Vài năm sau khi giặc Ân bị đánh đuổi, Hùng Huy Vương bấy giờ đã già yếu theo đúng truyền thống tre già thì măng mọc, đã đến lúc phải truyền ngôi lại cho con. Thế nhưng Ngài không biết nên chọn ai nối ngôi mới phù hợp, thành ra ngài phải đau đầu suốt vài ngày qua.
Để giúp đỡ cho hậu duệ của mình, thì Nguyệt đã phải ra mặt xuất trận.
“Quả nhiên cha ta nói không sai, cô tổ thực sự đồng hành cùng non sông gấm vóc.” - Vua Hùng cười khà khà, tay vuốt ve chòm râu bạc phơ.
“Ta có chút bất ngờ khi anh cả truyền lại câu chuyện này cho dòng dõi anh ấy.” - Nguyệt thản nhiên rót ba chén rượu, một cho nàng, một cho vua, chén còn lại dành cho Vân.
“Cô tổ không cần lo lắng, chuyện của cô tổ chỉ có dòng dõi Hoàng tộc được biết, trên hết chúng ta cũng không phải những kẻ thích bép xép chợ búa.”
Hùng Huy Vương sảng khoái uống cạn chén rượu, thầm nghĩ cha quả nói không sai, cô tổ nhà họ không chỉ có thuật pháp cao cường mà ủ rượu cũng rất ngon nữa.
Nguyệt không đáp lời, môi cong lên tỏ vẻ nàng cảm thấy thỏa mãn trước câu chắc thật đến từ đối phương. Nàng điềm nhiên nhìn gương mặt mình phản chiếu trên thứ chất lỏng cay nồng, nhẹ nhàng đi vào vấn đề:
“Ta nghe bảo ngài phiền lòng về việc chọn người nối ngôi vài ngày nay.”
“Đây luôn là chuyện nhức đầu với mỗi đời vua.” - Ngài mệt mỏi xoa trán. - “Cô tổ thấy đấy, các con trai ta ai cũng xuất sắc hết, để lựa chọn một trong số chúng thật sự là một bài toán khó.”
“Vậy nên ta mới đến đây để giúp đỡ ngài đó thôi.” - Nguyệt nghiêng đầu, nụ cười trên môi mang theo sức hút đầy bí ẩn.
“Ta đoán cô tổ đến gặp ta ắt hẳn có uẩn khúc gì đó.”
Hùng Huy Vương đoán được phần nào lý do nàng bất ngờ xuất đầu lộ diện sau gần ba đời vua, Nguyệt sẽ không làm bất cứ điều gì nếu không đem lại lợi ích cho bản thân hoặc cho dân tộc. Dù có phải kháng lại thiên mệnh thì nàng cũng sẵn sàng nếu có thể đổi được chút bình an hưởng lạc cho đồng bào.
“Đời Vua Hùng kế tiếp sẽ được chọn theo ý trời.” - Nàng đưa chén rượu cho Vân để cô châm thêm rượu. - “Sắp đến Tết rồi đúng chứ? Ngài hãy bảo các con của mình hãy đi tìm của lễ dâng lên trong lễ cúng tế đất trời đi, nếu Ngài thấy vừa hợp ý mình vừa hợp lẽ trời thì chọn người đó lên ngôi.”
“Ý tưởng của cô tổ không tồi chút nào.” - Hùng Huy Vương gật gù. - “Ngay sáng mai ta sẽ truyền đạt đúng ý của cô tổ đến cho đám trẻ.”
Tiết trời trăng thanh gió mát, nhấm nháp rượu ngon tán gẫu chuyện trò thì chẳng gì sánh bằng.
oOo
Sáng sớm, Nguyệt và Vân kéo nhau đi tìm người kế vị tương lai trong thiên lệnh, cũng chính là cậu con trai thứ mười tám của Hùng Vương, hiệu là Tiết Liêu. Qua nửa ngày quan sát, Vân nhận ra chàng là một người hiền lành, hiếu thảo, biết trên dưới phải trái rõ ràng, tổng quan thì Tiết Liêu đầy đủ phẩm tánh của một bậc minh quân.
Khác với những người anh em đang đi khắp bốn phương tìm kiếm của ngon vật lạ mang về dâng lên cho vua cha, Tiết Liêu mất mẹ từ sớm nên khuyết thiếu người chỉ vẽ trong điều này. Vậy nên so ra trong tất cả các người con, chàng là người duy nhất không biết nên dâng gì lên để làm hài lòng cha.
“Cũng khôi ngô tuấn tú, sáng rạ ra phết đó chứ.” - Nguyệt xoa cằm, nhìn Tiết Liêu đầy thích thú.
“Xin ngài đừng tỏ vẻ thèm thuồng trai trẻ như vậy nữa, ngài quên ngài Lạc Long Quân đã dặn gì rồi sao?” - Vân lườm nàng một cái đầy chán nản.
“Không được phép yêu đương với con người chứ gì, nhớ mà nhớ mà, nhưng mê trai nó ăn vào máu rồi Vân à, sao ta bỏ dễ thế được.”
Đi cùng Nguyệt vui thì ít mệt thì nhiều, Vân có cảm giác cô bị lừa đi theo chỉ để lo từng bữa ăn giấc ngủ của nàng. Chết rồi cũng không yên thân nữa.
“Nếu đúng là cậu ấy rồi thì chúng ta mách nước cho kiểu gì đây?”
“Dễ thôi, tối nay làm sau cũng chưa muộn.”
Tối đến, Tiết Liêu nằm mộng thấy một vị thần ngự trên đám mây, toả ra ánh hào quang che mất khuôn mặt. Ngài nói với chàng rằng:
“Vật trong trời đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình trời và đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình cha mẹ sinh thành.”
Trong mộng là thế, bên ngoài, Nguyệt lẳng lặng quan sát tình hình. Thực chất ra chẳng có vị thần nào đâu, tất cả đều do một tay nàng và Vân thay trời làm phép đạo. Vân vào vai thần còn lời cô nói chính là thiên ý mà trời ban cho Nguyệt vài ngày trước.
Ngay khi Vân kết thúc lời, Nguyệt dùng gậy phép kéo hồn cô ra khỏi giấc chiêm bao, một đạp bay thẳng lên xà nhà trốn khỏi tầm mắt của chàng trai trẻ phía dưới.
Tỉnh lại khỏi cơn mộng mị, chàng lấy làm vui mừng lắm. Hôm sau, Tiết Liêu làm đúng theo lời trong chiêm bao, chọn loại gạo nếp ngon nhất đem về làm bánh. Bánh vuông tượng hình cho đất, lấy gạo bọc ngoài nhân đỗ xanh và thịt mỡ, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Bánh tròn tượng hình cho trời, chàng dùng gạo đồ xôi rồi đem ra giã nhuyễn gọi là Bánh Giầy. Lá bọc bên ngoài và nhân trong ruột bánh tượng trưng cho cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.
Ngày hẹn cuối cùng cũng tới, biết bao sơn hào hải vị được các lang liêu mang đến bày trên mâm cỗ, riêng Tiết Liêu chỉ mang có hai loại bánh là Bánh Chưng và Bánh Giầy. Hùng Huy Vương thấy thứ bánh lạ bèn truyền lời cho hỏi, chàng thành thật kể về vị thần báo mộng và ý nghĩa của hai thứ bánh trên mâm.
Ngài thầm mỉm cười trong lòng, ngầm đoán được này là kế sách của ai. Nếm thử thấy bánh ngon, lại còn rất ý nghĩa, bèn truyền ngôi cho Tiết Liêu rồi mang bánh lên dâng cúng trời đất.
Trong điện thờ vắng lặng, ngoài sân là tiếng cười nói rôm rả của một đại gia đình. Nguyệt lấy hai cái bánh giầy, một cho mình một cho bạn đồng hành, cả hai ngồi trên thanh xà ngang trong điện nhâm nhi đồ ngon cùng chén rượu thơm nồng mùi gạo.
“Năm mới bình an, chăm sóc ta cho chu đáo hơn nữa nhé.”
“Chúc ngài năm mới tốt lành, mong ngài bớt quậy phá hơn năm nay.”
Bình luận
Chưa có bình luận