ như đang trôi nổi giữa xã hội này. Lặng lẽ. Vô định. Và chẳng bao giờ cập bến.
Max tựa lưng vào ghế, khoanh tay:
– Sẽ không phải trôi nổi nếu mày có tư duy. Như mày nói đấy, tư duy là tay chèo.
Issac phản bác:
– Thế không có la bàn thì mày chèo đi đâu? Mày biết hướng nào là bến bờ? Con người phải có đạo đức, Max.
Max nhún vai:
– Đi đâu? “Bến bờ” đó có khi chỉ là ảo ảnh đạo đức do những kẻ cầm đầu dựng lên. Người ta sẵn sàng giết nhau vì cái “la bàn” của họ chỉ không giống nhau, đúng chứ?
Ansel chen vào:
– Chính vì vậy, chúng ta cần cả ba. Tư duy – để không bị cuốn trôi. Đạo đức – để không bị lầm đường. Và lý tưởng – để biết chúng ta sống vì điều gì. Chỉ khi đủ ba yếu tố đó, con người mới không đi tới suy tàn.
Issac nhíu mày:
– Ý mày là con người đang không có ba thứ đó?
Ansel quay sang, giọng trầm:
– Như trường hợp bệnh viện của mày đấy. Người bị thương nặng hơn bị bỏ lại phía sau vì “một thế lực nào đó”. Đạo đức ở đâu? Ai cũng biết là sai, nhưng vẫn im lặng. Con người đang bị đồng tiền che mờ mắt. Chúng ta đang sống trong cõi mê.
Max cười nhạt:
– Ít ra người ta vẫn biết tư duy.
Issac bật lại ngay:
– Nhìn bọn học sinh bây giờ biết tư duy lắm à? Chúng nó học như nhét chữ vào đầu, không hoài nghi, không phản biện. Đến mấy cái tin vịt trên mạng cũng đủ để dắt mũi bọn nó. Tư duy ở đâu?
Ansel gật đầu, ánh mắt rực lên như có điều gì vừa sáng tỏ.
– Chính xác. Ý thức con người đang đi xuống. Nói đúng hơn là tiến hoá lùi. Nếu cứ tiếp tục thế này, chẳng bao lâu nữa con người sẽ bị đào thải bởi chọn lọc tự nhiên.
Max ngửa người ra sau, cười thành tiếng:
– Ồ, hay đấy! Mày định cứu thế giới à, anh hùng? Mày sẽ làm gì? Như thế nào? Ai sẽ nghe?
Issac thở dài, lặng lẽ tiếp lời:
– Tao nghĩ sẽ chẳng ai làm được đâu. Kể cả có một bản thiết kế xã hội hoàn hảo đi chăng nữa, ai quan tâm? Họ đang bận săn sale, hóng livestream cãi nhau, hay mấy video thối não rồi.
Ansel lặng đi.
Không khí trền bàn trở nên đặc quánh. Tiếng còi xe ngoài phố vọng lại từ xa, nghe như những âm thanh vô nghĩa, hỗn loạn từ một thế giới khác. Cậu chống khuỷu tay lên bàn, kê bàn tay lên má, đưa ánh mắt lơ đãng qua nhìn lớp sương mỏng phủ trên cửa kính.
Một người đàn ông vừa đi vừa nghịch điện thoại.
Một người phụ nữ đang kéo tay một đứa trẻ khóc mếu máo.
Một gã trung niên vừa đi vừa uống rượu.
Những con người nhỏ bé đang chuyển động trong một nhịp sống quá lớn, mà chẳng ai rõ mình sẽ đi về đâu.
Một ý nghĩ như loé lên trong đầu cậu, chạy xuống thanh quản rồi thoát ra cùng tiếng thở dài, như một lời thì thầm trong tuyệt vọng:
– Vậy nếu chúng ta… thay đổi thế giới thì sao?
– Hả?! – Issac tròn mắt nhìn.
– Mày điên à? – Max nhíu mày.
Ansel bất ngờ với chính điều mình vừa mới bật ra. Như bắt được tia hy vọng, cậu tiếp lời:
– Đúng vậy, nếu chúng ta xây lại thì sao? Từ đầu. Một xã hội không cần đạp lên nhau để sống. Một xã hội không mù quáng vì đồng tiền. Một nơi không ai phải xin lỗi vì mình tốt bụng hay vì mình thông minh… UTOPIA?
Nghe ý tưởng điên rồ của Ansel, Issac sững người:
– Mày nghiêm túc đấy à?
Max phì cười:
– Ansel, mày vẫn kiên trì với cái học thuyết ngớ ngẩn đấy à? Hay mày muốn làm đạo diễn phim khoa học viễn tưởng?
Ansel nhìn thẳng Max, chất vấn:
– Mày nói chỉ tin vào những gì có lý? Vậy, nếu cái lý hiện tại dẫn đến bất công, thì tại sao mày còn muốn sống theo nó?
– Vì nó là thực tế - Max gằn giọng – Tao không thích nó, nhưng tao biết nó. Giống việc mày không thích trọng lực nhưng vẫn phải rơi xuống đất.
Issac chen vào:
– So sánh khập khiễng. Xã hội do con người dựng lên, con người có thể thay đổi.
– Mày định theo nó thật đấy à?
– Không… nhưng Ansel nói có lý.
– Vậy ai sẽ thay đổi nó? – Max cau mày – Một thằng sinh viên nghèo ngồi cà phê than thở à? Tỉnh táo lên, lịch sử không được viết bởi kẻ mộng mơ.
Issac đập bàn:
– Ai cũng lý trí kiểu mày thì đã chẳng có cuộc cách mạng nào từng xảy ra.
– Lịch sử cũng đầy những cuộc cách mạng thất bại – Max nhún vai – Máu đổ, người chết, xã hội đổ nát, rồi đâu lại vào đó. Tao không thờ lý tưởng, tao dùng nó như công cụ. Như dao mổ, sắc và cực kỳ nguy hiểm.
– Ít ra tao còn biết đau khi người khác đau. Mày thì không. Mày lý trí đến mức chai lì.
– Còn mày thì nhân đạo đến mức mù quáng.
Cuộc cãi vã trở nên căng thẳng, một cuộc chiến giữa đạo đức và tư duy, không ai nhường ai. Và người “khơi mào” cuộc chiến nảy lửa này – Ansel – như bị kẹp ở giữa. Cậu trầm ngâm, nhắm mắt lại một lúc. Rồi, mở mắt ra, cậu lên tiếng:
– Dừng lại đi. “Các mày” đều đúng. Như đã phân tích lúc nãy, tao cần bọn mày. Tao cần ráp lại những mảnh ghép của chúng ta, để thấy một bức tranh toàn cảnh. Để tạo nên một xã hội mà lý trí không vô cảm, và đạo đức không bị lợi dụng.
Issac thốt lên:
– Chuyện này thật điên rồ! Mày thật sự nghĩ mày… chúng ta sẽ thay đổi được thế giới sao?
Ansel từ tốn trả lời:
– Nếu có thể, thì tại sao không?
Max khẽ cười khẩy:
– Tao không tin đâu. Nhưng nếu mày dám để tao phản biện đến cùng, thì tao sẽ ngồi lại, ít nhất cho đến khi mày bỏ cuộc.
Issac hơi tư lự:
– Tao đã chứng kiến những bệnh nhân không qua khỏi vì hệ thống. Nếu mày thực sự tìm được một con đường khác, làm được những thứ như mày nói… Tao sẽ đi cùng mày.
Max vẫn nhếch mép, nhưng không phải sự coi thường nữa:
– Chúng mày điên thật rồi. Được thôi. Nhưng chỉ cần mày bắt đầu tự huyễn, tao sẽ là kẻ bóp chết giấc mơ của mày trước khi nó giết mày, Ansel ạ.
Ansel mỉm cười:
– Đó chính xác là thứ tao cần đấy Max. Tao tin mày.
Nói rồi, Ansel lấy trong túi ra quyển sổ, đống giấy tờ và vài cái bút. Cậu vẽ nguệch ngoạc lên những ý tưởng đầu tiên, về thứ mà cậu gọi là UTOPIA. Cậu phát triển nó dựa trên ba đỉnh: TƯ DUY – ĐẠO ĐỨC – LÝ TƯỞNG, kết nối với nhau thành một hình tam giác.
Max liếc qua, nhíu mày:
– Tam giác ngược? Tại sao?
Ansel khựng lại, rồi ngẩng lên. Cậu nhìn hình vẽ, nhìn bạn mình, rồi kẽ trả lời như thể chính mình cũng chưa hiểu:
– Tao không biết… chỉ là… tao cảm thấy nó đúng, cảm thấy nó nên như vậy.
Max nhếch mép, khoanh tay lại:
– Tuyệt. Một học thuyết triết học dựa trên cảm giác “nó nên như vậy”. Còn gì có thể khiến tao ngạc nhiên hơn không?
Cả ba bật cười, tiếng cười của họ như xuyên tạc màn mưa và sự ảm đạm của thành phố này. Tiếng cười mang tới hy vọng cao đẹp, mà có thể là hơi ồn để ông chú chủ quán phải ra nhắc nhở.
Bình luận
Chưa có bình luận