Chương 1: Các Tiểu Tiên Học Việc Và Chuyện Hái Thuốc


Một ngày mới lại về, chiếc kiệu bốn người khiêng bắt đầu đưa Thần Mặt Trời đi xem xét thế gian. Ánh sáng từ kiệu mặt trời đi đến đâu cảnh vật liền trở mình đến đấy. Dưới ban mai, màu đen của bầu trời đêm tĩnh mịch dần chuyển sang ửng hồng rực rỡ, rồi từ từ hóa sắc xanh trong vắt mơ màng. Ngàn vầng mây tối cũng đổi thành màu trắng xóa nhẹ nhàng và lãng đãng trôi về đâu đó xa xăm. Gió sớm dịu dàng thổi từng làn hơi vào không gian mênh mông, lan tỏa chút dễ chịu đầu ngày đến mọi ngóc ngách, gửi cảm giác mát lạnh theo những đám mây đang bồng bềnh giữa trời cao. Mà không riêng cảnh vật, theo ánh nắng của Thần Mặt Trời, các thần tiên nơi thần giới cũng choàng tỉnh sau đêm dài. Nắng ấm áp gọi tiên ông râu tóc bạc phơ cưỡi bò đi quan sát những cánh đồng lúa nước vàng óng, tia sáng chói chang đưa tiên cô áo lụa lướt mây xuống trần để nhìn cảnh phàm nhân dệt lụa may áo, các tia nắng mở đường cho cả vạn thiên binh oai vệ cưỡi ngựa đi tuần khắp tứ phương.

 

Thấy đoàn thiên binh mặc giáp bạc đang đi cùng lối, tiên ông nằm vắt vẻo nằm trên lưng bò liền cất tiếng chào:

 

- Chào các thiên binh thiên tướng nhé!

 

Nghe tiếng chào, thiên binh dẫn đầu lập tức thân thiện đáp lời:

 

- Chào Thần Lúa!

 

Tiên cô áo lụa tha thướt đằng sau cũng góp lời hỏi han vào cuộc trò chuyện:

 

- Chào các thiên binh! Chào Thần Lúa! Thần Lúa đi xem người trần trồng lúa à?

 

Vị thần cao tuổi vuốt hàm râu dài bạc trắng như cước và dí dỏm nói với tiên cô:

 

- Chào Thần Dệt May! Chắc Thần Dệt May lại đi quan sát việc phàm nhân dệt vải may áo nhỉ. Được tiên nữ vừa xinh đẹp vừa ăn mặc đẹp thế này chăm lo chuyện tơ lụa, các phàm nhân ấy thật có phước.

 

- Ngài đừng trêu ta mà. – Tiên cô thẹn thùng đáp.

 

Cuộc trò chuyện đang vui vẻ thì chợt có hàng loạt tiếng cười đùa rộn rã từ đâu vang lên, khuấy động cả không gian buổi sớm mai. Giọng nam, giọng nữ, giọng trong trẻo cùng giọng lanh lảnh không chỉ lấn át cả tiếng hai vị tiên mà còn khiến vài kẻ trong đoàn thiên binh phải ngoái đầu nhìn. Thần Dệt May nhướng mày nhìn về phía những thanh âm ồn ào kia hồi lâu rồi mỉm cười nói:

 

- Hóa ra là bọn tiểu tiên học việc trong Y Viện, lũ trẻ con lúc nào cũng như thế.

 

Tiên ông già cũng hướng mắt ra phía xa và chẳng mất quá nhiều thời để phát hiện có nhóm hơn năm mươi tiểu tiên đang cưỡi mây, nương gió bay về hướng đông. Ông vuốt râu, cười khà khà:

 

- Hôm nay chúng rời Y Viện sớm, còn đi về phía đông, hẳn lên rừng hái thảo dược rồi.

 

Lời Thần Lúa chẳng sai, quả thực sáng nay toàn bộ tiểu tiên của Y Viện có bài học phân biệt và hái thảo dược. Chúng hăm hở đến mức vừa sáng sớm đã nai nịt gọn gàng, lưng đeo gùi mây, nô nức kéo nhau đi lên rừng. Nhưng cả bọn hăm hở không hoàn toàn bởi thích y thuật mà vì trong mắt chúng giờ học hái thảo dược luôn đồng nghĩa với giờ chơi.

 

Đa phần các tiểu tiên này đều nằm trong độ tuổi chừng vài ngàn đến một vạn, tính ra còn khá nhỏ so với tuổi trưởng thành của thần tiên, nên hết thảy bọn chúng vẫn chưa mấy chững chạc, toàn thích bày trò nghịch ngợm hơn chăm chỉ học hành. Cứ có dịp học hái thuốc, đám nhỏ lại biến cánh rừng thành sân chơi rộng vô tận để thỏa thích nghịch phá.

 

Lúc này cũng thế, các đám mây vừa đến bìa rừng, từ trên cao nhìn xuống khu rừng vẫn chỉ như một tấm thảm xanh nằm lọt thỏm trong mây, ấy vậy mà cả đám tiểu tiên đã hăm hở bay xuống ngay. Trông từ xa, chúng hệt đàn chim bói cá đang lao vào mặt nước bắt mồi, và “mồi” của các tiểu tiên này chính là mấy trò chơi. Chúng ham chơi đến độ chân chưa kịp chạm đất đã vội ném gùi sang bên để rảnh rang chạy giỡn. Rồi khu rừng đầy mây trắng lập tức tràn ngập tiếng cười nói rộn ràng, màu áo giao lĩnh nâu thoắt ẩn thoắt hiện giữa màu xanh ngút ngàn của cây cối, dòng suối trong vắt như tấm gương soi rõ những bóng dáng tinh nghịch đang mải chơi đuổi bắt. Lũ tiểu tiên nam leo trèo lên mấy cành cây vạn tuổi để hái trái, đứa còn vo mây thành viên rồi ném đi như ném đất cát, đứa lại nấp trong mây hoặc nấp sau mấy thân cây khổng lồ để chờ thời cơ lao ra hù dọa bạn học. Mấy tiểu tiêu nữ hiền dịu hơn thì hái mấy đóa hoa dại nằm lẫn trong mây để kết thành vòng hoặc cài lên quần áo. Dăm tiên nữ điệu đà cài hết bông hoa này đến bông hoa khác lên tóc, lựa từ hoa màu hồng đến hoa màu xanh, hái hoa màu trắng tới hoa màu vàng, hái gần hết cả hoa dưới chân mà vẫn chưa vừa ý. Như một tiên nữ tên Ái Minh, từ lúc đến đây tới giờ đã hái không biết bao nhiêu là hoa, cài đủ màu hoa lên áo rồi đến soi mình xuống dòng suối. Trong mặt nước phẳng lặng hiện lên một dung mạo xinh xắn vô cùng, gương mặt đầy đặn tựa trăng rằm, đôi má tròn trịa ửng hồng dưới nắng, đôi môi chẳng cần thoa son vẫn đỏ mọng… Thế mà tiểu tiên nữ vẫn chưa hài lòng, cứ dẩu môi phụng phịu ra chiều khó chịu lắm, miệng thì liên tục nói lời ngao ngán:

 

- Màu đồng phục chẳng đẹp tí nào, cài bao nhiêu hoa lên vẫn không đẹp. Còn không được xõa tóc, trông vừa già vừa khô cứng.

 

Bộ giao lĩnh nâu này đúng là đồng phục cho toàn bộ tiểu tiên Y Viện, dù thích hay chăng vẫn phải mặc. Màu nâu sậm khá trầm, dẫu có thể ít thấy bẩn nhưng lại khiến người mặc trông già dặn và cứng hơn. Hơn nữa với quy định khắt khe khi học thuốc, tất cả tiểu tiên đều phải búi tóc thật cao, thật gọn, nên đương nhiên các tiên nữ chuộng cái đẹp, ưa ăn diện chẳng mấy thích thú kiểu đồng phục lẫn quy định tóc tai này. Chưa kể Ái Minh còn là tiên chim anh vũ, loài chim được tự nhiên ưu ái ban cho bộ lông lộng lẫy thì sao chấp nhận nổi việc khoác lên mình tấm áo già cỗi và đơn điệu. Mỗi ngày đi học, việc mặc đồng phục luôn khiến Ái Minh nhăn nhó, đôi khi còn càu nhàu suốt buổi sáng. Đến tận lúc này chim anh vũ nhỏ cũng thế, sắp vào giờ học hái thảo dược rồi mà cứ mãi nói toàn lời than vãn về bộ đồng phục:

 

- Sao thầy lại chọn bộ đồng phục xấu xí này chứ? Trông cứ như đắp đất lên người.

 

Có vẻ lời than thở đó đã lọt vào tai một tiểu tiên nam đứng cách đó không xa, và kẻ ấy nhẹ nhàng thốt lên mấy câu nói thật ngọt ngào:

 

- Em mặc gì cũng đẹp mà, trong mắt ta, em luôn đẹp nhất.

 

Mặt nước suối trong veo lại phản chiếu một bóng dáng nam nhi tuấn tú xuất hiện ngay bên cạnh bóng Ái Minh, rồi bóng nam tử ấy nhẹ nhàng ôm lấy bóng thiếu nữ, bóng kề bóng hình kề hình, đầu tựa sát bên đầu, luyến ái vô ngần.

 

Chim anh vũ nhỏ còn thỏ thẻ cất lời:

 

- Anh Mãnh Công cứ trêu em mãi thôi, thầy nghe được lại mắng cho đấy, chẳng phải thầy đã căn dặn không được yêu đương trong giờ học rồi sao.

 

Tuy Ái Minh đã dọa như thế nhưng tiểu tiên Mãnh Công kia vẫn ngoan cố đáp:

 

- Còn lâu thầy mới tới nơi, em lo làm gì, thầy đâu cưỡi mây được như chúng ta, chỉ toàn đi bộ thôi. Hơn nữa làm sao ngăn cấm nổi tình yêu, dù thầy có ở đây thì ta vẫn không muốn buông em ra.

 

Không chỉ nói, Mãnh Công còn to gan đặt một nụ hôn thật nồng nàn lên bờ môi thiếu nữ căng mọng, cứ như thể cả hai đang hẹn hò chứ chẳng phải đi học. Nhưng thời khắc vui vẻ bất thình lình bị phá ngang bởi một giọng nói khá giận dữ:

 

- Ai bảo còn lâu ta mới tới nơi, ta đến trước cả các trò đấy, chỉ vì phải đi tìm thảo dược quý một tí mới vô ý để các trò làm loạn cả lên.

 

Tiếng nói dù không lớn nhưng vẫn toát ra cái uy ngầm khiến toàn thể tiểu tiên hoảng hốt đến sững sờ. Chỉ một tiếng quát mà tưởng gió cũng giật mình ngưng thổi, mây cũng đứng sựng giữa trời, cây cối vô tri còn sợ tới chẳng dám đung đưa. Tuy nhiên, tiếng quát ấy không đến từ bất cứ thần tiên uy phong nào mà lại thoát ra từ đầu môi một… hươu tiên bình thường. Hươu tiên chỉ mặc tấm áo giao lĩnh nâu tay chẽn chứ chẳng hề mặc giáp, đầu cũng đội mũ bức cân (*) chứ đâu đội mũ kim quan của tướng lĩnh, thế nhưng cả đám nhóc lại cuống lên như một toán lính vừa bị chủ tướng phát hiện việc bỏ bê hàng ngũ.

 

Chẳng ai bảo ai, mấy tiểu tiên nam vội vàng rời khỏi những trò vui, còn các tiểu tiên nữ ném hết hoa trên người xuống và nhanh chóng chạy về phía hươu tiên. Chỉ nháy mắt, gùi hái thuốc đã được nhặt lên hết, đám tiểu tiên cũng tập trung thành năm hàng ngang đều tăm tắp, đứa nào đứa nấy đứng nghiêm trang hệt xếp hàng chào một vị tướng. Không một ai dám thở mạnh, tay chân cứng đờ, mắt nhìn đăm đăm về phía trước, tưởng đâu đang chờ một mệnh lệnh tối cao. Và rồi hươu tiên áo nâu bước từng bước tới trước đám đồ đệ nghịch ngợm, bước rất nhẹ mà ngỡ mặt đất cũng run rẩy, cả không gian im phăng phắc, chỉ còn tiếng chân đạp trên cỏ cây. Chân chưa dẫm lên mà các bụi hoa đã tự nép sang bên, mây cũng ý thức tránh đường cho bóng áo nâu. Cuối cùng, hươu tiên đứng sừng sững trước mặt các học trò, bóng hình cao to che khuất ánh nắng trên cao, hắn lực lưỡng tới mức lũ nhóc cứ tưởng đâu thầy mình đặt cả bầu trời lên vai. Đôi mắt một mí sáng rực hướng chăm chăm vào đám tiểu tiên khiến chúng chợt thấy lạnh toát tận xương tủy, có đứa còn chẳng dám nhúc nhích dù chỉ một ngón tay. Trải qua chừng mấy phút dài đằng đẵng, hươu tiên mới cất tiếng hỏi:

 

- Mãnh Công! Trò nói cho ta biết hôm nay chúng ta lên rừng để tìm những loại thảo dược nào?

 

Nghe ra kẻ thầy gọi không phải mình, mấy tiểu tiên còn lại nhẽ nhõm như vừa trút được gánh nặng ngàn cân. Riêng Mãnh Công thì khác, mới ban nãy mạnh miệng bao nhiêu thì giờ lại run lẩy bẩy, ngập ngừng bấy nhiêu:

 

- Thưa thầy! Hôm nay chúng ta lên rừng tìm thược dược, quế chi, thổ phục linh, vỏ doãn…

 

Đương lúc tiểu tiên đương nói dở, hươu tiên lại hỏi tiếp:

 

- Thế hôm nay chúng ta tìm thược dược để làm gì?

 

Như muốn tạo ấn tượng tốt để thầy bớt giận, tiểu tiên nói thật nhanh với bộ dạng hào hứng:

 

- Dạ! Chúng ta tìm thược dược để thu xích thược.

 

Nhưng sự hào hứng của đồ đệ vẫn chưa đủ làm hươu tiên hài lòng, hắn cứ tiếp tục hỏi tới:

 

- Vậy tại sao trong ruộng thuốc thuộc Y Viện cũng có thược dược mà chúng ta lại phải tới tận đây để tìm?

 

Có vẻ được hỏi đúng phần đã ôn tập, Mãnh Công càng đáp nhanh hơn:

 

- Dạ! Vì thược dược trồng trong Y Viện chúng ta thường được dùng để thu bạch thược, còn xích thược sẽ thu từ loài thược dược mọc hoang.

 

Ngỡ thế là xong, nào ngờ hươu sao vẫn quyết hỏi tới cùng:

 

- Vậy trò còn biết gì về bạch thược và xích thược nữa? Chế biến? Công hiệu? Chủ trị?

 

Lần này như đã bị chạm trúng chỗ khó nên chỉ một câu hỏi khá ngắn gọn thế mà Mãnh Công đã bối rối ra mặt, miệng bắp bắp hồi lâu mới trả lời được:

 

- Thưa thầy! Bạch thược là rễ thược dược phơi khô, xích thược là rễ phơi khô của ba loại cây: thược dược mọc hoang, thảo thược dược có rễ phát triển thành củ có vỏ màu nâu đỏ, và xuyên xích thược. Xích thược và bạch thược còn khác nhau ở công hiệu và chủ trị. Về công hiệu, bạch thược hoạt huyết… à dưỡng huyết, à không… hoạt huyết…

 

Thấy học trò luống cuống mãi không thành câu, hươu tiên tức thì chỉ thẳng mặt mà mắng:

 

- Hoạt huyết hay dưỡng huyết? Tới công hiệu của dược liệu còn không nhớ được thì mai này làm sao đi hành y? Sai lầm trong hành y là đoạt mạng đấy, trò không nhớ sao?

 

Nhận ra thầy mình đang nổi cơn thịnh nộ, đôi mắt long lên sồng sộc như sắp bốc hỏa tới nơi, tiểu tiên lập tức lựa lời phân trần:

 

- Thưa thầy! Do tối qua con đau đầu nên ngủ sớm, không kịp ôn bài…

 

Hình như hươu tiên không mấy tin lời học trò nên liền vặn hỏi:

 

- Trò thật sự bị đau đầu à?

 

Không chỉ hỏi, hươu tiên còn nhìn thẳng vào mặt Mãnh Công, rồi trong tích tắc đôi mắt hươu chợt lóe lên một tia sáng bí ẩn, tia sáng lướt qua rất nhanh, chẳng tiểu tiên nào kịp nhận ra, nhưng ngay sau giây phút ánh nhìn kỳ lạ ấy xuất hiện, Mãnh Công đột ngột thay đổi thái độ. Lời lắp bắp biện hộ biến đi đâu mất, bao nhiêu câu nói thành thật bỗng tuôn ra ào ạt đến muốn cản cũng không cản nổi:

 

- Đêm qua con mải đi hái hoa sen tặng Ái Minh nên không có thời gian học bài.

 

- Lại yêu đương không lo học hành, cứ thế này thì làm sao trò theo nghề y được. – Hươu tiên càng nóng giận hơn. – Ái Minh! Trò hãy trả lời câu hỏi ban nãy về bạch thược và xích thược đi, xem trò khá hơn tình nhân của mình được mấy phần.

 

Giờ đến lượt chim anh vũ cuống quýt, miệng lí nhí trả lời trong sợ hãi:

 

- Thưa thầy! Bạch thược vị chua và nặng, công năng thiên về bổ, liễm âm. Xích thược vị đắng và nặng, công năng hoạt huyết, tán ứ huyết. Về chủ trị, bạch thược có tác dụng làm nóng bên trong nên trị được đau bụng, tiêu thũng, còn thường dùng trị các bệnh can, tỳ không hòa, bụng và sườn đau nhức. Xích thược chủ trị mắt đỏ, đau, sưng.

 

Trả lời đến đây, Ái Minh chợt im bặt, dẫu vài bạn học phía sau đang rối rít hối thúc. Hươu tiên thì gằn giọng hỏi học trò:

 

- Hết chưa?

 

Chim vẹt nhỏ suy nghĩ đăm chiêu một lúc rồi cũng gật đầu thật nhẹ. Đến đây hươu tiên không nhận xét câu trả lời ban nãy đúng sai ra sao mà chỉ hỏi tiếp:

 

- Thế liễm âm là gì? Tiêu thũng là gì? Can, tỳ là gì?

 

- Thưa… thưa thầy… - Ái Minh chợt tái xanh mặt mày, lưỡi như bị cuốn vào. – Tiêu thũng là tình trạng tích dịch và nước quá nhiều gây sưng. Còn liễm âm là… Trong đông y, khí thuộc dương, huyết thuộc âm, liễm âm đồng nghĩa với liễm huyết, “liễm” nghĩa là thu lại, tức là cầm máu. Còn can… can…

 

- Can thì sao? Sao không nói tiếp? – Hươu tiên quát lớn.

 

Hơn cả quát, mắt hắn bắt đầu chuyển sang màu đỏ ngầu giận dữ, ngỡ sắp bừng cháy bất lúc nào. Đôi mắt đó làm Ái Minh phải kêu lên trong hoảng sợ:

 

- Con xin lỗi thầy!

 

Tới nước này thì chẳng riêng cặp đôi mải mê yêu đương kia mà cả lớp đều phải chịu khổ lây, bởi hươu tiên đã điên tiết mắng hết đám tiểu tiên một trận ra trò:

 

- Thế sau này nếu có bệnh nhân chết trong tay trò thì xin lỗi có làm người ta sống lại được không? Cả trang giấy dài về xích thược và bạch thược đều được ta giảng kỹ càng, bao nhiêu là khác biệt trong phần chủ trị thế mà hôm nay trò chỉ kể qua loa mấy phần. Vậy phần xích thược trị huyết nhiệt, chống thổ huyết, huyết lâm (**) sao không nói. Còn bạch thược trị váng đầu, hoa mắt, huyết hư thì bỏ đi đâu. Ta còn ghi chép hàng loạt bài thuốc dùng xích thược, bạch thược cho các trò tham khảo mà cuối cùng thành như vậy sao? Trò xem công sức của ta thành gì thứ gì rồi? Đã quyết đi theo nghề y thì học hành cho đàng hoàng, còn không theo được thì từ đầu đừng học y, hành y cẩu thả là giết người đấy. Suốt ngày yêu đương hẹn hò nên bài vở chẳng nhớ chữ nào. Không chỉ riêng Mãnh Công và Ái Minh đâu, ta thừa biết còn nhiều trò khác cũng yêu đương, mải yêu đến quên cả học. Ta không khó khăn gì nhưng học phải ra học, đừng có nhập nhằng yêu với học. Sau này mà còn để ta thấy bất kỳ ai yêu đương trong giờ học thì đừng trách. Chỉ biết yêu, chểnh mảng việc đèn sách nên học bao lâu rồi vẫn chưa rõ được can, tỳ…

 

Đáng lẽ năm mươi tiểu tiên này còn phải nghe mắng thêm ít nhất nửa canh giờ, nghe đến rát cả mặt, nhức cả tai, thậm chí choáng váng đầu óc nếu một nữ tiểu tiên cốt rùa không nhanh trí cứu nguy cho hết thảy bạn học:

 

- Thưa thầy! Việc này con biết! Can tức là gan, trong lục phủ ngũ tạng can có ba vai trò. Can tàng huyết: lưu trữ, lưu chuyển máu đi khắp tế bào. Can chủ cân: giúp cơ thể chuyển động linh hoạt. Can sơ tiết: khai thông mật, men gan, giúp tỳ vị hoạt động tiêu hóa tốt hơn. Còn tỳ bao gồm tiểu tràng, dạ dày, tuyến nước bọt. Trong lục phủ ngũ tạng, tỳ có sáu chức năng. Tỳ ích khí sinh huyết: làm giàu phần khí trong cơ thể và tạo ra nguồn năng lượng giúp các cơ quan hoạt động ổn định. Tỳ chủ vận hóa: tiêu hóa thức ăn và vận chuyển nước. Tỳ chủ nhiếp huyết: lưu thông máu trong mao mạch. Tỳ chủ cơ nhục và tay chân: giúp cơ quan khỏe mạnh và phát triển. Tỳ chủ thăng: khí tỳ giúp các cơ quan hoạt động tốt. Tỳ khai khiếu: giúp cơ thể tiêu hóa tốt. Tỳ chủ yếu về vận hóa, can chủ yếu về sơ tiết, tỳ có vấn đề sẽ ảnh hưởng tới sức tiết của can, nếu sức tiết của can gặp trở ngại sẽ làm tỳ vị bất thường gây triệu chứng như tức ngực, đầy bụng, ợ hơi…

 

Cuối cùng nhờ tiểu tiên rùa thông minh này mà cơn giận của hươu tiên dần được xoa dịu, đôi mắt đỏ rực cũng từ từ hiền hòa lại, tiếng nói nhỏ nhẹ hơn thấy rõ:

 

- Tốt lắm Sương Mộc! Ít ra ta có thể tin tưởng trò được.

 

Sương Mộc được khen nhưng các tiểu tiên khác lại đồng loạt thở phào, nhất là Ái Minh và Mãnh Công, hai kẻ mừng như vừa thoát nạn ngay trước cửa tử, tưởng đâu nếu tiên rùa kia không ra mặt có lẽ đôi tình nhân này đã lăn ra ngất mất rồi. Tuy thế, nguôi giận thì nguôi giận nhưng tội lỗi thì nào có dễ bỏ qua, hươu tiên vẫn quyết phạt cặp đôi tiểu tiên yêu nhiều hơn học kia.

 

- Đừng vội mừng! Sau giờ học, Mãnh Công và Ái Minh về chép phạt cho ta, chép một ngàn lần bài học về xích thược và bạch thược, thêm một ngàn lần bài học về can và tỳ, chép bằng tay, nếu dùng phép thuật ta sẽ tăng hình phạt lên gấp đôi. Trong giờ học hái thảo dược hôm nay hai đứa phải cách xa nhau một trăm bước. Giờ cả lớp bắt đầu hái thuốc đi, hái đầy đủ và cẩn thận vào. – Hươu tiên tức thì ra lệnh. – Mà đừng đứa nào hái nhầm thược dược chưng ngày Tết với thược dược làm thuốc đấy.

 

Lời thầy vừa dứt, Ái Minh tức thì tái xanh mặt, môi mấp máy liên hồi như muốn nói chi đó nhưng không dám thốt lên thành tiếng. Phần Mãnh Công lại mở lời một cách khó nhọc:

 

- Thưa thầy! Nhưng…

 

Nhưng thay vì lắng nghe, hươu tiên lại đưa tay lên ra hiệu cho học trò im lặng. Và người thầy ấy không thèm nghe thật, mặc cặp đôi kia đang nhìn mình bằng cặp mắt van nài đầy khốn khổ hắn vẫn bình thản ngồi xuống cỏ, lấy sách ra đọc, tỏ rõ ý chẳng muốn quan tâm hai tiểu tiên đang đòi hỏi gì.

 

Lũ tiểu tiên còn lại đã ngoan ngoãn tản ra và chạy sâu vào rừng tìm hái thảo dược, không một câu than vãn hay chút thái độ chống đối, Ái Minh và Mãnh Công cũng đâu thể đứng trơ trơ một chỗ mãi nên rốt cuộc đành ngập ngùi tách ra đúng trăm bước như thầy dặn. Trước khi đi cả hai còn quay lại nhìn nhau đầy nuối tiếc rồi mới bắt tay vào nhiệm vụ.

 

Vì đều là thần tiên nên cả lớp không cần phải đào đất tỉ mẩn như người phàm, chỉ cần vận phép xua mây sang bên cho mặt đất lộ ra, rồi cũng với phép thuật ấy những cây thảo dược sẽ được nâng lên thật nhẹ nhàng. Tuy nghe dễ dàng là thế nhưng dùng phép thuật có cái khó riêng của nó, phép thuật khiến mọi việc nhanh chóng mà đôi khi vẫn phản tác dụng không ít. Thảo dược mọc nơi thần giới sẽ lẫn rất nhiều tiên khí, thậm chí cây cỏ sống hơn vạn năm còn thừa sức lấn át cả tiên khí của lũ tiểu tiên, với loại thảo dược quá lâu năm ấy chúng phải vận phép đến ướt mồ hôi mới thu về nổi. Ngược lại, khá nhiều loại cỏ cây chỉ mới vài trăm năm, tiên khí chưa tích tụ đủ lâu, nếu gặp loại cây đó thì cần nhẫn nại, vận phép từng chút một, vì tiên pháp quá mạnh sẽ vô tình khiến cây chết yểu. Chính bởi vậy chẳng ít đứa lười biếng sẽ không thích công việc đòi hỏi sự kiên trì từng chút như thế này. Thêm nhìn khu rừng mênh mông, cây cao thì cao đến không thấy ngọn, cây nhỏ thì nằm lẫn khuất cả vào mây, mây phủ trắng xóa mờ ảo như những tấm màn lãng đãng bao kín những cây thảo dược đang ngủ yên, các tiểu tiên càng nản hơn. Nhưng nản đến đâu thì chỉ giấu sâu trong lòng là cùng, chứ có cho vàng bọn chúng cũng không dám thốt ra nửa câu chán chường.

 

Cả Ái Minh điệu đà cũng cần mẫn hái thuốc, mười đầu ngón tay rẽ hết đám mây này đến đám mây khác, tìm từ gốc cây to đến bụi cây nhỏ, tìm khắp bốn bề tới trán bắt đầu rịn mồ hôi. Nhưng chẳng phải công sức bỏ ra là thu được kết quả ngay, không hiểu có phải do xui xẻo chăng mà cô bé lần mò suốt cả canh giờ mà chẳng thấy cọng thảo dược nào, nhìn ngược nhìn xuôi cũng chỉ thấy toàn cỏ dại vô dụng. Có khi tưởng tìm được rồi, nhìn lại mới phát hiện đã nhìn nhầm. Lúc tới đúng nơi thì cây thuốc bị kẻ nhanh tay hơn hái mất. Cố gắng tìm kiếm bao nhiêu mà vẫn hoài công, tay chân tiên điểu dần luống cuống thấy rõ, mồ hôi tuôn ra mỗi phút mỗi nhiều hơn, thoáng chốc đã ướt hết lưng áo nâu. Hết nhìn vào cái gùi trống trơn của mình lại nhìn sang bạn bè đồng môn đang hái hết cây thảo dược này đến thứ thuốc kia, chim anh vũ nhỏ càng hoảng thêm mấy phần, mắt dáo dác trông đến tội, tưởng chừng sắp vớ luôn bất cứ thứ gì bên cạnh để bỏ vào cho đầy gùi.

 

Một khi đã mất bình tĩnh thì mọi thứ trước mặt đều trở nên rối như tơ vò, và với Ái Minh cũng thế, giờ cô bé thấy như mây trời đang trêu chọc mình, thảo dược thì bỏ trốn đi đâu hết, có lật tung cả góc rừng lên vẫn vô dụng. Không bình tĩnh nổi nữa, nữ tiểu tiên xé luôn mấy đám mây trắng lởn vởn trước mặt, xới tung hết bụi cây, nhổ sạch cỏ dưới chân, miễn tìm được loài cỏ cây nào có thể mang về thì chim vẹt sẵn sàng phá nát tất cả. Nhưng buồn thay, có làm sạch hết khoảng đất dưới chân vẫn nhặt về toàn cỏ là cỏ, chẳng mảy may tí dấu vết thảo dược, đến cái rễ nhỏ xíu cũng không thấy đâu. Giờ đây cô bé thực sự hoảng sợ, sợ nếu mình trở về với cái gùi trống rỗng sẽ khiến hươu tiên nổi giận thêm một phen kinh hoàng nữa, sợ hình phạt cũ còn treo lơ lửng trên đầu, sợ nếu lại lỡ làm thầy chướng mắt thì ai biết hậu quả nào đang chờ đợi. Bao nỗi sợ tràn ngập trong trí óc, trào cả ra nơi khóe mắt và hóa thành những giọt lệ nóng hổi, nước mắt cứ vậy che mờ hết khung cảnh rồi lã chã rơi như mưa, rơi nhiều tới chim anh vũ nhỏ gạt bao nhiêu lần vẫn chẳng ngăn nổi, thậm chí còn tuôn ào ạt ướt đầm cả hai gò má bầu bĩnh.

 

May thay đương lúc rối ren ấy, có giọng nói quen thuộc đâu vang lên từ dưới đất, vọng thẳng vào tai Ái Minh:

 

- Ái Minh! Bình tĩnh lại! Đừng khóc! Đi xa hơn chút nữa, phía trước có cây vỏ doãn đấy.

 

Giọng nói này đâu thuộc về ai khác hơn thầy của chim anh vũ. Việc nhắc nhở vốn cũng rất quen thuộc với toàn bộ tiểu tiên, khi bọn chúng đi hái thuốc, hươu tiên thường chỉ ngồi yên một chỗ nhưng vẫn biết tường tận từng hành động nhỏ nhất. Đứa học trò nào hái nhầm thuốc, lạc đường hay gặp khó khăn đều không bị bỏ sót, cứ như mặt đất lên tiếng mách với thầy chúng điều gì đang xảy ra trong mỗi giây. Hiện giờ cũng thế, Ái Minh nhanh chóng được giúp đỡ ngay khi có rắc rối, nhờ thế nỗi sợ bị gạt sang bên ngay lập tức. Cô bé vội lau nước mắt và răm rắp đi theo tiếng thầy chỉ dạy. Rồi cứ như vậy, tiếng nói từ đất hướng dẫn tiên điểu vòng qua các gốc cổ thụ khổng lồ, bước ngang mấy bụi cây nho nhỏ, rẽ mây bước hẳn ra nơi khá thông thoáng, và cuối cùng một cây thuốc mọc leo hiện lên ngay trong tầm mắt. Tìm thấy thuốc rồi, Ái Minh không suy nghĩ nhiều mà rối rít nói câu cảm ơn:

 

- Cảm ơn thầy! Con tìm thấy cây vỏ doãn rồi!

 

Cũng chẳng thèm nghe hươu tiên có dặn dò gì tiếp chăng, cô bé mừng rơn, vội vàng đưa tay về phía thảo dược ngay. Nhưng còn chưa kịp khai triển phép thuật thì bàn tay nhỏ nhắn của Ái Minh đã bị một bàn tay to lớn chụp lại. Theo phản xạ chim anh vũ lập tức ngước mắt lên nhìn kẻ đang ngăn cản mình, và đương nhiên kẻ đó đâu ai khác hơn người thầy hươu tiên. Tiên điểu liền ngỡ ngàng hỏi:

 

- Thầy đến đây lúc nào vậy? Cây này không được hái sao thầy?

 

Hươu tiên lắc đầu mấy cái rồi ôn tồn đáp:

 

- Ta đang định dẫn trò đi xa thêm chút nhưng trò hấp tấp quá, đi về phía trước đoạn nữa mới có cây vỏ doãn, còn cây này là lá ngón. Trò nhìn kỹ đi, dù lá cũng mọc đối xứng và kích thước tương đương nhưng hoa cây lá ngón màu vàng, còn hoa cây vỏ doãn phủ lông màu hung nâu. Chưa kể thân cây lá ngón hơi khía dọc, thân vỏ doãn nhẵn và có móc mọc đối xứng ở đầu cành non. Hai cây này đều thuộc họ mã tiền nên rất dễ nhầm. Trò đi hái cây vỏ doãn về đây rồi so sánh với cây này sẽ thấy khác biệt ngay. Ta biết trước giờ trò toàn dựa vào Mãnh Công để tìm thảo dược, mới tách riêng ra một hôm đã khóc lóc rồi. Trò nên tập tự lập dần đi, không thể lệ thuộc suốt đời được đâu. Giờ theo ta, ta chỉ cho cách hái thảo dược.

 

Không chỉ nói, hươu tiên còn dẫn học trò đến tận chỗ có cây vỏ doãn, hai thầy trò đi một đoạn đường dài về phía những cội cổ thụ khổng lồ, bước dưới bóng cây rậm rạp, đi thêm hồi lâu, loại thảo dược Ái Minh tìm đã mập mờ hiện lên sau tầng mây mỏng. Cây thuốc mọc leo đung đưa trong gió hệt đang vẫy tay gọi mời, những bông hoa không cuống lắc lư liên hồi tựa muốn cất lời chào khiến chim anh vũ nhỏ thích thú ra mặt. Cô bé chạy thật nhanh đến chỗ cây vỏ doãn, chạy như sợ có ai tranh mất thảo dược với mình. Nhưng đúng thời điểm đó, chợt có tiếng kêu từng đằng xa vang lên từng hồi thảm thiết:

 

- Gấu tinh! Có gấu tinh!

 

 

 

 

 

(*) Mũ bức cân là mũ dạng hình vuông có dây buộc để bọc lấy tóc, phía sau còn có vạt dài. Vào thời Lê Trung Hưng ở nước ta, loại mũ này được xem trang phục trang trọng của nho sĩ và dân gian.

 

(**) Tiểu ra máu.

 

 


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}