Nhà tôi năm nay thoát khỏi diện xóa đói giảm nghèo của xã. Cả nhà chẳng biết nên vui hay nên buồn. Cũng khổ, vui buồn một nửa đến buồn cười cái phận làng nghèo. Không thuộc diện xóa đói giảm nghèo, tức là đã thoát nghèo. Mà đã thoát nghèo tức là có của ăn hơn khối nhà trong xã, nheo nhóc đến nỗi chẳng có Tết. Nhưng mà lại dồn dập nỗi lo mới.
Thoát khỏi diện đói nghèo, tức là không có trợ cấp, sẽ không còn được thăm nom từ cái quỹ còm cõi của xã mỗi tháng. Như vậy, nhà lại thêm vài phần khó khăn một cách khó nói, vì hơn chẳng nhiều nhặn mà đói thì cập kề. Ai nói thoát nghèo là sướng, nhưng mà thoát nghèo một chút xíu con con, tự dưng mất phần trợ cấp ít ỏi mỗi kỳ, đâm ra lại càng nghèo. Biết làm sao được, người ta chỉ theo chính sách mà làm. Ít ra, nhà tôi còn mấy sào ruộng, anh cả còn có thể chạy xe kiếm đồng ra đồng vào, bố mẹ còn có thể đi lại được. Chứ như nhiều nhà thuộc diện chính sách khác, có khi ăn cơm với rau mắm, húp cháo qua ngày. Nhiều gia đình ba thế hệ bị chất độc màu da cam, cả mấy miệng ăn trông cả vào tay bà mẹ đã ở tuổi thất thập cổ lai hy. Chiến tranh qua lâu rồi, mà cái xã tôi vẫn thế. Nỗi đau da cam, nỗi đau đói nghèo chồng chất. Đã tội, lại càng thêm đau muôn phần.
Nhà tôi có năm người, thầy u, anh cả, tôi và em gái út. Anh cả chúng tôi tên Quyết, năm nay đã hai mươi lăm nhưng mà tướng tá gầy nhom, mặt dòm khắc khổ như ông chú đầu ba. Thầy tôi nói khi sinh anh, nhà tôi thiếu thốn trăm bề, có khi phải đi xin gạo để nấu cháo loãng cho qua cơn đói. Khi ấy đã tội càng sâu thêm, u tôi yếu người nên mất sữa, cục chẳng đã mà anh phải uống nước gạo rang, xin sữa của các chị quanh làng mà lớn lên từng ngày.
Có lẽ vì vậy mà anh Quyết chẳng được đầy đủ dinh dưỡng như người khác, người thâm thấp gầy gò. Con trưởng trong gia đình nhà nông nghèo đâm ra anh buộc phải biến mình già trước tuổi, trầm tĩnh mà khắc khổ đến tội nghiệp. Nhiều khi cứ nhìn tôi và anh Quyết đứng cạnh nhau lại có người hỏi đùa anh có phải bố tôi không, sao lại héo như trái cà vầy.
Bà Định đầu xóm đùa vô duyên ngày qua ngày, nghe mà phát tức. Nhưng mà tức có để làm gì đâu?
Nước mắt tôi mỗi lần tức thay anh lại ứa ra một cách yếu đuối, nhưng rồi lập tức lại bị anh quệt đi. Anh chỉ cười hiền lành, khóe mắt hằn vết nhăn không nên xuất hiện ở cái tuổi còn đương trẻ trung sung sức ấy.
“Bỏ qua thôi nhóc con. Ai nói sao cũng được, mình cũng có mất đi miếng thịt nào đâu. Cự lại chỉ làm hư tình làng nghĩa xóm, lại mang tiếng hư đốn láo toét, khổ thầy u.”
Tôi ấy à, lúc ấy nào đã hiểu gì đâu. Chỉ thấy bất công và thương anh nhiều.
Cái thương chỉ cất trong lòng và trôi trên đầu môi, nào có giúp được anh cái chi để rồi làm khổ anh phải dang dở đường học vấn.
Đương nhiên vì nhà tôi nghèo, năm ấy lại mất mùa, đáng lẽ ra thầy u tính toán được mùa lúa này sẽ khấm khá hơn, ai dè…
Anh đành bỏ học năm lớp bảy, nói chỉ cần học để biết con chữ và biết tính để khỏi bị lừa là được. Sau đó anh đi phụ hồ, mãi sau này mới xin được làm phụ xe đường dài. Thầy u tôi giận anh lắm nhưng cũng đành bất lực mà thả anh đi lăn lộn ngoài đời. Đàn ông thì phải biết đường tu chí làm ăn, đấy là thầy tôi nói vậy. Nhưng tôi biết thầy giận lắm. Còn u tôi chỉ biết khóc lặng lẽ, ngóng từng ngày hiếm hoi anh về.
Anh đi biền biệt, tuốt tận miền Trung miền Tây, đến chừng vài tháng ròng mới ghé về nhà một lần. Lần nào về anh cũng mang theo nào vở mới và đồ dùng học tập cho tôi và bé út, rồi sắm chút ít cho nhà. Anh chẳng sắm gì cho anh, ba năm vẫn cái áo khoác sờn vải, rách gấu tay.
Tuy giận, tuy buồn nhưng ít nhiều nhà cũng sáng sủa lên chút ít khi có anh đỡ đần phần nào.
Em tôi năm nay lên lớp sáu, người dong dỏng nhưng đen đúa, tóc cháy nắng do phụ mẹ ngoài đồng. Con bé tên Hoài, hai mắt đen láy to tròn lúc nào cũng long lanh. Con bé Hoài chắc biết nhà mình nghèo nên học giỏi lắm, năm nào cũng được giấy khen của trường. Thầy tôi tỉ mẩn đóng khung mấy tấm bằng khen của nó rồi treo khắp tường. Nhà thì cũ thành ra dãy giấy khen cuộc thi này nọ lại ra sáng rực nổi bật, như trang trí cho căn nhà đơn sơ thêm phần ấm áp và đầy hi vọng.
Có điều, là con nhà nghèo nên con bé thiệt thòi đủ đường. Áo mới cũng không có, mà có cũng chẳng dám mặc. Mấy đứa bạn nhà khá giả một chút, ngày sinh nhật còn được mua cho đôi xăng-đan mới, em thì chỉ có mỗi đôi dép mòn vẹt đế. Tết nhất là tết của người ta, em cười hiền khi cầm lấy chút đồng lẻ tiền u cho mua cái áo mới, bán đại hạ giá ngoài chợ. Thương em ứa nước mắt, biết làm sao cho em khi tôi còn chẳng là gì.
Còn tôi á? Cái thằng xù xì gai góc nhất nhà, là học sinh lớp mười một trường huyện. U tôi đặt cho tôi cái tên Anh Tuấn, chỉ là muốn tôi có thể đi theo con đường sáng, có thể thoát nghèo. Tôi sinh ra thầy bảo đã khác người. Cao khác người, lớn khác người, tính cũng khác người. Trong số ba anh em, tôi nghịch nhất, cứng đầu nhất, khó bảo nhất. Tôi xém chút nữa bỏ học theo đám bạn đi đào vàng tận Tây Nguyên, may sao bị thầy tôi phát hiện ra mà quật cho một trận thừa sống thiếu chết. Lúc ấy anh Quyết mà không giấu cái gậy gỗ đi, khéo chân tôi què cũng nên. Năm đó, chỉ vì u tôi ốm, em tôi không có tiền đóng học, anh Quyết bị người ta vu vạ mát việc, suýt phải vào tù. Tôi không đi có mà nhà tôi chết đói. Nghe tụi bạn rủ rê đi đào vàng có thể kiếm được nhiều tiền, có chỗ ăn chỗ ở, thằng con trai mười lăm, mười sáu nào chẳng ham. Sau đợt đó, nhìn Thầy u khóc vì tôi, em gái níu chân không cho đi tôi mới không đành lòng hạ quyết tâm. Cả nhà heo hắt, còm cõi chống đỡ qua cơn sóng gió.
Bận đó, anh Quyết trầm hẳn đi, càng lúc càng khắc khổ. Sau đó anh đi chạy xe đường dài triền miên, tiền kiếm được dư dả, nhưng càng lúc anh càng ít nói, càng lúc càng hút thuốc một nhiều.
Cuộc sống của tôi cứ trôi qua êm đềm, tảng lờ như con nước ngoài đập xa xa.
“Hôm qua tát nước đầu đình.
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”
Lớn lên, đã hiểu cái khổ, cái nghèo bủa vây đến đau lòng. Bảo tôi làm gì cũng được, chỉ không phải làm chuyện xấu, làm thầy u tôi đau, cái gì tôi cũng làm.
Chỉ vì nhà nghèo mà anh Quyết không có ai dám nhận lời kết thông gia. Ngày chị Thu đầu làng khóc ngất ngày lên xe hoa lấy ông chồng bốn mấy chủ tiệm vàng làng bên, anh tôi chỉ dám lặng lẽ dõi theo bóng áo dài đỏ của chị sau rặng tre, một mình một cõi đi về. Hôm đó anh uống nhiều lắm, hút gần hết bao thuốc. Rồi anh chẳng quen cũng không yêu ai. Trái tim anh như thể theo chị đi mất rồi.
Năm đó, mỗi khi nhớ lại thầy tôi chỉ thở dài, ngồi trên cái sập đầu hè mà rít thuốc lào. U tôi thì rầu rĩ, héo hon mà nói:
“Phải chi nhà mình giàu…”
Có phải nghèo cũng là cái tội đúng không?
“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu ….”
Vẳng trong đêm lặng, anh ngâm vài câu ca dao. Câu hát đêm lạnh, vang lên khẽ khàng như ám ảnh tôi, quẩn quanh ngôi nhà xác xơ mưa gió. Tôi tưởng anh đã khóc.
Nhưng anh khóc trong lòng, có những nỗi đau mà nước mắt chẳng bao giờ rơi để mà lấp cạn.
...
Lớn lên chút nữa, chút nữa.
Tôi đã hiểu, yêu không thôi là không bao giờ đủ. Tình yêu chẳng bao giờ thắng được tiền bạc, cơm áo gạo tiền. Muốn bảo vệ tình yêu, phải giàu.
Anh Quyết đã nói với tôi như vậy. Đã đa mang, đừng đèo bòng mà thêm tội, thêm tình.
...
Lớn rồi, tôi biết rằng, mình nhất định phải kiếm được nhiều tiền. Phải thoát khỏi miền quê này, phải khiến cho những kẻ khinh thường chúng tôi hối hận.
Lớn lên… lớn lên ….
Lớn lên, là lúc tôi thấy Vũ, là lúc tôi biết tôi đã làm gia đình tôi đau. Tôi biết tôi là thằng bất hiếu vạn lần. Nào ai muốn làm đấng sinh thành đau lòng, chỉ là con tim nó có lý lẽ riêng. Giống như thầy tôi nói tôi cứng đầu và khác người, vậy thôi.
Thầy lấy u là thương, sống là vì nghĩa. Anh nhớ chị vì hận, còn tôi đối với Vũ, cho đến khi cái đầu u sẹo máu nóng chảy quanh, cho đến khi con đò sang sông đưa Vũ đi xa, cho đến khi mười mấy năm lăn lộn đường đời tôi mới nhận ra.
Yêu.
Yêu.
Yêu.
Đó là điều cho đến tận sau này, tôi mới tỏ tường. Đáng lẽ ra không nên yêu. Đừng nên yêu. Đừng liều mà yêu.
Bình luận
Chưa có bình luận