Điện thoại rung lên trong túi. Màn hình hiện lên dòng chữ quen thuộc: Issac gọi đến.
– Alo?
– Tao đang trên đường, mày rảnh chứ? Tối qua quán cũ nhé. – Giọng Issac dứt khoát, không chờ phản hồi, tắt máy luôn.
Ansel nhìn vào màn hình đen, bật cười. “Lúc nào cũng vậy, cứ như thể mình sẽ đương nhiên có mặt.” Nhưng cậu biết, mình sẽ đến. Không phải vì thói quen, mà vì mối liên kết vô hình giữa những người cùng nhau bước qua bóng tối.
Quán cà phê nép mình ở cuối con phố nhỏ. Nơi ấy dường như chẳng bao giờ thay đổi – tường gạch xưa cũ, mùi cà phê rang khẽ quyện trong gió, tiếng piano lặng lẽ trôi giữa nhịp sống xô bồ ngoài kia. Căn phòng nhỏ như một vùng ký ức tách biệt khỏi thực tại.
Issac đẩy cửa bước vào. Vẫn là dáng vẻ quen thuộc – áo polo xám, quần âu, mái tóc cắt ngắn gọn ghẽ để lộ phần trán dô. Cậu đảo mắt một vòng rồi bước đến bàn góc, nơi Ansel đã ngồi sẵn.
– Mày đến muộn.
– Tao phải vứt lại nửa cái bánh mì trong ca trực đấy. Với cả tắc đường quá. – Issac cười nhạt, kéo ghế ngồi xuống.
– Lúc nào mày cũng là biểu tượng của sự nghiêm túc – Ansel nhấp ngụm trà, ánh mắt vẫn không rời khỏi người bạn.
– Còn mày thì vẫn là ông cụ non uống trà ở quán cà phê. Kỳ thật.
– Cà phê làm đầu óc mày tỉnh táo, còn trà làm lòng tao yên. Ai biết được cái nào quan trọng hơn?
Issac bật cười. Tiếng cười mang theo chút gì đó rất mỏng, như thể đằng sau nó là một ngày rất dài.
– Chắc phải hai tháng rồi mình chưa gặp nhau nhỉ?
– Ừ. Cũng ngần ấy thời gian tao cảm giác như bị hút vào cái guồng xoáy của công việc.
Cả hai ngồi đó, giữa tiếng nhạc và những ánh đèn vàng nhạt, trò chuyện như những người bạn cũ tìm lại sợi dây kết nối. Nhưng chỉ sau vài câu bông đùa, Issac chợt im lặng. Đôi mắt cậu nhìn xuống mặt bàn như đang tìm một chỗ để dừng tâm trí.
– Hôm qua tao chứng kiến một chuyện… vẫn chưa nuốt nổi.
Ansel không nói gì. Cậu đã quen cách Issac dẫn chuyện – thường là điều gì đó không dễ dàng.
– Có hai ca cấp cứu gần như cùng lúc. Một người bị tai nạn rất nặng, nhập viện trước. Người kia đến sau, chỉ trấn thương phần mềm. Nhưng… bằng một thế lực nào đó, người đó được vào phòng trước, còn người kia nằm ngoài hơn nửa tiếng.
– Người đầu… sau đó sao? – Ansel hỏi khẽ.
Issac chỉ lắc đầu. Im lặng một nhịp, cậu nói tiếp:
– Tao đứng đó, không làm gì cả. Chỉ im lặng, đi theo y lệnh. Tao chỉ là thằng thực tập, không có quyền phản đối. Nhưng tao cũng không thể tha thứ cho chính mình…
– Mày không sai, Issac. Mày chỉ là…
– Một bánh răng trong cái máy thối nát? – Issac cắt lời, giọng chát đắng – Bố mẹ tao nghĩ con trai họ đang “cứu người”. Nhưng tao biết, nếu tiếp tục thế này, tao chỉ đang học cách chọn ai đáng sống hơn ai. Theo cái giá của họ.
Ansel nhìn bạn mình, thấy rõ một điều: người ngồi trước mặt cậu không còn là cậu học sinh ngày nào hăm hở vào trường y với nụ cười rạng rỡ nữa. Trước mặt cậu là một người đang ôm giấc mơ đã vỡ ra từng mảnh nhỏ.
Issac cầm ly cà phê lên, nhưng rồi đặt xuống, không uống. Chỉ nhìn làn khói mỏng bay lên, như muốn tìm một lời giải cho điều gì đó không thể gọi tên.
Tiếng chuông gió leng keng khi cánh cửa quán cà phê mở ra, một người khách bước vào. Dáng người hắn cao lêu nghêu với chiếc hoodie trùm đầu, vẫn để lộ mái tóc dài vắt xuống vai. Đôi mắt cáo sáng rực đưa nhanh một lượt quanh không gian quán và dừng lại tại một bàn trong góc, nơi có hai người bạn của hắn đang ngồi. Hắn gọi cho mình một cốc cà phê đen, rồi bước tới trong đôi mắt ngạc nhiên của hai người bạn. Không để họ lên tiếng trước, hắn mở lời:
– Rảnh nhỉ? Lại ngồi kể khổ như mấy lão già sắp về hưu à?
– Tự dung ở đâu chui ra vậy Max? – Issac hỏi, thấy hơi phiền với người bạn bỗ bã – Vẫn nhàn rỗi như mọi khi nhỉ?
– Ngược lại chứ. Tao đang rất bận rộn cho việc điều trị sức khoẻ tinh thần của bản thân đấy. – Max bào chữa.
– Cụ thể là cắm mặt vào game và nhấm nháp cà phê hết ngày à? – Ansel đáp
– Cũng là một phương pháp mà.
Ansel đề nghị:
– Ngồi đây nghe bọn tao nói chuyện luôn đi.
Một cuộc hội ngộ đầy bất ngờ. Ba người hỏi thăm tình hình của nhau sau nhiều tháng gặp lại. Khi cà phê được mang ra, Issac kể lại chuyện vừa rồi cho Max nghe.
Max nêu quan điểm:
– Xã hội này là một trò chơi. Đứa nào ngu đứa đấy chết. Đơn giản. Đạo đức và tình cảm giờ đều có thể mua bằng tiền, mà muốn có tiền thì phải khôn. Đó là cách xã hội vận hành.
Issac cau mày:
– Để rồi xã hội như một lũ thú hoang à? Cắn xé nhau vì đồng tiền?
Max nhếch mép:
– Ít nhất thì thú hoang không nói dối.
Issac không chịu thua:
– Đạo đức là cốt lõi của ý thức con người. Con người có ý thức vượt trội hơn thú hoang vì họ biết đúng sai, phải trái, biết yêu thương và lòng trắc ẩn…
– Mày nhầm. – Max ngắt lời – Khả năng tư duy mới là bản chất, thứ khiến con người khác biệt. Không có tư duy, mày lấy gì để phân biệt đúng sai?
– Vậy mày cho rằng một con AI được lập trình đủ thông minh, biết phân tích, biết tư duy… thì nó là “con người” à?
– Nếu có ý thức, tại sao không?
– Max này, mày phải hiểu, đạo đức không sinh ra từ logic. Nó là cảm thấy buồn khi thấy người khác đau, là dừng tay lại khi biết việc mình làm có thể huỷ hoại một ai đó. Mày có thể lập luận hàng ngàn thứ, nhưng nếu không có cảm xúc, mày chỉ là một cỗ máy được lập trình không hơn.
Max nhún vai, không đồng tình:
– Cảm xúc là sản phẩm của tiến hoá thôi. Là bản năng xã hội hoá để tăng cơ hội sinh tồn. Mày thử nghĩ đi, nếu tao và mày bị ném vào trong một khu rừng với một mẩu bánh mì, mày nghĩ đạo đức của mày sẽ giữ mày trong bao lâu?
Ansel sao một khoảng thời gian im lặng, xen vào:
– Nhưng liệu “sự khác biệt” của con người nằm ở việc có thể từ chối miếng bánh mì đó vì một lý tưởng nào đó?
Issac gật đầu, tiếp lời Ansel:
– Chính xác. Tao tin con người bắt đầu trở thành “người” khi biết kìm nén bản năng để bảo vệ thứ gì đó vô hình – tình yêu, công lý, hay chỉ đơn giản là một người khác.
Max bình tĩnh châm điếu thuốc, tiếp tục:
– Tao đếch tin vào những thứ không thể chứng minh. Tình yêu chỉ là phản ứng hoá học, công lý do người thắng định ra. Nếu “đạo đức” khiến mày “người”, thì lịch sử đầy rẫy những kẻ mang danh “đạo đức” để giết hàng triệu người khác.
Im lặng một hồi, mùi khói thuốc và cà phê xen lẫn những quan điểm, những lập luận quá phức tạp đối với ba cậu sinh viên khiến không khí như nặng hơn. Cả ba đưa mắt nhìn ra cửa sổ. Trời bắt đầu mưa.
Ansel nhìn hai người bạn:
– Vậy, nếu cả hai cùng đúng? Nếu đạo đức là chiếc la bàn, tư duy là tay chèo, và lý tưởng là một con tàu giúp chúng ta vượt qua đại dương cuộc đời thì sao?
Bình luận
Chưa có bình luận