[Giải Nhất] Hỏi ý trời - Bách Huệ


Bắc thang lên hỏi ông giời…

Vào cái năm Dương sinh ra, triều đình bắt đầu huy động tiền của và lao động cùng góp sức xây tháp Vấn Thiên. Thông báo được đưa đến cái thành xa xôi cách trở, dán nhan nhản khắp nơi nhưng số người biết chữ lại chẳng được mấy ai. Vậy là triều đình liền chăm lo cử mấy vị quan hay chữ xuống giảng giải cho đám dân đen con đỏ. Các ngài trên cao bảo rằng tháp Vấn Thiên là để chấn hưng vận nước. Mười mấy năm sống cảnh thái bình, quả nhiên cũng đến lúc nên đổi vận nước rồi.

Trong thông báo còn ân cần ghi rõ, mỗi nhà góp một suất đinh, nhà nào không có trai tráng thì mỗi tháng đều phải góp tiền để cùng lo nỗi nước nhà. Lời trên ban xuống, giống như có phép màu, những đứa trẻ mới mười ba, mười bốn lập tức lớn nhanh như thổi, những ông già tóc bạc mới ngấp nghé sáu mươi vội vàng khỏe lại. Ai cũng thành tráng đinh, ai cũng đều đủ sức để được ghi tên đi xây dựng tháp Vấn Thiên.

Năm đó trên núi chợt có con hổ dữ xuống tha mất đứa trẻ trong làng, để lại ít máu xương đã róc thịt. Vết máu đi lên núi Đoản. Núi Đoản thú dữ trùng trùng, ngày ngày chìm trong mây mù. Ngày xưa từng có nhóm tiều phu lên núi tìm gỗ quý rồi một đi chẳng trở lại. Thỉnh thoảng, từ đỉnh núi, người ta nghe thấy những tiếng hú dài thê lương. Dân trong vùng chỉ dám loanh quanh kiếm củi, đi lại dưới chân núi, tuyệt nhiên không dám bước lên. Bởi vậy khi xảy ra chuyện hổ dữ đến bắt mất trẻ con cũng chẳng ai dám lên núi tìm. Mà xương thịt đã phơi ra như thế, tìm lại thì được gì.

Người trong làng bảo nhau rào lại vườn nhà, dặn đám trẻ con đừng đi lên núi. Trên núi có ông hùm, ông ba bị sẽ bắt chúng đi.

Vậy mà đến năm Dương mười ba tuổi, nghĩ thế nào mà mẹ nó lại dẫn nó lên núi. Nửa ngày sau, bà hớt hải trở về, ít quả dại trong giỏ đựng sau lưng đều đã dập nát gần hết. Trên tay bà còn miếng vải rách ra từ tay áo thằng bé. Người trong làng chẳng còn mấy ai. Cả ngày hôm đó, đám trẻ con, người già, phụ nữ tìm loanh quanh dưới chân núi, tất cả trông lên ngọn núi cao vút, âm u, rồi khi nhìn trời sập tối, cuối cùng ai nấy cũng đều lắc đầu không dám tiếp tục tìm. Hàng xóm chạy đi báo quan. Mấy tên lính lệ nhìn qua rồi trở về. Không ai thực lòng giúp đỡ người mẹ tội nghiệp.

Người mẹ gào khóc dưới chân núi, đoạn ống tay áo rách quấn trong đôi tay run rẩy thấm đầy nước mắt. Màn đêm xuống rất nhanh, mang đứa con trai của bà đi mất.

Tháp Vấn Thiên xây tới tận trời, bước sang năm thứ mười ba mà mới chỉ xong đến tầng chín. Năm thứ tư, một trận hỏa hoạn lớn khiến cho mọi việc gần như phải làm lại từ đầu. Năm thứ bảy, một cột chống bị nghiêng, khiến cho một nửa gần như bị sụp. Đến năm thứ mười ba, quý phi của hoàng đế đã bắt đầu có sợi tóc bạc đầu tiên.

Nàng tựa vào lòng hoàng đế, bảo rằng sợ cả thanh xuân chẳng thể hỏi trời cách được bên người mãi mãi.

Hoàng đế bảo rằng sao vậy được, sao vậy được.

Ngài thở dài.

Hoàng đế trên cao cũng thở dài thì cớ gì sinh linh bên dưới lại chẳng muộn sầu.

Người đàn ông đã tuổi trung niên thở dài, trên núi rất lạnh, hơi thở vừa ra liền hóa thành sương trắng, không tan đi mà hòa vào sương của núi rừng. Tiếng thở dài luẩn quẩn trong không khí, dắt nỗi ưu phiền đi loanh quanh giữa đại ngàn. Trong khu rừng đó, một mẹ một con cũng đang len giữa những hàng cây. Bà mẹ đi trước, dùng cái liềm nhỏ cắt bớt những bụi cây, giẫm lên, mở một lối hẹp lên núi. Họ đi rất chậm, lặng lẽ như hai cái bóng mờ nhạt lần giữa sương dày.

Họ gặp nhau ở giữa đường, sương vừa đủ tản đi để họ nhận ra nhau. Bà mẹ khẽ gật đầu, người đàn ông thở dài. Đứa bé ngơ ngác nhìn người đàn ông cao lớn trước mặt. Dáng ông ta rất lớn, khi ẩn hiện trong sương, trông như một con gấu. Mấy năm trước cũng có một con gấu xuống núi tấn công một đứa trẻ trong làng. Không ai nhìn thấy con gấu. Cũng không ai nhìn thấy đứa trẻ đó nữa.

Lúc mới trông thấy cái dáng cao lớn đó, đứa trẻ đã giật mình, vô thức kéo người mẹ lại. Tay mẹ nó lạnh ngắt, giống như nhiễm sương lạnh, cũng không giống bàn tay vẫn từng luôn chạm vào nó. Mẹ nó dường như không sợ, thậm chí còn có chút vội vã, đi thẳng về phía cái dáng cao lớn đang chậm rãi lại gần, giống như kẻ khát cháy bỏng nhìn thấy dấu nước. Đứa bé cũng bị kéo đi, chân giẫm lung tung lên lớp lá rừng dày đặc. Nó nghe thấy tiếng thở dồn dập của mẹ.

Người đàn ông rẽ sương mù bước tới. Khuôn mặt đỏ hồng, trên vai khoác một cái áo tơi bằng rơm chống sương lạnh khiến ông ta như to lớn hơn hẳn. Nhìn kỹ, con người ấy trông có vẻ hơi gầy, trên áo còn vài vệt nước.

Người mẹ đẩy nó đến trước mặt người đàn ông. Họ gật đầu nhìn nhau, chẳng hề nói gì. Đứa bé cứng đờ nhìn người trước mặt. Đợi đến lúc nó quay lại nhìn mẹ, mẹ mới nắm tay nó, khẽ nói.

“Dương, phải sống, con nhé.”

Bàn tay mẹ lạnh ngắt khiến nó thoáng rùng mình. Bàn tay ấy dùng sức xé rách một đoạn ống tay áo của đứa trẻ. Tiếng vải toạc ra giống như một nhát kéo dứt khoát cắt đứt một thứ gì đó. Bà chỉnh lại cái gùi đựng mấy món quần áo, mấy quả lê chua với ít bánh bao nhỏ xíu, để nó ngay ngắn sau lưng thằng bé. Bà không khóc, chạm vào người nó một lượt, từ mái tóc cứng như rễ tre, cái má ấm áp đỏ bừng lên vì cước, cánh tay, bắp chân, rồi lại lần lên ngực, lên cổ.

“Ngoan nhé.”

Không khóc lấy một tiếng, cũng chẳng hề buồn đau, người phụ nữ quay đi. Cái áo nâu của bà thắm hơn một chút so với cảnh vật bị che mờ. Dương lặng lẽ đứng dõi nhìn theo. Người đàn ông đặt một bàn tay lên vai nó, có lẽ sợ nó sẽ vùng chạy đi theo mẹ. Nó không làm thế, nó chỉ đứng nhìn. Mãi đến khi bóng mẹ đã khuất dạng trong sương mù, nó mới nghe thấy tiếng khóc. Tiếng khóc nho nhỏ, rấm rứt như nỗi đau cuối cùng cũng chịu cựa mình, phá kén mà ra. Nó không nghe thấy tiếng bước chân của mẹ, ấy vậy mà lại nghe thấy tiếng khóc.

Mãi đến lúc này nó mới thở ra một hơi. Nãy giờ nó chưa từng nhận ra mình đã luôn nín thở để chờ đợi. Nghĩ lại thì chờ đợi điều gì nó cũng chẳng rõ.

Dương ngẩng đầu nhìn người đàn ông cao lớn. Cái áo tơi và cái mũ sùm sụp khiến ông trông càng to lớn.

“Cháu chào ông Ba Bị ạ.”

Bàn tay đang để trên vai nó đưa lên, đập một phát vào đầu nó. Đau điếng.

Vậy là thằng bé khóc. Cuối cùng nó cũng có thể khóc.

Hai người đàn ông đi mãi. Hình như khóc xong một trận, thằng bé tự nhiên cũng trưởng thành. Cũng có thể bởi xung quanh chẳng còn cha mẹ để làm nũng, để đòi hỏi, mà tự nó phải thế. Nó cố gắng đi theo bước chân của người đàn ông trước mặt. Họ cứ đi vòng vèo trong núi, có lúc lại chui qua những đoạn hang thấp, gần như phải bò đi, rẽ đám lá rừng rồi mới nhìn thấy chút ánh sáng le lói qua làn sương mờ ảo. Thằng bé thở hổn hển. Người đàn ông đi rất nhanh, đôi lúc như nhớ ra còn một thằng bé theo chân liền đứng lại một chút. Thằng bé mím môi đi theo.

Họ cứ lặng lẽ đi như thế, lên cao, lên cao mãi, như thể thực sự đi đến tận trời. Có lúc Dương đã thoáng nghĩ, hay là nó đã chết rồi. Chết trên đường lên núi với mẹ, rồi được thần linh đến đưa đi…

Đương lúc nó cứ nghĩ vẩn vơ về cái chết thì con đường hình như đã đổi khác. Con đường dốc xuống và làn sương hình như đã loãng ra. Càng đi, càng dễ hít thở hơn. Đến khi đi xuống sâu hơn nữa, nó thấy một hang đá giống như được khoét sâu vào núi. Phía trước là một khoảng vườn nhỏ, cạnh đó là một cái hồ. Ai đó vừa thấy hai người liền hét to gọi bác Ba.

Dương nheo nheo mắt nhìn.

Đứa trẻ đó không giống như trong trí nhớ của nó. Hay phải nói rằng Hồng đã chẳng còn là một đứa trẻ nữa rồi. Mấy năm trước, người trong làng vẫn còn rùng mình khi thấy dấu vết còn lại của Hồng. Một ít xương, một ít máu, chiếc áo rách toang còn rõ dấu vuốt.

Hồng chạy về phía bác Ba và Dương. Hai chân lành lặn. Hình như nó còn cao hơn trong trí nhớ của Dương.

Nó gọi tên Dương. Những đứa trẻ túa ra từ khắp nơi, trong nhà, trong vườn, cạnh hồ, từ những nơi xa hơn… Dương túm lấy cái áo tơi trước mặt. Phải chăng nó thực sự đã chết rồi.

Những đứa trẻ dưới chân núi đều còn sống, kể cả Dương. Chúng chết trong sổ đinh của làng, sống trong thung lũng nhỏ xíu trên núi, tránh cái nạn tróc đinh. Đứa trẻ đầu tiên bị hổ vồ, rồi gấu tha. Có những đứa bị sốt bệnh, giờ đến cả trượt chân rơi xuống núi.

Người dân dưới chân núi hễ sinh con trai lại âm thầm thở dài. Nếu sinh con trai để đánh giặc giữ nước giúp đời hẳn đã chẳng phải trốn chui trốn nhủi. Nhưng để chúng chết mòn trên công trường xây dựng một cái tháp cao vô nghĩa thì chẳng ai chịu nổi. Mỗi năm đi biền biệt mười tháng, bủng beo trở về, nghỉ phép hai tháng, trái tráng rồi cũng héo hon, sức lực mòn kiệt đi từng ngày. Mười ba năm xây dựng không ngừng, hết hỏa hoạn lại đến sụp đổ, cứ mỗi lần xây lại, bản vẽ dường như càng mở rộng để đỉnh tháp cao hơn, như thực sự muốn xé mây vươn lên tận trời.

Sức lực của cả đất nước cứ ngày ngày bị dồn vào tòa tháp Vấn Thiên cao vút.

Bác Ba là một trong số những tiều phu năm đó lên rừng rồi mất tích. Nghe nói họ đã gặp được phép màu trên núi, tìm ra mảnh đất này giấu giữa rừng hoang. Bác Ba đã cởi tấm áo tơi, để lộ cơ thể cao nhưng hơi gầy, một vết sẹo chạy dài suốt dọc cánh tay trái. Bởi cánh tay không đủ linh hoạt, vậy nên bác là người ở lại để trông giữ bọn trẻ.

“Thế còn những người khác ạ?”

Dương thầm thì hỏi một người đứng gần. Sau gần hết một ngày túm tụm lại với nhau, cuối cùng đám trẻ cũng tản ra, chuẩn bị đi ngủ. Lương thực ở đây là loại cây mọc dại, gọi là hạt ý dĩ, trộn thêm với mấy loại ngô với sắn, vậy nhưng hình như đã khá lâu rồi Dương mới lại được ăn no đến vậy. Nó đã nghe những đứa trẻ kể về bác Ba, nhưng nó cũng nghe chuyện về những người tiều phu, hình như họ đông lắm.

Bác Ba rửa tay, cọ dọc theo vết sẹo bằng một miếng vải thấm nước ấm.

“Đi đốt tháp rồi chết cả rồi.”

Bác Ba quý chữ hơn vàng, chỉ đáp lại nó có vậy. Dương nghe vậy liền thôi. Thực ra nó cũng không quá tò mò như thế, chẳng qua là nó muốn tìm người để nói chuyện, để lòng nó bớt cảm giác trống trải. Nó nhớ mẹ, nhớ cái bóng lặng lẽ của bà in trên vách tường, nhớ bàn tay lạnh lẽo như thấm đẫm sương mai.

Trong suốt những năm nuôi nấng nó, cả cha và mẹ đều thích nói với nó một câu. “Nhỡ mai này con không ở bên mẹ” hay “Nhỡ không có cha…”, giờ thì chẳng nhỡ nhàng chi nữa. Cha nó đã chết trên công trường năm ngoái và giờ thì nó thực sự chẳng được ở bên mẹ.

Người lớn ấy mà, họ không cho bọn trẻ con cắm đôi đũa vào bát cơm, không được cắt móng tay khi trời tối…, vì sợ mang lại vận rủi. Thế mà họ lại được tự do nói những điều rủi như “nhỡ chẳng may” kia, giờ thì nó lại trót thành sự thật mất rồi. Dương ủ rũ nghĩ, cuộn mình lại chặt hơn, tay ôm lấy cánh tay, chân co lên như một bào thai còn nhỏ xíu. Đã từ lâu, mẹ luôn dạy nó cách ở một mình.

“Sống được mới nhìn thấy được ngày mai.”

Nhưng ngày mai không còn ánh mặt trời thì phải làm gì?

Cái ngày Dương được sinh ra, trời âm u cả ngày. Bởi vậy đôi vợ chồng đó đặt tên con là Dương. Ánh mặt trời vén màn đêm u tối.

Dương ngẩng đầu nhìn lên khung cửa sổ vẫn còn mờ tối. Người đàn ông khẽ thở dài, cái bóng hình như hơi nghiêng đi bên khung cửa. Bác Ba nhìn thấy nó đã dậy từ rất sớm, hình như những đứa trẻ mới đến luôn bị lạ giường. Vậy nên thấy chúng dậy sớm, ngơ ngác nhìn mình, người đàn ông ấy cũng chẳng ngạc nhiên. Giống như một bóng ma, người đàn ông ấy nhẹ nhàng lướt qua căn phòng, đi về phía cửa. Đứa bé ngơ ngác dõi nhìn theo từng cử động. Cuối cùng bác Ba cũng ngoắc tay, ra hiệu cho nó đi cùng. Thằng bé rón rén rời giường, lặng lẽ đi theo người đàn ông cao lớn.

Họ lặng lẽ đi mãi. Dương đã nghĩ họ sẽ cùng đi săn bắn hay gì đó. Thế nhưng, hóa ra bác Ba lại đến đứng trên một mỏm đá. Biển mây như vờn dưới chân.

Bỗng bác Ba chỉ xuống đó.

“Có thấy gì không?”

“Mây ạ.” Thằng bé ngập ngừng một chút, “Và cả rừng nữa.”

Dương nhìn mãi, chỉ thấy những đám mây tan ra rồi tụ lại, bên dưới là cánh rừng mờ ảo, xa hơn nữa, hình như thấp thoáng có những mái nhà. Nó cứ nhìn mãi, muốn kiếm tìm một câu trả lời làm vừa ý người đàn ông trầm lặng bên cạnh, thế nhưng ông chẳng nói gì thêm.

Mặt trời lên càng cao. Ánh mặt trời chiếu xuống không quá mức gay gắt nhưng vẫn đủ làm nó chói mắt. Không khí vẫn lạnh hơn dưới chân núi khiến nó đôi lúc phải rùng mình. Thế nhưng nắng như hòa tan bớt mây, rẽ những đám mây dày như cỏ rối, để nó nhìn được xa hơn.

Xa kia hóa ra chính là kinh thành. Ngọn núi Đoạn chia đường từ kinh thành đến làng mạc dưới chân núi xa xa. Kinh thành phồn hoa chỉ cách làng mạc nghèo khổ ấy có một bức tường thiên nhiên.

Dương nhận ra kinh thành, bởi cha nó khi còn sống từng nói rằng ở kinh thành có một tòa tháp rất lớn. Tòa tháp có rất nhiều tầng đặt lên nhau, hết lớp này đến lớp khác. Thằng bé con đặt những hòn sỏi lên nhau, hỏi cha nó rằng tòa tháp trông như thế này chăng. Cha nó lắc đầu, bảo rằng tòa tháp đó đâu chỉ có ba tầng ngắn cũn. Tòa tháp sẽ cao, cao lên đến tận trời, đến tận mây xanh. Những hòn sỏi đặt lên nhau, dù cố cách mấy cũng chẳng thể chồng cao lên được.

Cha nó chợt nghĩ cách, cầm một cái que dài, dùng dao vót lên từng lớp. Những lớp gỗ cong cong hướng lên.

“Đó, mái tháp cong cong như vậy mới đúng.”

Cha nó tỉa từng lớp, nhẹ tay uốn đoạn mùn cưa lên. Nó cầm cái que dài, giương lên như một món đồ chơi. Đó là tòa tháp của nó. Đến cuối ngày, nó bắt được một con châu chấu, kẹp trong tòa tháp và nướng lên. Tòa tháp của nó đã ám khói, cháy lên cùng mùi thịt châu chấu.

Nó không biết chỉ hơn một năm sau, cha nó cũng có một tòa tháp. Tòa tháp mà người ta làm cho cha tỉ mỉ hơn, làm bằng chiếc đũa vót bông. Những cánh mùn cưa xoăn tít, chen chúc vào nhau, trông như một bông lau lớn. Mẹ cắm ngọn tháp ấy vào bát cơm, đặt lên cái bàn thờ cao cao. Cha nó đi xây một tòa tháp, lại có được một tòa tháp cho riêng mình.

“Bắc thang lên hỏi ý trời…” Bác Ba lầm bầm. “Ngọn tháp nhỏ xíu ấy làm sao so được với núi non này mà đòi với tới trời.”

Dương nhìn mây lãng đãng phớt qua ngọn tháp. Nó nhỏ xíu, những tầng trên còn để lộ phần ruột bên trong trông như một bộ xương cá.

Bộ xương thảm hại trơ mình trong nắng mai. Vậy nên phải đắp thịt, đắp máu cho nó. Xương cá, thịt người.

Mấy năm sau đó, những đứa trẻ dưới chân núi vẫn tiếp tục được đưa lên núi. Dương giờ đã biết một chút võ nghệ, biết đọc, biết viết. Những lớp anh lớn lại giúp dạy những đứa trẻ nhỏ. Thỉnh thoảng những anh lớn lại đi, đi biền biệt. Bác Ba vẫn ngày ngày nhìn xuống tòa tháp Vấn Thiên, giống như chờ đợi điều gì đó.

Vào năm thứ mười bốn, tháp Vấn Thiên lại cháy một lần nữa.

Giống như đã được báo trước, cả tuần trước đó, bác Ba luôn có vẻ bồn chồn, đôi lúc lại như vui vẻ chờ mong. Đúng đến ngày đó, trong đêm tối, bác gọi cả đám trẻ cùng đi về phía mỏm đá. Dương háo hức đi theo.

Lửa rực cháy trong đêm, rực rỡ như mặt trời vén mây mù. Từ trên mỏm đá, đám trẻ trầm trồ ngắm nhìn ngọn lửa. Trong đôi mắt bác Ba là ánh sáng, bác nắm chặt cái gậy trong tay, Dương nhìn thấy cả cái gậy cũng run lên theo nhịp thở hỗn loạn của bác. Thằng bé nghe thấy tiếng khò khè vui mừng trong cổ họng của người đàn ông dường như luôn kiệm lời và chẳng bao giờ bộc lộ cảm xúc ấy.

Thế nhưng ngọn tháp được dập lửa khi vẫn chưa bén lên được đến tầng cao nhất.

Ngọn lửa trong mắt họ cũng nhanh chóng biến mất.

Chưa đủ.

Giá mà ngọn lửa ấy rực rỡ hơn, lan rộng hơn.

Đêm hôm ấy, Dương đã nằm mơ, mơ thấy nó được cùng các anh em xuống núi. Bọn chúng đều đã lớn khôn, không còn là những đứa trẻ tội nghiệp chỉ biết dựa vào nhau mà sống. Tay và chân chúng dài ra, bọc trong lớp giáp óng ánh. Chúng không phải lén lút đi theo những con đường mòn bất tận mà xuống. Chúng bay xuống như bầy chuồn chuồn rực lửa. Từ trên trời cao, chúng nhận được ý chỉ của thần linh, đến đáp lời nhân gian, thắp lên ngọn lửa rực rỡ lan tràn khắp kinh thành.

Tháp Vấn Thiên rực cháy không ngơi nghỉ. Cháy mãi đến khi tất cả hóa thành tro tàn trong tiếng hân hoan. Rồi từ đó, tất cả chúng đều bay vút lên cao, cao mãi.

Bắc thang lên hỏi ông giời,

Muôn điều cay đắng trong đời khổ đau.

Hết


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}