Em sinh ra đã ở xa tít tắp bỏ chúng tôi lại cả quãng dài.
Nhưng tôi không hề có cảm giác muốn ghét em.
Tôi muốn làm bạn với em là thật. Ở em có một điều gì đó vốn thật bình yên và dịu lành, sáng sủa đến vô cùng biến tôi thành con thiêu thân cứ vo ve muốn tiếp cận nguồn ánh sáng ấy, càng tò mò về em lại càng cứng đầu muốn làm bạn với một kẻ ở bên kia thế giới như em.
“Tôi không đau.” Tôi chợt sẵng giọng với em, có lẽ vì quá xấu hổ nên ngữ điệu có vẻ gay gắt hơn, và đầy tính phủ định không có một chút sức thuyết phục nào.
“Rồi rồi, cậu không đau. Vậy sao lông mày lại nhăn tít hết thế kia?”
“Tôi đã nói là không đau rồi mà. Shhhh.”
Khoé môi vừa nhếch cao lên một tí mà cơn xót đã chạy thẳng lên đỉnh đầu khiến tôi phải trợn mắt nhe răng. Có vẻ như tôi đã thành công trong việc chọc cười một cậu công tử bột ít nói như em, em đã cười nhiều hơn mức quy định thì phải.
Ý tôi là cười nhiều hơn hẳn khi em lên lớp. Trông có sức sống hơn nhiều.
Dưới ánh đèn mờ mờ ảo ảo, em hiện lên như một thực thể kỳ lạ, vừa sống động lại vừa khó nắm bắt. Tựa như là một kẻ ngoại đạo lưu lạc nhân gian, em thích hợp với thế giới tươi sáng ngập trong ánh đèn màu nơi phố thị phồn hoa hơn là chôn chân nơi làng quê nhỏ sau luỹ tre đầy những lạc hậu và thiếu thốn này.
Như có ai đó cưỡng ép một viên pha lê trộn chung với sỏi đá. Đương nhiên em là pha lê còn tôi là viên sỏi bên đường. Công tử như em, đâu cần phải chui trong chốn quê mùa như tôi.
Tôi buột miệng hỏi em bằng sự tò mò chân thực nhất trong đầu:
“Tại sao cậu lại về cái xó này?”
Em hơi ngạc nhiên, và thật kì lạ thay, tôi có thể nhìn được bóng hình tôi phản chiếu nơi đáy mắt em. Có cả sao và trăng treo trong mắt em.
Nơi đuôi mắt em còn có một nốt mụn ruồi nhỏ, tựa như điểm xuyết tình cờ của tạo hoá và thật bất ngờ thay, một chi tiết nhỏ cũng đủ khiến cho vẻ đẹp trai của em trở nên thật thu hút. Nốt ruồi nhỏ ấy nếu không chú ý thật kỹ thì sẽ không thể thể thấy, và tôi dám cá là chẳng có ai có đủ kiên nhân và dũng khí để quan sát em lâu đến thế. Và đương nhiên đấy là nếu có cơ may khi em vén mái để lộ ra đuôi mắt như lúc này.
Tôi là kẻ may mắn ấy.
Em lúc này đã thực hiện xong công việc y tá bất đắc dĩ của mình, cất bông băng, thuốc men vào một cái túi và nhét vào tay tôi. Em đáp:
“Cậu cất đi, đề phòng có dịp cần dùng.”
“Cậu nhìn mặt tôi dễ đánh nhau lắm hả?”
Tôi nhếch môi, buông lời bông đùa nhạt thếch. Chả biết nói chuyện ra sao với em, chỉ sợ bản thân nói những điều vô vị và láo lếu, cuối cùng lại đáp trớt quớt như dở người.
Nhưng cậu bạn học này lại không có vẻ phật ý. Em cười cười thản nhiên mà đáp:
“Không phải đâu. Đề phòng ngã xe này, bị dao cắt này, bị thương nhỏ nhặt này, cần dùng mà. Không vệ sinh sạch dễ bị uốn ván lắm.”
“Ờ. Cảm ơn nhé.”
Tôi sờ sờ vết thương đã khô lại bên khoé miệng, rồi lại bâng quơ hỏi lại câu hỏi ban nãy, bám riết không chịu buông tha cho em. Đừng hiểu lầm tôi, vì thực sự tôi cũng muốn được hiểu vì cái lẽ gì mà một công tử như em lại phải về cái chốn xa xôi lạc hậu này.
Em thở dài, rồi tựa lưng vào cột gỗ đã tróc hết lớp sơn sau lưng, ngẩn người nhìn trăng. Rồi em trả lời:
“Cũng là chuyện của bố tớ thôi. Bố tớ phải luân chuyển công tác, đi đi về về thì cực quá, nhà cũ xa nơi này tận sáu chục ki lô mét mà cũng đâu thể xa gia đình mãi được. Mẹ con tớ cũng xác định bố đi đâu, hai mẹ con theo đấy.”
“Mẹ tớ cũng vừa mở thêm cái xưởng gia công nhỏ, cùng mấy bác bạn ấy mà, chủ yếu là cho đỡ buồn tay buồn chân. Rồi khi ổn định tớ mới chuyển về đây sau cùng. Ở nhà cũ chán lắm, chẳng có ai, không như nơi này.”
Ối chà, sao em lại có suy nghĩ kì lạ là nơi phố thị lại chán hơn cả làng quê nghèo này nhỉ? Nơi này có cái gì đâu, đèn điện còn thấy hiếm nữa là thú vui giải trí bên lề.
Em ngồi bó gối, mắt hấp háy nhìn theo từng đốm sáng xanh xanh vàng vàng phát ra từ bụng của bầy đom đóm. Vẻ thích thú và hào hứng trào ra hai bên khoé mắt em, em nói như giải đáp thắc mắc trong lòng tôi:
“Đây này, ở thành phố có mấy khi tớ được thấy đom đóm đâu.”
“Còn cả mặt sông dát bạc và mặt trời đỏ lặn xuống, cả làn hương lúa và dải đất đầy hoa. Ở thành phố, tớ chỉ ở trong nhà thôi. Mẹ tớ nói, đàn ông đâu thể mãi chui trong một xó nhà. Nên đi ra ngoài mà mở mang đầu óc. Tốt nhất là nên sống một cuộc sống thật phong phú và trải nghiệm những gì thanh niên nên làm mới thỏa chí tang bồng.”
Em liến thoắng một hồi, và tự thấy có chút ngượng ngùng mà nói nhỏ lại:
“Nhưng mà về đây cũng chẳng dám bắt chuyện với ai, hình như mọi người không thích tớ thì phải. Tớ cũng chẳng biết nên nói từ đâu.”
Dường như em đã nói được một số lượng câu bằng cả quãng thời gian em chuyển về nơi này gộp lại, nhiều đến mức khiến cho tôi choáng váng. Tôi choáng váng vì sự chân thật nơi đáy mắt em và vì sự thẳng thắn trong lớp lang câu chữ của em. Thật lạ thường rằng tôi có thể kiên nhẫn để lắng nghe em, để ngồi bên em chịu đựng nóng nực trong tối một đêm chớm sang thu, chịu đựng muỗi đốt và cơn đau rách da châm chích khắp mặt để mà em vơi bớt nỗi buồn rầu sầu não trong lòng.
Tôi không biết nên an ủi sao cho em có thể vơi bớt vị tủi thân, đành vỗ vỗ đầu em như cách anh Quyết vẫn vỗ đầu tôi mỗi khi tôi ngồi tỉ tê với anh đủ thứ thắc mắc và băn khoăn của mình. Những sợi tóc em mềm mại trượt qua kẽ tay tôi, tựa như cảm giác khi tôi vuốt ve con mèo mướp của bà cụ hàng xóm sau nhà.
Vừa êm, vừa mềm, thật an lòng.
Em ngẩng đầu lên nhìn tôi, nét thanh thanh nơi khuôn mặt em càng trở nên rõ nét hơn, và có cả ngạc nhiên cũng ngỡ ngàng.
Tôi thây kệ sự ngượng ngập nơi đầu ngón tay, vò tóc em để mái tóc mềm kia rối bù lên, an ủi trớt quớt:
“Nghĩ luyên thuyên! Chúng nó sợ cậu không quen, với lại toàn mấy thằng nghịch bậy bạ, không hợp thôi.”
“Mấy thằng nghịch bậy bạ” mà tôi nhắc đến bao gồm cả tôi, nhưng tôi tự động loại bỏ chính mình. Tôi không thể đánh đồng chính bản thân với lũ thằng Trường sứt môi, thằng Huy ghẻ chân được.
“Ừm. Không sao, do tớ không biết cách thôi. Còn cậu, cậu không thấy ghét tớ sao?”
Em nhếch môi cười một điệu vô cùng láu cá và trẻ con. Em biết tỏng chúng tôi là bạn cùng bàn, cùng giúp nhau làm bài, có ghét nhau cũng không thể nói xổ toẹt ra là cái tên công tử nhà mặt phố bố làm to như cậu là kiểu tôi ghét vô cùng.
Em có hàng tá những thứ mà đám thanh niên quê chúng tôi thèm muốn. Xe đẹp, nhà to, ăn ngon, mặc đẹp, không phải lao động cuốc đất trồng rau, bón phân đánh cá. Em sinh ra đã ở xa tít tắp bỏ chúng tôi lại cả quãng dài.
Nhưng tôi không hề có cảm giác muốn ghét em.
Tôi muốn làm bạn với em là thật. Ở em có một điều gì đó vốn thật bình yên và dịu lành, sáng sủa đến vô cùng biến tôi thành con thiêu thân cứ vo ve muốn tiếp cận nguồn ánh sáng ấy, càng tò mò về em lại càng cứng đầu muốn làm bạn với một kẻ ở bên kia thế giới như em.
Tôi thở dài, lần thứ hai đưa tay lên xoa đầu em thật đầy tự nhiên, tựa như là một hành động bằng bản năng:
“Ghét cái đầu cậu! Nghĩ toàn vào ngõ cụt. Còn không đứng dậy đi về? Mai không định đi học à?”
Trăng đã treo cao, vết rách da cũng không còn quá đau xót và chúng tôi đã rầy rà lâu quá mức quy định. Tôi đồ rằng một đứa con ngoan như em còn chưa lần nào đi chơi muộn như hôm nay.
Tôi bỗng khựng lại và ngó mặt em, bất chợt hỏi vặn:
“Mà này bạn học Hoàng Vũ, bạn học có việc gì mà ra ngoài tầm tối để chúng nó trấn lột vậy?”
Xém chút nữa tôi quên tiệt mất vấn đề này!
Bình luận
Chưa có bình luận