Năm bảy tuổi, Lam được bố mẹ đón về nhà.
Loáng thoáng trong cơn mê lúc tỉnh, cô nghe thấy bố thấp giọng. Ông nói, trông cô như con khỉ con.
Suýt chút nữa, bằng tâm hồn trắng xóa vô tư lự và nỗi khát khao được yêu thương, cô nghĩ đấy là câu khen dành cho sự đáng yêu, thông minh, hay gì đó giống thế. Nhưng không, đó là lời mạt sát đầu tiên, khơi mào và bắt đầu cho chuỗi ngày không lấy gì làm vui vẻ của cô. Đằng đẵng suốt bao nhiêu năm chừng.
Mẹ ôm em trai đương ngủ say trong lòng, yên lặng nghe ông nói cô chẳng giống con gái chút nào, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, thoắt một cái đã leo đến ngọn cây. Nào trách được, lần đầu tiên sau bốn năm xa cách, sau cả những lời ông bà ngoại khen cô ngoan ngoãn, thông minh, biết phụ việc nhà, ông thấy cô đang đu mình trên cành bơ, mấy cái lá khô hẵng cắm đầy trên đầu.
Cô trông cái nhướn mày kinh ngạc cùng nụ cười tắt ngấm trên môi người đàn ông vốn chỉ được nhìn qua ảnh, nghe trái tim bé bỏng đánh thót một cái. Hóa ra, nét dữ dằn mờ nhạt trên tấm hình cũ nhàu, trông như thế này.
Xen giữa lời càu nhàu của ông là tiếng em trai thở đều, chốc chốc lại cựa mình một cái. Mẹ cô vẫn làm thinh, lặng nghe như thể đó là một tràng miêu tả bâng quơ về đứa trẻ nào đó nơi miền sơn dã chứ không phải con gái mình.
Sau này, khi nhắc về gia đình, Lam vẫn không thể nào quên được cái nhíu mày của bố phản chiếu trên gương chiếu hậu. Nó nhắc cô rằng, lời ông nói không sai. Trong mắt bố, cô là một con khỉ con, là đứa trẻ mang họ giống với ông, lớn lên cùng núi đồi, chứ chẳng phải là con gái ông.
Nhà ông ngoại cách nhà bố mẹ gần bốn tiếng chạy xe. Cả nhà Lam dừng ở quán ăn trong trung tâm thành phố, cô xiết chặt con gấu bông trong lòng, vờ nhắm mắt như chờ ai đó tới gọi cô dậy. Cả ba cùng nhau xuống xe như một thói quen, dường như quên mất sự hiện diện, hay mục đích của việc họ phải ngồi ê mông suốt quãng thời gian rất dài, đi trên cung đường rất xấu và phải cố gắng thấp giọng gầm ghè nãy giờ.
Lam loay hoay với cái cửa xe kẹt cứng, tiếng giật chốt khóa lạch cạch hay tiếng vỗ bồm bộp trên cửa kính không khiến họ mảy may quay lại. Mắt Lam ầng ậng nước, nhìn theo bóng ba người ríu rít đi xa dần.
Mãi đến khi bóng người chỉ còn cao bằng ngón tay, mẹ cô chợt đứng lại. Chùi vội dòng nước mắt tèm nhem trên mặt, Lam chuẩn bị giơ tay ra chờ bà dẫn mình theo như dẫn em đi. Mà chẳng, những gì cô nhận được chỉ là cái vỗ đầu từ mẹ và ổ bánh mì chà bông nguội ngắt.
Bà lại vội vã đi tới chỗ bố và em đang chờ, ba người dắt tay nhau vào quán ăn, như cách họ đã, đang và sẽ sống tiếp cuộc sống này.
Cô gặm chiếc bánh mì cứng ngắc, vừa không dám nhìn, lại vừa len lén nhìn vào quán ăn. Đứa em trai chỉ kém cô một tuổi hẵng còn được mẹ lau tay cho trước khi ăn, vui vẻ thưởng thức món gì đó mà từ trước đến nay cô chưa từng nếm qua, trong ánh mắt trìu mến của mẹ.
Bỗng Lam mếu máo. Cô nhớ bà, dẫu chỉ mới tạm biệt bà mấy tiếng trước thôi. Cách mẹ nhìn em trai giống hệt như bà nhìn cô mỗi lúc ăn cơm, hay mỗi lúc cô líu lo chung quanh bà vậy. Cô không muốn về thành phố, chẳng muốn rời xa nơi mà cây cối, chứ không phải nhà cao tầng, mới là thứ trải dài tầm mắt.
Mà có được đâu, ông ngoại yếu nhiều lắm, nếu phải lo thêm cho cô, bà ngoại kiệt sức mất. Theo lời mấy mợ thì sống thành phố lớn tốt hơn nơi này nhiều. Ở thành phố, cô sẽ là nàng tiểu thư nhà giàu, được ăn sung mặc sướng, váy áo xúng xính diện dàng, học trong trường xịn, chứ chẳng phải làm đứa trẻ suốt ngày lấm lem, quanh năm chỉ biết leo cây, bắt châu chấu cào cào và chạy ào ra sân với đám bạn trạc tuổi giữa trời mưa đổ.
Cô vứt cái bánh mì ra tận đầu kia băng ghế, ngồi nép vào cửa, chảy nước mắt nhìn đứa em được bố gắp đồ ăn bỏ vào chén. Nét hung dữ lúc nhìn cô trên cây như biến mất, thay vào đó là một ai đấy rất đỗi dịu dàng.
Thỉnh thoảng, mấy mợ ngồi trong sân nhặt rau, chọc cô rằng bố mẹ có em trai rồi, bố mẹ không cần cô nữa đâu. Mỗi lần nghe được, bà ngoại lại mắng mợ hồi lâu, nhưng đâu lại vào đấy, họ sẽ thường nói điều này khi bà không ở cạnh cô.
Bà ngoại bảo, các mợ tị nạnh với cô, tị nạnh với mẹ cô nên nói vậy.
Nhưng có lẽ, những người phụ nữ lắm điều, có phần ngoa ngoắt và thường chê bôi ai đó sống khá hơn mình, cốt để thỏa cái sự ganh ghét ở cái chốn tiếng chó gà mau hơn giọng con người ấy, nói đúng.
Họ không cần cô nữa, từ lâu lắm rồi.
Bình luận
Chưa có bình luận