5 - Đoàn tàu một chiều


Sau ba lần nguy kịch trong hai ngày, bà ngoại cô cũng bước lên đoàn tàu một chiều mà ông cô từng ngồi mấy năm trước.


Giây phút bà chuẩn bị lên tàu, đôi mắt mờ đục không giấu nổi những tia sáng rạng rỡ. Bà thủ thỉ với cô trước nhất, người đi không ngoảnh đầu lại, nên cô đừng trông bóng theo bóng bà rồi xót xa. Tới cõi chân chẳng được chạm đất, nào còn đạp gai, nào biết đớn khổ, cô ở lại, đặt một bước đi là nghe một bước đau, nên thôi, chớ nhọc lòng về cái bóng đã về chốn cực lạc.


Rồi bà cho những người ở trong phòng nghe thấy, di chúc bà viết trước hôm tiễn ông mấy ngày, có luật sư làm chứng, để trong hộc tủ cạnh giường, qua mấy mươi ngày đầu tiên đó hẵng công bố.


Câu cuối cùng, bà dặn, từ nay về sau đừng ai làm phiền cuộc sống của cô nữa.


Máy lại kêu một tiếng dài, như còi hiệu hú vang báo giờ đoàn tàu lăn bánh, mở đầu cho cuộc chia ly đẫm nước mắt với sự góp mặt của đông đủ họ hàng cùng với cô – luôn là người đại diện duy nhất của gia đình từ nhiều năm trước.


Lâu lắm rồi mẹ cô mới xuất hiện trong gian nhà khang trang được xây lại từ tiền của mẹ là chính, gương mặt phảng phất nét dằn vặt, chắc do mẹ đã không thể ở cạnh mẹ ruột lúc lâm chung.


Mẹ lại gần nhìn cô, thấy con gái mình gầy rộc đi, hai mắt trũng xuống, thâm quầng, tương phản với khăn tang trắng muốt trên đầu. Người phụ nữ vừa bước qua tuổi ba mươi sáu khẽ nuốt nước bọt, thấy lòng mình đắng ngắt, sống mũi cay xè, giơ tay định ôm lấy cô, chẳng ngờ, cô lại hơi lách người, né khỏi vòng tay mẹ.


"Lát bố con đưa em đến."


Cô “Vâng” một tiếng trước câu nói chữa ngượng của mẹ, chẳng biết nói gì thêm. Phát tang xong, chòm xóm bắt đầu sang nhà thăm hỏi, chia buồn, tiếng trống kèn lạnh ngắt hòa giọng người rầm rì không ngớt, lời đáp trơ trọi của cô như treo trên không trung, lạc lõng, khô khốc. Mẹ định nói thêm gì đó, nhưng cô chỉ dẫn bà vào phòng để nhân viên dịch vụ mặc áo xô cho bà, sau đấy ra ngoài đun nước mời khách, phụ các mợ chuẩn bị đồ ăn tối nay và sớm mai.


Thật lòng mà nói, cô vừa không biết cách an ủi mẹ mình, vừa không muốn làm điều ấy.


Gần nửa đêm, đèn ô tô rọi sáng con đường mới đổ bê tông được mấy hôm. Cô buông tay chổi, dẹp mấy cái ghế cái bàn, mở rộng cổng cho ông đánh xe vào sân.


"Bố."


"Mẹ đâu?"


Ông hỏi trật khấc, rồi tự tìm được đáp án. Vợ ông thẫn thờ ngồi trong phòng đặt linh cữu hẵng sáng đèn và còn chong đèn suốt vài ngày tới.


Em trai cô xuống xe, ôm cái ba lô trước ngực, hai mắt đỏ hoe, cứ nhìn cô mãi. Cô vuốt vuốt bên vai cậu, nhỏ giọng thầm thì “Không sao” rồi dẫn vào chỗ mẹ, còn mình đi cất đồ, hâm cơm.


Lam đứng cạnh bếp, trông vào ngọn lửa gas xanh rực, yên lặng chờ nồi canh hầm ban chiều sôi, não rỗng tuếch, trái tim như bị khoét ra, tưởng như thứ rót đầy cả thân thể cô lúc này là âm thanh lục bục từ nồi xương hầm.


Rốt cuộc, đến cả việc thở dài, cô cũng chẳng làm nổi.


"Ăn đi, chị lên cho bố mẹ nghỉ."


Chờ Dương ngồi xuống, cô bới cơm ra tô, xoa đầu cậu rồi lững thững đi lên nhà, chân trần chạm nền gạch hoa nhẹ bâng. Chẳng được mấy lâu, em trai cô cũng lên nhà, ngồi cạnh chị gái đã gần nửa năm rồi không gặp.


Các cậu, các mợ vừa lục tục kéo ra cổng, khách khứa về từ sớm, phường bát âm đã giải tán được hồi lâu, văng vẳng khắp căn nhà chỉ còn chiếc loa tụng kinh A di đà phát ra tiếng hơi rè rè, hòa chung với hơi thở khẽ khàng từ những con người đang chợp mắt, cố gắng vượt qua nỗi đau, hoặc là vượt qua hành trình giả vờ mình đang mang nỗi đau.


"Thi thế nào rồi?"


Cô mở lời trước. Em trai cô hoạt bát, lại còn dễ xúc động, cô sợ bầu không khí nặng nề tang thương này làm em mình ngạt thở mất.


"Chị mệt không?"


Dương không trả lời mà hỏi ngược lại. Ngọn đèn sáng treo cuối phòng vẽ lên đường dáng khuôn mặt cậu, dù chưa trổ hết nét nhưng đã bắt đầu xuất hiện sự nam tính.


Cậu bé năm nào còn khóc trong vườn, còn đứng lấp ló trước cửa phòng cô, chỉ vài năm nữa thôi sẽ thành đàn ông thực thụ.


Nhón chân bước vào phòng cô lấy ba lô, em trai cầm con gấu bông sờn nhiều chỗ, nhưng vẫn sạch và thơm mùi nước xả, nhét vào lòng cô.


Lam nhìn con gấu bông, nhìn em trai, rồi lại nhìn ảnh bà cười thật hiền, bỗng lệ trào khóe mi, bao nhiêu nức nở giấu nơi sâu nhất trong tâm hồn như òa ra, vỡ tan theo từng tiếng nấc nghẹn ngào, theo từng hồi run rẩy không thể che giấu.


Đây là con gấu bà mua tặng cô nhân dịp sinh nhật, cũng là lúc cô sống với ông bà được một năm.


Ký ức bị thời gian xóa mờ như trở về theo dòng nước mắt, những mảnh ghép ký ức dần rót đầy cả bộ não lẫn trái tim, về ngày cô được bà cõng trên lưng đi khắp con đường đất, về ngày ông đèo cô sau chiếc xe đạp, lén bà mua cho cô mấy cái kẹo xanh đỏ đủ mùi vị, về ngày bà che tai cô lại, mắng mấy mợ nhiều chuyện, về ngày cô trèo trên ngọn bơ, giúp ông bà xem quả đã già chưa.


"Hình như… nhà… hình như… không còn nhà nữa…"


Tháng năm phố thị làm sao che giấu đi ngọt ngào thơ ấu, ngày dài nằm viện khổ nhọc làm sao khuất lấp đi nụ cười từng rạng trên môi trẻ.


Thời gian không tàn nhẫn, chỉ có con người mới mài thời gian thành lưỡi dao bén nhọn.


Dương ôm cả cô, cả gấu bông, nước mắt nóng hổi rơi từ đuôi mắt ai thấm ướt vai áo ai.


"Bà đi rồi, chị còn có em mà. Em sẽ là nhà của chị."


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}