Giữa trưa, tiếng giảng bài vang vọng trong ngôi trường. Thằng Quyết ngồi trong lớp, mắt lim dim, tay chống cằm. Mùi thức ăn từ đâu len vào mũi nó. Nhà ai vừa làm cơm thơm quá. Nó thầm nghĩ: “Hôm nay má nấu gì đây ta?”

Bỗng nó nghe thấy một tiếng động lạ. Nó nhìn ra cửa sổ. Một ánh sáng đỏ lóe lên. Âm thanh đinh tai nhức óc truyền đến tai nó.

Một quả bom Mỹ.

“Vào hầm!”

Thầy nó hét lên một tiếng. Nó hốt hoảng xuống tầng theo mọi người. Từ trong cái hào thông sau trường nhìn ra, nó thấy máu lửa hòa vào nhau, sắc đỏ phủ kín bàn ghế, lớp học. Nó nghe tiếng chạy nạn và than khóc từ ngoài bức tường trường, mùi thuốc súng độc hại xộc vào mũi nó. Rồi nó chợt nhớ tới má nó. Nó thầm mong cho má nó không có việc gì.

Một lúc sau, sau khi chắc rằng chỉ có một trái bom được thả xuống, mọi người dần tản ra. Thằng Quyết vội chạy về nhà. May sao, má nó không sao. Nó hỏi:

- Nãy má có nghe tiếng gì không, má?

Má nó ngơ ngác:

- Tiếng gì là tiếng gì, mày? Nãy tao ngủ.

Nó phì cười:

- Bó tay má luôn đó. - rồi nó làm bộ nghiêm túc - nãy chỗ mình mới bị đánh bom.

Má nó bụm miệng cảm thán, hai mắt mở to:

- Trời! Mà nhà mình có bị gì đâu, mày?

- Sao mà bị gì được, bom ở chỗ trường con. Giờ người ta đang kêu mình đi sơ tán nè.

Nói rồi, nó kéo má nó đi dọn đồ vào hai cái túi lớn. Rồi hai má con nó theo đoàn người di cư ra vùng ngoại thành.

Dọc đường, mỗi bước chân đoàn người đi là mỗi trận thảm bom rải xuống. Suốt cuộc hành quân kéo dài mười ngày, tiếng khóc than khiến mỗi bước chân người ta như đeo gông kiềm, và trái tim như trĩu nặng thêm vạn phần.

Tới khu sơ tán, mẹ con nó được phân vào khu hậu cần, nấu cơm cho các chiến sĩ đi đánh giặc. Nó là thanh niên trẻ nên thường được giao nhiệm vụ đưa thức ăn cho chiến khu gần đó. Mỗi lần đưa cơm, tụi nó được chia làm tốp ba đến năm người một lượt, giả vờ làm hành khất rồi đưa cơm cho bộ đội.

Một lần nọ, trên đường đưa cơm, một quả bom rơi xuống chỗ tụi Quyết. Nó chỉ chớm nhìn thấy ánh sáng lóe lên và tiếng nổ đinh tai truyền đến, nhưng nó đã kịp nhận ra những dấu hiệu đó từ nỗi ám ảnh khi còn ở thủ đô.

Trước mắt nó hiện lên màu trắng xóa. Khung cảnh như thực như mơ, mờ mờ ảo ảo. Nó chợt nhìn thấy trường cũ của nó. Nó thấy lại cảnh tượng hỗn loạn ngày nào. Lửa cháy lên quần áo, da thịt nó. Nhiệt độ nóng hổi khiến nó muốn chạy đi, nhưng nó không sao cử động được. Nó cứ đứng đó, trân trân nhìn thầy cô bạn bè bị ngọn lửa nuốt chửng.

Nó giật mình tỉnh lại. Những người bạn đi cùng đang vây xung quanh nó, lo lắng lay nó dậy. Nhưng nó còn may mắn chán. Không như Quyết, thằng Bạc bị bom nổ trúng người, máu me be bét, một mắt nó mở không nổi, nửa người nó toàn là máu thịt lẫn lộn. Quyết vội chạy tới bên bạn. Thằng Bạc đang ôm khư khư trong lòng cái gà mên đựng thức ăn, nó giơ cái gà mên lên, thều thào:

- Kệ tao đi, chúng mày. Sắp đến giờ cơm rồi.

Thằng Bạc nói rồi lịm đi. Cả đám đứng lặng người nhìn xác bạn. Đó là lần đầu tiên tụi nó chứng kiến một người chết thảm như vậy trước mặt mình mà không thể làm gì để cứu họ. Và không dừng lại ở đó, khi tụi nó tới chiến khu, tụi nó mới biết thế nào là “người chết như ngả rạ”. Chiến khu hiện lên từ xa với khói và lửa, và… tiếng kêu gào của người ở lại.

Nơi tụi nó tới giao cơm là lều ở của quân y, cũng là nơi mà sinh tử con người như ngọn đèn trước gió, lúc ẩn lúc hiện, lúc cháy lúc tàn. Ở đó, tụi nó thấy được sự thảm khốc của chiến tranh: những bệnh nhân không bao giờ đứng dậy, những vết thương không còn có thể lành lại, và những lời nói chưa kịp dứt câu.

Đó cũng là lúc trong tim tụi nó bừng lên một ngọn lửa mãnh liệt. Đột nhiên bọn nó cảm thấy toàn thân như đang bị thiêu đốt và mắt mình cứ nhòe nhòe cả đi. Cả đoạn đường về khu sơ tán, không ai nói với ai câu nào. Nhưng dường như tụi nó đều đang đập chung một nhịp đập, có chung một suy nghĩ: tụi nó phải làm gì đó thôi!

Trong khu sơ tán, nhà bác Vọng là nhà ở đây lâu nhất. Bác Vọng là cán bộ hậu cần cách mạng lão làng. Gia đình bác đến khu sơ tán đầu tiên và bác cũng là người lập ra khu sơ tán này. Nhà bác, ngoài bác và vợ, còn có anh Viên và chị vợ anh ấy đang mang bầu được sáu tháng.

Ở khu sơ tán, bác Vọng là người trực tiếp tuyên truyền cách mạng và tư tưởng chính trị cho bà con. Bình thường, bác Vọng không ở chiến khu, bác cũng không ở khu sơ tán, mà bác làm việc ở chiến trường. Chỉ những khi chiến sự ngơi nghỉ, bác mới về cập nhật hình hình cho người dân cùng biết. Còn anh Viên, con trai bác, thì làm quân y ở chiến khu. Ở khu sơ tán chỉ có vợ bác và chị con dâu là cùng mọi người chăm lo chuyện hậu cần cho chiến sĩ.

Một buổi sớm kia, bác Vọng trở về khu sơ tán giữa lúc chiến sự đang căng thẳng. Bác đi lững thững như người mất phương hướng. Gặp ai bác cũng như không nhìn thấy. Bác đi lướt qua mọi người, và vào nhà một cách khó khăn. Rồi không lâu sau, từ trong nhà bác vang lên tiếng khóc than, ban đầu là tiếng nức nở nghẹn ngào, sau đó là tiếng kêu gào thảm thiết.

Vài ngày sau, có một chiếc xe từ chiến khu đến. Trên xe là xác của những người lính xếp chồng lên nhau. Mọi người vội bước đến đỡ họ xuống để người nhà đến nhận mặt.

Nhà bác Vọng cũng đến. Bác vừa đi vừa chạy đến bên một cái xác. Rồi bác quỳ sụp xuống, u oán:

- Con ơi… con ơi…

Bác Vọng gái đi tới sau. Vừa giở cái mũ cối ra, bác đã ôm mặt nấc nghẹn:

- Giời ơi! Viên ơi… con tôi…

Chị con dâu im lặng quay mặt đi. Chị chỉ còn biết ôm lấy mẹ chồng mình, vỗ nhè nhẹ vào vai bà, thầm thì trong nước mắt:

- Mẹ ơi…

Thằng Quyết đứng từ xa, nó vừa đi đưa cơm về. Nó xót xa nhìn bác Vọng ôm lấy xác của con trai mình. Nó hạ quyết tâm phải đứng lên chiến đấu, thay những người anh đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc.

Chợt, giữa đám đông người đến an ủi bác Vọng, Quyết thấy má nó. Ý chí của nó bỗng xụi lơ. Nhìn bóng hình nhỏ bé của má nó, nó thầm nghĩ: bác Vọng mất con trai, nhưng bác còn vợ, còn con dâu, còn đứa cháu chưa sinh ra. Bác đau lòng nhưng bác vẫn còn người thân bên cạnh. Còn má nó thì…. Má nó chỉ còn nó thôi.

Và trong những buổi cơm hai người, nó vô thức gắp thức ăn cho má nó. Trong những tối trời khuya không trăng, nó thức dậy kéo chăn cho má nó. Trong những ngày nắng cháy lưng, nó cứ tự nhiên như không mà bưng nước về cho má nó tắm.

Lòng nó thương má, nhưng những chuyện nó chứng kiến khiến nó không thể ngồi yên.

Thằng Quyết vẫn còn do dự giữa việc nên đi hay ở. Nhưng chiến tranh không đợi ai do dự cả. Ngay cuối tháng đó, Mỹ rải bom lần nữa xuống miền Bắc. Trong những trái bom được thả xuống, có một trái rơi đúng vào khu sơ tán của thằng Quyết.

Quả bom đầu tiên đánh vào chiến khu ở Hà Nội. Rồi cứ thế thẳng một đường về phía Nam. Khu sơ tán của thằng Quyết phải di chuyển về phía nội thành Hà Nội để sẵn sàng hỗ trợ về mặt vũ lực. Vừa đi, họ vừa phải tránh bom. Mỗi khi có tiếng máy bay từ xa bay đến, mọi người lại nhanh chóng chui vào hầm trú ẩn dọc đường. Những lúc đó, từ dưới hào nhìn về phía cây cầu Long Biên của thủ đô, thằng Quyết nhìn thấy những chiến sĩ bộ đội đang đứng trên cầu, đặt những khẩu pháo thật bự, nhắm vào những chiếc máy bay đang thả bom xuống. Và những gương mặt quyết tử của họ đã hằn sâu vào tâm trí thằng Quyết. Đó là vẻ mặt của những con người quả cảm chiến đấu khi trên đỉnh đầu là mưa bom bão đạn. Họ đã dũng cảm, họ đã chiến đấu, họ đã ngã xuống, họ đã hy sinh.

Đoàn người hành quân vài ngày cuối cùng cũng tới chiến khu mới. Vừa tới nơi, Thằng Quyết đã năng nổ phụ giúp mọi người hạ trại. Nó giấu má nó xung phong làm các công việc bên lề cho bộ đội. Đơn cử là việc viết thư thay cho những thương binh, liệt sĩ.

Mỗi một lá thư nó viết là mỗi một hạnh phúc héo úa của một gia đình. Những lá thư chứa đầy những dòng nước mắt của những chiến sĩ sắp đi xa. Đó là những lá thư mà không bao giờ nó muốn viết. Nhưng nó vẫn phải làm.

Những lá thư nó viết chất chứa muôn vàn câu chuyện. Có câu chuyện của cô quân nhân mở đường gửi cho người tình nơi miền Nam xa cách. Có câu chuyện của chú bé liên lạc gửi cho gia đình đang ngóng trông con. Còn có cả, những câu chuyện chưa kịp kết thúc thì người gửi đã ra đi, và thằng Quyết phải là người kết thúc những câu chuyện đó.

Không chỉ viết thư, thằng Quyết còn xung phong gác đêm cho bộ đội nghỉ ngơi. Những đêm thức trắng canh gác, nó cảm thấy mình như một anh hùng đang bảo vệ mọi người vậy. Nhưng chợt nó nhìn về phía cây cầu Long Biên. Hình ảnh những người chiến sĩ bắn pháo ngày nào lại hiện về trong tâm trí nó. Và nó nhận ra rằng so với họ, những gì nó làm còn nhỏ bé lắm. Họ mới là những người hùng thật sự.

Khuya hôm đó, thằng Quyết thay một anh dân quân canh gác. Khi nó còn đang ngẩn người nhìn về thủ đô, nó nghe thấy tiếng xì xào từ đâu vọng tới. Càng đến gần, tiếng nói chuyện càng rõ hơn. Một giọng con gái vang lên:

- Em còn nhỏ mà, sao không ở nhà với bố mẹ hở em? Người ta chưa bắt em đi lính đâu mà.

Giọng nói khác lên tiếng:

- Nếu em không làm thì ai sẽ làm những việc này hở chị? Càng trẻ, em mới càng phải làm chứ.

Thằng Quyết ngồi xổm nghe như người đi ăn trộm. Và thật vậy, nó như trộm được sự dũng cảm của cô gái nhỏ kia. Nó chợt nghĩ về những ngày tháng yên bình cũ. Phải rồi, nó cũng phải làm thôi. Nó cũng muốn bảo vệ những đứa trẻ thoát khỏi cảnh không còn cha mẹ, bảo vệ những cô cậu học trò không phải bỏ học giữa chừng giống nó và bảo vệ cả những phố phường thanh bình nơi nhà của nó nữa. Nó mơ mộng nhiều thứ như vậy đó, mà không biết nó làm được bao nhiêu thôi. Nhưng ít ra, nó thầm nhủ, nó có thể góp một phần nhỏ vào đó.

Ngày hôm sau, trong bữa cơm tối, nó bâng quơ hỏi má:

- Má nè, con tính tham gia chiến đấu chung với mọi người đó, má thấy sao?

Má nó cúi mặt và cơm vào miệng đi, không đáp. Thằng Quyết bối rối lắm, nó rối tinh rối mù không biết phải làm sao nếu má nó khóc lóc giữ nó lại. Nhưng má nó lại ăn nốt bát cơm, ngẩng đầu nhìn nó, rồi vỗ vai nó cái “đét”:

- Chứ sao nữa, mày. Thanh niên trai tráng không lẽ ở nhà với bà già như tao. Mày có không muốn đi tao cũng bắt đi. Tự giác vậy là tốt.

Nói rồi má nó đứng dậy dọn mâm, vào gian trong ngủ, vẻ mặt điềm nhiên như không. Nhưng nó thì không sao bình thản như má nó được. Lòng nó cứ thấp thỏm lo sợ không yên một điều gì đó.

Tờ mờ sáng hôm sau, nó dậy thật sớm, chuẩn bị đồ đạc bỏ vào cái túi nó mang theo lúc sơ tán, rồi hai má con nó đến trước tấm ảnh thờ của ba nó, nó chắp tay vái. Nó thầm nói:

- Ba ở nhà thay con chăm sóc má nha ba. Con đi rồi về liền à.

Xong xuôi, hai má con nó ra trước lều đứng đợi xe đón ra khu huấn luyện. Nó nhìn trời dần sáng lên, lâu lâu ngóng xem xe tới chưa, lâu lâu lại liếc má nó coi má nó đang nghĩ gì. Và như cảm nhận được ánh mắt của nó, má nó hắng giọng:

- Làm cái gì liếc tao hoài. Không phải lo, tao ở lại với mọi người còn tốt chán. Mày tự lo cho mình đi.

Nó dẩu môi, không đáp. Một lúc sau, xe cũng tới. Nó leo lên xe ngồi, rồi quay đầu nhìn má nó. Nó cười tươi, vẫy tay với má. Má nó cũng vẫy tay lại. Nhưng chợt nó thấy má rưng rưng. Chiếc xe lăn bánh, còn má nó thì quay lưng lại. Nhìn bóng lưng gầy gò run bần bật của má xa dần, nó hét lên, mặt giàn dụa nước mắt:

- Vào trong ngủ tiếp đi má! Trời còn sớm mà! - nó ngừng lại, nuốt nỗi nghẹn ứ trong cổ họng rồi tiếp lời - Đừng chờ con nha má!

Bà Quỳnh lê từng bước chân vào gian trong. Bà từ từ nằm xuống chiếc giường đơn trong góc. Ánh mắt bà hướng về phía cái áo ba lỗ mà thằng Quyết mặc lúc còn ở đây. Rồi bà lại bật khóc. Làm sao bà lại không biết được con mình đang nghĩ gì?

Từ khi còn bé, thằng Quyết đã tỏ ra mình là một đứa sống tình cảm và dễ xúc động. Thấy con lớn lên không có ba bên cạnh, bà Quỳnh cũng lo rằng mình sẽ không thể dạy con thành một người dũng cảm và bản lĩnh. Nhưng may sao, từ khi đến khu sơ tán, thằng Quyết bỗng chững chạc hẳn. Nó tự dưng hiểu chuyện và có trách nhiệm hơn. Bà Quỳnh mừng lắm.

Nhưng sau khi đến chiến khu, thằng Quyết đột nhiên trở nên trầm tính, phiền muộn. Bà biết, con mình sẽ sớm theo bước ba nó thôi. Bà vừa vui, vừa buồn nhìn con mình ngày càng gần hơn với con đường chiến đấu.

Buổi tối cái ngày nó hỏi chuyện bà, trong nhà có hai người không ngủ. Bà nằm trên giường, nghe tiếng thằng Quyết trở mình. Đến khi nó ngủ, bà lại ngồi dậy, xách cái ghế ra trước tấm ảnh thờ của chồng mình, thẫn thờ nhìn về phía thủ đô. Đó là nơi con bà sắp đi tới, và cũng có thể là nơi cuối cùng nó đặt chân. Ngẩn ngơ một hồi, bà lại bước tới chỗ thằng Quyết đang ngủ. Bà vén chăn cho nó, giống như khi nó vén chăn cho bà mỗi khi đi canh gác về vậy. Ánh mắt bà lưu luyến trên gương mặt đã sạm đi vì nắng con mình. Cái đêm trước khi ba nó đi xa, bà cũng từng làm vậy, cũng từng thức trắng ngắm nhìn gương mặt ông. Và giờ điều đó lặp lại với con bà. Nghĩ rồi, bà lại rơi nước mắt.

Sáng hôm sau, thằng Quyết chào ba nó trước khi đi. Bà Quỳnh cũng nhắm mắt, lẩm nhẩm:

- Ông đi theo, có gì bảo vệ con nha ông, bảo vệ con không bị lạc lối nha ông.

Sau đó, thằng Quyết lên xe. Bà Quỳnh nhìn theo con, mắt nhòe đi. Sợ con nhìn thấy, bà vội quay người lại. Thằng Quyết hét lên một câu. Nghe được, bà Quỳnh nghẹn ngào ngồi sụp xuống. Nghe thấy tiếng khóc, một vài người phụ nữ dậy sớm trong chiến khu tiến đến vỗ về bà.

Sau ngày hôm đó, bà Quỳnh lại quay về cuộc sống bình thường. Chỉ là, đôi lúc, khi bà nằm một mình chiếc giường đơn trong góc, bà sẽ chợt nhớ đến ba con nó, rồi im lặng rơi nước mắt. Nhưng rồi bà lại đứng dậy, bước ra cửa, nhìn về phía cây cầu Long Biên, lòng tự nhủ con mình đang chiến đấu, bà cũng phải chiến đấu nơi hậu phương, để không uổng công con mình, và cả công của những chiến sĩ giống con bà nữa.

Dưới chân cầu Long Biên, hàng người sơ tán nối đuôi nhau. Một đứa trẻ cầm tay mẹ đi theo dòng người. Đứa trẻ chợt nhìn thấy có người đang xếp những khay cơm, những ly nước, những ổ bánh mì vào trong một chiếc thùng gỗ. Rồi chiếc thùng được kéo lên trên. Đứa trẻ quay sang mẹ nó:

- Mẹ ơi mẹ, ai ở trên đấy thế?

- Cảm tử quân đấy con ạ.




Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}