Chương 8. Ký sự khoai lang


"... Em có vẻ không hiểu và ngỡ ngàng trước vẻ mặt của tôi. Đám đông lao xao bên ngoài khi có đứa đá được quả bóng vào cầu môn đội bạn nhưng tôi lại chẳng bận tâm chi đến chuyện vui chơi ngoài lề. Rõ ngớ ngẩn, khi không lại đi xích mích, cự nự lẫn nhau vì chuyện cỏn con..."

“Ăn sáng chưa?”

Chỉ chờ em đến lớp, yên vị ngồi trên ghế là tôi quay sang hỏi em ngay. Sáng, những tia nắng đã nhú cao trên rặng cây, xiên xiên chiếu vào lớp tôi qua từng tán lá xanh non, đổ dài trên nền đất. Nắng hắt lên mặt em rõ mấy sợi lông tơ mềm, càng nhìn càng giống lông mèo. Và tôi trông em lại càng giống con mèo sống trong căn nhà ấm áp và đầy đủ, lúc nào cũng thong dong và sáng sủa chờ sưởi nắng.

Em bỏ đồ dùng, sách vở lên trước mặt rồi cười toe, thật thà đáp:

“Tớ ăn rồi. Sáng nào mẹ tớ cũng chuẩn bị đồ ăn, à…”, em chợt tỏ vẻ bí hiểm và hơi nghiêng người về phía tôi, bàn tay lúi húi trong ngăn bàn và em thì thầm, “...cũng vừa đúng lúc, cho cậu này. Sáng nay mẹ tớ đồ xôi, ngon lắm. Xôi bắp nếp ngọt đó.”

Em cười rạng ngời đến mức chói mắt và cả nắng chảy ngoài kia cũng chẳng thể khiến tôi hốt hoảng bằng mắt cười của em. Nhưng chỉ là một chút thoáng qua và tôi cũng không thể định nghĩa được cảm xúc lúc ấy là gì. Vì mọi sự tập trung của tôi đều dồn về hơi ấm và mùi hương thơm ngọt ngào nồng nàn từ gói xôi trong bọc lá chuối em đẩy vào ngăn bàn tôi trong lặng lẽ.

“Ờ, cảm ơn nhé.”

Tôi nói lời cảm ơn nhạt thếch, trong mũi rặt chỉ toàn là thứ hương thơm của sự quan tâm, của tình cảm bạn học chiếu cố lẫn nhau nhưng tôi cảm thấy không sao quen được và lạ lẫm quá chừng. Nào giờ tôi đã được ăn món này đâu, cùng lắm là mấy ngày cúng giỗ mẹ tôi mới thổi đĩa xôi nếp trắng hoặc xôi đỗ xanh, xôi gấc là cùng. Tôi đánh mắt lén lút nhìn vào trong ngăn bàn, thấy từng hạt bắp ngô vàng mập óng lên bóng loáng, phủ lớp mỡ ngầy ngậy cùng từng hạt nếp mẩy như hạt ngọc.

Tôi nhếch môi, hếch mắt hỏi vặn em:

“Cho mỗi tôi thôi à? Chu đáo thế.”

“Đấy là phần cậu, nhiều nhân nhiều đường.”

Em lầm rầm đáp, rồi đặt lên mặt bàn một gói xôi bắp nếp khác, cũng vẫn những hạt mẩy căng như ngọc nhưng lại chẳng giống phần của tôi. Em mang đến chia cho mọi người trong tổ. Đúng là có đồ ăn làm đầu câu chuyện, em trong mắt mọi người cởi mở hơn hẳn. Ít ra cũng có cái dáng gần gũi hơn, chân thực hơn.

Cả đám nhao nhao lên, chen chúc mỗi đứa một bốc, chẳng mấy chốc đã ăn hết bay chỗ xôi em mang. Còn tôi, ngắc ngứ vài miếng rồi lặng lẽ gói lại, bỏ gói của tôi vào cặp chung chỗ với hai củ khoai lang đã nguội dần.

Có cái gì đó khó nói, khó diễn tả nhưng lại khiến tôi cứ nghẹn lại trong họng. Vị xôi cùng bắp nếp trộn đường hành phi sao ngọt ngào, nhưng tôi lại thấy tắc lại không trôi. Thứ ngon như thế mà so với khoai lang của tôi, thật trái ngược, thật không lỡ mang ra để xấu hổ với em.

Quả nhiên, nhà giàu đồ gì cũng tốt. Nhà tôi nghèo, tưởng đồ của mình đã hay nhưng lại chẳng biết người ta có khi ăn chẳng vào.

Tôi chăm chú nghe giảng nhưng đầu óc cứ như trên mây trên gió. Tôi hoàn toàn không để ý được ánh mắt mất mát của em trước thái độ lạnh nhạt thờ ơ của tôi. Mắt em nheo nheo, giấu lại tia nhìn tò mò đằng sau mái tóc, rồi một thoáng tôi không để ý lên bảng xóa bài, em đã thấy một củ khoai đã lộ ra, rơi xuống chân em.

Khi tôi quay lại, cả lớp ra sân chơi hết trơn hết trọi, còn lại vài đứa con gái mọt sách ở lại, cùng với em. Cậu công tử lặng lẽ, ham đọc, trầm tính dường như không thích mấy trò vận động. Mà đám trai quê có thằng nào là không nghịch, nghịch ngu lẫn nghịch dại đều đã từng làm huống hồ đá bóng rượt nhau ngoài sân.

Em đang ngồi với cuốn tiểu thuyết còn mở trên bàn nhưng ánh mắt lại gằm xuống. Không rõ là em đang làm gì, chẳng phải đọc cuốn truyện của em cũng chẳng phải đọc sách giáo khoa. Tôi tò mò lại gần, tính ghẹo em mấy tiếng thì bỗng dưng phát hiện ra trên tay em là củ khoai lang ban sáng tôi mang.

Tôi giật mình đánh thót một cái, vờ đánh lạc hướng em:

“Ở đâu ra thế? Sáng ăn chưa đủ à?”

Em không nói mà chỉ lặng thinh, ngón tay dài khẽ siết lại và em ngẩng đầu lên nhìn tôi, vặn hỏi:

“Tớ thấy nó rơi ra từ cặp cậu.”

Rồi, còn sao nữa? Tôi vò đầu, muốn nói gì đó để gạt em nhưng hình như không xong rồi.

“Tớ liền liều lĩnh giở ra, thấy có những hai củ. Còn mới.”

Ánh mắt em xoáy sâu vào tôi, ghim những hoảng hốt và bối rối của tôi lại thật dễ dàng. Tôi lại thấy mặt mình nóng bừng, vừa như xấu hổ lại vừa khó xử, cái mặt chắc lại sưng lên rồi. Mà thực ra, tôi mang đi cả rổ khoai thì có làm sao? Việc gì mà phải lúng túng để em vặn hỏi như một thằng dở người?

Em chợt thở dài, đôi mắt hơi tối lại và em nói nhẹ bẫng như gió, cuối cùng lại là tiếng than nhẹ tự trách:

“Là tớ tự tiện. Đừng giận tớ. ”

“Nghĩ đi đâu vậy? Sáng nay u tôi cứ nhét vào tay, không cầm không được. Nếu cậu thích thì cứ lấy.”

Tôi vội chống chế, rồi làu bàu trong vô thức: “... cũng là định mang cho cậu.”

“Cậu vừa nói gì cơ?”

Em ngạc nhiên hỏi tôi và tôi không khỏi giật mình chối bay chối biến:

“Nói gì đâu? Đấy, của cậu hết. Cầm đi giúp tôi, nếu u tôi mà biết để thừa đồ ăn, mai tôi phải nhịn đói đi học.”

Tôi không còn cách nào khác, buộc phải nói dối trắng trợn. Và đột nhiên, tôi nghĩ đến hương vị ngọt lành của món bắp nếp ban sáng, lại không đành lòng để em ăn thứ đồ giản dị quê mùa này, lập tức đổi ý, nhanh tay lấy lại và nói:

“Mà thôi, nghĩ lại rồi. Khoai này không ngon, không hợp cậu đâu. Để đấy lát tôi xử lý.”

Kể từ lúc gặp em, tôi đã chẳng còn là “tôi” như trước nữa. Tôi nhạy cảm hơn, nghĩ nhiều hơn, hấp tấp hơn và cũng nóng nảy hơn. Tôi vừa muốn tránh xa em, lại vừa muốn làm bạn với em. Vừa muốn quan sát những vì sao trong mắt em, lại không muốn vấy bẩn em vì bất kì lẽ gì.

Chúng tôi quá khác nhau. Em và tôi chỉ là bạn cùng bàn, kề vai sát cánh đánh nhau để tự vệ và cùng nhau ngắm nhìn dòng sông trăng. Chúng tôi vốn không có điểm gì chung để mà chắp nối, để mà đồng hành.

Thực tế, con người nên nghĩ về thực tế đi hơn là mơ mộng viển vông.

Tôi lầm lì muốn thu lại củ khoai trên tay em thì em đã nhanh hơn rụt tay lại, giấu nó vào trong vạt áo. Em hếch mày với một điệu bộ hết sức tùy hứng, nói:

“Cậu cho tớ rồi mà. Nói được làm được chứ.”

“Đưa đây coi! Có ngon lành gì đâu!”

Tôi chợt nổi cáu, sấn lại muốn cướp đồ trong người em. Em lại nhanh hơn, cứ như con mèo linh hoạt chạy thoát. Vẻ trẻ con lồ lộ trên mặt em, biến em thành một cá thể hết sức sinh động. Em lắc lắc đầu ngón tay và nói với sự vui vẻ:

“Chưa nếm sao biết không ngon? Mất công mang đi còn gì.”

“Còn chả phải định mang cho cậu?! Hoàng Vũ! Không giỡn đâu, đồ nhà quê ăn vào làm gì?”

Tôi nổi cáu vô cớ, mặt chắc lại đỏ phừng phừng lên như đít khỉ nhưng Vũ thì vẫn không có ý định trả lại cho tôi. Cáu quá đâm cùn, tôi liền sẵng giọng quát em:

“Đồ cậu ngon như thế, cứ thích ăn mấy cái đồ này lắm hả? Cậu thích gì?”

Đúng là tôi định mang đi mời em ăn, muốn nói rằng ê Vũ, dám cá là thằng nhóc thành phố như cậu chưa từng ăn sáng bằng khoai lang đâu. Có muốn thử một miếng không? Nếu thích tôi sẽ đưa cậu hết cả phần của tôi.

Kiểu như thế.

Ai dè em đã đi trước một bước khiến món đồ tôi đang vô cùng hào hứng thành thứ thừa thãi đến xấu hổ, không nên trưng ra để mà làm khó em. Tôi càng nghĩ càng thấy giữa chúng tôi quá khác nhau, không nên cố gắng lại gần để làm gì cả.

Và càng nghĩ ngợi lại càng luống cuống. Suy cho cùng, vì tôi xấu hổ mà thôi.

Em có vẻ không hiểu và ngỡ ngàng trước vẻ mặt của tôi. Đám đông lao xao bên ngoài khi có đứa đá được quả bóng vào cầu môn đội bạn nhưng tôi lại chẳng bận tâm chi đến chuyện vui chơi ngoài lề. Rõ ngớ ngẩn, khi không lại đi xích mích, cự nự lẫn nhau vì chuyện cỏn con.

Là do tôi quá nhạy cảm và dở hơi. Là do tôi.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout