Mẹ cô ở quê chăm bà ngoại được hai ngày, tới ngày thứ ba, bên xưởng gỗ có chuyện gấp, buộc bà phải về ngay.
Sau này mẹ về thành phố, những điều xì xào, bàn ra tán vào về cô ngày càng nhiều hơn. Một cách chính xác, là họ nói về cô mà không còn bất cứ sự dè chừng nào nữa. Ở trước mặt, họ bảo cô thay mẹ trả hiếu, là cháu ngoan, là đứa biết đền ơn. Nhưng vẫn là những kẻ đấy, cô còn chưa kịp quay lưng đi, đã nói những chuyện mà theo hình dung của chính cô, thì chẳng khác nào Lọ Lem trong khoảnh khắc đồng hồ điểm mười hai giờ.
Cũng là con nhà giàu đấy, nhưng phải sống trong cảnh giống như nghèo khó. Rồi từ trên trời rơi xuống một vài đặc ân về vật chất, tồn tại hữu hạn, vào thời điểm đồng hồ chỉ mười hai giờ, tất cả mọi thứ biến mất, như giấc mộng phồn hoa.
Nhưng giấc mộng phồn hoa của Lọ Lem mang đến cho Lọ Lem nhiều cảm xúc, sự trông đợi, niềm rạng rỡ và cả những luyến lưu, còn cô thì không.
Với Lọ Lem, nơi nàng vẫn quét tước hàng ngày đó, là nhà, còn cô thì không.
Sống cảnh giàu sang nào có vui, mà về với núi đồi cũng chẳng hạnh phúc nổi.
Mỗi buổi trưa, khi cơm nước, dọn dẹp xong xuôi, bà nằm thiêm thiếp, cô lại ngồi ngoài hè, hết nhìn lên trời cao trong vắt lại nhìn ra ngút ngàn cây xanh. Mọi thứ vẫn như vậy, cảnh vật chẳng có gì thay đổi từ ngày cô rời đi.
Thứ duy nhất thay đổi, là con người.
Ngày cô đi, hẵng còn là đứa trẻ chưa biết lo toan, sống trong tình yêu của ông bà và ngóng bố mẹ như đất hạn mong mưa rào. Ngày trở về, ông đi xa, bà nằm một chỗ, các mợ bận hết chuyện này sang sự nọ, khi buôn chuyện thì rỗi rãi mà lúc bà ngã bệnh lại tỏ ra bận rộn đến mức thở chẳng ra hơi. Đã thế, mỗi lần các cậu đi công tác về, sang nhà thăm thì mấy mợ lườm ngắn nguýt dài.
Những lúc bà khỏe, cô dìu bà ra ngồi trước hiên. Bà nắm tay cô thủ thỉ, may mà chưa chia tài sản cho ai, chia rồi không biết có bóng nào tới xó nhà này đoái hoài đến bà hay không. Hóa ra, thứ duy nhất để giữ chân những đứa con sống cách bà mấy bước chân, là phần đất vườn đương trồng cây công nghiệp, cây ăn trái.
Bà bảo, con cái lớn rồi, có suy nghĩ, cuộc sống riêng rồi, không giữ được.
Cô lại nghĩ về nhà nội, với câu nói như thắt ruột gan của mẹ mình, rằng bố cô đã là cha của hai mặt trẻ, nhưng bà nội chưa bao giờ “buông” ông ra.
Cứ nhớ đến đoạn ấy, Lam lại nắm chặt tay bà, vuốt lấy làn da nhăn nheo đã điểm mồi. Chẳng cần ai giữ, cô tự nguyện ở đây với bà.
“Hôm qua em sang lớp thanh nhạc rủ Khôi đi mua đồ chung.”
Trong những năm tháng quắt quay xoay mình như con thoi giữa trường học và giường bệnh, niềm vui duy nhất của Lam là được nghe em trai kể chuyện. Vẫn là những đoạn hội thoại nói về bản thân thì ít, mà đề cập tới Khôi là nhiều.
“Em thấy trong lớp có người nhìn sau lưng giống chị lắm, tóc cũng dài, đeo cái ba lô đen. Em tưởng là chị luôn á!”
“Để em xin bố, thi xong em và mẹ lên thăm bà với chị tiếp.”
Quay qua quay lại, em trai đã chuẩn bị thi chuyển cấp, còn cô thì nghỉ học sau khi tốt nghiệp cấp hai. Bệnh của bà ngày một nặng thêm, thời gian tỉnh táo mỗi ngày một ngắn lại, còn người ở bên chăm sóc bà ngày một ít đi. Thì bận đủ đường cả, nào thì con nhỏ, nào thì vườn tược, nào thì gà thì lợn thì chó thì mèo.
“Thi xong rồi tính. Mai thi rồi phải không?”
“Vâng, mai thi.”
“Cứ làm hết sức là được nhé.”
“Chị này…”
Hiếm khi em trai cô ngập ngừng. Lam hơi nhíu mày, kẹp cái di động đã cũ vào giữa má và vai, dém lại góc chăn và nhìn bà lần cuối trước khi bước ra hành lang.
“Sao vậy?”
“Em nghe mẹ bàn với bố là thuê điều dưỡng riêng chăm sóc cho bà, hoặc là đưa bà về nhập viện ở dưới này, để chị đi học tiếp. Lần này bà không muốn thì mẹ cũng quyết rồi đấy.”
Cô tần ngần một hồi, định mở miệng nói nhưng lại thôi. Đây không phải lần đầu tiên mẹ cô nói sẽ thuê điều dưỡng đặc biệt để chăm sóc bà ngoại để đón cô về thành phố học cấp ba. Nhưng cô cho rằng, cô có biết bao nhiêu năm nữa để đi học, còn bà chẳng mấy nữa mà lìa đời. Giây phút này, người thân ra đi, người lạ trờ tới, tủi hổ biết bao.
“Chị… không muốn về nhà với em ạ?”
Ở đầu dây bên kia, giọng em trai dường như nghẹn lại, mà đầu dây bên này, khóe mắt cô cay cay. Cô hít vào một hơi, cố không để em nghe thấy tiếng mình như đang vỡ ra.
“Đừng nghĩ thế, đợi bà khỏe lại rồi chị về. Ở nhà nghe lời bố mẹ, cố gắng thi…”
Chưa nói dứt lời, cô nghe tiếng máy móc kêu inh ỏi bên trong phòng, kéo một hồi dài dến xót xa.
Bình luận
Chưa có bình luận