Vào mùa mưa, đặc trưng của nơi này là có đủ thứ mây trong một buổi. Chẳng hạn như hôm nay – một lớp trung tích nằm trên đỉnh và ở nơi Mặt trời đang trồi lên, vài đám mây tích cứ ứ đọng lại. Lát sau, tức khoảng một tiếng ngồi bần thần, một đám mây vũ tầng bị kéo đến rồi ngăn chặn tôi và mớ hỗn độn kia. Thế là hôm nay lại không thể ngắm Mặt trời mọc mà chỉ có một cơn mưa chẳng biết bao giờ mới dứt.
Tôi không có thói quen ngắm Mặt trời mọc. Dù cho sân sau nhà tôi vốn là nơi lý tưởng với một con sông, một cây phượng xanh rì ở bên kia bờ và vào một số thời khắc diệu kỳ nhất định tôi cùng với hai thứ ấy sẽ song song với đường mọc của Mặt trời. Thay vào đó, tôi chỉ ngắm hiện tượng ấy khi phải đối mặt với những người mà tôi không muốn. Và chỉ cần trời không tù mù ngay từ đầu thì quyết định này luôn giúp ích cho tâm trí tôi.
Tôi vốn khó nuôi. Mẹ của tôi lại thiếu thốn đủ thứ khi mới sinh con nên không thể bảo vệ được tôi khỏi thói khinh thường của xung quanh. Hai điều này đã sinh ra cái tính trừ phi bản thân muốn ra thì không ai có thể thuyết phục được. Hoặc nếu sai, thì hẳn là do thói bất cần đời. Dù hiện tại đã học nhiều phép tắc hơn đồng thời được mẹ đưa khỏi chốn nghèo nàn về mọi mặt nhưng tôi vẫn cảm thấy nhìn đâu đâu cũng vẫn còn loại người đó. Và mỗi khi thật sự đoán đúng, tôi lại càng biết ơn những cái tát của mẹ cũng như cảm giác chạnh lòng cũ. Không ai phải gánh trách nhiệm tha thứ cho những kẻ chỉ mang tới phiền phức cho mình, và cũng giống như mặc cảm tội lỗi, quá khứ này đã bám chặt vào mọi trải nghiệm tôi có. Vậy nên, cùng với thói không sợ chết, tôi cứ đương đầu.
Nhưng tôi có một ước mơ. Đúng hơn là định mệnh và lý do tôi được sinh ra trên cõi đời này. Là phải trở thành linh hồn của một nhà hát vĩ đại nào đó, viết nên những vở kịch cốt lõi nào đó rồi chỉ dạy vài diễn viên kịch xuất sắc nào đó.
Và hiện tại, tôi đang có một vai diễn mà tôi đã ký hợp đồng. Tức là nếu không hoàn thành nó từ mức tốt trở lên thì tất cả danh dự cùng với cố gắng của tôi sẽ trôi xuống cống.
Vở kịch đó rất hào nhoáng. Nhưng không phải xét theo dụng cụ trên sân khấu hay số lượng diễn viên. Tôi đã liếc sang bảng phác thảo bố cục sân khấu, mười cảnh thì chín cảnh có sân khấu trống trơn. Nếu diễn ở vùng quê, đây chính là tận cùng của sự túng thiếu. Và đương nhiên thực tại không như thế. Nó thuộc dự án được chuyển hóa từ nỗi ám ảnh lớn nhất đời của một Nhà Văn Của Lịch Sử, không phải dự án cả đời, chỉ là ám ảnh đủ lớn để một người điên phải tiếp tục sống. Một quyển tiểu thuyết, mười vở kịch nhỏ, ba bộ phim ngắn rồi kết thúc bằng một cuộn phim điện ảnh.
Riêng tôi, tôi đủ năng lực để nhận một vai chính trong chuỗi này, và may mắn thay, nó kéo theo việc tôi có thêm một vai chính trong một phim ngắn nữa. Như vậy, tôi sẽ rời khỏi căn nhà này trong một khoảng thời gian dài. Ít nhất nửa năm.
Nghĩ đến đây, tôi đứng dậy, đóng cánh cửa trước mặt mình rồi đi quanh nhà. Toàn bộ nhà bếp, đầu tủ ở hành lang, đặc biệt là các công tắc. Mặc dù biết mẹ sẽ thường xuyên đến đây dọn dẹp nhưng tôi vẫn không yên tâm. Tôi luôn bồn chồn như thế này, bởi những mặc cảm và thói xấu của bản thân.
Đoạn, chuông cửa nhà tôi vang lên. Là tài xế mà công ty chuẩn bị riêng cho tôi. Họ không muốn diễn viên mình quản lí tự lái xe đến vì cho rằng thời gian nghĩ về kịch không bao giờ đủ. Tất cả hành lí cần thiết đều đã được đặt ở chỗ để giày nên tôi chỉ cần ra ngoài, xếp đồ lên xe rồi tiếp tục ngắm mây trời.
Như thường lệ, tài xế giúp tôi bật máy phát thanh. Lần này là kênh của đài khí tượng thủy văn. Hiện tại, Liên Minh Vĩnh Hằng đã vào mùa mưa-bão, nhưng nó lại không như thường lệ vì chu kỳ gần nhất của lễ Rửa Tội Cho Chúa Thống Lĩnh đã qua được bốn mươi chín năm. Tức là năm sau sẽ có một dịp lễ rất lớn, đây cũng là một trong những lý do dự án ấy bị đốc thúc. Đã trải qua hai ngàn năm văn minh nên chẳng còn ai tin rằng sở dĩ nơi này có mùa mưa-bão vì vị Chúa Thống Lĩnh mà họ tôn thờ có rất nhiều tội ác. Nhưng văn hóa và phong tục tốt lành luôn cần phải gìn giữ cho chính gốc rễ của tâm hồn họ. Vậy nên bây giờ nó chỉ còn là dịp để suy xét lại nền văn hóa của các dân tộc trong Liên Minh Vĩnh Hằng.
“…Ở vùng Sừng Giáp, bầu trời sẽ có màu hồng, thậm chí màu đỏ. Nhưng đó là hiện tượng tự nhiên, không phải do Sóng Dò nên mong người dân không hoảng loạn.” Giọng của người dẫn đều đều và có phần nghẽn. Như thể anh ta vẫn còn ngái ngủ. “Đó cũng là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong nước ta. Còn người dân ở thủ đô Hoài ân không cần lo lắng. Sẽ có mưa lớn nhưng sức gió chỉ ở cấp độ Cần Đề Phòng…”
Tôi chỉ nghe được bấy nhiêu đấy. Vật lộn với tâm trí mình cả đêm, bầu trời thì cứ một màu xám và tiếng máy phát thanh đều đều làm tôi thấy yên lòng rồi ngủ suốt chuyến xe dài ba tiếng. Kéo theo đó, tôi trở thành thứ mặt nhăn mày nhó, dáng đi xiểng niểng trước Nhà Hát Xoay Trại Đa. Phải đối mặt với xã hội ngay khi vừa tỉnh giấc là ác mộng với tôi. Bao giờ, tôi trong tình huống ấy cũng cư xử như một người chẳng biết trời cao đất dày là gì. Nhưng tôi không thể nghĩ về điều này, càng không thể trách tài xế vì anh ta không được dặn trước. Thay vào đó, tôi vờ như mình bị say xe rồi chạy một mạch vào nhà vệ sinh của khu nhà trọ cho nhân viên nhà hát.
Rửa mặt như thể xối nước rồi ngồi bần thần trong nhà vệ sinh mười phút cũng chưa giúp tôi bình tĩnh lại.
Dù lần này không phải lần đầu đặt chân đến đây nhưng tôi vẫn chạm vào nhiều nội thất. Tóc tai cũng không tốt, kiểu gì những người chủ trì dự án này cũng đã có mặt, để họ bắt tay chào cái bộ dạng này sẽ khiến họ có ấn tượng xấu. Thật nhục nhã.
Ngay sau đó, khi vẫn chưa cằn nhằn bản thân xong, âm thanh của gỗ đập vào sàn gạch vang đều bên ngoài nhà vệ sinh. Vậy là tôi biết đã đến lúc mình phải ra ngoài.
Một trong những Nhà Văn Của Lịch Sử, cũng là người chịu trách nhiệm pháp lý cho toàn bộ dự án đang đi vòng trên hành lang.
“A. Thành Nguyệt Cát. Sự trọn vẹn đã đến với chúng ta giữa mưa bão!” Bộ dạng lờ đờ cùng âm giọng khàn đặc mà tôi thường nghe kể không hiện diện ở đây. Đôi mắt ông ta như những gì mấy tạp chí khoa học của liên minh nói – mắt cáo và lớn hơn người thường – nhìn tôi với đầy ý cười. Chỉ có da mặt hồng hào, thiếu nếp nhăn nếu so với tuổi thật và những bước đi loạng choạng do giày vật lí trị liệu là giống với những gì tôi mường tượng.
“Chị nhận được kịch bản chưa?” Ông ấy hỏi trong khi bắt tay tôi.
“…Dạ rồi.” Tôi không thể trả lời ngay vì tâm trí bị cuốn vào bàn tay có tới năm vết sẹo lồi nhưng từng thớ thịt lại mềm oặt của ông ta.
“Vậy là được rồi. Về ký túc xá rồi thì nhớ nghỉ ngơi đầy đủ. Chăm sóc bản thân tốt nhé.” Trong lúc nói, cặp mống mắt màu nâu trà không rời lấy tôi một giây nào. Và mặc dù chúng vẫn dịu dàng, tôi vẫn cảm nhận được sự răn đe nhờ vào tính bất động của chúng cũng như từng con chữ tròn trịa mà chậm rãi của ông.
Bình luận
Chưa có bình luận