Người ta bảo số chị khắc phu, nên đã khắc chết chồng, người thì bảo số chị khắc phụ mẫu, nên cả hai đều mất sớm cả. Mẹ tôi thì chỉ buồn rầu, thở dài mà cảm thán rằng số con bé Hiền nó khổ, cứ lận đận truân chuyên mãi, tôi cũng chỉ lặng người mà trầm ngâm im lặng một chốc, lòng miên man hoài niệm về những điều xưa cũ. 


Chị Hiền lớn hơn tôi 2 tuổi, sau chị còn có thằng Nhơn, y nhỏ hơn tôi 1 tuổi. Cha mẹ mất khi chị vừa tròn mười bốn, cảnh nhà côi cút, lại thêm đứa em trai còn đang tuổi ăn tuổi lớn nên chị phải vất vả bôn ba kiếm sống để nuôi hai miệng ăn trong nhà. Khi thì đi nhổ cỏ mướn, khi thì gặt lúa thuê, cũng có khi chị theo mấy người trong làng lên huyện, ai sai gì làm nấy. Chị cần cù, siêng năng, lại hiền lành, chất phác nên bà con ai cũng mến cũng thương. Có lúc người ta thương mà cho chị dăm cái bánh ít ăn dằn bụng, chị cũng gói để dành lại mà đem về chia cho tôi với thằng Nhơn. Nhà tôi thì cũng chẳng giàu có hay khấm khá gì hơn nhà chị là bao, nhưng vẫn tạm gọi là đủ ăn đủ mặc, không đến mức khiến tôi phải bôn ba khắp xứ. Nhà chị và nhà tôi chỉ ngăn cách nhau bởi cái hàng rào bằng hoa dâm bụt, lại thương cho cảnh nhà quạnh quẽ, nên mẹ vẫn hay bảo tôi đem qua ít đồ ăn cho chị. Khi thì cân gạo nấu cháo cho thằng Nhơn khi y ốm sốt, khi thì cân thịt hay dăm trái dưa cà ăn để đổi bữa qua ngày. Mẹ tôi quý chị lắm, hay nói anh chị Tư bên nhà mà còn sống, ắt hẳn sẽ cưng chị nhất nhà. Bởi chị vừa đẹp người đẹp nết, lại siêng năng chăm làm, biết kính trên nhường dưới, hay giúp đỡ bà con trong xóm nên thành ra ai cũng mến cũng thương chị. Mẹ tôi còn nói sau này ai mà lấy được chị thì sẽ sướng lắm, nhà nào mà cưới được chị cho con họ hẳn là phúc tu mấy đời. "Mồ tổ bây, phải mày mà là con trai, tao cưới con Hiền cho mày, để nó làm con dâu tao, cho bà con trong làng này á hả, thèm nhỏ nước dãi phải biết à nhen" - mẹ tôi vẫn hay càm ràm thế mỗi lúc vừa sang nhà bà Tám mà cùng nghe mấy bà Tư, bà Bảy bàn chuyện sau này sẽ cưới chị cho con trai mình. Tuy chị không xinh đẹp mỹ miều như mấy cô diễn viên trên băng rôn mà tôi vẫn thường thấy ở rạp chiếu phim lúc tôi lén mẹ cùng đám bạn lên huyện xem phim, da chị hơi ngăm ngăm một tí, đôi mắt thoang thoáng buồn, nhưng bù lại chị có một mái tóc thật dài và óng ả, bởi tôi vẫn thường thấy bác Tư gái lúc còn sống vẫn hay ngồi ở sau hè nấu bồ kết mà gội tóc cho chị. Giờ mẹ chị mất, cũng chẳng còn ai nấu bồ kết để gội tóc cho chị nữa, nhưng có lẽ vì để nhớ lại những ngày còn có mẹ, chị vẫn hằng ngày chăm chút từng tí một cho mái tóc mình. Còn về phần tôi, chẳng hiểu sao, so với việc chơi chung với mấy đứa con gái cùng xóm thì tôi lại thích chơi cùng chị. Không có những trò bày đồ hàng nhàm chán hay nhảy lò cò la inh ỏi khắp xóm, mà đơn giản chỉ có tiếng hát và những câu hò của chị. Chị hát hay lắm, giọng chị ngọt nghe như rót mật vào tai. Tôi mê mấy bài mà chị hát lắm, dẫu chị hát nghe hơi buồn và ai oán quá. Mỗi lần tôi nghe ở bên nhà, chị hò để ru cho thằng Nhơn ngủ, là tôi biết, chị nhớ mẹ. Tại có lần, chị kể tôi nghe hồi nhỏ mẹ chị hay ru cho chị ngủ bằng mấy câu hát ru dân dã nhưng da diết đó. "Ầu ơ...Mồ côi tội lắm ai ơi...Đói cơm khát nước biết người nào lo...Ầu ơ...". Ấy mà sau đó, chị đã thành trẻ mồ côi, ngay khi mẹ cùng cha chị bơi xuồng giăng lưới ngoài nhánh sông gần nhà rồi chìm xuồng mất tích. Phải tận mấy ngày sau, bà con họ mới vớt được xác của hai người họ. Lúc chôn cất cha mẹ chị ngoài bãi tha ma gần nhà, chị cứ ôm thằng Nhơn rồi khóc miết. Chị đâu ngờ câu hát ru của mẹ ngày nào lại vận vào người chị, đôi mắt vô hồn cứ dõi nhìn theo hai chiếc áo quan dần dần bị lấp khuất bởi đất cát, chị khản giọng mà gọi hai tiếng "mẹ ơi". Nhưng lần này, đã chẳng còn ai đáp lời chị nữa... 


Sau ngày cha mẹ chị mất, chị như thể biến thành một người khác vậy. Chẳng còn nữa con bé Hiền luôn vui vẻ, hoạt bát, líu lo cả ngày, mà thay vào đó là một con bé vừa mất đi hai người thân yêu nhất, dần trở nên lầm lì và ít nói hơn hẳn. Tối tối sau khi dỗ cho thằng Nhơn ngủ xong, tôi thấy chị chạy ra sau hè ngồi khóc. Mẹ tôi trông thấy cảnh đó, bảo tôi chạy qua ngủ với chị cho chị đỡ buồn: 


- Tội con nhỏ, mới mười mấy tuổi đầu mà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ông trời cũng thật là không có mắt mà. 


Những ngày tháng sau đó, sau khi xong bữa cơm chiều, tôi qua chơi và ở hẳn luôn nhà chị. Mẹ tôi ra điều ưng bụng lắm. Tôi thì tốt tính tuy hay nghịch ngợm, nhưng cũng chẳng phá phách hay gây hại ai. Hằng ngày, tôi bày đủ trò để chị Hiền và thằng Nhơn, cả ba chúng tôi cùng chơi với nhau vui vẻ, căn nhà nhờ luôn có tiếng cười rộn rã mà cũng ấm áp hẳn lên. Thằng Nhơn luôn là người hăng hái nhất, y cùng tôi thay nhau làm trò để chọc chị cười. Sau một ngày bôn ba vất vả, có lẽ những khoảnh khắc khi ấy cũng làm cho chị có phần nào thoải mái và dễ chịu. Sau khi dỗ được thằng Nhơn vào buồng bên ngủ rồi, tôi với chị cùng ra trước hè mà ngồi. Đêm ấy là ngày rằm nên trăng sáng lắm, ánh trăng treo vằng vặc trên nền trời đầy ắp những vì sao. Chị ngước nhìn từng ngôi sao lấp lánh ấy, rồi khẽ nghiêng người thầm hỏi:


- Hạnh ơi! Chị nhớ mẹ quá! Liệu có phải mẹ chị cũng biến thành một ngôi sao nào đó, vẫn luôn dõi theo chị và Nhơn đúng không? 


Chị rốt cuộc vẫn là chị đó, vẫn là cô bé hay mơ mộng, tin vào những điều kì diệu thuở nào. Ấy vậy mà tôi đã lầm tưởng là chị thay đổi rồi chứ. Không, có lẽ là tất cả mọi người xung quanh đều lầm tưởng, ngỡ rằng từ sau biến cố gia đình, con bé Hiền đã trở nên thật mạnh mẽ lạ thường. Nhưng thật ra cái vỏ bọc kiên cường, rắn rỏi ấy của chị chẳng qua chỉ là để né tránh sự thương hại của mọi người dành cho hai chị em chị mà thôi. Đằng sau cái vẻ lầm lì, bướng bỉnh đó là tâm hồn mong manh, yếu đuối và sợ sệt. Chị đã mất đi hai người thân yêu nhất, nên chị không muốn mất đi thằng Nhơn nữa. Chị cố tỏ ra thật mạnh mẽ, kiên cường trước mặt tất cả mọi người nhưng lại thầm rơi nước mắt khi chỉ còn lại một mình. Tôi của lúc đó còn trẻ con và non nớt quá, nên đã thầm cảm thán trước suy nghĩ ấy của chị nghe sao nó thật ngồ ngộ, buồn cười. Tôi của khi ấy vẫn nghĩ đơn giản rằng, buồn thì cứ khóc thôi, sao cứ phải cố kiềm nén cảm xúc của mình từng chút từng chút như những người lớn nhỉ? 


- Chị nhìn kia, có thấy ngôi sao sáng nhất không? Đấy ắt hẳn là mẹ chị ấy. Dì ấy cũng giống như Hạnh vậy, vẫn luôn ở bên chị vậy mà. 


Tôi đưa tay chỉ về ngôi sao sáng nhất trên nền trời, cố nói lấy dăm câu mà an ủi chị. 


- Chị Hiền ơi, trời cũng khuya rồi, thôi mình vào nhà đi để sương lạnh chết. Rồi để em hát ru cho chị ngủ nhen. 


Nói rồi chẳng đợi chị đồng ý, tôi kéo tay chị lên chiếc chõng tre trong nhà, đoạn đợi chị nằm xuống sửa tư thế rồi tôi khẽ cất tiếng hát.


"Ầu ơ...

Sông dài cá lội biệt tăm

Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ

Sông sâu cá lội vào bờ

Phải duyên thì lấy, đợi chờ nhau chi

Ầu ơ..." 


Đêm ấy, chị gối đầu lên tay tôi mà ngủ. Bên ngoài song cửa, trăng vẫn tỏa ra những tia sáng hiền dịu, treo lững lờ trên nền trời đầp ắp những vì sao. 


_____

Năm chị mười chín, tôi mười bảy.

Chị giờ đây đã là cô thiếu nữ xinh xắn, dễ mến nhất xóm, còn tôi cũng dần dần trưởng thành, tim cũng đã dần có những rung động đầu đời. Mà lạ một cái, tôi chỉ đỏ mặt thẹn thùng khi có chị kề bên, thấy nhung nhớ khi chị đi đâu đó chưa về, và thấy lòng khó chịu khi mấy anh trai làng cứ nhiều lần tìm cớ ve vãn mà gặp gỡ chị. Sau mấy năm chị chịu khó bươn chải đi làm thuê cuốc mướn, cùng với sự giúp đỡ của bà con, chị dựng được cái quán nước nho nhỏ cạnh bến đò, để khách qua sông có chỗ nghỉ chân uống dăm chén trà, trong lúc ngồi đợi đò cập bến. Quán chị đông khách lắm, không biết do trời nắng nóng nên khách thường ghé dừng chân, hay bởi do cái duyên của cô hàng nước mà lúc nào cũng tấp nập người qua lại. Còn phần tôi hằng ngày sau khi vừa hết giờ học may thì liền chạy ra quán với chị. Chị Hiền biết tôi vẫn thích quà vặt như lúc nhỏ, nên lúc nào ra quán, chị cũng dúi vào tay tôi những món bánh hay chiếc kẹo quê dân dã mà chị đã mua để phần tôi sau mỗi buổi chợ sáng. Còn thằng Nhơn thì chị gửi y lên huyện học nghề thợ tiện. Y học khá lắm, cố lo cho y thêm thời gian nữa thì có thể ra ngoài thành thợ làm kiếm kế sinh nhai nuôi thân được rồi. Con nhà quê mà, với phần cha mẹ mất từ lúc còn bé xíu, nên thành ra phải học cách tự lập bươn chải sớm. Chị Hiền giờ cũng đã mười chín, ở quê thì tuổi đấy cũng nên lập gia đình rồi. Do phần ơn nghĩa, lại là hàng xóm cận kề nên mẹ tôi đã nhận chị làm con nuôi. Mỗi lần thấy nhà có khách ghé qua, là tôi biết, người ta tới hỏi cưới chị. Tuy mẹ tôi là mẹ nuôi nhưng bà không hề ủy quyền mà bắt ép hay ép hôn chị. "Chuyện vợ chồng là chuyện cả đời, cứ để cho chị Hiền của mày quyết, sau này tao cũng coi như là làm tròn tâm nguyện của anh chị Tư bên nhà lúc còn sống, rằng sẽ gả nó cho tấm chồng đàng hoàng tử tế" - mẹ tôi vẫn hay nói vậy sau mỗi lần vừa tiễn khách tới dạm ngõ. Về phần chị, hình như tôi thấy chị chưa vừa mắt ai cả. Còn tôi thì bỗng phập phồng lo sợ, sợ một ngày chị lấy chồng, sợ một ngày chị sẽ có người thương, và người đó, chẳng phải tôi. 


Khái niệm về tình yêu đồng giới lúc bấy giờ ở quê tôi hãy còn là một chuyện rất chi là xa lạ và mới mẻ, nên lúc tôi biết lòng mình có tình cảm khác lạ với chị, dẫu là một đứa cứng đầu và ngang bướng, không sợ trời không sợ đất cũng trở nên yếu mềm và nhu nhược. Tôi sợ, sợ chính mình sẽ đánh mất chị, cũng sợ đoạn tình cảm này sẽ ảnh hưởng đến chị, nên tôi âm thầm kiềm nén, dẫu lửa tình trong lòng vẫn âm ỉ từng đêm. 


_____

Chính quyền người ta về dẹp bến đò để xây cầu, quán nước của chị được lệnh buộc phải tháo dỡ, song, vì lấy lí do làm chỗ nghỉ ngơi cho công nhân về thi công xây cầu, quán của chị được hoạt động thêm một thời gian nữa. Trong tốp người về tham gia xây dựng, có anh kỹ sư trẻ gần ba mươi chưa vợ. Có vẻ từ hồi có tốp người ở tỉnh về, trông chị vui hơn hẳn, nhất là những lúc giáp mặt cùng anh kỹ sư nọ. Mà anh chàng cũng có vẻ để ý đến chị. Những lúc không phải làm việc, anh đều chạy qua quán phụ lặt vặt giúp chị, khi thì phụ dọn quán, khi thì sửa ít đồ gia dụng. Tình cờ trông thấy những lúc chỉ có hai người, nhìn những cử chỉ quan tâm ân cần của anh và ánh mắt trìu mến của chị. Tôi biết, chị ưng anh rồi. Mấy tháng sau, sau khi xong lễ khánh thành cây cầu, chị lên xe hoa làm vợ anh kỹ sư nọ. Tin anh kỹ sư cưới được cô gái giỏi giang nhất xóm được bà con truyền miệng rỉa tai nhau mà kể. Đám cưới chị linh đình lắm, do đại diện bên nhà trai đông người nên đãi khách gần trăm mâm cỗ, ai ai cũng nói cười vui vẻ, mẹ tôi cũng mừng ra mặt, vì gả được cho chị một tấm chồng tốt. Chỉ riêng tôi miệng cười mà lòng quặn thắt, nhìn chiếc xe hoa lộng lẫy đưa chị rời khỏi vùng quê nghèo nhiều kí ức buồn ám ảnh cả tuổi thơ chị, và điểm đến là phố thị phồn hoa rực rỡ với những ánh đèn màu. Tôi biết, mình mất chị rồi. 


Đó là câu chuyện của tám năm trước. Còn bây giờ, tôi đã là cô thợ may lành nghề, đã mở một cửa tiệm ở trên huyện cho riêng mình. Tuy tiệm không lớn lắm, nhưng do làm ăn uy tín và luôn cho ra những mẫu sản phẩm mới với đường may khéo léo và tinh tế, nên tiệm lúc nào cũng đông khách. Nhơn giờ cũng là một thợ tiện giỏi, do siêng năng, hay học hỏi nên được ông chủ trọng dụng lắm, cuộc sống cũng khá giả hơn hồi trước hẳn. Chỉ có chị từ hồi lấy chồng, vài năm đầu còn thư từ liên lạc được, nhưng sau này lại biệt tăm biệt tích, dẫu cả tôi và Nhơn nhiều lần hỏi thăm nhưng chẳng có chút tin tức nào. Mẹ tôi vẫn hay nhớ chị, hay nhắc con bé Hiền thích hát mấy câu hát ru của mẹ, thích ăn canh chua bông điên điển nấu với cá linh, hay khóc ở sau hè những ngày nhớ mẹ. Bà nhắc nhiều lắm, kể cả những chuyện mà tôi đã khắc ghi vào sâu ký ức của mình. Tôi nhớ lắm những đêm trăng thanh gió mát, chị gối đầu lên cánh tay tôi, tôi khẽ hát ru cho chị ngủ. Tôi vẫn thích ngắm nhìn chị lúc ngủ, tinh ranh mà nằm nghịch tóc chị. Do vẫn giữ thói quen cũ nên tóc chị thơm mùi bồ kết lắm, tối tối tôi lại lén rúc vào mái tóc chị mà hít lấy hít để. Có lần chị không kiềm được mà hỏi: 


- Sao Hạnh cứ thích rúc vào tóc chị vậy?


- Tại Hạnh thương chị nên cái gì của chị Hiền, Hạnh cũng thích hết - tôi nửa đùa nửa thật mà trêu chị. Chị cũng chỉ cười rồi thôi. Chuyện đã qua nhiều năm vậy rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ mà canh cánh trong lòng. Hiền ơi! Rốt cuộc chị giờ ở đâu? 


Nay có khách đặt vải may đồ ở cửa tiệm. Nhưng ngặt một nỗi, loại vải này tôi vừa hết hàng mà ở huyện thì không có ai bán cả, phải lên tận trên tỉnh may ra còn có hàng. Sau khi thu xếp, bàn giao cửa tiệm cho mẹ tôi trông coi cùng mấy người làm, tôi đánh cuốc xe lên tỉnh. Giờ đường xá rộng mở nên nhiều loại xe cộ được thông thương tấp nập, chen chúc nhau như đàn kiến chuyền mồi giữa rừng mưa trút nước. Tôi rẽ qua con đường tới tiệm vải quen mà tôi vẫn thường lấy hàng, nhưng hôm nay tiệm đóng cửa nên tôi đành ghé qua cửa tiệm khác. Nghe theo chỉ dẫn của người dân nhà gần đó, tôi đi thêm một chút thì đến một tiệm vải đề bảng hiệu Kim Liên. Tôi dừng và ghé vào lựa những loại vải mình tìm mua. Đối diện trước tiệm vải hình như có một chiếc xe nước vừa mới dời lại đây bán, bởi tôi trông kệ hàng thì có phần cũ kĩ nhưng người bán thì vẫn còn loay hoay chưa quen việc. Nhìn bóng lưng người phụ nữ đội nón lá lụp xụp đang đứng chỉnh trang lại mấy chai nước trên kệ hàng mà lòng tôi ngờ ngợ. Bởi người nọ trông giống hệt chị, người con gái mà tôi đã thầm thương suốt những năm tháng tuổi trẻ. Mang theo những nghi ngờ thắc mắc trong lòng, tôi quay sang chị chủ hỏi thăm về người đàn bà nọ. 


- Chị Liên, hình như đối diện trước tiệm mình có xe nước mới dời lại hả chị? 


Chị chủ tiệm tên Liên ngước mặt lên hướng mắt về hướng có chiếc xe mà tôi vừa nhắc đến. 


- Ừa, hai mẹ con mọi lần bán ngay chỗ đầu đường này nè. Mà chỗ bán cũ thì mấy ông đô thị đuổi gắt quá, với cả tụi bảo kê hay làm phiền khó dễ, đòi tiền bảo kê chỗ bán này nọ nên có bán buôn gì được đâu à. Xong bà Hai nhà đối diện chị nè, thấy thương cho hoàn cảnh của hai mẹ con, nên mới kêu lại cho mượn khoảng trống trước nhà mà bán buôn, kiếm kế sinh nhai mà nuôi con nhỏ. 


- Mà hình như em không thấy chồng chỉ đâu ha chị? - Tôi tiếp tục thăm dò về chị. 


- Tội hai mẹ con lắm em ơi. Gái quê lên đây lấy chồng mà có sung sướng gì đâu. Chồng nghe đâu làm kỹ sư công trình gì đấy, đi miết, mà về thì hành hạ đánh đập vợ. Lần đấy y đi làm về say khướt, vừa vào nhà gặp vợ là rượt đánh, cô vợ hoảng quá chạy lên lầu trên trốn trong tủ, y rượt theo đến cầu thang không cẩn thận trượt chân té chết ngay tại chỗ. Bà già chồng luôn ra điều hằn hộc với con dâu lắm, lúc tang ma cho con trai mình, bà cứ gào mồm lên mà chửi rủa chị là đồ sao chổi, nên đã khắc chết cha mẹ mình, giờ thì lại khắc chết đứa con trai hiền lành,hiếu thảo của bà. Hàng xóm ai cũng biết tiếng hai mẹ con nhà đấy thường hành hạ chị nên ai nghe những câu đó cũng tỏ ra ngán ngẩm. Song, chẳng đợi con dâu đoạn tang chồng, bà liền đem tất cả quần áo của chị vứt ra đường rồi đuổi chị đi không chút thương tiếc, lúc này, chị vẫn chưa hay mình có mang với chồng. Thân gái lưu lạc ở đất thị thành hoa lệ, không nghề nghiệp, không người thân thích. Một mình sinh con rồi phải mang tiếng là không chồng mà chửa hoang. Âu, miệng đời cay nghiệt - chị Liên thoáng thở dài rồi kể tiếp - Cổ sinh được đứa con gái, con bé dễ thương lắm, mới tí tuổi đầu mà ngoan ngoãn, lễ phép lắm. Biết mẹ buôn bán cực khổ nên không có vòi vĩnh quà bánh như con người khác, mà còn tự biết chơi một mình, rồi phụ mẹ lặt vặt nữa. Nhìn con bé ngoan ngoãn, hiểu chuyện mà xót ruột lắm em ơi! 


Nghe qua hoàn cảnh của chị sao nó chua chát quá. Số phận đàn bà chúng mình cứ luôn dở dang lận đận miết, tựa như kiếp trái bần trôi, "sóng dập sóng dồi biết tấp vào đâu". 


Tôi toang lên xe quay về huyện để thu xếp may đồ cho khách thì bỗng một tiếng "Gầm" lớn vang lên. Tôi ngoái nhìn ra lộ, vừa có một vụ tai nạn giữa một chiếc xe máy và một cô bé. Con bé ngất đi, nằm thoi thóp, máu thì chảy loang khắp cả mặt đường, đoạn đường thưa thớt khi nãy dần ùn tắc do tai nạn. Tôi hối hả cùng người khác hối thúc người xung quanh tránh đường để gọi xe đưa bé vào nhà thương. "Mất máu nhiều quá, cầu trời cho con bé bình an". 


Cô bé được đưa vào bệnh viện kịp thời nên thoát chết, bác sĩ bảo chỉ cần chậm một chút nữa thôi thì nạn nhân sẽ chết vì mất máu quá nhiều. Tôi thở thào nhẹ nhõm. Lúc đấy cô y tá lại tìm tôi nhờ bổ sung bệnh án, tôi còn đang loay hoay giải thích rằng mình chỉ là người tình cờ đưa bé vào viện, thì bên tai, giọng nói quen thuộc năm nào khẽ hỏi: "Cô ơi! Con tôi có sao không?" 


Tôi giật mình quay người lại, nhìn người phụ nữ vừa theo cô y tá đi hoàn thiện bệnh án mà vẫn chưa thể tin vào mắt mình. Chị Hiền! Là chị Hiền bằng xương bằng thịt, là người mà tôi vẫn mong mỏi tìm kiếm tung tích bấy lâu nay. Thời gian đã làm chị thay đổi nhiều quá. Trông chị giờ già dặn và đôi mắt năm nao giờ đã hằn đọng những nét buồn sau biến cố của thời gian. Bé con khi nãy tôi vừa cứu là con gái của chị. Chậc, con bé giống mẹ y đúc, từ ánh mắt, đôi môi đến cả nét cười, bảo sao khi nãy trông thấy mà tôi cứ ngờ ngợ, liền nghĩ ngay đến chị. Từ lúc gặp lại chị, tôi muốn hỏi chị thật nhiều điều. Chị dạo này ở đâu? Sao phải bôn ba đến mức này? Và thật sự...anh ta không yêu thương chị như lời người ta đã kể hay sao? 


Chị trở lại tìm tôi sau khi hoàn tất thủ tục nhập viện cho con bé. Lúc này chị vẫn chưa nhận ra tôi, chỉ kịp nắm lấy tay tôi rồi cảm ơn ân nhân cứu mạng. Thấy tôi cứ đứng yên mãi, bần thần nhìn chị, lúc này chị mới ngước mặt lên mà quan sát người đối diện. Bốn mắt giao nhau, tôi nhìn thấy sự kích động trong đôi mắt chị. Chúng tôi cứ đứng yên lặng nhìn nhau như vậy, hồi lâu, chị lên tiếng gọi tôi: "Hạnh..." 


Tôi ở lại cùng chị chăm con gái. Bé tên Nhi, năm nay vừa tròn bảy tuổi. Nhi ngoan lắm, sau khi ăn chút cháo tôi mua và uống thuốc, trong tiếng ru của mẹ, con bé dần dần ngủ thiếp đi. Tôi kéo chị ra băng ghế ngoài hành lang, ngồi tỉ tê tâm sự. Tôi hỏi chị về sự mất tích mấy năm qua. 


- Sao chị không về tìm em, tìm thằng Nhơn mà đi biệt tăm biệt tích suốt mấy năm trời vậy chứ? Chị có biết mẹ và em, à không...ý em là mẹ với thằng Nhơn lo cho chị lắm không? - tôi nói trong sự hờn dỗi. 


Chị khẽ cười, nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi rồi nói: 


- Chị xin lỗi. Do chị không muốn liên lụy mọi người, sợ chị về rồi khổ cho thằng Nhơn nữa. Mẹ với Nhơn vẫn khỏe chứ em, à mà em với Nam giờ sao rồi.


- Nam? - tôi nghi hoặc.


- Cậu bạn mà hồi trước ngỏ lời thích em ở mé sông quê mình ấy - chị tiếp lời tôi, vẻ mặt chợt thoáng buồn. Còn phần tôi thì mơ hồ cố nhớ về người bạn cũ, ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu. 


_____

Tám năm về trước tôi có một người bạn tên Nam, trước đây tôi và y học chung một lớp, sau này tôi nghỉ học chữ đổi qua đi học may thì bọn tôi ít gặp nữa. Nam đi học quậy lắm, hay bày trò phá đám suốt, mà lạ một cái, y hay chọc phá ai chứ chả thấy bao giờ y chọc tôi, còn hay dúi quà vặt vào tôi nữa. Cái thằng ngộ nghĩnh. Chả hiểu sao lúc nào y gặp tôi cũng đỏ mặt tía tai, nói chuyện thì lắp ba lắp bắp. Con đường tới chỗ tôi học may thì trùng hợp thế nào lại đi ngang nhà y. Mấy bận đi ngang nhà, tôi thấy y chạy ra đứng thập thò trong sân rồi huýt sáo. Thỉnh thoảng tôi còn bắt gặp y lẽo đẽo theo sau tôi mấy chặng đường về. Tôi bực lắm, định chửi hắn một trận thì trùng hợp, y lại nhà tìm thì tôi chưa về, gặp mẹ tôi y nhắn nói mấy câu rồi vọt lẹ, tôi đi học về nghe mẹ nói vậy thì ra mé sông luôn. Từ xa tôi đã trông thấy y đứng đợi sẵn, tay cầm thứ gì đó.


- Ông hẹn tui ra đây có gì hông? - tôi hỏi y, giọng thoáng bực.


- Ờ... tôi có chuyện muốn nói với Hạnh...Tui...tui...tui...


- Gì mà ấp úng dữ vậy. Hông nói tui đi dìa nha - Tôi định quay lưng bước đi, y gọi lại.


- Hạnh! Hạnh! Tui muốn nói là tui thích bà! - vừa dứt câu, y liền đẩy về phía tôi nhánh bông lục bình, loài hoa mà tôi vẫn thích. Bông lục bình mang màu tím thủy chung, mang thêm một chút gì đó gợi cho lòng buồn man mác. Cậu bạn ngày thường hay nghịch ngợm quậy phá, ấy vậy mà khi thích một người lại biết để ý những thứ nhỏ nhặt. Tôi khẽ cười, đẩy nhánh hoa về chủ cũ. 


- Cảm ơn ông đã thích tui nhe. Nhưng mà tui có người trong lòng rồi. 


Bị từ chối, nét mặt cậu bạn ủ rũ buồn hiu. Nhưng có lẽ đã đoán trước được kết cục, nên ít phút sau Nam phấn chấn trở lại. 


- Hạnh thích chị Hiền phải không? - y bất chợt lên tiếng, nhìn thẳng vào mắt tôi dò xét. Tôi giật mình trước sự bạo dạn của y. Cái thằng! Sao mà chuyện gì nó cũng biết, hay tại tôi chẳng giấu được lòng mình, cứ dồn dập quan tâm khi ở cạnh chị? Trước khi rời đi, tôi chỉ khẽ đáp lại lời y: "Ừa".


_____

Chuyện vốn dĩ đã qua lâu rồi, và sau đó tôi cũng không nói chuyện này cho ai cả, kể cả chị. Vậy mà sao chị vẫn biết cơ chứ. Tôi còn định hỏi thì sự xuất hiện của cô y tá cắt ngang cuộc trò chuyện: 


- Có người nhà của bé Nguyễn Thị Diệu Nhi không ạ? 


Cô y tá cùng tôi và chị trao đổi một chút về vấn đề sức khỏe của bé, và sắp xếp về việc thời gian tới giữ bé lại điều trị. Sau khi cùng chị về phòng bệnh chườm mát cho con bé, tôi định về nhà sửa soạn đem ít đồ và báo cho mẹ với thằng Nhơn hay về chị. Tôi còn đang quay lưng định bước đi, thì chị giữ tay tôi, như không muốn tôi rời đi dù một chút. 


- Ừm... - Chị có vẻ định nói gì đó, song ngập ngừng. Nhìn bộ dáng quyến luyến sợ bị bỏ rơi của chị, tôi phì cười, ngồi xuống bên thành giường, nắm vội lấy tay chị vỗ về. 


- Em về nhà lấy đồ, nói cho mẹ với Nhơn hay về chuyện của chị rồi em vô liền. Đừng sợ. À còn nữa, Nam với em chỉ là bạn học cũ, chứ không có gì nữa hết. Hồi đó còn trẻ con thì thích thích ai đó là chuyện thường thôi. Với cả lúc đó em có người mình thương rồi, đến giờ vẫn vậy... - Tôi âu yếm nhìn chị một chút, rồi bỗng lảng tránh ánh mắt của chị. Chị nhẹ nhàng đưa tay nâng lấy mặt tôi, nhìn thẳng vào mắt. 


- Giờ số chị vậy mà vẫn thương sao em?


- Ngần ấy năm xa lạ biệt tăm biệt tích, em cứ ngỡ tình cảm đó nó chết rồi. Nhưng đến giờ gặp lại chị em mới biết, tình mình không chết, nỗi nhớ về chị vốn dĩ cũng chưa từng nguôi ngoai. Nó vẫn âm ỉ, cháy từng chút trong lòng, đợi một ngày chúng mình hội ngộ, để lửa tình sưởi ấm một trái tim khô. 


Chị cười, tôi cũng nhoẻn miệng cười theo.

Cũng không biết bao nhiêu năm rồi, cả hai đứa mới thật sự vui vẻ như vậy. Có lẽ khi đó do một chút hiểu lầm của chị, cộng thêm sự nhút nhát lo sợ của riêng tôi mà không dám bày tỏ, để rồi hai đứa lạc mất nhau. Tám năm, không dài nhưng cũng không ngắn, chỉ là đủ để hai con người vô tình bỏ lỡ nhau nhìn nhận được chính mình. 


"Em về rồi vào với mình và con nhé!"



"Ừa. Chị đợi em".


Hoàn thành.



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}