Khi năm tuổi, Nhàn hỏi tôi “Nhà là gì”. Chẳng biết vì lẽ gì mà tôi trả lời ngay: “Nhà là nơi có người chờ mình. Hoặc mình ở và có người luôn muốn được đến với mình”. Giờ nghĩ lại, tôi không quan tâm đến việc tại sao mình nghĩ thế nữa mà chỉ cảm thấy nhẹ nhõm vì cha tôi không ở đó để bị con bé hỏi.
Tôi ba mươi bảy thì cha tôi mất. Cũng lúc này, tôi phát hiện ra đống nhật ký viết tay nặng hơn ba cân được ông ấy giấu kỹ trong khoảng trống của cầu thang. Quyển nào quyển nấy cũng giống hệt nhau, bìa giả da màu nâu, ruột sổ là giấy xi măng trơn, kích thước thì chỉ to hơn lòng bàn tay tôi một chút và không có nhãn hiệu nào được in lên. Tôi đoán ông tự tay làm chúng từ cái máy đóng sổ đã không còn đạt tiêu chuẩn ông mang về từ nhà máy của chính mình.
Và đương nhiên, không cần biết người khác nghĩ gì, tôi đọc hết mọi dòng chữ trong đó. Chúng kể về cuộc đời một người nên cần rất nhiều thời gian, đặc biệt là khi tôi đang trong giai đoạn phải chạy nhanh nhất của cuộc đời mình. Thành thử, phải một năm rưỡi kể từ lúc phát hiện tôi mới hoàn thành, cũng lúc này, những mặc định rằng cha mình rất thực dụng trong tôi bị vỡ hoàn toàn.
Quả thật ông khinh thường mọi loại tình cảm của những người nghèo khổ. Tự lấy đặc điểm bản thân sinh ra trong một gia đình nghèo khó và chẳng bao giờ nghĩ cho ngày mai làm lý do, ông nhận thức được sự thiếu thốn và nhục nhã mà một kẻ nghèo hèn thường phải vác lấy. Lý do dễ hiểu nhất của lối suy nghĩ này là ông bà nội không thể cho cha tôi số tiền vừa đủ hoặc mối quan hệ cần thiết để ông mở một xưởng sản xuất gấu bông, không tự lực cánh sinh thì ông sẽ không bao giờ ngóc đầu lên được - theo chính những dòng chữ cha tôi viết nên. Ở vấn đề nơi chuyên sản xuất hoặc một người thợ dạy làm gấu bông này, ông nói về ông bà nội rất nhiều. Khổ nỗi, chỉ xoay quanh những điểm không tốt của họ. Trong một cuốn sổ mà nét chữ của cha tôi vẫn còn tròn thay vì nhọn và nghiêng về bên trái như lúc cuộc sống đang ổn định, ông lặp lại từ “cặn bã” và “không biết nhục nhã” ở mỗi trang. Mà cũng không hoàn toàn chỉ vào ông bà nội, một số dùng để miêu tả vài người hàng xóm - nguồn gốc của mọi lời đàm tiếu rằng cha tôi là một thằng bất hiếu, chỉ đưa đủ tiền cho cha mẹ thay vì về nhà chăm sóc họ.
Trước khi đọc hết chúng, tôi tin vào những dòng chữ này, rằng ông bà nội mình là những người không bao giờ chịu tiết kiệm, chỉ đâm đầu vào những thoả mãn trước mắt thay vì cố gắng để tương lai con mình được thảnh thơi hơn, dẫu chút ít. Phần vì, trong đống nhật ký đó, có nhiều lần ông thay đổi, trang của ngày hôm trước trách vợ hoặc đồng nghiệp rất nhiều, nhưng trang của những ngày sau đó lại hối lỗi và viết đúng tính cách mà tôi biết - lặp lại ý của mình là “xin lỗi” nhiều lần - vì họ đã đền bù cho ông. Ấy vậy mà đến trang cuối cùng của quyển nhật ký mới nhất vẫn không có câu xin lỗi cha mẹ nào được viết ra, vậy nên tôi chọn tin hai người chưa bao giờ thay đổi.
Song, trong khoảng thời gian đó, cũng có lúc tôi không thiếu kiên nhẫn nên tìm bạn bè của cha để hỏi xem hồi trẻ ông là người thế nào. Câu trả lời của họ tương tự nhau - trầm tính nhưng không nhút nhát, ánh mắt không bao giờ sợ phải nhìn vào người khác, luôn nghĩ ra cách để đánh lại bọn bắt nạt mình trong vài giây, đặc biệt là làm gì cũng suy tính kỹ càng, nói cách khác, tính cách không hề giống cha mẹ và người ở quê hương mình.
Cũng có khi tôi không quan tâm đến tính thực hư trong cảm nhận của cha mà chỉ dùng nỗi căm hận của ông để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi tại sao ông lại thực dụng đến thế. Khi tôi ra đời, ông có đủ tiền để hai con mình được lớn lên trong môi trường tốt nhất mà không cần đến vợ. Điều này vẫn tiếp diễn khi bọn tôi trưởng thành. Phải nói rằng, hai anh em tôi luôn được nhận vào những trường học được tôn trọng nhất trong Liên Minh, được ăn những thực đơn bổ dưỡng nhất, được đọc mọi quyển sách mình muốn và phòng ốc chưa bao giờ thiếu thứ gì đó chỉ vì không đủ tiền mua. Song với sự đủ đầy này, ông luôn dạy hai anh em tôi phải sống một cuộc sống có đủ tình thương và vật chất, nếu thiếu một trong hai thì đó phải là tình thương chứ không phải vật chất. Với ông, bảo bọc ai đó mà không có tiền và quyền thì vô dụng. Ông luôn tiêm vào đầu bọn tôi cách được người đời tôn trọng mà bản thân tự tìm được. Lúc chỉ có thể nói miệng thì diễn thuyết về hậu quả. Còn khi bọn tôi vô tình thấy được một người không chịu hành xử theo quy tắc của một nhóm nhỏ người tri thức, ông hỏi bọn tôi có ghét người đó không rồi lại liên thiên về chuyện phải sống làm sao để được người khác tôn trọng hoặc tự ti trước mình.
Khi chưa biết đến đống nhật ký, tôi không muốn nghe những thứ này. Cả lời nói lẫn hành động của cha đều gấp gáp, mặt ông thường tiến sát lại mặt tôi, vài đường vân mắt của ông vì thế hiện rõ hơn. Chẳng bao giờ tôi muốn đối mặt với nó, thứ dữ tợn, ra lệnh tôi làm những thứ tôi không muốn, và như những người đó nói, luôn cho người ta cảm giác nó sẽ xé họ ra vì nó không sợ phải nhìn vào bất kỳ điều gì.
Còn lúc đọc xong thì tôi không thế nữa, gần như mọi suy nghĩ có liên quan đến ông trong tôi, bao gồm thói thực dụng mà tôi đã nói ở trên, thay đổi hoàn toàn. Một thứ khác đã hút sự chú ý của tôi khỏi miền ký ức về ông, là dòng chữ “Nếu như ai đó cho tôi điều ước trước khi chết, tôi ước hai đứa con mình cùng nhau nhìn thật lâu vào cái chết của mẹ tụi nó.” ở trang cuối của quyển nhật ký được viết trễ nhất.
Tôi luôn phát triển trễ hơn Văn ở mọi mặt, lòng cảm thông, tính tự lập, mức độ vô tâm hay chỉ đơn giản là hiểu được bản thân tầm thường đến nhường nào. Mặt giáo dục thì càng tệ hơn, cha tôi không thiên vị đứa con nào, cũng luôn không cho phép bọn tôi được vô lo vô nghĩ. Tương lai của bản thân, trách nhiệm của mình với mọi người và sức khỏe, cha luôn bắt bọn tôi phải để ý đến chúng đồng thời lên kế hoạch để chúng không trở thành một mớ tệ hại. Nhưng chỉ có tôi là xem nhẹ những lời dạy của ông. Có lẽ vì thế mà tôi chẳng cảm nhận được gì khi mẹ mất.
Hoặc nếu đó không phải lý do thì điều gì mới là lý do?
Đã nhiều lúc tôi chán ghét mình vì không để tâm đến cái chết của mẹ. Cứ mười lần bị Văn đuổi đi thì hết tám lần tôi dùng cả đêm để suy xét xem tại sao bản thân không nhớ cảm xúc của mình trong đám tang của mẹ. Tiếng xì xào và nhiều lần nhìn chằm chằm vào tôi của vài người họ hàng càng làm tôi áp lực thêm.
Mà nói đến những người đó, tôi thấy vui thay cho cha và Văn vì thành công tách khỏi họ ngay từ đầu. Hồi bắt đầu tự lập, tôi thường tự nguyện thay hai người đến những đám tiệc của họ, rồi chính họ làm tôi thắc mắc bản thân cảm thấy thế nào sau cái chết của mẹ. Người tư vấn tâm lý cho tôi nói đây là khởi đầu trong hành trình tụt dốc của sức khỏe tinh thần. Đó quả thật là một bước đi ngu đần. Cả Văn và cha đều chưa bao giờ bắt tôi phải cảm thông cho mẹ, điều đơn giản nhất là tỏ ra thương hại tôi hai người đó cũng chẳng làm. Tôi đã hỏi chuyên gia - người tư vấn tâm lý mà tôi đã nhắc ở trên - chị ấy nói thế là may mắn, tôi không có ký ức gì về cái chết của mẹ mà vẫn sống tốt, nghĩa là vẫn có lòng cảm thông với mọi người và muốn gắn kết với anh trai thì vết thương từ cái chết của mẹ giáng lên tôi không thật sự nghiêm trọng, mà thế thì không cần phải suy xét thật sâu. Lúc hoàn toàn nghe theo điều này, tôi ước mình phát hiện ra đống nhật ký của cha thật sớm để không phải gặp mặt những người họ hàng đó.
Với lại, tôi đã hỏi cha về chuyện này trước lúc ông mất. Ông nói tôi đừng nghĩ nữa, có dùng bao nhiêu thời gian cũng không thể tường tận suy nghĩ của mẹ, bà ấy đã mất rồi. Thay vào đó, hãy dành thời gian cho Nhàn và những người yêu quý tôi. Và đương nhiên là tôi nghe theo. Mặc dù nhìn từ góc độ của những người họ hàng kia, quả thật tôi thấy cha mình rất vô tâm, nhưng họ chỉ là người ngoài nhìn vào. Còn trong vòng mối quan hệ của ba cha con tôi, ông chưa bao giờ vô trách nhiệm với tôi và Văn.
Cộng gộp lại mọi thứ. Sức khỏe tinh thần của tôi kém đi do những người họ hàng đào sâu vào vết thương của tôi. Tôi thấy có lỗi vì không có cảm xúc mãnh liệt nào trước nỗi khổ và cái chết của mẹ đồng thời muốn ở bên những người thân còn lại của mình. Cha tôi không thật sự thực dụng như người bên ngoài nhìn thấy. Và trên hết, Nhàn và Văn vẫn còn sống. Vậy thì tôi phải dành nhiều thời gian cho hai người đó thôi.
Bình luận
Chưa có bình luận