Ai để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho bạn?


Hiện tại – 7: 13 buổi tối Thứ Tư, tại quán cà phê nhỏ gần công ty SCE Engineering, Milano.

Giulia chống cằm, đôi mắt nâu lấp lánh dưới ánh đèn vàng ấm của quán, như đang chờ đợi một câu chuyện hay. Claudio và Francesco ngồi cạnh, nhấp từng ngụm rượu vang đỏ, đôi lúc gật gù thích thú khi nghe Phong kể. Tiếng nhạc jazz lượn lờ trong không khí, hòa vào giọng nói của họ.

Giulia nghiêng đầu, giọng mang âm điệu Ý đặc trưng: "Phong, I must say, your storytelling is brilliant. How were your Literature grades back in school?" (Phong, tôi phải nói rằng, cách kể chuyện của bạn thật tuyệt vời. Điểm môn Văn của bạn hồi còn đi học thế nào)

Phong bật cười, kiểu cười nửa miệng vừa tự giễu vừa thoáng chút nhớ nhung. Anh đặt ly nước xuống bàn, ngón tay gõ gõ lên thành ly như đánh nhịp. Ký ức mùa hè ngột ngạt năm nào ùa về, lúc anh cắm đầu ôn thi Văn chỉ để ba khoe với hàng xóm.

"Well!" Anh đáp, giọng trầm ấm pha chút tinh nghịch: "Let's just say Literature wasn't my thing. I only joined the provincial competition because the teacher promised no oral tests for a whole semester. Ended up with a second prize. Pure luck, I swear!" (Thôi thì cứ nói là Văn không phải sở trường của tôi. Tôi chỉ tham gia kỳ thi cấp tỉnh vì thầy giáo hứa sẽ miễn kiểm tra miệng cả học kỳ. Cuối cùng lại đoạt giải nhì. Thề luôn, hoàn toàn là may mắn)

Giulia cười phá lên, Claudio nhếch môi trêu chọc, còn Francesco, anh chàng cao gầy đeo kính, đẩy gọng kính, tò mò hỏi: "That's hilarious! But tell me, Phong, out of all your friends back then, who left the deepest impression on you?" (Nghe buồn cười thật! Nhưng kể tôi nghe với Phong, trong tất cả những người bạn của anh hồi đó, ai là người để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong anh)

Câu hỏi như mũi tên bắn trúng tim Phong. Anh khựng lại, ánh mắt thoáng dao động. Những gương mặt cũ hiện lên: Phương Vy với nụ cười tinh nghịch bên đường ray, Nam trầm lặng lập dị, và cô bạn thông minh anh từng yêu đến khắc cốt ghi tâm. Anh nhấp ngụm cà phê, vị đắng lan trên lưỡi, kéo anh về những ngày tháng xưa.

"There was this friend, Phuong Vy." Anh chậm rãi nói, giọng trầm xuống: "A girl who was.. different. Smart, full of life, always dreaming of something bigger. We were close, really close. But life happens, you know? I still see her sitting by the tracks, watching trains go by, like she was waiting for something that never came." (Một cô gái.. khác biệt. Thông minh, tràn đầy sức sống, luôn mơ ước về những điều lớn lao hơn. Chúng tôi đã rất thân, thực sự rất thân. Nhưng cuộc sống mà, bạn biết đấy? Tôi vẫn hình dung cô ấy ngồi bên đường ray, nhìn những đoàn tàu chạy qua, như thể đang chờ đợi một điều gì đó không bao giờ đến)

Giulia nhướn mày, mắt sáng lên: "Oh? Sounds like a dreamer! What happened to her?" (Ồ? Nghe có vẻ là một người mơ mộng! Chuyện gì đã xảy ra với cô ấy vậy)

Phong cười nhạt, mắt lạc vào khoảng không: "She got married!" (Cô ấy đã lấy chồng)

Francesco gật gù, còn Claudio chen vào, giọng trêu: "Are you sad about it?" (Bạn có buồn không)

Phong nhún vai, chẳng đáp. Anh không muốn đào sâu, không muốn những cảm xúc cũ trào lên giữa không gian ấm áp này. Nhưng trong lòng, hình ảnh cô bé bên đường ray, tóc bay trong gió, mắt buồn xa xăm, vẫn rõ mồn một, như vết khắc chẳng thể xóa.

Năm Phong và Phương Vy học lớp 10, 15 năm về trước.

Trường cấp ba cách nhà hơn 20 cây, nên tôi và Phương Vy ở lại Tuy Hòa, tá túc nhà người thân. Phương Vy ở với cô họ, chỗ đó có tiệm hoa tươi thơm nức mũi. Còn tôi được ba mẹ gửi cho bác Hai sửa xe, ngay cạnh trường Nguyễn Huệ và thư viện tỉnh. Phương Vy là nhỏ hàng xóm từ bé, hai nhà cách nhau cái hàng rào mồng tơi. Lớn lên cùng nhau, chơi như anh em, rồi cứ gọi nhau anh em luôn cho tiện. Ở nhà, tôi hay gọi nó là Tiểu Vy, tại cả hai mê Hoàn Châu Cách Cách dữ lắm. Tụi tôi thân thiết qua mẫu giáo, tiểu học, trung học, tới cấp ba thì đường ai nấy đi: Nó giỏi tiếng Anh, đậu lớp chuyên Anh, còn tôi thì chẳng giỏi gì thật sự, chỉ mạnh miệng với viết lách tí tẹo. Nghĩ tới đây, ký ức mùa hè lớp 9 lại ùa về như cuốn phim cũ.

Hè đó, trường chọn học sinh giỏi đi thi tỉnh. Phương Vy vào đội tuyển Anh, còn tôi trượt từ vòng gửi xe. Nó về khoe ba mẹ, làm ba tôi quay sang hỏi: "Thế mày vào đội nào hả con?" Tôi chỉ biết chuồn lẹ, tránh bài ca "con người ta thế này, con người ta thế kia" ông hay ca với mẹ tôi, nhức hết đầu.

Chuyện đội tuyển Văn thì đúng là drama. Chỉ tiêu 10 đứa, mà chỉ có 5 đứa đăng ký. Cũng phải thôi, thời đó ai thèm học Văn? Toán, Lý, Hóa, Anh mới là mốt, phụ huynh có tiền cũng chẳng ai cho con học thêm Văn, học xong làm gì cho đất nước, cho xã hội? Vậy là thầy cô dạy Văn phải đi từng lớp 9, năn nỉ tụi học sinh xung phong. Hôm đó, thầy Cường đứng trước lớp 9C, giọng như van xin: "Cố đăng ký thi giúp thầy đi. Đứa nào đăng ký trước, thầy miễn kiểm tra miệng cả kỳ."

Tôi nghe xong như kẻ đói khát vớ được túi vàng. Đăng ký liền, chẳng nghĩ ngợi, sợ chậm chân mất suất. Vậy mà tôi là đứa duy nhất trong trường "vì đại nghĩa quên thân". Bốn suất còn lại đành để trống.

Từ đó, ba tôi có chuyện để khoe. Ông sướng ra mặt, đi nhậu về còn dúi cho tôi ít tiền tiêu vặt. Chút tiền đó an ủi phần nào những ngày khổ sở sau đó. Đội tuyển Văn được "bồi dưỡng", nghe sang vậy thôi, chứ thực ra là nhồi nhét phân tích văn học, sách tham khảo từ sáng tới tối. Tôi thì đang tuổi ham chơi, bỏ lỡ buổi taekwondo hay đá bóng ngoài đồng đã tiếc hùi hụi, vậy mà giờ phải ngồi học thuộc lòng về Thúy Kiều, Thúy Vân suốt mùa hè.

Rồi không biết trời xui đất khiến kiểu gì, tôi lại đoạt giải nhì môn Văn cấp tỉnh. Thầy hiệu trưởng mừng như trúng số, treo bằng khen trong phòng mình thay vì phòng truyền thống. Tôi sống trong những ngày "vinh hoa", được cộng 1.5 điểm thi vào lớp 10.

Ba tôi quyết cho tôi thi trường chuyên Lương Văn Chánh. Bạn bè cùng lứa thì chọn trường huyện gần nhà. Đậu trường chuyên là phải xa nhà, nên kỳ thi đó, tôi cố tình bỏ trắng môn chuyên Văn, chỉ làm Toán với Văn cơ bản. Kết quả thê thảm như úp sọt: Trượt lớp chuyên, điểm hai môn kia thiếu đúng 1.5 để vào lớp cận chuyên. Nhưng cái điểm cộng từ giải nhì lại đẩy tôi vào đúng chỗ tôi không muốn. Cái trò cộng điểm đúng là khốn nạn.

Chiều thứ Bảy mỗi tuần, tôi và Phương Vy đạp xe về nhà. Thường thì mỗi đứa một xe, nhưng có hôm nó lười, bắt tôi chở bằng được. Con đường về cắt qua cánh đồng lúa bát ngát. Tháng Mười, lúa xanh mướt, trải dài như tấm thảm sống động, gió thổi sóng rì rào. Con đường nhỏ xíu như sợi mì, thẳng tắp, dài hun hút.

Phương Vy thúc hông tôi, nhắc chuyện tôi bị phạt đứng ngoài hành lang. Tôi xị mặt, còn nó bực bội vì tôi mãi lười học. Hai đứa lại trêu nhau, cãi nhau ỏm tỏi trên đường. Tôi vừa bóp phanh, nó nhảy xuống, tôi vội dắt xe chạy theo.

"Anh đùa thôi mà! Giận thiệt hả?" Tôi hỏi.

"..."

Nó im lặng.

"Thôi kệ, cứ giận đi." Tôi bâng quơ.

Để đi tắt về nhà, tụi tôi rẽ vào con đường mòn cạnh đường tàu. Phương Vy ngắt bông hoa bươm bướm bên vệ đường, nhảy lên thanh ray, giang tay giữ thăng bằng, bước đi như nghệ sĩ xiếc. Tôi thì dắt chiếc Martin lộc cộc trên đá dăm.

"Đừng giận nữa, anh mỏi chân lắm rồi!" Tôi năn nỉ.

Nó khúc khích cười, làm tôi vui hẳn. Nhưng rồi nó vờ ngã, tôi giang tay đỡ, nó "hừ" một tiếng rồi bước nhanh về phía trạm nhỏ bên đường. Gọi là trạm cho sang, chứ chỉ có cái mái hiên với hai ghế gỗ cũ kỹ. Phương Vy thích ngồi ghế màu nâu, đong đưa chân, ngó mấy đoàn tàu chạy qua, như hành khách mà chẳng bao giờ lên tàu. Sở thích kỳ cục thật. Tụi tôi ngồi đó, đợi tàu, đợi hoàng hôn buông xuống, ánh sáng lấp lánh trên đường ray xa tít, đợi trời xanh nhạt dần thành hồng phấn. Tàu từ xa chỉ là chấm nhỏ, lớn dần, vù vù ầm ầm lao qua, rồi nhỏ lại, mất hút nơi chân trời.

"Ba em bảo vài năm nữa lên đại học, em sẽ vào Sài Gòn học." Phương Vy chỉ tay về hướng tàu đi.

"Đại học hả? Học đại thì anh giỏi lắm!" Tôi đùa.

"Em sẽ đi xa lắm đó." Nó nói, giọng buồn buồn.

"Ừ thì mày vào đại học, anh cũng vào, chuyện nhỏ như con thỏ." Tôi cười toe.

"Đại ngốc như anh thì mơ mới đậu đại học. Thi đại học khó lắm, biết không?" Nó cự lại.

"Khó quá thì bỏ qua, có gì đâu." Tôi nhún vai, nhe răng cười.

"..."

Nó im lặng, chắc lại đợi tàu nữa.

"Sao em thích ngó mấy con tàu chán ngắt vậy?" Tôi hỏi.

"Em thấy cảnh này đẹp như bức tranh." Nó đáp.

"Xì, thiệt không? Anh chẳng thấy đẹp chỗ nào." Tôi nhún vai.

"Đại ngốc, đại ngốc." Nó bực mình, ném luôn bông hoa bươm bướm vào mặt tôi.

Phương Vy im lặng, mắt đắm đuối nhìn về phía tàu vừa khuất. Gió chiều thổi qua, vạt áo trắng bay nhẹ như muốn chạy theo tiếng còi tàu xa dần. Tôi thấy môi nó mấp máy, nhưng rồi khép lại. Một lúc sau, nó cúi đầu, tay vặn vẹo cúc áo: "Anh này.. anh có bao giờ nghĩ mình sẽ xa nhà không?"

Tôi nhún vai, giữ giọng đùa: "Xa nhà hả? Đằng nào cũng phải vào đại học thôi. Ba mẹ mày chắc cũng muốn mày lên Sài Gòn học, đúng không?"

Nó thở dài, nhặt viên sỏi bên đường, ném xuống ray. Tiếng "cạch" vang lên khô khốc: "Ba em.. ba với mẹ không nói chuyện với nhau mấy tháng nay. Mẹ bảo sẽ đưa em về Huế ở với ngoại. Còn ba em.."

Giọng nó nghẹn lại, như có gì chặn ngang cổ họng: ".. Ba bảo em phải ở lại đây, học xong cấp ba rồi tính. Em không biết nghe ai.."

Tôi đứng hình. Một đoàn tàu khác lao tới, tiếng máy rít lên xé tan khoảng lặng giữa tụi tôi. Tàu đi qua, tôi thấy Phương Vy ngồi thụp xuống, ôm đầu gối, giọng run run: "Em không muốn rời chỗ này. Nhưng nếu mẹ cứ khăng khăng.. em phải đi.."

Tôi ngồi xuống cạnh nó, ghế gỗ rỉ sét cọ vào lưng áo mà chẳng buồn để ý. Từ từ, tôi chạm vào tay nó, lạnh ngắt. Nó quay sang, mắt đỏ hoe, một giọt nước mắt lăn dài: "Em sợ lắm.. Sợ phải chọn giữa ba với mẹ. Sợ tụi mình xa nhau."

Chẳng biết nói gì, tôi nắm tay nó. Phương Vy ngã đầu vào vai tôi, nức nở. "Sao em phải chọn ngã rẽ mà mình không muốn?" Tôi nghĩ thầm, lòng nhói lên từng nhịp.

Hiện tại – 7: 35 buổi tối Thứ Tư, tại quán cà phê nhỏ gần công ty SCE Engineering, Milano.

Cuộc trò chuyện với Giulia, Claudio và Francesco vẫn rôm rả. Tiếng cười hòa vào nhạc jazz, nhưng Phong như lạc khỏi không gian ấy. Anh ngồi im, tay nắm chặt ly nước lạnh, mắt dán vào vệt nước đọng trên bàn. Hồi ức về Phương Vy, những ngày bên đường ray, tiếng còi tàu xa dần trong hoàng hôn, cuốn anh vào một mớ cảm xúc không lối thoát.

​​​​​​​"Cô ấy đã tìm thấy hạnh phúc." Phong tự nhủ, lòng nhẹ đi đôi chút. Anh nhớ đôi mắt đỏ hoe của Phương Vy khi kể về chuyện ba mẹ, nhớ bàn tay lạnh ngắt lúc cô tựa vào vai anh mà khóc. Hồi đó, anh chỉ biết đùa cho cô bớt buồn, nhưng giờ nghĩ lại, anh ước mình nói được gì đó sâu sắc hơn: "Mình đã thực sự hiểu cô ấy chưa? Hay chỉ là một thằng nhóc ngốc nghếch, nghĩ rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi?"

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout