Tôi lại tiếp tục quyết định đón Mặt trời mọc.
May mắn thay cho tôi khi được xếp trong một phòng trọ có tường kính về phía Đông. Vào ngày đầu, tôi chưa quen với sự xa xỉ này, cứ cảm tưởng như sẽ có người nhìn rõ từng chân tơ kẽ tóc của mình. Dẫn đến việc tôi phải lén lút xuống sân cỏ để thăm dò nó.
“Em đang kiểm tra tường kính hả?” Đột nhiên, có một giọng nói the thé như bộ dạng lén lút của tôi. Vậy là tôi giật mình, đến khi nhìn rõ đó là ai thì chỉ biết thuận theo một cách lí nhí: “…Ừa. Hahaha…”
Sau một tuần công tác, tôi tự nhận thấy người ở đây có hai thái cực. Một là thân thiện, ít nhất là ở cách họ cư xử. Hai là chẳng thả lỏng dù thời gian tập dượt của ngày hôm đó đã hết từ lâu. Hoặc giống như báo chí của bên đối lập thường nói “Các diễn viên kịch do ông ta chỉ dạy luôn bị ép vào một cái khuôn làm bằng sắt. Nếu bạn tự trải nghiệm, rất có thể bạn sẽ thắc mắc liệu đó có phải người sống không.”
Nhưng mà, dù sao những thứ ấy vẫn chưa liên quan đến tôi. Việc tôi cần làm nhất vào thời điểm này là bảo toàn danh dự và tất cả cố gắng của mình. Mà muốn như thế thì phải có tâm trạng thư thái, vậy là tôi quyết định đón Mặt trời.
Khổ một nỗi, bây giờ là mùa mưa-bão. Lúc mới kéo màn hồi năm giờ sáng rồi nhìn vào bầu trời tối mịt, tôi nghĩ chỉ là ngày dài đêm ngắn. Ấy vậy mà hiện tại đã sáu giờ ba mươi phút nhưng bầu trời vẫn thế. Một đám mây vũ tầng đã che đi phân nửa sân cỏ đồng thời phủ qua đường chân trời. Nó không đỏ khi trời còn tối, lại không đen kịt khi trời sáng nên đến tận lúc phải rời ký túc xá tôi mới nhận ra sự hiện diện ấy.
Thật sự thất vọng. Tôi không còn biết lần cuối bản thân thấy Mặt trời mọc là khi nào nữa. Nhưng tôi lại nhớ rõ khoảnh khắc mình, khúc sông cùng cây phượng đều song song với đường nhô của Mặt trời. Những đám mây tích trông giống như những viên đá vừa bị nhúng vào nước cam, và nắng vàng tỏa tứ phía nhưng mắt tôi lại không thấy chói lòa vì tán cây đã chắn đi nguồn sáng. Với lại, trong trí nhớ của tôi, có màu sắc đó thì sẽ không có màu xám hay đen kịt, cũng không phải màu đỏ hoặc hồng – hai loại được dùng để cảnh báo khi trời sắp có bão hoặc chiến tranh.
Tuy nhiên, tôi không hoàn toàn căm ghét loại bầu trời trước mặt vì cũng có ký ức tốt về nó. Trước năm hai mươi tuổi, tôi luôn cố hiện diện trước mặt những người mà bản thân chán ngán, nhưng thực tế là tôi chỉ đang vật lộn với cái tôi của chính mình. Và ngay giây phút độc một màu xám xịt che lấp tầm mắt, sâu thẳm trong lòng, cuối cùng tôi cũng nhận thức được hành động này vô nghĩa đến nhường nào.
Vậy là tôi rời khỏi phòng trọ với một nụ cười mỉm.
Trên đường di chuyển, nhiều tòa nhà của thủ đô Hoài Ân chạy đến rồi chạy đi trong tầm mắt tôi. Không ám khói như Sừng Giáp, không phủ rêu xanh như Đông Sơn, cũng chẳng chỉ toàn là bê tông như Thiên Phúc. Nơi này đầy màu sắc đồng thời mặc kệ người ngoài có thấy đặc điểm này sến súa hay không. Và kể cả khi trời mù mịt, lớp sơn của chúng vẫn sáng loáng đồng thời hiện rõ lên những loại màu sắc mà tôi vẫn chưa thể biết tên.
“Hoài Ân đẹp quá chị ơi. Em càng nhìn càng tìm ra được cái mới.” Bất giác, tôi nói với sang người đi cùng.
“Vậy em đã lên sân thượng của nhà hát này chưa?”
“Dạ chưa…”
“Khi nào rảnh thì cứ thử. Có thể nhân viên là được lên. Sau này chị lại chỉ em thêm chỗ cao để ngắm tiếp.”
Giọng nói ấy nhỏ, không trầm cũng không cao, càng không vang. Tôi cảm tưởng ai đó đang thủ thỉ mà không có hơi thở nào phả vào tai mình. Trong tập tài liệu Đối Thoại Với Trần Của Sân Khấu – Dành Cho Diễn Viên Kịch có nói người nào có thể tạo cho người khác cảm giác này chỉ nhờ vào một cuộc trò chuyện ngắn thì anh/chị ta có thể diễn một vở kịch độc thoại được rồi. Tuy nhiên, tôi không dám hỏi chị về vấn đề này. Mặc dù gợi ý và giúp tôi nhiều thứ nhưng người đàn chị này chưa bao giờ dùng nghề nghiệp của chúng tôi làm chủ đề trò chuyện.
Tôi không thể trách.
Để cạnh tranh với sự tiện lợi của điện ảnh và phim truyền hình, kịch ở Liên Minh Vĩnh Hằng lựa chọn trở lại những ngày ban sơ của nó, tức là lý do Chúa Thống Lĩnh mang nó về rồi phát triển. Nghĩa là không còn làm theo hình thức nhằm bảo vệ văn hóa và tín ngưỡng nữa mà họ thật sự quay về với lý tưởng của Chúa.
“Kịch nói chịu trách nhiệm kết nối quý tộc và người dân. Trong nó phải có những gì xã hội thực có. Những chuyển động của nó cũng phải là những thứ mà mọi tầng lớp đều có thể hiểu cũng như tiếp thu được.
Về phương tiện truyền đạt chính của kịch nói, đó phải là lời thoại của diễn viên. Giống như tên, thứ làm nên một vở kịch nói là thoại, và đương nhiên chỉ có diễn viên kịch là truyền đạt được chúng. Nhưng họ không viết nên chúng, càng không tự mình làm nên một vở kịch. Ở chốn này, đó phải là nhà viết kịch cùng người chịu trách nhiệm sản xuất và chỉ cần một người là đủ để đảm nhận hết ba vai trò này. Nhóm đấy cũng sẽ quyết định tất cả mọi đặc điểm của vở diễn.” Chúa Thống Lĩnh viết.
Đã tốt nghiệp mười lăm năm nhưng tôi vẫn thuộc làu những dòng ấy. Phần vì, nó là xuất phát điểm của mọi sự bất công mà tôi và đồng nghiệp đang mang.
Chẳng biết vì lẽ gì, những vở kịch ít nhân vật trở thành xu thế hiện nay. Chắc chắn không phải nhằm tiết kiệm chi phí vì nếu được nhận vào những dự án như thế, thù lao của diễn viên sẽ tăng gấp ba. Càng không phải đẩy nhanh số lượng thành phẩm để thu thêm tiền. Trái lại, họ mời ngày càng nhiều chuyên gia, tức là đang tiến về phía nghệ thuật thuần túy từng ngày một.
“Cứ cho là mấy người đó sợ phát triển nhân vật không đồng đều nhưng cứ làm thế thì sao lũ không có chống lưng như tụi mình ngóc đầu lên được đây?” Một người bạn mà tôi quen từ hồi đại học đã nói như thế.
Thoạt đầu, tôi không quan tâm, chỉ nghe hòng giúp người đó giải tỏa căng thẳng. Nhưng lăn lộn trong cái cõi này hơn mười năm, tôi lại muốn chửi nặng hơn. Những giây phút sống trước khán giả sẽ không bao giờ giống với hàng giờ tập dượt. Tựa như đi học và đi làm, chỉ khi thật sự gồng gánh trách nhiệm và người ta bỏ tiền để đổi lại sức cố gắng của tôi thì tôi mới nhận ra được vấn đề của mình cũng như khắc ghi chúng.
Bình luận
Chưa có bình luận