[Giải Nhì] Tầm gửi - Cá Voi Đáy Biển


1.

Sau khi mẹ chết, dường như mối dây liên hệ duy nhất của Nghĩa với cuộc đời này đã đứt. Tuy trên danh nghĩa anh vẫn còn một người thân, nhưng anh hai cũng không muốn sống cùng anh. Nghĩa thường tưởng tượng rằng nếu một tai nạn nào đó xảy ra và mình chết đi, thì chắc cũng phải tầm hai tuần sau mới có người phát hiện ra xác anh. Vì anh hai chỉ đến kiểm tra anh hai tuần một lần.

Cũng giống như Nghĩa, chữ “nhà” chẳng có ý nghĩa gì với anh hai. Anh chuyển địa điểm liên miên, thường sống với người yêu (vào thời điểm đó), hoặc sếp, hoặc vợ suýt cưới… Nghĩa nghĩ anh hai thích ở nhà của thằng sếp kia nhất, vì anh ở đó lâu nhất. Nhưng rồi một ngày nọ, chủ nhân thực sự của ngôi nhà trở về và bằng cách nào đó đã dọa anh hai chết khiếp, chạy mất dép. Đến lúc đó anh mới nhớ ra sự tồn tại của Nghĩa và sai Nghĩa qua lấy dép về cho mình. Anh còn dặn dò cẩn thận đến mức khó hiểu:

“Lỡ mà gặp ai thì biểu là qua lấy đồ giùm anh Phương, nhớ đừng có nhắc tới anh. Lên lầu hai, phòng thứ hai bên trái, tuyệt đối không được ngó vô mấy phòng kia. Mở máy tính lên, vô ổ D, chuyển folder Tùng Văn vô ổ cứng rồi mang về cho anh. À quên, nếu thấy cái wacom với lap của anh để trên bàn học thì lấy về luôn cho anh nhen.”

Trông anh như một con hamster bị dọa, làm Nghĩa sinh tò mò. Nên dù phải lên lớp mười tiết một ngày và đi làm thêm buổi tối, anh vẫn muốn bỏ thời gian đi nhìn cái nguyên nhân khiến anh hai phải bỏ của chạy lấy người ấy.

Nhưng cuối cùng sau khi thấy Dương, Nghĩa vẫn chẳng hiểu có gì ở Dương làm anh hai e ngại đến vậy. Có lẽ vì nó cũng không nói hay thể hiện thái độ gì với anh, chỉ nằm trên giường, giãy giụa, sắp chết ngạt trong bãi nôn của chính mình. Bên cạnh là hộp thuốc tung tóe.

Nghĩa đứng trước cửa căn phòng mà anh hai đã dặn kỹ là không được nhìn vào, ngắm nhìn Dương. Khi ấy trông nó không khác xác chết là bao: mặt xanh xao, tái mét, tóc tai rối bù, người co giật.

Nghĩa đứng một lúc, một khoảng thời gian mà anh cảm thấy là rất ngắn thôi, để cân nhắc xem liệu mình có thể lặng lẽ đi ra mà không ai biết không. Nhưng ngay lúc vừa định quay người, anh đã thấy mình đang nhìn thẳng vào camera.

Nghĩa thở dài, mở rộng cửa đi vào phòng, lật người Dương lại, sơ cứu cho nó.

Trong lúc đợi xe cấp cứu, anh cầm hộp thuốc bên cạnh Dương lên đọc: đó là một loại thuốc chống trầm cảm.

 

2.

Quỳnh mất kha khá thời gian để hiểu được hành động của anh; nhưng dù anh cho cô bao nhiêu thời gian hay cố giải thích thế nào, cô vẫn không tài nào hiểu được tại sao anh làm vậy.

“Tại sao anh không cứu anh Dương?”

Cô cứ hỏi đi hỏi lại như vậy, mặc dù Nghĩa đã nhắc đi nhắc lại:

“Anh đã cứu nó. Nó còn sống.”

Cô hoang mang một lúc rồi cố đặt lại câu hỏi cho đúng hơn:

“Tại sao anh do dự?”

Nghĩa không muốn trả lời câu này. Nhưng anh vẫn đáp:

“Vì nó không muốn sống.”

Dường như Quỳnh bị sốc. Suy nghĩ lộn xộn, lời nói cũng không rõ ràng.

“Anh ấy… anh ấy… Anh... anh cảm thấy những người dại dột như vậy thì chết là đáng đời sao?”

Nghĩa đáp: “Anh không cho là nó đã làm gì dại dột.”

“Vậy tại sao anh không cứu anh ấy?”

“Anh đã cứu Dương,” Nghĩa nhắc lại một cách kiên nhẫn.

Quỳnh hơi to tiếng: “Ý em là tại sao anh không muốn cứu?! Anh đừng giả vờ không hiểu!”

“Vấn đề vốn không phải anh muốn hay không muốn gì...”

“Em ghét cách nói chuyện của anh,” Quỳnh cắt ngang, giọng điệu gay gắt khác thường. “Anh chẳng bao giờ nói được cái gì thật lòng.”

“Anh chưa bao giờ nói dối em. Dương không thích anh và em có gì nên nó mới…”

“Anh ấy chẳng làm gì sai cả,” Quỳnh ngắt lời. “Đây là vấn đề giữa em và anh. Em biết anh hiểu chính xác ý em là gì. Em muốn anh cố giải thích cho em hiểu. Vì em đang cố hiểu anh. Em rất muốn hiểu anh. Tại sao anh không để cho em hiểu anh?”

“Anh không hề giấu em điều gì!”

“Vậy tại sao anh không cứu anh Dương?”

Nghĩa do dự một chút, nhưng rồi vẫn nói thẳng:

“Vì anh tôn trọng ý nguyện của nó.”

Quỳnh hơi sững sờ. Không dám hiểu lời anh.

“Ý nguyện… gì cơ?” cô hỏi.

Nghĩa cảm thấy như mình đang cầm một cây kéo đứng trước quả bom với hai sợi dây đỏ và xanh. Anh nhắm mắt, cắt dây:

“Ý nguyện được chết.”

Gương mặt Quỳnh tái mét. Cô nhìn anh như thể không nhận ra anh là ai. Thế là Nghĩa biết mình đã kích nổ quả bom rồi.

Anh không nhớ nổi sau đó họ đã nói thêm những gì. Nói gì cũng không quan trọng. Kết cục đều giống nhau: chia tay.

Mãi một thời gian dài sau, sau những giờ trực mệt mỏi vành tai hằn vết khẩu trang, trong những giờ phút hiếm hoi được nghỉ ở khu cách ly, Nghĩa vẫn thường nghĩ về cuộc hội thoại ngày hôm đó và tưởng tượng xem nếu mình gạt đi các quy tắc, trả lời khác đi, liệu có đưa đến kết quả khác không. Anh nghĩ và nghĩ và nghĩ và nghĩ, cuối cùng tự mình kết luận: không. Từ lúc Quỳnh biết Nghĩa muốn để mặc Dương, cô đã tuyên án tử cho anh rồi.

Họ đã chia tay vì Dương.

Nhưng nghịch lý là: họ đến với nhau cũng nhờ Dương.

4.

Nực cười ở chỗ: nếu phải chọn ra một người không thấy sự do dự của anh là hồi chuông báo động, thì người đó lại chính là Dương.

Vài ngày sau khi ra viện, Dương vẽ lên mặt một lớp trang điểm dày cộp, chơi một quả Nhật Bình cách tân đỏ quạch đến dưới sảnh tòa nhà anh sống, đủng đỉnh trên một đôi bốt đen dây rợ. Nó đứng về một bên cửa, tựa vào tường, như một con ma-nơ-canh lộng lẫy, làm ai đi qua cũng phải liếc lại vài lần. Nghĩa vừa xuất hiện, đôi mắt nó đã dõi theo anh chằm chằm. Biết cố lờ nó đi sẽ phiền hơn là đối mặt, anh bước tới và nói:

“Dương.”

Dương bật cười.

“Nhận ra luôn?”

Không khó đến vậy. Dù dĩ nhiên là không giống cái xác ngày đó chút nào.

Dương cúi đầu tự ngắm mình vài cái, đột nhiên sắc mặt lại có vẻ nghiêm trọng.

“Vẫn có nét con trai thật hả?”

“Không phải.” Anh chỉ là nhận ra Dương. Nhưng anh lười giải thích.

Dương lẩm bẩm: “Bình thường tao không lên tiếng thì người ta không nhận ra mà.”

Anh đề xuất: “Để ý vậy thì tiêm hormone, phẫu thuật đi.”

Dương có vẻ nghiêm túc ngẫm nghĩ lời anh một chút. Rồi cũng hết sức nghiêm túc trả lời anh:

“Chưa nghĩ kỹ. Chỉ là đôi khi tao muốn role play một chút.”

Có lẽ vì đã bị anh chứng kiến khoảnh khắc tồi tệ nhất trong đời, Dương không cảm thấy cần giữ kẽ gì với anh nữa. Nhưng Nghĩa thì chẳng có nhu cầu nghe những tâm sự thầm kín của một người anh không quan tâm.

Anh vào vấn đề chính: “Đến hỏi tội à?”

Anh biết khi đó Dương vẫn còn ý thức. Chưa kể, người nhà nó đã đếm kỹ từng giây anh do dự và muốn đánh chết anh trong bệnh viện. Đối với người đời, đôi khi không cứu và giết cũng đều như nhau; bởi kết quả cuối cùng không có gì khác biệt. Anh đoán Dương cũng đến để trách anh. Nhưng trách vì đã cứu hay vì suýt không cứu thì còn phải bàn thêm.

Nhưng Dương lại nói:

“Đến nhận mày làm cha để trả ơn cứu mạng.”

“Thôi khỏi.”

Anh quay người bỏ đi. Dương theo anh vào thang máy. Đứng trên đôi bốt mười hai phân nhưng nó vẫn phải ngẩng lên nhìn anh. Nó cười như cáo.

“Cho làm bố tao mà còn chê à?”

“Ngại phải chôn mày.”

Nụ cười của Dương tắt vụt. Nó yên lặng chăm chú nhìn anh, đôi mắt phượng sắc như dao sỗ sàng lục soát tâm trí anh như muốn tìm cho ra một mẩu nhân tính. Nghĩa đón nhận không chút dao động. Cuối cùng Dương nói thẳng:

“Lúc đó tao vẫn tỉnh. Chỉ là không cử động được.”

Nghĩa cân nhắc một chút, rồi trả lời ý không nói thành lời của nó: “Tao không có ác ý.”

Dương lại cười.

“Tao cũng đoán mày không có sát ý.”

Sau đó nó bảo: “Không làm bố thì làm bạn đi nhỉ? Ở đây tao đang thiếu bạn.”

Nghĩa không trả lời. Dương xem im lặng là đồng ý.

 

5.

Vô tình bị Nghĩa nhìn ra bản chất, nên Dương không còn buồn giấu anh chuyện gì nữa. Và sau này, Quỳnh yêu anh, nên có lẽ cô cũng thấy chia sẻ suy nghĩ của mình với anh là lẽ đương nhiên. Thành ra, đến một thời điểm, Nghĩa vô tình sưu tập được rất nhiều góc nhìn của bức tranh toàn cảnh, dù cho chính anh cũng không tha thiết muốn nhìn cái bức tranh đó đến vậy.

“Tao quen nó khá lâu rồi.” Đây là góc nhìn của Dương về Quỳnh. “Con bé hơi… Nhớ vụ anh mày bị phốt không?”

Nhớ không nhỉ?

Vụ phốt đó khá be bét nhưng để kể lại thì vài câu là xong: Anh hai Nghĩa là một nhà văn, họa sĩ có tiếng. Anh bị đạo tranh. Fan của anh ập vào khủng bố tinh thần “đạo sĩ” rất dữ dội, đến mức người đó dọa tự sát, thế nhưng đám đông vẫn chỉ cười nhạo, nhục mạ và khủng bố. Dư luận cho là anh hai có nghĩa vụ phải lên tiếng gì đó để quản fan, nhưng anh hai thì không nghĩ thế nên chọn im lặng. Và rồi người đó tự sát. Đám đông bỗng nhiên mất mục tiêu, đành quay sang anh hai - kẻ vô cảm, thiếu tình người, không đáng sống. Vì chính nghĩa, cư dân mạng đào cả chuyện nhà anh hai lên - một trong số đó là chuyện Nghĩa là con riêng. Nghĩa bị ném ra ngoài ánh sáng; vợ của ba tự sát; ba vào tù; bệnh trầm cảm của anh hai tái phát; vài tháng sau, mẹ Nghĩa cũng qua đời. Một series những chuyện “drama” nhất đã diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn ngủi.

Nghĩa còn nhớ không nhỉ?

Hỏi gì mà hỏi ngu.

Chỉ có kẻ yếu đuối như Dương mới chôn vùi những chuyện kiểu như vậy xuống, chọn quên đi, chọn lừa dối chính mình. Nghĩa sẽ đối mặt và dẫm lên nó. Anh sẽ trở thành con người như anh muốn. Sẽ không có gì trên đời này định nghĩa được anh.

“Con bé là admin chính của fanpage anh mày, cơ mà vì vụ đó nên thoát fan luôn.”

“Nó cảm thấy thần tượng phải quản fan?” Nghĩa hỏi, đơn thuần vì tò mò.

“Không.” Dương nói, rồi nghĩ sao lại tự phản đối mình. “Mà cũng có thể?” Nó lắc đầu. Nhún vai. “Tao chả biết. Cái chính là con bé nghĩ văn và người không thể khác nhau quá xa. Nó thấy thất vọng vì anh mày sống một kiểu, viết một kiểu. Chắc nó tin vào… nghệ thuật vị nhân văn gì đó…”

“Nhân sinh.”

“Nói chung là thế. Mày liệu mà cư xử.”

“Tao phải cư xử gì với nó?”

“Mày sẽ dạy con bé.”

“Dạy gì?”

“Vẽ. Nó có năng khiếu, thiếu cơ bản. Người nhà không cho theo mỹ thuật. Bị bảo bọc ghê lắm.”

Nghĩa không thể từ chối Dương. Trong mắt mọi người, anh không phải ân nhân cứu mạng của Dương, anh chỉ là người đã suýt để nó chết. Dương hiểu điều này rất rõ và luôn dùng nó để dồn ép anh. Trong một thời gian, Nghĩa cảm thấy như bệnh của Dương đã đỡ hơn; nhưng lại có lúc, anh thấy như thể nó không muốn làm người nhà đau lòng, nên muốn kích động, mượn tay Nghĩa hoàn thành nguyện vọng. Mà Nghĩa thì không có nhu cầu giết ai, thành ra hai đứa cứ giằng co mãi.

Ít nhất, trước khi Dương nói chuyện đó cho Quỳnh, anh vẫn chưa có nhu cầu.

Khi bị anh tra hỏi, Dương đưa ra lý do khá hợp lý.

“Tao bảo mày làm thầy nó, không phải làm nó.”

Như thể cảm thấy như vậy chưa đủ lực sát thương, Dương bồi thêm: “Mày mà cũng xứng à? Mày khác đ. gì ba mày đâu?”

 

6.

Nhưng anh rất khác ba anh.

Anh sẽ khác ba anh.

Anh nhất định phải khác ba anh.

Khi còn nhỏ, khi vẫn chưa hiểu gì về những cơn vui giận, sầu đau thất thường của mẹ, khi Nghĩa còn vô cùng ganh tị với tình yêu ba dành cho anh hai; trở thành người như ba là tất cả những gì anh mong ước. Người cha đẹp đẽ, sạch sẽ với nụ cười rạng rỡ trên môi, như không thuộc về thế giới này. Người cha một tháng đến thăm anh vài lần và luôn mang theo rất nhiều quà, luôn luôn dịu dàng với anh. Người cha chỉ thấp thoáng xuất hiện trong đời anh mà lại nắm giữ mọi quyết định về anh. Người cha đã biến anh thành kẻ dối trá.

Nhận được cái gật đầu công nhận của ba là tất cả những gì anh từng mong mỏi trên đời này, là lý do anh cầm lên bút vẽ rồi lại buông bỏ cây cọ và những sắc màu.

Thật đáng thất vọng làm sao khi càng ngày càng hiểu thấu một người ta từng đem lòng yêu kính tôn sùng. Tình yêu còn mãi; nhưng niềm kính trọng đã dần bị dòng thời gian chảy không ngừng bào cho mòn nhẵn.

Sau này, không trở thành ba là nguyện vọng duy nhất của anh.

Nên không, Dương đã sai, anh không giống ba.

Bởi vì dù Quỳnh cũng mang tiếng học trò của anh, cô không phải một đứa trẻ mười sáu tuổi như mẹ của anh hai; cũng không phải cô gái trẻ dễ lợi dụng, không có nhà để về, không có tiền chữa bệnh như mẹ Nghĩa. Đó là một sự khác biệt quan trọng.

Mà cũng chỉ có Dương mới nghĩ Quỳnh là một đứa trẻ ngây thơ bị gia đình bảo bọc đến khốn khổ, người nhà của Quỳnh chưa bao giờ can thiệp và ép buộc. Họ để cô được làm bất cứ điều gì cô muốn, dù là những việc họ không tán thành: như là yêu anh.

Gia đình Quỳnh là chiếc nệm rơm ấm áp, chỉ cần cô mỏi mệt buông tay sẽ được đỡ lấy ngay. Nên dù Quỳnh nhiệt tình với anh đến đâu, anh chưa bao giờ tin mình đủ quan trọng để trở thành duy nhất và không thể thay thế. Được cô yêu thích là lợi thế duy nhất của anh. Nhưng ngay cả lòng yêu thích của cô cũng chẳng phải sẽ mãi trường tồn, anh hai của anh là một ví dụ sống sờ sờ. Nghĩa không thể khống chế hay ràng buộc được cô.

Nên không, anh không giống ba anh.

Vả chăng, còn một khác biệt quan trọng thứ hai nữa: Quỳnh là người đã tiến về phía anh.

Chính khác biệt thứ hai này khiến cho anh, sau khi lại bị bỏ rơi, không khỏi sinh lòng oán hận. Oán hận Quỳnh một mực bám lấy anh, ảo tưởng về những phẩm chất tốt đẹp còn ẩn giấu của anh. Nhưng khi nhìn thấu lòng anh thì lại quay lưng ngay lập tức, trở về với chiếc nệm ấm áp của cô.

Thời gian đầu sau khi chia tay, trong lòng Nghĩa nảy sinh những suy nghĩ cực đoan, những ảo tưởng. Anh ảo tưởng về một cuộc sống tương lai chỉ có Quỳnh và anh. Một cuộc sống mà Quỳnh và anh sẽ là duy nhất của nhau. Cô sẽ không còn ngày ngày gọi điện, chia sẻ chuyện thường nhật vụn vặt với những người thân khác, những người bạn khác của cô. Buồn vui mừng giận của cô chỉ thuộc về anh, duy nhất. Anh sẽ là mối liên hệ độc nhất của cô với cõi đời này.

Cô là tầm gửi, anh sẽ là cây; cô rời anh sẽ chết, và anh cũng nguyện cắt lấy từng phần sống của mình để nuôi cô cho đến khi chính anh cũng héo mòn.

Như ba và mẹ.

Thế là đột nhiên, anh nhớ lại những thăng trầm của ba và mẹ, những nồng nhiệt, những oán hận, những tiếng cười, những tiếng khóc, những lời yêu thương, những nhiếc móc cay đắng, những âu yếm, những bạo lực… Những tiếng ồn đã từng khiến anh thấy thật chán ghét và làm anh muốn trốn chạy suốt thời thơ ấu, nay lại trở nên thân thuộc và đáng ao ước biết bao.

Nếu Quỳnh cũng giống mẹ.

Nếu Quỳnh cũng giống mẹ.

Nếu anh khiến cho Quỳnh cũng trở thành mẹ, anh sẽ không bao giờ sợ phải mất cô.

Tình yêu của cô, niềm vui của cô, tuyệt vọng của cô - tất thảy sẽ do anh nắm giữ.

Nhưng như vậy cũng có nghĩa là anh sẽ trở thành ba.

7.

Nên cuối cùng anh cũng không làm gì Dương. Vì nếu Dương xảy ra bất cứ chuyện gì, Quỳnh sẽ nghĩ ngay đến anh.

Anh cũng không cố tiếp cận Quỳnh, vì anh sợ nếu làm vậy, anh sẽ không thể ngừng lại cho đến khi biến cô thành tầm gửi.

Vậy nên anh dừng mọi ảo tưởng và tập trung vào mục tiêu của mình. Tiến về phía trước như đã định. Anh tiếp tục sống như trước giờ. Đơn giản vậy thôi.

Cũng chẳng sao đâu.

Anh đã luôn chỉ có một mình.

 

8.

Khi Nghĩa mở cửa vào nhà, bật đèn lên, anh thấy Quỳnh đang nằm ở sofa trong bóng tối. Anh đứng sững ở cửa mất một lúc rồi mới tới gần, gọi cô dậy. Quỳnh mở mắt, ngồi nhìn anh chằm chằm, vui giận không rõ. Nghĩa bất giác lùi vài bước, hơi thận trọng.

Anh hỏi: “Em làm gì thế?”

“Đợi anh về.”

“Sao em biết hôm nay anh về?”

“Anh Dương nói.”

Nghĩa còn đang tự hỏi Quỳnh có ý gì mà xuất hiện ở nhà anh, nhưng cái tên Dương đã xóa sạch chút hy vọng mơ hồ chưa kịp thành hình. Anh thở dài.

“Anh đâu có làm gì em? Nó còn muốn gì nữa?”

Đến lượt Quỳnh không hiểu.

“Làm… gì em cơ? Anh ấy chỉ muốn em với anh nói chuyện rõ ràng.”

Nghĩa nhướng mày, khó hiểu.

“Nó nói vậy?”

“Lần trước em định đến tìm anh nói chuyện thì anh lại đi chống dịch mất rồi. Cũng chẳng liên lạc với em. Em lo chết đi được.”

Hóa ra là lo anh chết.

Nghĩa lạnh nhạt đuổi khách.

“Em không nên ở đây, anh cần phải cách ly.”

“Không phải anh cách ly 14 ngày rồi sao?”

“Thêm vài ngày ở nhà nữa.”

“Vậy em cách ly với anh.”

“Em nói ngu ngốc gì đấy?”

“Em tiêm vắc-xin rồi.”

“Tiêm rồi cũng không được, anh ở tâm dịch ra!”

“Nhưng nãy giờ anh đã tiếp xúc với em rồi mà.”

Nghĩa hết cách.

“Em làm gì vậy? Đá anh rồi lại đến trêu anh? Em cứ tới tới lui lui như thế anh không biết phải làm gì với em nữa!”

Quỳnh sửng sốt.

“Em đá anh hồi nào? Anh đá em cơ mà! Anh không nói không rằng đi vào vùng dịch luôn. Còn không liên lạc gì với em. Em phải cách ly ở nhà, nhắn bao nhiêu tin, gọi bao nhiêu cuộc anh cũng không nghe…”

“Điện thoại anh hỏng rồi, ở trong đó không sửa được.”

Thật ra anh cũng không cố tìm cách sửa. Quỳnh có lẽ cũng biết thế nên rất giận.

“Anh đừng viện cớ. Cho dù anh muốn chia tay với em thì cũng phải báo bình an…”

“Anh không muốn chia tay với em!”

Quỳnh im lặng.

Nghĩa thở dài, mệt mỏi ngồi luôn xuống nền nhà. Anh nói tiếp: “Em bỏ đi và không liên lạc gì, anh còn biết phải hiểu thế nào đây?”

“Anh phải cho em thời gian để tiếp nhận thông tin chứ. Em sốc mà. Em quen anh Dương lâu vậy mà chẳng biết gì. Anh ấy chỉ kể với em là bị dị ứng thuốc, ai mà biết được là… Em quen anh ấy lâu như thế, anh ấy vẫn luôn… Anh ấy không giống người bị trầm cảm.”

“Người bị trầm cảm thì trông thế nào?” anh hỏi.

Rõ ràng Quỳnh không trả lời được, cô cúi đầu, trông buồn bã và tự trách. Anh bỗng hối hận vì câu hỏi móc họng của mình.

“Anh không có ý gì đâu,” anh nói.

Một lúc sau, Quỳnh nói nhỏ: “Anh ủng hộ tự sát thật sao?”

Nghĩa liếc nhìn cô rồi cúi đầu, không trả lời.

“Anh có bao giờ… cũng muốn…”

Nghĩa ngắt lời cô:

“Bây giờ thì không.”

Cả hai im lặng rất lâu. Quỳnh đột nhiên nấc một tiếng. Nghĩa ngẩng đầu lên thì thấy mặt cô đã giàn giụa nước mắt. Anh đi tới, ngồi xuống trước mặt cô, lau nước mắt cho cô. Nhưng càng lau, nước cô mắt càng chảy xuống, như mất kiểm soát.

“Em khóc gì chứ, anh còn sống mà.”

“Có phải anh đi như thế vì muốn…”

“Dĩ nhiên không phải. Cả lớp anh đều đi. Anh chỉ là muốn làm gì đó…” Nghĩ sao anh lại nói. “Đúng là anh nên báo cho em, anh không nên làm em lo.”

Một lúc sau, bình tĩnh hơn, Quỳnh hỏi anh:

“Tại sao anh muốn làm bác sĩ?”

Nghĩa vùi mặt vào lòng cô. Anh bần thần một lúc rồi nói một phần sự thật:

“Vì mẹ muốn.”

Nước mắt Quỳnh vẫn rơi xuống trên đầu anh, âm ấm. Quỳnh lặng lẽ khóc một lúc lâu và anh cũng chỉ đành để mặc cô như vậy. Anh không hiểu tâm trạng cô, anh không hiểu tâm trạng mình. Nhưng có một điều anh hiểu: hơi ấm này làm anh lưu luyến.

“Đừng nghĩ quá xấu về anh,” anh thì thầm.

“Em không nghĩ xấu về anh. Em chỉ muốn hiểu anh.”

Anh cũng vậy.

“Em muốn nói chuyện với anh.”

“Ừ.”

“Em muốn nói thật lâu, muốn nói hết mọi chuyện.”

“Được.”

Em muốn gì cũng được, anh nghĩ.

Trong khoảnh khắc ấy, anh nhận ra, có lẽ anh mới chính là tầm gửi.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}