Trúc mã


Trời cao đất rộng thênh thang,

Tiếng hò giọng hát ngân vang trên đồng,

Cá tươi gạo trắng nước trong,

Hai mùa lúa chín thơm nồng tình quê¹


Từ xa nhìn lại, làng Kỳ Hà nằm êm đềm giữa những cánh đồng lúa chín vàng, trải dài bát ngát như tấm thảm lụa óng ánh. Từng bông lúa trĩu hạt, nghiêng nghiêng theo chiều gió làm cho cả cánh đồng dậy lên những đợt sóng dập dềnh. Chung quanh làng là những dãy đồi núi nhấp nhô, trông như những con rồng xanh khổng lồ đang uốn mình. Chúng ôm trọn biển lúa vào lòng như bảo vệ một kho báu vô giá. 

Đi lại gần, ngôi làng lại mang một vẻ đẹp rực rỡ. Màu xanh um của cây cối, điểm xuyết hài hoà với màu đất nâu của những con đường. Ánh nắng cam dịu dàng tựa mật ong trải dài trên những mái lá đơn sơ. Sắc đỏ của hoa phượng vĩ nở rộ, làm tăng thêm sức sống cho khung cảnh thanh bình.

Thoang thoảng trong gió là hương lúa chín thơm nồng, kết tinh từ mồ hôi cần lao và niềm vui mùa màng của người dân quê.

Ngày hè, mặt trời chói chang nóng như đổ lửa. Dưới ánh nắng, những người nông dân đang mải miết chăm sóc cánh đồng, mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm lưng áo. Dòm ra khắp chốn, người người nhà nhà đều đang bận bịu cho kịp mùa thu hoạch. Chỉ riêng một miếng đất nhỏ nằm nép dưới bóng cây rậm rạp là quạnh hiu.

Ở đó, có một thằng nhỏ ốm nhom, lom khom nhổ cỏ trên mảnh ruộng cằn cỗi vì thiếu nắng. Chừng đứng bóng, bà con quanh đấy đã lánh vô trong mát nghỉ ngơi, mà thằng nhỏ vẫn cặm cụi làm, không ngơi tay chút nào.

"Thằng Ách số nó khổ thật!" 

"Cha mẹ nó hồi trước chạy giặc tới đây, thân thích thì không có một ai. Đã nghèo khổ lại còn chết sớm, bỏ nó bơ vơ một mình. Nghĩ lại mà không động lòng sao được! May nhờ bà con trong làng thương! Người cho chút gạo, kẻ cho miếng ăn, cũng đỡ phần nào."

"Tôi nhớ mang máng: hình như hồi đó má nó với mợ Hai nhà ông địa chủ Nguyễn sanh con một lượt. Một đứa mới lọt lòng đã giàu sang phú quý, còn một đứa thì nghèo hèn như cỏ rác!"

"..."

Trên bờ ruộng, mấy người đàn bà ngồi tụm lại, tay thì phe phẩy nón lá để quạt, mắt thì dòm xuống thằng nhỏ đang cặm cụi dưới đồng. Họ xầm xì bàn tán về số phận khổ cực của nó, tiện thể rù rì thêm mấy chuyện dong dài của cánh nhà nông. Họ mải mê tám chuyện, nên không hề để ý đến cô bé ngồi kế bên cũng ngước mắt dòm theo bóng lưng đó với vẻ mặt đầy tò mò.
***
Ruộng ai thì nấy đắp bờ
Duyên ai nấy gặp, đợi chờ uổng công.²

Chiều tà, gió heo may nhè nhẹ mang theo hương lúa mới thơm ngát len lỏi khắp xóm làng. Trong sân phơi, cô bé với đôi bím tóc đuôi sam đáng yêu đang cặm cụi nhặt từng hạt thóc vàng rơi vãi.

Má nhìn con gái ngoan ngoãn, trong bụng thương con vô cùng. Bà cười hiền, xua tay bảo con đi chơi với mấy đứa trẻ.
...
Cẩn là một cô bé rụt rè, thêm tía má là người từ nơi khác đến nên em ít khi ra ngoài. Cẩn cũng muốn có bạn chơi cùng, nhưng lũ trẻ trong làng lại chê em là con của dân buôn, không thích em đi cùng. Nghĩ tới nghĩ lui, Cẩn quyết định đi tìm anh trai mà lúc trưa mọi người bàn tán, muốn hỏi thử xem anh ấy có thể chơi với mình hay không.

Lần theo bờ ruộng, Cẩn trở lại gốc đa lớn. Từ đằng xa, em đã thấy bóng dáng gầy yếu vẫn còn cặm cụi nhổ cỏ. Chung quanh anh ấy là mấy đứa con nít đang giỡn ác, đứa thì lượm đá chọi, đứa thì cười hả hê, buông mấy lời cay nghiệt.

"Thằng quái dị, không cha không mẹ."

"Nó bị câm hông mày? Chưa nghe nó nói chuyện bao giờ."

"Tía má tao bảo thằng này số nó xấu, lại còn tên Ách nữa, chắc là nhà nó cũng nghĩ nó là tai ách đây mà."

"..."

Song, lũ trẻ có trêu chọc thế nào đi nữa, Ách ở ruộng vẫn cúi mặt không thèm phản ứng. Thấy chán, tụi nó kéo đến chỗ khác chơi đùa. Chúng đuổi bắt nhau trên cánh đồng rộng lớn, tiếng cười giòn tan vang vọng cả một vùng. Mải mê giỡn hớt, lũ trẻ đâu có hay: Lúc tụi nó quay lưng bỏ đi, người vừa bị chúng ăn hiếp đã ngước mắt trông theo, trong mắt lộ rõ vẻ hâm mộ.

Cẩn nhút nhát nấp sau bụi cây lặng lẽ dòm theo. Thỉnh thoảng, em cố ý làm khẽ một chút tiếng động, mong Ách quay lại để ý tới mình. Vậy mà, Ách chẳng thèm để ý tới Cẩn chút nào. Em bĩu môi, hít một hơi dài lấy can đảm, rồi rón rén bước tới bờ ruộng, chìa cái khăn tay ra trước mặt Ách.

"Anh ơi... Mặt dính bùn kìa! Lấy khăn này lau đi nè." Cẩn đứng chờ hoài, đợi Ách đưa tay nhận cái khăn, mà rốt cuộc Ách vẫn lơ đi, không thèm đếm xỉa.

Thấy vậy, Cẩn rón rén bước xuống ruộng, tính đưa khăn tận tay cho Ách. Ngặt nỗi bờ ruộng chỗ này cao quá, em với chân hoài mà không tới. Nghĩ một hồi, Cẩn bặm môi, nhắm mắt nhảy đại xuống. Ai dè chân không vững nên trợt một cái té nhào tới trước, cả người lấm lem bùn đất.

Cẩn lồm cồm bò dậy, tự dưng em thấy tủi thân kinh khủng. Em đưa tay xoa gối rồi bật khóc nức nở: "Anh cũng ghét em! Sao ai cũng ghét em hết vậy!..."

Cẩn đang ngồi khóc ngon lành, bất ngờ một bóng người xuất hiện. Người đó cúi xuống bế thốc Cẩn lên làm em giật mình. Ánh mắt Cẩn còn đỏ hoe, ầng ậng nước. Em ngơ ngác nhìn Ách, trong bụng vừa quê vừa giận. Nước mắt vừa mới ngưng lại lăn dài trên đôi gò má bụ bẫm.

Ách cúi xuống, bồng con bé mít ướt đặt lên mô đất cao ráo. Cậu cầm cái khăn tay của nhỏ, chậm rãi lau sạch mấy vết bùn dính trên người nó. Đợi cho tới khi nhỏ nín khóc, Ách mới lặng lẽ quay lại làm tiếp công chuyện. Trước khi đi, cậu nghiêm mặt rồi dặn một câu gọn lỏn: "Ngồi yên!"

Tâm trạng của Cẩn đã khá hơn, nghe Ách lên tiếng, em vui vẻ gật đầu lia lịa: "Dạ!" Nhưng mà ngồi yên được chút, Cẩn đã bắt đầu thấy chán. Em cúi xuống nghịch mấy bông hoa nhỏ gần đó, vừa chơi vừa lẩm bẩm một mình không ngớt.

"Một con kiến, hai con kiến,... Anh trai nhỏ không thèm để ý đến mình."

"Ba con kiến, bốn con kiến,... Anh trai nhỏ xấu tính."

"Sáu con kiến, bảy con kiến,... Cẩn không thèm chơi với anh trai nữa."

"..."

Cẩn lén lút nhìn bóng lưng phía trước, lại không nhịn được mà nói nhỏ: "Nếu anh trả lời được câu đố của em, em sẽ đi chỗ khác!!!"

"To như núi, nhẹ như bông
Không thả trên sông, cũng trôi lơ lửng..." 

"...là gì nào?" Cẩn thầm cười trộm. Câu đố này má hỏi em mấy ngày trước, đến giờ em vẫn chưa nghĩ ra đâu.

"Đám mây" Ách nhẹ giọng trả lời.

"Ồ! Em không biết đáp án đâu, má chưa nói cho em biết!!! Em đành ngồi đây chơi với anh thôi!" Cẩn cười khúc khích, lại tiếp tục vừa đếm kiến vừa nói xấu người ta.

"..."

Khi mặt trời khuất dạng sau những rặng núi, ánh hoàng hôn dần buông xuống, dát lên mái tóc hai đứa trẻ một màu vàng cam rực rỡ. Hai đứa trẻ lặng lẽ bên nhau, dù không nói gì nhiều vẫn cảm thấy một sự ấm áp và thấu hiểu. Một sợi dây vô hình như đang len lỏi, kết dính hai tâm hồn non nớt lại với nhau.

Tình bạn của những đứa trẻ như những đóa hoa dại mọc ven đường, cứ thế mà nảy nở, hồn nhiên và trong sáng.
***
Chuyện từ ngày xửa ngày xưa
Cái thời còn nhỏ tắm mưa ngoài đồng
Bắt cua rồi lại bắt cồng
Vô tư trong sáng lòng không ưu phiền³

Từ bữa đó, Cẩn cứ bám riết theo Ách như cái đuôi nhỏ. Ngày nào cũng vậy, hễ làm xong việc nhà phụ má, em lại lật đật chạy đi kiếm Ách để chơi đùa.

Ách làm ruộng, Cẩn ngồi bên trên nói chuyện, kể về những việc thú vị em làm hàng ngày.

Ách đi nhặt củi, Cẩn cầm theo rổ nhỏ đi hái rau cùng. Má cho em củ khoai đem theo dằn bụng, em cũng để dành chia cho Ách.

Ách đi bắt cá, Cẩn lấy xẻng nhỏ đào giun. Thỉnh thoảng, Cẩn đùa nghịch với mấy con cá trong chậu gỗ, rồi vòi Ách nướng cá cho em ăn. Hương vị thịt cá mềm thơm ấy, mãi là một phần ký ức ngọt ngào trong lòng em.

Lúc nông nhàn, Ách thường vót nan tre, hai đứa sẽ ngồi dán lá chuối để làm diều. Ách tỉ mỉ gọt bỏ hết các chỗ xước trên dây lạt, sợ tay của Cẩn bị dằm đâm phải. Cẩn không biết chữ, em thường lượm cành cây nhỏ để vẽ những điều ước linh tinh trên thân diều. Cẩn tin rằng hễ diều bay cao, nó sẽ mang theo mấy điều ước đó tới tai cô Tiên, ông Bụt.

Thấy hai đứa trẻ thân thiết nên vào những ngày lễ Tết, tía má Cẩn cũng gọi Ách đến nhà cùng ăn cơm sum vầy. Hai đứa nhỏ thường sẽ cùng má của Cẩn chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn, vừa chơi đùa vừa nói chuyện.

Vào đêm giao thừa, cả hai cùng rủ nhau thức trông nồi bánh tét. Ngồi bên bếp lửa, hai đứa nhỏ thường chơi ô ăn quan để giết thời gian. Lửa trong lò cháy tí tách suốt đêm, cũng không lấn át được tiếng cười giòn giã của chúng.

Cẩn và Ách chơi thân với nhau - chuyện này trở thành đề tài bàn tán của dân làng. Cho dù bà con trong làng cũng thương Ách, thấy thằng nhỏ mồ côi tội nghiệp nên giúp đỡ. Nhưng cũng chính họ sau lưng lại đồn Ách mang điềm gở, làm cho lũ trẻ không đứa nào dám kết bạn với cậu. Cái sự kỳ thị cay nghiệt đó đẩy Ách vào cảnh cô độc. Có lẽ do vậy nên lúc Cẩn tới gần, Ách mới không dám mở lòng. Ách sợ... lại bị đem ra giỡn cợt, sợ thêm một lần nữa bị tổn thương.

Người dân trong làng đã đến gặp tía má Cẩn, khuyên họ đừng cho Cẩn chơi với Ách. Nhưng tía má em chẳng để bụng mấy lời đó. Họ nghĩ số phận con người là do trời định, ai mà biết trước chuyện mai sau. Vậy nên, đổ hết mọi tội lỗi lên đầu một đứa nhỏ thì thiệt là vô lý.

Trong một xã hội mà niềm tin vào số mệnh và vận xui vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc, quyết định của họ là một sự phản kháng âm thầm. Họ đã chọn đi theo tiếng gọi của lương tâm thay vì tuân theo những định kiến lạc hậu. Hành động này không chỉ bảo vệ Ách, mà còn gieo mầm cho những suy nghĩ tiến bộ trong lòng Cẩn sau này.

¹²³ Trích Ca dao Việt Nam.



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}