Năm ấy triều đại đổi ngôi, thế sự rối reng, dân chúng lầm than.
Giữa cái thế sự người nghèo đáng khinh, kẻ lắm của thành trời thành phật, có cái làng Đại Lãnh không có lấy một người giàu, đàn bà đàn ông đành lòng mà bỏ cái chốn chôn rau cắt rốn mà dắt díu nhau tới cái đất sỏi đá bạc màu sống xa Kinh Đô.
Đại Lãnh trong núi thẳm non ngàn, củ khoai củ sắn không mọc nổi, rừng núi chỉ có thú ăn thịt người, không người thịt thú. Cái xứ như vậy quan không thèm lấy, địa chủ không thèm ở, vậy mà đám người ấy khai khẩn ruộng hoang, đập đá thành nương dâu. Người dân ngày ngày yêu ruộng mến tằm, lệ làng thành nếp sống quanh bếp củi nương dâu, cứ vậy mà yên không tranh với đời.
Giữa cái xóm núi người ta chỉ cần có sức người mà đào đá khai hoang, chẳng cần văn nhân biết chữ. Người ta không có chí làm quan, cũng không mong sẽ có ngày tới được Kinh Đô hoa mộng. Chỉ mong trời mưa đúng hạn, cây lúa tốt tươi, không cần giàu sang phú quý. Giữa cái thế sự như thế, lại có nhà người goá phụ kia có được đứa con trai, đặt cho cái tên cao sang mĩ mều.
Đồ Nam.
Người đàn bà mong con có gì qua cái mộng cao xa chí lớn gì đấy không ai biết, kẻ biết cho bà là điên, kẻ không biết càng cho bà là dại. Người còn không có ăn, còn nuôi mộng cho con theo cái chữ không làm ra gạo tiền cơm áo. Không ai tin bà nuôi được đứa con lớn lên, đừng nói đến cho con theo cái mộng cao sang lắm tài nhiều tật nọ.
Mà cậu Đồ Nam kia hình như cũng điên chẳng khác gì u mình, ở cái tuổi con cái địu theo đứa nhỏ nhất cày cấy chăm ngô, tối về phụ u thầy việc đồng áng, cậu Đồ Nam cũng theo u ra nương làm ruộng, người ta tay phải cầm cuốc tay trái cầm mạ chín, Đồ Nam tay phải cầm sách tay trái cầm khoai. Cái kẻ lớn lên trong cái khổ của u, thì chí hướng cũng không quay quanh ruộng nương nong tằm.
Người đàn bà không biết lấy đâu ra niềm tin cắn rơm cắn cỏ mang theo con trèo đèo lội suối cho con học thầy đồ làng bên. Cái dân Đại Lãnh không giàu có gì, không qua lại với bên ngoài, cả đời tự cung tự cấp, thành ra không biết làng bên có cái gì hay cái gì tài, chỉ biết con trai lớn phải phụ việc trong nhà, cưới một người đàn bà sinh một vài đứa con mới là hiếu đạo mới là tròn vẹn kiếp người. Đồ Nam không cưới, không phụng dưỡng, tối ngày ôm mộng học lắm học nhiều bào hết máu của u cậu, chuyện này ai cũng hay, không có ai không chê cười một phen cái người đàn bà kia số khổ thiệt thân.
Đồ Nam học bao nhiêu năm, người đàn bà nọ cũng làm trâu làm ngựa bấy nhiêu năm. Nhà có cậu con trai, lại chẳng thấy cậu con đỡ đần sớm tối, từ ngày Đồ Nam theo thầy đồ học còn chẳng mấy khi về làng. Người đàn bà cứ lầm lũi sống, như cả cuộc đời bà có bao nhiêu sức lực đều đổ dồn cho đứa con. Không ai biết bà chịu đựng những gì mà muốn con theo cái nghiệp này, người ta đồn một đồn mười, rằng làm quan nó sang lắm sướng lắm, mới biết à thì ra người đàn bà ấy ôm mộng đổi đời. Chẳng là muốn con làm quan để ăn sung mặc sướng cả đời đấy thôi.
Người ta đoán già đoán non, ra đường thấy Đồ Nam cũng cúi mặt đi thẳng, ở sau lưng thì nói rằng cái thằng Đồ Nam đó ấy, nhà rõ nghèo mà ăn sung mặc sướng, mặt mày trắng trẻo như mấy thằng phá gia chi tử, người thì rõ là èo uột gió thổi là bay. Cái thằng ẻo lả như thế nom chẳng được việc đồng áng. Ai lấy chồng không mong lấy được người vạm vỡ cao to, ấy thế mới mong ngày sau có người đốn củi canh rừng, Đồ Nam thành ra cứ thành người ế là thế, ngay cả cái cô xấu gái nhất làng cũng chẳng muốn thăm hỏi đến nửa phần.
Mà cậu Đồ Nam tự biết phận mình cũng chẳng ham thú chi việc tình tứ, cậu học rồi học, đỗ thi Hương, thi Hội lại thi Đình. Năm ấy triều đình mở cuộc thi lớn ba năm một lần, Đồ Nam mới mười sáu cũng lặn lội lên kinh đô.
Ngày cậu báo tin đỗ trạng, người đàn bà ấy mới nở nụ cười hiếm hoi. Nhưng trong cái xóm núi xa xôi, nghe cậu sắp làm quan chỉ có sợ, chứ chẳng có kính. Cái làng này chưa từng được thánh thượng ghé mắt, cũng chẳng chịu ân đức của quan trên, nên có một hay nhiều ông quan. Thì vẫn thêm một ông làm quan, rồi vơ vét trên đầu trên cổ họ mà ăn sung mặc sướng đấy thôi. Họ tin thế, cũng nghĩ thế, thành ra càng không lui tới với bà mẹ mới lên chức của quan kia. Thưở hàn vi họ chẳng nể tình cứu giúp, thì ngày họ sung sướng họ cũng chẳng buồn hỏi han.
Chẳng là đợi mãi chờ mãi, Đồ Nam cử người về báo tin cho u thế, lại chẳng đón người đàn bà vào kinh. Người đàn bà chờ hoài đợi mãi, đến khi thành trò cười của đầu trên xóm dưới, mấy thu trôi qua, đợi mãi mới nghe tin được tin ông Đồ Nam làm quan trong kinh đô, chắc sẽ không quay lại cái xứ mà ông đẻ ra này nữa. Nghe tin đó xong có kẻ vui kẻ mừng, cũng lắm người cười khinh người đàn bà kia. Có được cái chữ lại bỏ u mình chẳng lo, chắc là Kinh Đô sướng lắm thay.
Đồ Nam làm quan bốn năm, chẳng ai biết cậu làm quan thế nào, lại hay tin Đồ Nam không được lòng thánh thượng, bị đày làm thứ dân, trước đã không nên tài cán gì, bây giờ bốn năm lại làm thành tật nghiện rượu. Đồ Nam không dám về lại xóm núi, sống vất vưởng trong kinh đô. Không ai biết cậu đi đâu về đâu, người ta biết một đời u Đồ Nam hoang phí là thế, bởi vậy nuôi con từ thuở còn thơ, đừng dạy con cầu đạo học nhiều, chỉ mong con khoẻ mạnh biết kính biết thờ u thầy, đã là quý lắm rồi.
Đồ Nam bặt tin không ai biết, lại nghe năm ấy chiến tranh liên miên, vùng biên giới thất thủ, Chúa thượng đành phải nghị hoà với vua Bắc. Cả triều từ trên xuống dưới không có ai muốn lãnh nhận tư thái của kẻ thua cuộc mà sang chầu vua Bắc. Hình như Chúa nhớ ra còn Đồ Nam trong kinh, mới sai cậu sang đó để dâng bản nghị hoà. Chẳng ai biết Đồ Nam vì sao lại nhận lời, cậu vượt muôn trùng núi thẳm non cao sang đến phương Bắc xa xôi. Đi sứ không rình rang, trở về không người đưa đón. Năm ấy thánh thượng phải cắt đất bỏ thành thì mới yên chuyện, người đi sứ trở về toàn mạng là Đồ Nam, mà kẻ bị thánh thượng trách phạt làm mất của ngài mấy thành trăm vạn mẫu đất, đuổi ra khỏi kinh thành cũng là Đồ Nam.
Một đời truy cầu giàu có cao sang thế nào chẳng biết, Đồ Nam áo vải trở về còn chẳng có được đấu gạo con gà. Lần này u cậu bệnh nặng khó qua khỏi, mới thấy Đồ Nam lặn lội trở về. Người đàn bà thoi thóp trên giường không những không hờn không trách, nghe bảo đêm ấy cái chòi ấy sáng đèn cả đêm, trên vách có in hình người con phương xa đang quỳ đến tảng sáng thì chuyện này mới tạm êm.
Tưởng đâu quan trạng cao sang thế nào, tưởng chừng qua chuyến này không cầu được phú quý thì cũng biết khôn ra. Chẳng ngờ cậu kia vẫn không rõ đúng sai, không lo cho u bệnh già yếu vẫn phải ra ruộng cày cấy, bán mạng cho người bán đến khi liệt giường vẫn không được. Đồ Nam chỉ quen cầm bút viết chữ, bây giờ gánh đấu gạo cũng không xong. Làm công không được thì làm lụng, Đồ Nam làm đủ thứ, bán máu chẳng khác gì u cậu hồi xưa. Mà người đàn bà nọ chẳng biết có phải vất vả cả cuộc đời hay không, mà đợt này bệnh bao nhiêu tiền bạc đổ xuống cũng chẳng đủ. Sức khoẻ ngày một yếu đi, Đồ Nam ngày càng rệu rã.
Kẻ trong làng chẳng ai thương hại, họ đã dự liệu trước cái điều này từ ngày người đàn bà bồng con về đây sống. Đừng cho học chữ, đừng mộng làm quan. Bà không nghe, nuôi được thằng con không cường tráng không biết vất vả. Con nhà ai không lao động cực nhọc từ bé mà lớn lên, cái cậu kia ăn trắng mặt trơn biết cái gì mà đồng áng nương ruộng. Mặt mày khôi ngô như thế, chắc chỉ có ở rể nhà giàu, thì may ra mới có đường ra.
Trăng rơi mấy lần trên chiếu canh năm, người ta đồn bậy mà ứng nghiệm thật. Chưa đầy năm mùa trăng, đã có tin Đồ Nam vậy mà ở rể cho nhà giàu nhất làng bên. Cái mối cưới ấy là cô hai con ông bá. Nghe đồn cô được chiều chuộng hết phần phước thiên hạ, nhưng ốm đau bệnh tật từ thuở nhỏ, có người ác miệng còn bảo rằng cô chẳng sống quá được hai mươi. Cưới được cô thì âu cũng là phước đức lắm, mà ở đời chẳng có cái sự nào đẹp đẽ như thế, chẳng là có phước, nhưng cô ốm yếu uống thuốc như nước lã, nghe bảo ông bà bá con bảo lấy cô về liệu mà cô không qua khỏi thì cũng phải theo cô về bên kia. Đã là ở rể, con theo họ cô, có giàu sang sung sướng gì còn chưa chắc ông bà bá để yên cho mà hưởng. Nếu cô có mệnh hệ gì cũng khó lòng mà sống sót.
Cái mối béo bở là vậy, đếm đi đếm lại, chỉ có kẻ thất bại là cậu Đồ Nam, một lòng một dạ yêu tiền tài mới gật đầu đồng ý. Đã vậy còn là cưới gấp chẳng đầy hai hôm.
Tưởng đâu ông quan trạng quyền thế cao sang thế nào, cuối cùng cũng phải cúi đầu mà làm rể nhà giàu đấy thôi.
Bình luận
Chưa có bình luận