Hoàng hôn nhuộm đỏ trời tây,
Nhớ cha nước mắt đong đầy bờ mi.
Thi thể những người xấu số được bà con lối xóm lấy chiếu quấn lại đàng hoàng, đè đá thiệt nặng để giữ nằm yên dưới ruộng nước còn ngập. Chừng nào nước rút cạn hết, người nhà sẽ làm đám ma theo phong tục: mang đi chôn cất, cho người đã mất mồ yên mả đẹp.
Sau trận lũ thì Cẩn ngã bệnh. Nàng sốt cao li bì, chỉ trong mấy ngày mà người ngợm đã hốc hác hẳn. Má của Cẩn lo lắng không thôi. Mấy ngày trời, bà cứ nắm chặt tay Cẩn, cầu trời khấn phật, mong cho nàng tai qua nạn khỏi. Tuy bệnh nặng, nhưng Cẩn vẫn gắng gượng đi tiễn đưa tía trên đoạn đường cuối cùng, hi vọng ông ra đi thanh thản.
Suốt quãng thời gian tăm tối đó, đêm nào nàng cũng giật mình thức giấc bởi cơn ác mộng. Trong mơ, bóng dáng tía dần biến mất sau màn mưa. Mặc cho nàng có gào thét thảm thiết đến đâu cũng vô vọng, chỉ có thể trơ mắt nhìn ông chìm dần trong dòng nước lạnh lẽo. Sự bất lực đó gặm nhấm nàng từng đêm, khiến bệnh tình của Cẩn cứ kéo dài.
Một tay má Cẩn lo toan mọi việc: Từ sửa sang nhà cửa, rải tro bếp quanh giếng nước, gieo trồng vụ lúa mới đến chăm sóc Cẩn. Sau một tháng trời bệnh nặng, nàng mới dần khỏe lại. Cẩn cố gạt đi nỗi đau, vực dậy tinh thần, vì bỗng dưng nàng hiểu rõ: Giờ đây, nàng chính là trụ cột của gia đình, phải mạnh mẽ hơn để còn chăm sóc cho má.
Từ đó, gánh nặng mưu sinh đè lên vai Cẩn. Nàng phải ra đồng làm việc. Dù đã cố tự mình cáng đáng mọi việc, nhưng nàng vẫn phải thuê người lúc cày bừa vì không đủ sức. Đêm đến, Cẩn còn lặng lẽ chong đèn thêu thùa, muốn kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Đôi khi giữa đêm khuya thanh vắng, lúc Cẩn đi uống nước, nàng nghe thấy tiếng khóc kìm nén của má ở buồng trong. Bề ngoại má luôn cố tỏ ra mạnh mẽ, nhưng Cẩn biết lòng má luôn khắc khoải nhớ tía. Nàng rất lo lắng nếu cứ như vậy thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của bà. Thế nên nhân một ngày nông nhàn, Cẩn đến nhà hàng xóm xin một chú chó con về nuôi.
Cẩn nói dối má là xin chó về để giữ nhà, nhưng thực tâm là muốn có người bầu bạn với má cho bà khuây khoả. Hai má con cùng nhau đặt tên cho chú chó là Tồ. Từ khi có Tồ, ngôi nhà trở nên rộn ràng hơn hẳn. Chú chó nhỏ tinh nghịch, thỉnh thoảng lại bày trò khiến má vừa mắng yêu vừa bật cười.
Trước Tết mấy hôm là đến bốn mươi chín ngày của tía, Cẩn và má làm một mâm cúng nhỏ. Lúc đứng bên bàn thờ, cả hai người nhìn tranh vẽ mà nghẹn ngào. Sau khi khấn xong, Cẩn ra sân đốt vàng mã, má vẫn bần thần đứng ở nhà trong.
- Tía ơi! Tía ở trên trời có thiêng thì phù hộ cho má mạnh khoẻ... Tía ở dưới có thiếu thốn gì thì về báo mộng cho con. Con với má nhớ tía lắm…
***
Có khó mới có miếng ăn.
Không dưng ai dễ đem phần đến cho.¹
Gần Tết, Cẩn mang đồ thêu lên trấn để bán như mọi năm. Kể từ khi mất đi người đàn ông trụ cột, gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Mọi năm tía nàng luôn là người lo liệu việc buôn bán. Năm nay khi tự mình đi hỏi thăm chỗ bày sạp, Cẩn mới thấm thía thế nào là tình người ấm lạnh. Vì thấy nàng còn nhỏ tuổi, nên người ta cố tình tăng giá thuê lên cao. Nếu nàng chấp nhận giá đấy, bắt buộc phải bán hàng đắt hơn, như vậy sẽ rất khó để bán được hàng.
Cẩn đã mất nhiều ngày để đi khắp nơi, gõ cửa từng nhà xin thương lượng thuê sạp, nhưng tất cả đều không thành công. Cuối cùng, nàng đành phải tìm cách khác.
Sau nhiều ngày suy tư, Cẩn quyết định đến gần ngày họp chợ sẽ gánh đồ thêu lên trấn bán. Trong lúc đó, nàng chợt nảy ra một ý tưởng. Thế là trước khi về làng, Cẩn ghé qua hàng vải để mua cuộn bông trắng ngà về may áo, thay vì mảnh vải nâu thô ráp như mọi khi.
Những ngày sau đó, Cẩn miệt mài may vá trong phòng, cần mẫn như tằm rút ruột nhả tơ. Đến khi chiếc áo hoàn thành, nàng liền bắt đầu thêu lên đó những hoa văn tinh xảo. Chiếc áo được căng phẳng phiu trên khung gỗ, tựa trang giấy trắng đang chờ đợi nét vẽ tài hoa.
Dẫu đôi tay Cẩn thô ráp, chai sần vì làm việc nhà nông, nhưng từng đường kim nàng thêu lại tinh tế, uyển chuyển. Cẩn khéo léo lướt mũi kim vặn trên ống tay áo, tạo đường viền duyên dáng quanh cổ tay. Tiếp theo, ở vạt áo, nàng nhẹ nhàng dùng mũi thêu kim sa để tạo hình hoa sen nở rộ. Dưới bàn tay tỉ mỉ của Cẩn, từng cánh sen dần hiện lên, sống động như thật. Khi những đường kim mũi chỉ cuối cùng hoàn tất, cũng là lúc hương vị Tết tràn ngập trong không khí.
Ngày họp chợ, Cẩn mặc áo bà ba mới, mái tóc đen dài như thác đổ được nàng búi gọn ra sau, dùng một chiếc trâm gỗ đơn giản để giữ. Ở đầu trâm, nàng còn cài thêm một nhánh hoa nhài thơm ngát. Để thêm phần tươi tắn, Cẩn nghiền nhỏ hoa dâm bụt thoa lên má và môi. Đồng thời, nàng dùng que nhỏ lấy bồ hóng, tỉ mỉ tô điểm thêm nét sắc xảo cho đôi mày lá liễu. Thật sự bình thường Cẩn đã xinh đẹp, nay lại càng bừng sáng như đoá hoa nở rộ - "hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh". Chuẩn bị xong xuôi, Cẩn quấn khăn rằn, quẩy gánh hàng thêu rồi đi nhờ xe bò lên trên trấn.
Đôi vai Cẩn nhỏ gầy cõng gánh hàng rong. Nàng đi dọc con đường trong chợ, miệng rao hàng không ngớt.
- Tết nhứt tới nơi rồi bà con ơi, ghé vô lựa giày vải, khăn thêu, túi thơm đặng mà chưng diện cho đẹp!!! Xài vô là đảm bảo ai cũng trông xinh đẹp như tiên! Quẹo lựa, quẹo lựa nhanh tay kẻo hết bà con ơi!
Với gương mặt xinh xắn và quần áo đẹp mắt, Cẩn nhanh chóng gây ấn tượng với mọi người xung quanh. Dù Cẩn bán hàng giá ngang với sạp, nhưng nhiều khách vẫn sẵn sàng mua vì tài ăn nói duyên dáng và tay nghề thêu thùa điêu luyện của nàng. Hàng hóa của Cẩn bán hết nhanh chóng, có không ít người còn hỏi nàng mua quần áo ở đâu. Khi biết là do nàng tự may, một vài gia đình khá giả trong trấn ngỏ ý mời Cẩn đến nhà để thêu họa tiết lên áo cho họ. Chỉ trong một ngày, Cẩn đã bán hết số đồ thêu dành cho mấy ngày chợ. Điều này khiến không ít người cùng làng nảy sinh lòng ganh tị.
***
Giận thay một nén vàng mười
Làm cho đến nỗi lòng người hoá đen.²
Suốt mấy ngày sau đó, Cẩn thường lên trấn nhận thêu những họa tiết trang trí đơn giản trên áo. Dù không kịp thêu theo mẫu đặt cầu kỳ, những đơn hàng từ các gia đình khá giả ở trấn cũng giúp hai má con có cuộc sống ổn định. Tay nghề thêu thùa của Cẩn cũng vì thế mà tiếng lành đồn xa. Do đó, qua Tết vẫn có một số nhà quan, phú hộ đặt nàng thêu quần áo mới.
Nàng cứ đi đi lại lại suốt cả ngày. Không biết bắt đầu từ khi nào, trong làng dần lan truyền những lời đồn thổi không hay.
“Tía nó mới mất mà đã chưng diện, lẳng lơ đi quyến rũ đàn ông”
“Đi từ sáng sớm tới tối muộn luôn chứ!”
“Không thấy phụ má nó làm việc gì hết...”
“Nghe đồn con trai nhà phú ông làng bên si mê nó lắm...”
Tin đồn lan nhanh như gió, từ người này sang người khác, mỗi người kể một kiểu. Lúc má Cẩn biết chuyện liền nổi giận, tìm gặp mấy bà tám trong làng để làm cho ra lẽ. Ai ngờ, cuộc nói chuyện biến thành một trận cãi vã, xém tí nữa thì họ đã lao vào đánh nhau. Khi Cẩn biết về những lời đồn thổi, nàng cảm thấy rất buồn. Cẩn cũng cẩn thận giải thích cho má những việc mình làm, sợ bà buồn lòng. Nhưng mà má Cẩn chỉ vỗ vỗ tay nàng, nhẹ nhàng an ủi:
- Má nhìn bây từ nhỏ tới lớn, lẽ nào không hiểu tính bây được chớ. Má tức nhứt là mấy cái người... hồi tía con còn sống, ổng tốt với họ quá chừng! Ai ngờ đâu ổng mất rồi…
NóI tới đây, má không kìm được mà đỏ mắt.
- Không sao đâu má! Chỉ cần má con mình sống tốt... Họ thích nói gì thì nói đi, người đang làm, trời đang nhìn! Con cũng không thẹn với lòng.
...
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh. Mới đó mà đã gần đến ngày mãn tang. Cẩn cũng đã sắp mười lăm tuổi.
Mấy năm qua, nàng nuôi sống cả nhà nhờ công việc thêu thùa. Lúc đầu nàng còn tự mình ra đồng làm ruộng. Nhưng từ khi nhận được nhiều đơn may đồ ở trên trấn, nàng đành phải tìm đến lý trưởng để nhờ ông giới thiệu người cùng làng làm giúp việc đồng áng. Mặc dù Cẩn chịu nhiều điều tiếng, nhưng vẻ đẹp và tay nghề thêu của nàng vẫn được dân làng đánh giá cao. Mắt thấy Cẩn đã sắp giữ xong đạo hiếu, nhiều gia đình bắt đầu tìm bà mai sang hỏi chuyện cưới xin.
Ba năm - tưởng chừng chỉ là một cái chớp mắt, hình bóng tía và Ách vẫn vẹn nguyên trong trái tim Cẩn. Giữa những đêm dài bên khung thêu, không ít lần nàng tự hỏi: "Phương xa kia... liệu Ách có bình an?". Đôi khi ngồi ngẩn ngơ, nàng lại nhớ đến những lời hẹn ước năm xưa.
Cớ sao người vẫn bặt vô âm tín?
Liệu chăng, những lời hứa hẹn năm xưa chỉ là cơn gió thoảng qua...?
Chuyện kết hôn là điều khó tránh khỏi, dù tình cảm Cẩn dành cho Ách tựa như bầu rượu - ủ càng lâu năm, hương vị càng nồng say. Nhưng Cẩn vẫn thầm nhủ: Nàng chỉ đợi Ách đến năm mười sáu tuổi. Nếu lúc ấy chàng vẫn chưa về, chỉ đành xem như cả hai có duyên không phận. Bởi vì Cẩn biết rằng má lúc nào cũng lo lắng cho chuyện cưới xin của mình, nàng không muốn má phải bận lòng thêm nữa.
¹² Trích ca dao Việt Nam
Bình luận
Chưa có bình luận