Trời Đổ Cơn Say


“Làm ơn biến giùm đi ông già!”

Cái bóng rách rưới bị xô ngã xuống khoảng hở của đêm sâu. Người đàn ông lúi húi bò dậy, thấy tay mình đã trầy trụa đôi chút. Ánh đèn vàng vọt từ phòng trưng bày chảy vào mái tóc hoa râm. Mớ tranh và hoạ cụ là những thứ bị tống khứ tiếp theo. Cánh cửa đóng sầm lại, bo bo giữ lấy ánh sáng cho riêng mình, mặc kệ vũng màu xám bên ngoài nhấn chìm lão hoạ sĩ quê mùa. Thế là xong một cuộc đào thải, gọn.

Lão hoạ sĩ tần ngần nhìn sợi vàng rỉ ra dưới khe cửa, luyến tiếc khoảng trời đam mê còn kẹt lại ở trong kia.

Lát sau, lão đứng dậy nhặt nhạnh mấy món đồ, rồi lủi thủi vào hẻm tối tìm một quán nhậu. Lão gọi rượu mà không gọi đồ nhắm, vì cặn tiền trong túi không đủ. Lão đổ rượu vào mồm, đều đặn, dửng dưng, vô cảm. Rượu là của quý trời ban, vậy mà xem cái cách lão đối đãi với nó kìa, mới gai mắt làm sao. Không như mấy tay bặm rượu ở bàn bên, chúng uống vui vẻ, phấn khởi và đầy say mê. Đoạn, một tên bên cạnh đứng lên để kính anh em hắn một ly. Hắn đã say mèm, đến nỗi chân đứng không vững mà ngã xuống. Hắn lại canh đúng mớ tranh của lão mà ngã vào. Lão già đúng là xúi quẩy!

Tiếng loảng xoảng đổ vỡ khiến mọi người trong quán chú ý. Lão giật thót, nhưng không, họ hiếu kỳ về gã say vừa ngã kia chứ không tiếc mớ tranh vừa gãy nát của lão. Lão rống lên và túm lấy cổ áo tên lếch thếch. Bạn nhậu của hắn nhao lại túm lấy cổ áo lão. Lão la lối, chúng cũng la lối. Hai bên cứ thế giằng co cho tới khi chủ quán quyết định tống cổ hết.

Chúng kéo nhau đi, còn mình lão nhìn đống rác dưới chân. Giờ muốn nhặt cũng chẳng còn gì mà nhặt nữa. Một tờ giấy gấp tư kẹt lại dưới khung gỗ. Lão cúi xuống rứt nó ra. Bên trong ghi dòng chữ: “Tôi sẽ là một hoạ sĩ tử tế.” Lão đọc xong, gấp như cũ, nhét vội vào túi rồi chân vẹo chân xiêu rời quán. Lão lảo đảo bước theo đám nhậu lúc nãy, lao vào chúng. Lão khùng quá! Lão nào đánh nổi chúng nó đâu? Mỗi đứa một cú thôi cũng đủ để lão lăn trên đất.

“Bố khỉ! Lão say khướt rồi! Về nhà mà ngủ!”

Nằm ngửa nhìn bầu trời đen kịt không một vì sao, lão thấy có cái gì chộn rộn trong lòng. Lão say rồi. Lão bật cười khằng khặc. Lúc nào mà lão chẳng say? Lão chỉ tay lên trời.

“Ông cũng phải làm người khác say như tôi đi chứ! Chết tiệt!”

Lão vừa dứt lời, một tiếng sấm liền nổ lên, kèm theo vệt chớp xé trời đầy mây. Hẳn là ông trời cũng bực bội với lão đây. Thế nên ông ta liền trút một trận nước xuống. Mưa, ào ào đổ, đột ngột.

“Ôi chao! Không phải thế này đâu ông già ạ!”

Lão hậm hực nhưng cũng cố ngóc dậy, lết mình vào một mái hiên hoang. Cơ thể nặng nề rũ nước gục xuống. Tâm trí nghỉ đi rồi, lão vẫn nghe được tiếng mưa đều đặn bên tai. Trong cơn mơ, lão thấy mình ngày còn bé, quỳ gối ở ngoài sân, cũng vào một ngày mưa thế này. Cha lão ngồi trên chiếc ghế mây, tay cầm roi nhỏ. Ông nói về những thứ trên đời, những thứ lão nên theo đuổi, trừ sự vẽ vời ra. “Đừng có say sưa với nó rồi cuộc đời sẽ chẳng đi về đâu cả.” Ông nói rất nhiều, nhưng ngoại trừ cái câu kia, lão chẳng nghe được gì nữa, chỉ toàn tiếng mưa.

Khi lão lờ mờ mở mắt, trời vẫn tối đen. Lão lại nằm một lúc mới nhổm dậy. Chẳng biết mình đã ngủ bao lâu rồi, cũng đến lúc lão phải về nhà thôi. Về đối diện với người vợ hiền và hai đứa con nhỏ, nói rằng lão lại thất bại nữa. Mưa bớt nặng nhưng không dứt hẳn. Lão lừng khừng một lát, bước vào mưa.

Mưa nay có cái mùi là lạ, như hơi rượu còn đọng lại trong sống mũi lão. Lão nghe gần đó có tiếng lao xao, có tiếng người hô hoán ồn ào, hình như từ ngã tư lớn cách đây một con hẻm. Lão lần mò đi ra.

Vào khoảnh khắc mà ánh đèn đủ sắc đập mạnh vào mắt lão, lão thấy óc mình bừng tỉnh. Cái cảnh tượng hỗn loạn như một cuộc trỗi dậy của những con người chuyên bị đè ép dưới những tầng bê tông. Hàng dài những chiếc xe húc vào nhau móp méo, xô lệch. Từng nhúm người bá cổ bá vai, quấn đè nhau, nhảy nhót với nhau hoặc ôm nhau mà khóc. Ai cũng quần áo xộc xệch đẫm nước mưa, tóc tai bết bát rũ rượi, trông không khác gì những kẻ say xỉn.

Lão còn chưa hiểu được chuyện gì thì bị một ai đó túm chặt lấy cánh tay. Hắn là tên say đã làm hỏng tranh của lão khi nãy. Hắn vịn lấy tay lão, nửa khom nửa quỳ mà khóc lóc. Hắn nói hắn không phải người xấu, chính rượu làm hắn ra bê tha, rồi hắn lại bê tha từ ngày này qua tháng nọ. Hắn sướt mướt xin lỗi, xin lão hãy đừng nhìn hắn như một gã côn đồ. Hắn muốn mình cũng được tử tế với, ăn năn với, sống làm người với, nhân lúc hắn còn tỉnh để làm người được. Nói xong hắn ngã lăn ra, mềm nhũn dưới tầng mưa, cười hì hì.

Lão trố mắt mắt nhìn, dụi dụi mấy cái rồi lại nhìn thêm chút nữa. Lão thấy mình hơi điên khùng nhưng vẫn đưa tay hứng lấy một ngụm mưa mà húp. Hơi men thơm chảy vào thực quản, cay nồng. Chính là ông trời đây, trời làm như ý lão đây! Lão vui quá, hả hê quá. Lão vừa cười vừa tự tin bước xuống lòng đường, hoà vào dòng người đã ngấm cơn say. Lão chọn lấy một chỗ mà ngồi ngắm nhìn họ.

Có kẻ vui mừng nhảy múa dưới mưa, mê tưởng rằng mình đã được giải thoát khỏi nhân gian tù túng. Có kẻ nằm vật ra khóc cho cuộc đời đã vô nghĩa trôi qua mà mình chẳng thể nhận ra bấy lâu. Có kẻ buông lời thoá mạ mọi sự mà hắn thấy, ghét bỏ cùng cực mọi thứ hắn chạm vào, cào họng cho trào ra tất thảy lời đắng cay hắn luôn cố nuốt. Mấy kẻ trút bỏ lớp vỏ buộc thường ngày, say đắm lao vào nhau cho thoả hồn thoả xác, cho thoả lòng khao khát si mê và dục vọng tràn trề. Sự điên cuồng quái đản mà chẳng hiểu sao lão thấy thường tình thế?

Giữa ngã tư, họ dựng một sân khấu dã chiến với ánh đèn xe làm lời khích lệ. Cậu thanh niên nọ bước lên với nhiệt huyết ứ tràn trong đáy mắt lim dim. Cậu nói mình sẽ sống, sẽ cháy với đam mê hội hoạ. Khoảnh khắc mắt lão sáng lên, mắt cậu chạm vào mắt lão. Như một kẻ cuồng tín tìm được lý tưởng, cậu vội vàng chạy đến trước mặt lão. Cậu cầm lấy tay lão mà sờ nắn, xem xét, rồi cậu khóc thật to trước sự xúc động của khán giả xung quanh.

“Một ngày kia đôi tay tôi cũng sẽ như tay bác. Nó sẽ đầy vết chai do cầm cọ vẽ quá lâu. Một ngày kia mắt tôi cũng sẽ nheo lại, khuôn mặt cũng sẽ đầy những vết hằn suy tư vì nghệ thuật. Và tóc tôi sẽ bạc tựa những lớp sơn phai. Tôi cũng sẽ như bác, là một người hoạ sĩ cần mẫn và tận tâm.”

Ánh mắt say trong của chàng thanh niên khiến lão tự soi lại chính mình. Lão nhìn những kẻ say đang tung hô lý tưởng của cậu, khuyến khích cậu hãy sống cho điên dại mà lòng lão cồn vào. Lão mếu máo nghe tiếng lòng dâng lên như sóng lũ.

“Không! Không! Không!” Lão hét lên. “Tôi chẳng có tài năng gì! Tôi chẳng để lại giá trị gì để tự nhận mình là một người nghệ sĩ. Dù lòng trí tôi có say đắm nhường nào thì tay tôi vẫn là khúc củi mục không thể hoạ thành hoa.”

Lão đấm thùm thụp vào ngực mình. Lão gào khóc lên những điều mà lâu nay cắn chặt. Khóc sự bất tài, khóc lòng cố chấp, khóc thời gian chảy trôi không bao giờ trở lại, khóc những ngược ngạo chiêm bao bởi lý tưởng xa xỉ ngu si. Phải rồi, sao lão không nhận ra điều này sớm hơn? Sao lão không thấy sự say sưa hội hoạ của mình thật là vô ích?

Một cô gái trẻ trong đám đông đứng dậy, hướng về phía lão mà hét to.

“Cháy lên đi bác ơi! Còn thở là còn cố gắng được. Rồi bác sẽ thành công thôi, một ngày nào đó! Chắc chắn là như thế!”

“Im mồm đi, con ranh dở người!” Một người đàn ông trung niên trong đám đông bước ra. “Ai lại muốn trả tiền cho một thứ nghệ thuật tầm thường? Đam mê chẳng thể nuôi mồm nếu nó đến cùng thứ tài năng nửa vời. Tỉnh táo lại và sống tử tế lên chứ?”

“Không có đam mê thì con người sẽ chết! Chết mục rữa từ bên trong!”

“Không có tiền thì con người sẽ chết! Chết khổ sở và hèn mọn, ngay lập tức!”

Kẻ sống vì đam mê vả chan chát vào kẻ yêu vật chất. Kẻ sống vì xác thịt lại chê bôi đứa đòi hỏi tình yêu. Kẻ muốn yên bình cười cợt người tham vọng. Kẻ có quyền lực hả hê làm nhục đứa yếu hèn. Cứ như vậy, họ lôi nhau vào cuộc chiến tạp âm.

“Ôi, nhìn mà xem kẻ say đang nói chuyện gì kìa!”

“Chính mày mới là đứa đang say!”

Đám đông ồn ào dần lên. Họ lao vào nhau như một bầy kiến hoang, quyết tử để giành lấy lẽ phải chẳng thể trường tồn mãi. Những kẻ vốn im lặng xung quanh cũng nhanh chóng tham gia cuộc hỗn loạn. Rồi ai cũng bị bới móc, đụng chạm vào. Họ đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Mưa đột ngột to hơn, trút xuống họ hơi men choáng váng. Họ dẫm đạp lên nhau trong cơn say máu, say mưa, say cái tôi cá nhân, say sự cạnh tranh của xã hội xoay vần tựa hố đen khuấy đảo mớ tinh cầu vụn vỡ. Chẳng mấy chốc, ngã tư trở thành một trận chiến thật sự, trận chiến của những kẻ còn chẳng nhớ nổi lý do họ bắt đầu.

Lão nhìn họ khóc rưng rức rồi lại cười khì khì, tĩnh lặng rồi lại la ó lên. Lão nhìn những con người xa lạ, những con người có vẻ thân quen. Lão cười họ, cười chính mình. Lão vuốt mặt đi cho nước mưa không chảy vào mồm nữa. Lão nhìn về bóng tối hun hút ở xa xa. Bên kia sự hỗn loạn, lão thấy đường về nhà.

Lão đặt chân xuống mặt đất và bắt đầu bước đi. Lão lao vào dòng người đang chen chúc thít vào nhau, sẵn sàng bóp nghẹt kẻ nào dám len vào giữa. Họ đẩy lão ngã ra, lão lại bò dậy. Mãi lão mới ních được vào một chút. Họ xô đẩy. Họ đánh lão nhừ tử dù cho người họ muốn đánh chẳng phải lão. Họ hét vào tai lão những lời gai góc. Nó khiến đầu lão nổ tung ra. Lão khóc lóc. Tiếng khóc của lão bị nhấn chìm giữa ngã tư to lớn muôn dạng người. Lão van xin hãy cho lão dừng lại. Lão bị kéo về hướng chàng trai hội hoạ rồi lại bị lôi về chỗ gã đàn ông trưởng thành thực dụng. Mặc cho lão khổ sở giữ vững thân mình, mặc cho lão từ chối bị ông trời chuốc say, bước chân lão vẫn xiêu vẹo.

Lão khổ sở mặc họ xô đẩy mình. Thật lâu sau lão mới đến gần mép bên kia của sóng người hung hãn. Mấy gã ngoài rìa túm cổ láo mà ném ra ngoài.

“Biến giùm đi ông già!”

Rồi họ lại lao vào đống người đang ẩu đả. Cuộc ẩu đả không dành cho những kẻ sức cùng lực kiệt như lão. Đột nhiên lão giật mình, luống cuống lục tìm trong mấy túi áo xộc xệch. Mất rồi, tờ giấy gấp tư lão nhét vào người không còn nữa. Lão trố mắt nhìn đống người, lòng lão nôn nao, xong lão lại nghĩ đến sự ngột ngạt trong đó. Nghĩ mãi. Lòng lão hoá dửng dưng, chẳng còn nhớ nổi mình đã trân quý tờ giấy rách kia bao nhiêu. Lão trút một tiếng thở, lững thững đứng lên, chiếc bóng rách nát lầm lũi đi về nhà.

Nhà lão nằm trong một con hẻm nhỏ. Nó không quá khang trang, nhưng đủ để gia đình ở thoải mái. Đấy là căn nhà mà người cha quá cố của lão để lại. Bao năm qua, khi mà cái nghề cầm cọ chẳng đủ để lão nuôi thân, người luôn vun vén chăm nom nhà này chỉ có mình vợ lão. Vợ lão buôn bán nhỏ ngoài chợ, lâu lâu nhận chút việc vặt để kiếm thêm . Mấy lúc lão cặm cụi vẽ, bà cũng chưa bao giờ cằn nhằn hay tỏ ra phiền hà. Bà nói, thay vì có ông chồng say hoa đắm nguyệt bên ngoài, thì ông hoạ sĩ say mê màu vẽ như lão cũng còn tốt chán.

Kể ra, từ lúc mới quen nhau, bà đã luôn là người ủng hộ đam mê của lão. Bà nói bà say tranh của lão như điếu đổ, bà mong rằng lão có thể toả sáng và thành công. Lão tin và bước về phía ánh sáng, đối mặt với thế giới vạn trạng sắc màu trên khung tranh. Lão không biết khi lão làm thế, tất cả những gì lão để lại cho gia đình là một tấm lưng trầm mặc. Chẳng ai có thể chịu đựng sự trầm mặc mãi. Lão biết thỉnh thoảng bà vẫn buồn rầu nhìn theo những gia đình hạnh phúc khác, vẫn dối bên ngoại rằng lão có kiếm ra tiền. Có vài khi, lão thấy bà sụt sịt trong xó bếp vào đêm khuya. Mấy điều này lão đã nghĩ ra từ lâu, nhưng giờ tự dưng thấy thương vợ đến lạ.

Lão quẹt nước mắt, chỉnh lại quần áo cho đỡ xộc xệch hơn rồi mới đi vào. Nhà lão tắt đèn tối thui. Trước sân nhà, lão thấy mấy bộ quần áo phơi trên sào đang được lấy dở, ướt sũng. Lão chợt nhớ đến người vợ thường về nhà khi trời đã tối hẳn và cơn mưa say đổ xuống thình lình. Tim lão đập mạnh, lão đá vội chiếc dép ở ngoài rồi chạy vào nhà, lần theo vệt nước sũng đổ trên sàn gạch mà vào đến phòng hai con.

Khi lão mở cửa, ánh sáng xám nhạt đổ lên vai gầy của vợ. Lão rón rén vào trong, thấy bà đang vỗ nhẹ vai con, lẩm nhẩm hát ru. Tiếng bà lè nhè say nhưng bà vẫn chưa ngủ. Lão ngồi xuống cạnh, bên mép giường. Lão giật mình nhìn thấy trên khuôn mặt bà hai vệt dài ươn ướt. Lão muốn gạt mình rằng đó là nước mưa, nhưng lão biết là không phải. Dòng nước ấy lặng thinh như khe suối nhỏ giấu trong rừng sâu, hoạ hoằn bắt gặp.

“Sao bà còn chưa ngủ đi? Con đã ngủ cả rồi.” Lão hỏi sau một lúc ngồi yên.

Người vợ im lặng một lúc lâu rồi đáp:

“Anh à, anh có nghĩ mình là cha mẹ tốt hay không?”

Lão không trả lời được. Nếu phải trả lời, lão nghĩ vợ mình thì phải, mình thì không.

“Sao em cố thế nào cũng thấy em không phải là một người mẹ tốt.” Giọng bà nhỏ nhẹ. “Em cứ nghĩ suốt. Sau này con mình sẽ lớn lên, ta sẽ không che chở nó dưới mái nhà này được mãi. Rồi nó sẽ phải ra ngoài kia, bon chen, bươn chải. Ngoài đó có cái gì tốt hở anh?”

Lão nhớ về đống người ở ngoài ngã tư. Chắc chẳng đứa trẻ nào sống sót nổi ngoài đó. Nhưng vợ lão nói đúng, sớm muộn gì những đứa trẻ cũng sẽ ra đi, bước vào dòng người đẩy đẩy xô xô, mà họ thì chẳng thể làm gì cho chúng.

“Em ước gì chúng không bao giờ lớn. Ước gì chúng cứ say ngủ ở đây. Như vậy em có thể bảo vệ chúng.”

Lão thấy mũi mình cay cay. Lão chớp chớp để gạn đi nước mắt trực trào rồi đỡ vợ về phòng, cẩn thận thay quần áo cho bà, dém chăn thật kỹ. Lão dọn dẹp mớ quần áo ngoài sân, lau nước vương vãi ra và sắp xếp lại nhà cửa. Khi lão làm mọi thứ xong xuôi, trời bên ngoài đã ráo mưa. Lão ra ngồi ngoài hiên. Không gian im bặt, chỉ có tiếng nước lách tách nhiễu xuống đất sỏi. Đoạn, lão nhìn sang chiếc ghế mây bên cạnh. Kể từ lúc cha lão mất, lão chưa từng ngồi trên chiếc ghế đó. Lão nhìn nó, lại nhớ đến cuộc trò chuyện cuối cùng với cha. Như thể bức vách và khung cảnh trước mặt vẫn đang ám cái màu của quá khứ, còn cha lão vẫn ngồi đó, thở từng hơi phì phò.

Cha khi ấy đã già nua, còn lão vẫn là một cậu thanh niên đôi mươi, lòng còn đầy mộng và mắt vẫn chưa vẩn bụi thời gian. Cậu thanh niên ngồi bên cạnh người cha già, lặng yên. Hôm ấy cũng lại là một ngày mưa.

Cha cậu lóng ngóng đổ rượu đầy cái ly nhỏ, nâng lên hớp một ngụm. Thấy con trai nhìn mình bằng ánh mắt khó hiểu, ông nói:

“Ta muốn đi trong một cơn say.”

“Chẳng phải người ta thường muốn mình phải tỉnh táo vào thời khắc sau cuối sao? Để có thể hồi tưởng lại đầy đủ và ra đi một cách trọn vẹn.”

Người cha bật cười.

“Không đâu.” Mắt ông đăm chiêu nhìn ra sân, nụ cười vẫn giữ trên môi. “Ta muốn say một lần trước khi chết. Trong đời mình, ta chưa từng uống say lần nào.”

Nói rồi ông lại rót thêm một ly nữa vào cốc, uống cạn. Sự sảng khoái chạy dọc cơ thể khiến ông chậc lưỡi một cách thích thú. Đứa con trai ngồi bên quan sát, cũng nhón ly mà nhấp lấy một chút men. Cậu nhăn mặt.

“Chẳng ngon gì.”

Người cha cười khà khà.

“Ấy vậy mà nhiều người mê mẩn nó. Như con mê mẩn vẽ vời vậy thôi.”

Cậu thanh niên lấy làm phật ý, nhưng cũng không tỏ ra hậm hực quá. Lúc lâu sau, cậu hỏi.

“Người ta sống vì điều gì vậy nhỉ?”

Người cha nheo mắt, cười khẩy một tiếng, nâng ly rượu lên trước mặt.

“Có lẽ… vì một cơn say.”

Cậu thanh niên tưởng rằng cha đang ghẹo mình, nhưng nhìn thấy ánh mắt suy tư của ông, cậu lại im lặng lắng nghe.

“Đời người cũng như một cơn say thôi, con ạ. Rượu làm người ra say. Tình cũng làm người ta say. Tiền làm người ta say. Đam mê cũng làm người ta say. Mỗi người sẽ sảy chân vào một hũ rượu rồi cứ thế mà say hết đời. Đã sống là sẽ say, phải say thì mới sống được. Bởi tỉnh táo thì đau khổ lắm. Không ai tỉnh táo mà lao vào đời để chịu khổ, không ai tỉnh táo mà lại cuồng nhiệt bất kể nỗi đau. Con người mà, ai cũng nhút nhát và sợ hãi cả.”

“Sao cha lại nói thế? Chẳng phải cha cũng đã tỉnh táo cả đời đấy ư? Cha không say rượu, không say tình, không say tiền bạc cũng không có đam mê.”

Người cha lại cười thật hiền từ. Cậu thanh niên lấy làm lạ, khi còn bé, cậu không thấy cha mình hiền từ như vậy.

“Ngày trẻ ta cũng nghĩ là ta tỉnh táo. Vì tỉnh táo và biết rõ đường đi, nên ta muốn chỉ vẽ nó cho con. Ta say sưa tìm kiếm cách thức nào để con đi vào đường ta chọn. Giờ nghĩ lại, ta thấy việc ấy ngớ ngẩn làm sao. Nó khiến tầm nhìn của ta hạn hẹp và làm những điều sai lầm.” Ông nhìn khoảng sân, nhớ tới hình ảnh cậu bé bị phạt quỳ ngoài đó. “Trách nhiệm, rào cản thế hệ, định kiến, cái tôi cao, đấy là những cơn say liên tục tấn công vào đầu óc ta.”

Cậu thanh niên nhìn theo hướng mắt của người cha, cậu nhớ những gì đã diễn ra ở đó.

“Vậy, bây giờ cha có nghĩ rằng con phải từ bỏ hội hoạ nữa không?”

Người cha bặm môi suy nghĩ hồi lâu thì lắc đầu.

“Không, con ạ. Đó là vò rượu của con, con phải tự quyết định khi nào thì phải bước ra khỏi nó. Có lẽ là bây giờ, vài năm nữa, hoặc không bao giờ cả.”

Cậu thanh niên gật gù. Cậu suy nghĩ, nhưng lòng cậu vẫn đầy hoài nghi.

“Vậy thì say là việc tốt hay xấu?”

Người cha hơi ngửa đầu ra sau, nếp da trên trán nhàu nhĩ lại.

“Thế hẵng còn tuỳ. Người không say thì đời không trọn vẹn. Nhưng nếu cứ chìm mãi trong cơn say, lâu ngày, chỗ này sẽ trở nên mông lung.” Ông chỉ vào một bên thái dương. “Rồi người ta sẽ không tìm được đường về nhà mình nữa.” Ông vỗ nhè nhẹ lên ngực. “Một ngày kia con sẽ hiểu, con người độc lập đến mấy, vững vàng đến mấy cũng cần phải có nhà. Sống mê man cũng được, điên cuồng cũng được, rồi vẫn cần một chỗ để nghỉ ngơi.”

Người bố lại rót một ly rượu nhỏ, nhấp từ từ, hai mắt đã hơi lim dim. Cậu thanh niên cũng không hỏi thêm gì nữa, chỉ lặng ngồi bên cạnh, nghe mưa, nghe hơi rượu chầm chậm bừng lên nơi mắt trong.

Người cha lén nhìn qua đứa con, miệng nhoẻn cười, yên lòng chìm vào giấc ngủ. Cậu thanh niên nghe tiếng mưa lặng mà bàng hoàng tỉnh dậy, thấy đầu mình đã điểm hoa râm. Lòng lão sạch trong, cơn say đã không còn. Lão bần thần ngồi nhìn chiếc ghế cũ rất lâu. Từng chuyện xửa chuyện xưa cứ lần lượt hiện ra trong đầu. Có những đoạn lão ước mình đã chọn khác đi. Hoặc, lão nghĩ mình có thể khác từ ngày mai.

Lúc sau, bóng liêu xiêu đứng dậy đi vào phòng. Hai đứa bé hẵng còn ngủ. Lão đưa bàn tay thô sần nhè nhẹ chạm vào tóc con. Chúng mềm như tơ, đẹp đẽ. Lão thấy trong lòng nặng nề nhưng cũng vững vàng và háo hức.

Ngày mai trời không đổ mưa men nữa, nhưng tá người vẫn tranh dẫm ngoài kia. Sẽ có ngày các con phải đến ngã tư đường. Người cha tầm thường như lão không thể ngăn nổi người khác xô đẩy các con, chỉ có thể làm sao để chuẩn bị cho chân con đỡ phần nào xiêu vẹo, chỉ có thể mong trong cơn chếnh choáng con vẫn tìm được đường về.

Lão ra ngoài khép nhẹ cửa phòng, lòng vẫn luyến tiếc ngóng vào trong. Bên tai lão hẵng còn văng vẳng tiếng cụ ông thều thào giây phút cuối.

“Đi đi con. Đi cho say để đời được đủ đầy."


HẾT

  Mặc Phong Lữ


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}