Tháng Giêng, tiết trời sang Xuân. Chim én chao liệng trên bầu trời cao trong. Gió Xuân nhẹ thổi với những cơn mưa phùn li ti không đủ ướt tóc. Cảnh vật nở rộ đầy sức sống. Sắc hồng đào, cành quất xanh non. Đôi câu đối đỏ, cây nêu dựng trước sân nhà. Tiếng pháo rộn vang khắp đầu thôn ngõ xóm, tiếng trống hội làng lúc gần lại xa, tiếng trẻ nô đùa, gọi nhau í ới. Gái trai nô nức, xúng xính áo quần. Lại một mùa trao duyên nữa chăng!

“Cải ơi, nhanh cái chân lên.” Tiếng gọi giục giã ngoài cổng, cứ phút chốc Miên lại ngó đầu vào nhà.

Tùng! Tùng! Tùng!

“Cải ơiii.”

Cứ một hồi trống vang lên, lại thêm vài ba tốp người đi qua. Miên lại càng thêm sốt ruột.

“Đây đây, chờ một chút.” Cải buộc lọn tóc sam, nhìn lại mình trước gương, rồi chạy nhanh ra cửa.

Thấy bóng dáng cô bạn, Miên vội kéo Cải, tay chỉ về hướng hội nói: “Nhanh lên, bọn cái Chanh thằng Ốc bế gà ra hội từ sớm rồi, nghe đâu chúng nó định thách đấu với mấy bọn xóm trên.”

“Thưa thầy u, con đi hội ạ.” Cải nói vọng vào, xin phép thầy u trong nhà. Rồi hai đứa ríu rít kéo nhau ra hội. Mùa xuân của những cô nàng 16 tuổi, đầy những mộng mơ và ao ước. 

Dừng chân trước cổng hội, đã thấy đông nghịt những người. Biết bao người dân tứ xứ đổ về trẩy hội. Tiếng người mua qua bán lại, tiếng người reo kẻ hò cổ vũ ầm ĩ. Cứ cách một đoạn lại có một đám túm năm tụm bảy. Đang ngơ ngác ngó nhìn bỗng Miên kéo vội tay Cải chạy về phía đám đông đằng xa, chen mình qua đám người đông đúc. Cuối cùng thành công chui lọt vào trong, nhìn ở vị trí trung tâm, ở giữa vòng tròn người là hai con gà đang gân mình đỏ lừ tung ra những cú đá quyết liệt. Cô thấy bọn thằng Ốc hết đứng rồi lại ngồi, mặt lúc cười lại nhăn, ra sức hét gào cổ vũ chú gà chọi của mình. 

Trận đấu kết thúc. Chanh ôm gà trên tay, xoa đi xoa lại vết thương sau trận chiến nảy lửa, mặt buồn thiu đầy thương xót. Còn thằng Ốc, nó ỉu xìu ngồi một góc, cũng hết vênh mặt với trai xóm trên. Thương thằng bạn, Miên vỗ vai thằng Ốc, nói dăm ba câu an ủi, rồi trong chốc lát lại kéo Cải ra khoảng đất trống. Ở đó, thoáng thấy hai cây tre già thẳng tắp được dựng sẵn, bên trên gắn cờ hội bay phấp phới. Dân gian gọi đó là “đu tiên”. Và đây cũng là trò chơi tập trung nhiều nam thanh nữ tú nhất lễ hội. Cải được Miên đẩy ra tham dự. Lúc sau đám con trai trước mặt cứ nhộn nhạo cả lên, cuối cùng một chàng trai trẻ được bạn bè đẩy vào, một anh chàng hay ngại.

Hai người đứng đối diện trên giá đu, treo lơ lửng giữa những cánh đu làm bằng gốc tre già. Mỗi người một bên, kẻ đu người nhún. Phối hợp với nhau ăn ý nhẹ nhàng. Chiếc đu cứ thế lên cao. Trong lúc vô tình nhún người tạo đà, đã lỡ chạm tay nhau. Ánh mắt hai người nhìn nhau, sau lại né tránh đầy ngại ngùng. Cải không biết và anh cũng chẳng hay, mặt và tai hai người đã đỏ bừng trong tiết Xuân này. Đu càng lên cao, mọi người càng nhiệt tình reo hò cổ vũ. Cô cảm thấy lồng ngực mình, tiếng tim đập đã át hết tiếng reo hò dưới kia. Cô không rõ mình đã kết thúc lượt chơi như thế nào, chỉ biết rằng lúc đó cả người đều nóng bừng. Sau đó, Cải không gặp anh nữa.

……..

Lễ hội kết thúc cũng là lúc người dân trong làng tất bật với vụ lúa mới, trời chưa sáng đã có người dắt trâu ra đồng. Cải cùng bọn trẻ trong xóm cũng theo chân người lớn đi cấy mạ. Cánh đồng rộng mênh mông với những lớp mạ xanh mướt thẳng đều tăm tắp. 

Ngày hôm đó, khi ánh chiều tà sắp tắt, Cải đứng tát nước vào ruộng, còn Miên đang cúi người rửa lớp bùn dưới chân. 

“Nước mát quá, sắp hè rồi đấy Cải.”

“Nhanh thật đấy, vừa hội xong đó mà.”

Thoáng chốc đã sắp sang hè. Trời cũng lâu tối hơn. Khói bếp từ các nhà cũng đã toả ra nghi ngút, bay lên không trung đầy lững lờ. Cải dừng tay lại, xếp vội gàu nước rồi xuống rửa chân cùng Miên. Một lúc sau, đám trẻ được thầy u dặn dò về sớm nấu cơm, cũng tụ tập lại đó, nói nói cười cười. Cải thoáng thấy anh trong đó, như chợt nhớ ra điều gì, cô vội cúi đầu. 

Không biết họ nói chuyện gì. Anh bị bạn bè trêu chọc, chần chừ một lúc liền cất lời:

“Hỡi cô tát nước bên đàng, 

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?” (2)

Miên - vốn tính thích xen vào chuyện người khác - cô thừa biết anh có ý gì, liền buông lời chọc ghẹo. Cô đứng thẳng dậy, chống tay vào hai bên sườn, mặt thảng thốt.

 “Ê chúng bay ơi, có thấy trăng ở đâu không.”

Nhận ra mình nói lỡ, anh vội im bật. Cả bọn nhìn ngó xung quanh, ánh nắng ban chiều vẫn còn chưa tắt, mặt trời hẵn còn lấp ló sau luỹ tre.

“Trời thì sáng bảnh mắt, trăng sao gì ở đây.” Miên tiếp tục trêu.

Nghe theo tiếng chọc ghẹo của Miên, tất cả mọi người đều bật cười, Cải cũng vậy. Còn anh thì đỏ mặt tía tai lén nhìn cô rồi vội quay đầu. Bất chợt thấy ánh mắt của anh, cô cũng chỉ biết ngượng ngùng cúi mặt. Thấy hành động đôi bên bất thường, đứa này nháy đứa nọ, không ai bảo ai, mọi người cứ thế thuận đà, trêu chọc gán ghép hai người với nhau.

“Mấy đứa này, sao lại trêu con gái xóm tao, ra xóm mày mà trêu chứ.” Không biết thằng Ốc từ đâu đi ra, có vẻ con cay cú vụ thua chọi gà, nó đứng hắng giọng nãy giờ.

“Bảo vệ gái xóm, chúng mày…” Ốc đưa tay vẫy mấy đứa trong xóm.

Chưa kịp nói hết câu, một tiếng “Tét” rõ đanh phía sau lưng.

“Đau đấy.” Ốc mặt nhăn mày nhó kêu lên với Miên, không biết từ lúc nào đã đứng ngay bên cạnh.

“Sao bà đánh tôi.”

“Tôi đánh ông còn may đấy.” Miên thở dài, thật hết cách.

Sau hôm đó, mỗi lần ra đồng Cải đều gặp anh. Và hễ gặp chúng bạn là bị trêu cho đến đỏ mặt.

……..

Ngày hôm ấy, Ốc lại gạ xóm trên chơi thêm một trận chọi gà. Kết thúc mà không phân thắng bại. Không ai nhường ai, hai bên túm tụm lại đôi co. Dáng người nhỏ bé của cô cứ thế bị chèn trong đám đông, tiến không được lui cũng không xong, Cải cố gắng lách mình, bỗng bàn tay ai đó khẽ nắm lấy tay cô. Cô hoảng hốt quay đầu, nhìn thấy anh.

“Trốn thôi.” Giọng anh trầm khẽ.

Bàn tay cứng cáp sần những vết chai, ấm nóng nắm chặt lấy tay cô, kéo đi, ra khỏi đám đông, hai người cứ thế chạy mãi. Từng cánh đồng vàng ươm vụt qua bên khoé mắt, tiếng gió thổi vi vu ngay sát bên tai. Cảm giác bản thân như thể đang bay, nhẹ bẫng. Thật giống như khi còn nhỏ, cứ chạy mải miết xuống cuối đồng, nhưng giờ đã khác, bên cạnh cô có anh. Hai người cứ chạy mãi cho đến khi nhìn thấy hai hàng cây cao, toả bóng xanh mát, những tia nắng rọi qua từng kẽ lá xuống dưới mặt đường đầy đất đá. Hai người dừng lại dưới một gốc cây, phóng tầm mắt nhìn ra khoảng không vàng ươm với cánh cò bay lượn dập dờn. Để cô lại một mình, anh chạy thoáng một lúc rồi quay lại.

“Tặng em.” Đặt trên tay cô một bông sen.

Cô nhận lấy. Cứ vậy mân mê bông sen trên tay. Mùi của hương đồng cỏ nội hoà với hương sen thơm ngát. Mọi thứ thật êm đềm, mà bình dị. Bỗng từ đâu một con nhái bén nhảy vọt ra khiến anh không khỏi giật mình. Không biết nó đã bám vào quần anh từ khi nào. Nhìn ống quần anh ướt sũng, nước vẫn còn đọng trên vạt quần, từng giọt từng giọt rơi xuống nền đất khô nóng. Cô nhìn anh bật cười, anh thấy cô thoải mái như vậy, không nhịn được mà cười theo. Tiếng cười giòn tan của hai người được gió mang đi xa hoà với không gian mênh mông của cánh đồng đương độ lúa chín.

Sau dạo đó, mỗi lần anh gặp cô khi thì chùm xoan chín đỏ, mấy trái me chua. Khi lại đôi ba túm bánh, vài nắm táo xanh. Hai người cứ vậy, bình dị bên nhau qua từng tháng ngày.

……..

Chẳng mấy chốc mùa gặt đã đến, mọi người trong thôn cũng tất bật hơn, gặt lúa rồi lại phơi thóc. Trong sân mỗi nhà đều có một đống rơm to. Ngoài cánh đồng, khói đốt rạ mù mịt. Ấy thế mà bọn trẻ con vẫn cứ thay nhau chạy ra rồi lại chui vào, ví mình như nàng tiên ông bụt trong lớp khói hư hư thực thực.

Một đêm hè yên ả, trăng sáng tròn vành vạch, tiếng ốc dế kêu râm ran. Anh hẹn cô ra đình. Dưới gốc đa và ánh trăng sáng. Ngồi cạnh nhau không nói lời nào, ngâm chân mình dưới dòng nước mát lành. Bóng hai người sóng vai nhau in trên mặt nước. Chân Cải khẽ cử động, bóng nước dao động. Từng gợn sóng li ti giao thoa với nhau, hình ảnh hai người nhoè đi rồi từ từ hiện rõ. 

“Anh…” Ngập ngừng không nói lên câu.

“Anh sắp phải theo chú đi làm ăn xa.”

Lời nói thốt ra lại đau đớn đến như vậy. Cải dừng nghịch nước, chân buông thõng xuống dòng nước lạnh. Mọi thứ xung quanh chợt tĩnh lặng. Có thứ gì đó bóp nghẹn trái tim cô. Giọng cô lạc hẳn đi: “Anh…, khi nào sẽ về.”

Âm thanh lúc đầu vô thức chững lại, như thể đang cố kìm nén thứ gì đó đang dâng lên nơi cổ họng. 

“Ba năm. Sau ba năm anh nhất định sẽ về.”

Anh nhẹ nhàng nắm lấy tay cô. Dịu dàng nhìn cô. Đối diện với ánh mắt này, Cải vội quay mặt đi, nhìn xuống dòng nước, cô không biết phải trả lời anh như nào. Mắt cô đã nhoè hẳn, cô buông tay anh, đứng phất dậy, toan chạy đi. Anh đuổi theo, nói với cô: “Anh biết như này không phải. Em đợi anh được chứ?”

Cô dừng lại, không biết đã qua bao nhiêu lâu. Mọi thứ xung quanh đầy tĩnh lặng, cô nghe rõ tiếng tim đập trong lồng ngực mình, thổn thức. Cải quay đầu lại nhìn anh, mắt đẫm lệ, giọt nước mắt lăn dài sau từng cái gật đầu. 

“Em đợi anh.” Nước mắt khiến giọng cô nghẹn lại.

Dưới gốc đa, dưới ánh trăng. Có đôi người gửi lời hẹn ước. Cắt đi lọn tóc thề gửi trọn đối phương. Hai người cầm tay nhau, hai trái tim hoà làm một. Ngoài kia đom đóm chớp tắt chớp sáng lẫn trong đám bèo trải dài trên mặt nước.

……..

Ngày hôm đó cũng như bao ngày, sân phơi đầy thóc, trời vẫn nắng và ve kêu râm ran. Chỉ khác là hôm nay anh đi. Ngoài bến, Cải cùng Miên đến tiễn anh. Anh vừa lên thuyền, ngón tay Cải đã không ngừng run lên. Cải sợ. Nhưng Cải vẫn vờ như không có chuyện gì xảy ra. Như cảm nhận được sự lo lắng của Cải. Anh định xuống thuyền, nhưng thuyền đã rời bến. Hai người lặng lẽ nhìn nhau, tự trấn an mình, phải thật kiên cường, kiên cường vì đối phương. 

Thuyền đi xa khuất. Cuối cùng, Miên cũng lên tiếng: “Mày định đợi nó thật à.”

“Ừm.” 

Cải nhẹ gật đầu, cô không dám nghĩ quá nhiều về tương lai, khẽ nắm chặt túi hẹn ước trước ngực. Tự nhủ cố gắng những ngày không có anh. 

Hội năm đó, Miên sốt ruột hỏi: “Có tin gì chưa?”

Cải khẽ lắc đầu. Đã sáu vụ lúa chín không một tin tức của anh. Bạn bè cũng lứa cũng đã dựng vợ gả chồng. Cả làng chỉ còn mình cô. Cũng có dăm ba mối đến nhà xin cưới, nhưng đều bị cô từ chối. Thầy u thương con, cũng muốn tìm mối tốt nhưng thấy cô quyết tâm như vậy, đành xuôi lòng. Nhưng cũng kèm thêm điều kiện sau ba năm anh không về vẫn sẽ gả cô đi. 

Sáng hôm đó, khi đang cùng Miên hái sen ngoài ao. Ốc - giờ đã là chồng của Miên, trên tay bế đứa nhỏ, xồng xộc chạy tới. 

“Chạy gì như ma đuổi thế.” 

“Cái… Thằng… Xa…”

Ốc nói không ra hơi. Cứ một lúc lại được một từ. Miên dần mất bình tĩnh.

“Nói rõ một hơi xem nào.”

Hít đầy một hơi, Ốc liếc nhìn Cải nói tiếp: “Người yêu cái Cải, chết rồi. Nghe bảo nó theo mấy ông ra biển, mà làm ăn gì đó, sóng đánh, mất xác rồi.”

Như tiếng sét đánh giữa trời quang, Cải đứng ngơ ngác, dường như tay không còn sức lực. Sen rơi đầy trên mặt nước. 

Không biết bản thân mình đã về nhà như nào, Cải như người mất hồn, hỏi thăm mọi người tin tức của anh. Dẫu hỏi bao nhiêu người, câu trả lời cũng là điều Cải đã biết. Cứ nghĩ đến anh lòng cô lại đau nhói. Người nhà biết chuyện, quyết định gả Cải cho người làng bên, so với gia đình cô, gia cảnh nhà này tốt hơn sẽ lo được cho cô cuộc sống tốt.

“Nhà bên đó cấy ruộng nông, gả nó sang đấy cũng đỡ vất vả.”

Trộm nghe thầy u nói, lòng cô đầy ngổn ngang. Nghĩ về quãng thời gian vừa trải qua, lý trí cũng dần buông xuôi. Đám cưới nhanh chóng được diễn ra, ai nấy đều vui vẻ, chỉ có mình cô, một mình dưới ánh nến lập lờ trong phòng.  

……..

Ngày hôm đó, ở cổng làng có một bóng hình thân quen. Trông mọi người tiệc rượu vui vẻ, anh hỏi dò người qua đường, biết được hôm nay là ngày cưới của cô. Trải qua bao khó khăn, cố gắng tìm cách trở về, nhận được tin tức này. Anh không khỏi bất động. Là giận bản thân hay oán trách cô, trong lòng anh cũng không rõ. Chỉ muốn đi xa khỏi nơi này. Quay người bước đi. Anh đến cổng làng, bỗng hình ảnh cây đa năm đó, bóng hình hai người đưa lời hẹn ước, thoáng qua tâm trí. Anh khựng lại. Suy nghĩ miên man. Có tiếng người giục gọi. Anh nhanh chóng gạt đi ký ức. Để lại sau lưng ngôi làng cùng đám cưới linh đình. 

Cùng lúc đó, dưới gốc đa cũng có một cô gái - người thiếu nữ năm nào nay đã trưởng thành - nét mặt dịu dàng nhưng lại đượm buồn - trên tay cầm chặt túi đan nhỏ nhìn xa xăm.

“Ai xinh thì mặc ai xinh,

Ông tơ chỉ quyết se mình với ta.

Thuỷ chung em giữ trọn lời,

Chết đi thì chịu, lìa đôi không lìa.” (3)

Từng tiếng sấm dội vang trời, mưa giăng như sương, lặng lẽ trút xuống mặt đất. 

……..

Mấy năm sau, trở về quê cũ. Anh mang theo món quà muốn tặng cô. Dù không còn duyên, vẫn một lòng chúc phúc cho cô.

Thăm lại bạn bè, làng quê lối xóm. Cũng đã có nhiều đổi thay. Bạn bè nhận ra anh, vui mừng khôn xiết. Trách anh về muộn. Anh hỏi thăm về Cải, mọi người đều yên lặng nhìn nhau, không ai nói câu gì. Mãi lúc sau, Miên từ đâu chạy đến, xuất hiện trước mắt anh, đôi mắt Miên đầy những tia đỏ, ầng ậc những nước, trực trào rơi. Không kiềm chế nổi mình, Miên lao vào đánh anh.

“Sao anh còn sống, sao lại không trở về… Nó đã đợi… Cải ơiiii.” Miên gào khóc không ra tiếng.

Ốc nhẹ tách Miên ra, nhìn anh. 

“Cải nó chờ anh mấy năm không tin tức, lại có tin anh chết trên thuyền. Chưa kịp nguôi ngoai liền bị ép cưới.”

“Nó ‘đi’ vào đúng ngày đám cưới.” Ốc khẽ thở dài.

Để mặc cho Miên đấm, đá. Đối với anh, mọi thứ dường như sụp đổ, như tro vụn tàn.

Khi cảm xúc đã nguôi bớt, Miên bình tĩnh lấy ra một túi đan nhỏ, đưa anh.

“Cải có để cái này dưới gốc đa.”

Tay anh run rẩy nhận ra vật ước hẹn. Đêm đó, anh cũng quay về, giá mà anh đến đó, biết đâu sẽ gặp cô, biết đâu mọi chuyện đã khác. Biết đâu, chuyện tình đã chẳng dở dang.

Anh thẫn thờ một mình dưới gốc đa, một hồi ký ức tìm về. Nhìn đống táo rụng đầy trong sân đình. Anh có lỗi với cô.

……..

À ơi, táo rụng sân đình thương anh một mình

Một mình nhớ em…” (1)

Khúc hát ru vẫn tiếp tục, vang xa mãi, trong đêm đen tĩnh mịch.






Chú thích:

(1) Câu chuyện lấy cảm hứng từ câu ca dao và lời bài hát “Quê nhà” của nhạc sĩ Trần Tiến. Không liên quan đến bất cứ giai thoại nào trong lịch sử.

Ca dao:

"Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu đời đắng cay"

(2) (3) Ca dao Việt Nam


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}